thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
“Má bảo tội nghiệp con Hai nó mê... Nguyễn Viện... nên khổ”

 

Nhóm bạn bè của tôi, cũng như tôi, là những độc giả theo dõi Tiền Vệ hàng ngày, và trong hơn một tuần lễ vừa qua chúng tôi có những cuộc bàn cãi sôi nổi về chuyên đề NGUYỄN VIỆN. Đề tài chính để chúng tôi bàn cãi là ngôn ngữ tình dục trong các tác phẩm của Nguyễn Viện.

Một số bạn bè của tôi đặt vấn đề liệu nhà văn có cần phải dùng những chữ “tục tĩu” trong các tác phẩm của ông hay không. Nghĩa là nếu thay thế những chữ đó bằng những chữ “thanh lịch” hơn thì có làm thay đổi nội dung hay giá trị của tác phẩm hay không.

Vài người lại cho rằng những chữ bị xem là “tục tĩu” thật ra là những chữ thuần Việt, và nếu thay chúng bằng những chữ Hán-Việt thì văn phong tất nhiên bị thay đổi hẳn, nghe ra thành giả tạo. Ví dụ: nếu câu văn “Má bảo tội nghiệp con Hai nó mê cặc nên khổ” (trong truyện “Gió ở lưng”) mà sửa thành “Má bảo tội nghiệp con Hai nó mê dương vật nên khổ”, thì nghe rất là mất tự nhiên, vì chẳng có bà già bình dân nào mà thình lình chêm một cái dương vật “thanh lịch” vào giữa câu như vậy cả.

Phe “thanh lịch” không chịu thua, bảo nếu vậy thì tại sao không viết lại câu văn thành “Má bảo tội nghiệp con Hai nó mê trai nên khổ”? Nhưng phe “tự nhiên” cãi lại rằng câu “Má bảo tội nghiệp con Hai nó mê cặc nên khổ” thì khác hẳn với câu “Má bảo tội nghiệp con Hai nó mê trai nên khổ”, vì xét kỹ về ý nghĩa thì sự “mê cặc” khác với sự “mê trai”. Một đằng rõ ràng là sự đam mê tình dục, một đằng chỉ là sự lãng mạn, lẳng lơ.

Phe “thanh lịch” vẫn không chịu thua, cho rằng một cô gái “mê trai” thì rốt cuộc cũng theo trai mà vào... giường. Vì thế, chỉ cần nói “mê trai” là đủ để độc giả hình dung, chứ cần gì phải nói toẹt ra sỗ sàng như vậy. Văn chương hay ho ở cái ngụ ý, gợi óc tưởng tượng của độc giả. Nói toẹt ra thì đâu còn gì hay ho nữa.

Phe “tự nhiên” không đồng ý, cho rằng văn chương hay ho thì không phải lúc nào cũng ngụ ý. Chỗ nào cần ngụ ý thì ngụ ý, chỗ nào cần nói toẹt ra thì nói toẹt ra. Có như vậy thì cái giọng văn mới phong phú, cái cường độ mới thay đổi một cách uyển chuyển, thích nghi.

Vân vân và vân vân. Chúng tôi hàng ngày gặp nhau ở quán cà phê, và mỗi lần ngồi với nhau thì lại cãi tiếp về đề tài đó, nhưng xem ra tình hình vẫn bất phân thắng bại. Phần tôi thì tôi không cãi, chỉ đóng vai trung lập, thích thú theo dõi cuộc tranh tài của hai phe.

Chiều nay, tôi bị cả hai phe đòi hỏi cho biết ý kiến. Tôi đành phải phát biểu.

Tôi nói với các bạn của tôi rằng tôi không muốn xác định tôi theo phe nào cả. Thay vào đó, tôi xin hứa rằng đêm nay tôi sẽ viết một bài ngắn, trong đó tôi sẽ kể một chuyện khác về nghệ thuật dùng chữ trong văn chương.

Dưới đây là câu chuyện mà tôi muốn kể cho các bạn của tôi:

Một đêm tháng Mười năm 1955 ở Mỹ, Allen Ginsberg đọc một phần của bài thơ Howl, một bài thơ dài của ông, trước công chúng tại Six Gallery. Sau đêm đọc thơ đó, ngay lập tức nổi lên những cuộc tranh cãi huyên náo trong giới độc giả và ngay cả giới thi sĩ. Thời ấy, giữa thập niên 50 ở Mỹ, những cuốn tiểu thuyết như Lady's Chatterley's Lover của D. H. Lawrence, Tropic of Cancer Tropic of Capricorn của Henry Miller vẫn đang bị cấm xuất bản, vì quan niệm thời ấy cho rằng “chuyện sex” là chuyện khiêu dâm, và chuyện khiêu dâm thì bị pháp luật cấm phổ biến.

Vậy mà Allen Ginsberg dám cả gan dùng những chữ như “fuck”, “cunt”, “snatch”, “cock”... trong bài thơ Howl. Ông còn dám cả gan đem những hình ảnh đồng tính luyến ái vào thơ nữa! May mà ông chỉ đọc một phần bài thơ, chứ nếu ông đem ra xuất bản thì chắc chắn là... rất mệt!

Quả vậy, chẳng có nhà xuất bản nào dám in bài thơ dài đó. Họ sợ phải vác chiếu ra toà.

Thế nhưng, ngay năm sau đó, năm 1956, một nhà sách nhỏ bé tên là City Lights, vừa mới ra đời, của nhà thơ Lawrence Ferlinghetti ở San Francisco, đã liều mạng in bài thơ Howl thành sách.

Ngay sau khi những ấn bản đầu tiên được bày bán trong nhà sách City Lights, thì nhà thơ Lawrence Ferlinghetti, chủ nhà sách, bị cảnh sát bắt giam và bị truy tố ra toà về tội truyền bá dâm thư. Thiên hạ xôn xao bàn tán và hồi hộp theo dõi, và báo chí Mỹ lúc ấy được một mẻ ồn ào ra phết.

Trước toà, trong lời buộc tội, công tố viên chủ yếu nhắm vào những chữ “tục tĩu” và những những hình ảnh đồng tính luyến ái trong bài thơ Howl. May thay, sau khi đọc kỹ tác phẩm và suy xét cẩn thận, quan chánh án tuyên bố rằng Howl không phải là dâm thư. Và vụ án chấm dứt.

Tất nhiên, lập tức danh tiếng Allen Ginsberg và bài thơ Howl nổi lên như cồn nhờ cái “scandal” ấy. Nhưng cái danh tiếng ấy chẳng phải chỉ là một trò thời thượng chóng tàn đâu nhé. Từ đó đến bây giờ đã hơn nửa thế kỷ rồi, và bài thơ Howl của Allen Ginsberg đã hiển nhiên trở thành một điểm sáng trong văn chương Mỹ.

Với bài thơ Howl, Allen Ginsberg được giới phê bình xem là người tiên phong đem cái ngôn ngữ “tục tĩu” vào thi ca nước Mỹ!

Kể câu chuyện đến đây thì tôi khó lòng mà đóng vai trung lập trong cuộc tranh cãi của bạn bè tôi về ngôn ngữ văn chương Nguyễn Viện. Thế thì tôi đành phải thú nhận rằng tôi ủng hộ lối viết của Nguyễn Viện.

Ngày mai, trong quán cà phê, tôi sẽ nói với các bạn tôi: Tôi thích câu văn “Má bảo tội nghiệp con Hai nó mê... Nguyễn Viện... nên khổ.” Và chắc chắn là tôi phải dính vào vụ tranh cãi với phe “thanh lịch” của những người bạn yêu văn chương.

 

 

----------------

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021