thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tôi đã được các thiên thần đến thăm viếng như thế nào

 

Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

DANIIL KHARMS

(1905-1942)

 

Daniil Kharms (tên thật là Daniil Ivanovich Yuvachev) là nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch người Nga, sinh ra tại St. Petersburg. Thân phụ của ông là Ivan Yuvachev, một thành viên nổi tiếng của nhóm cách mạng “Nguyện Vọng Nhân Dân”. Daniil chào đời trong lúc thân phụ của ông đang bị cầm tù vì hoạt động chống sa hoàng. Sau này, chính Daniil lại bị cầm tù bởi chính quyền “cách mạng” của Stalin, rồi chết đói trong tù.
 
Từ năm 1924, Daniil Kharms bỏ trường đại học và dấn thân vào văn chương. Năm 1928, ông sáng lập nhóm OBERIU (Hiệp Hội Nghệ Thuật Thực Sự) với các thành viên là những nghệ sĩ tiền vệ triệt để. Chế độ Stalin không chấp nhận nghệ thuật của nhóm này, nên đã bắt nhốt Daniil Kharms vào năm 1931 và đày ông từ St. Petersburg đến Kursk. Năm 1932, ông được thả trở về St. Petersburg và vừa viết vừa sống nghèo đói lây lất cho đến khi bị bắt lần cuối cùng vào năm 1941. Họ nhốt ông trong trại tâm thần của nhà giam Leningrad số 1, và ông chết ở đó vào ngày 2 tháng 2 năm 1942, vì đói.
 
Năm 1962, một số tác phẩm ông viết cho thiếu nhi mới bắt đầu được ấn hành, và sau đó họ cho in một số truyện khôi hài của ông. Mãi đến năm 1987, chính sách glasnost mới cho phép xuất bản hàng loạt các tác phẩm chính của Daniil Kharms.
 
Nhà văn George Saunders nhận định: “Kharms nằm trong cùng một tủ sách với Tolstoy, Chekhov, và Babel... như một trong những nhà tiền phong vĩ đại của truyện ngắn đương đại. Trong thể loại này, truyện ngắn của ông sẽ là những tác phẩm ngắn gọn nhất, khôi hài nhất, và ở những phương diện nào đó, trung thực nhất... Truyện ngắn của ông gần như không có hình hài, nhưng vừa bạo động, buồn bã, vừa khoái hoạt và kinh hoàng trong cùng một lúc.”

 

_____________

 

TÔI ĐÃ ĐƯỢC CÁC THIÊN THẦN THĂM VIẾNG NHƯ THẾ NÀO

 

Có tiếng lắc cắc trong cái đồng hồ treo tường, và tôi được các thiên thần đến thăm viếng. Trước hết, tôi không nhận ra rằng mình được các thiên thần đến thăm viếng. Trái lại, tôi tưởng rằng có điều gì trục trặc trong cái đồng hồ treo tường. Nhưng rồi tôi thấy cái đồng hồ treo tưởng vẫn hoạt động bình thường, và có lẽ nó vẫn chỉ giờ chính xác. Thế rồi tôi phát hiện có một cơn gió nhẹ vụt qua trong phòng. Điều đó làm tôi giật mình: cái thứ gì có thể, cùng một lúc, làm cái đồng hồ treo tường kêu lắc cắc và một cơn gió nhẹ vụt qua trong phòng? Tôi ngồi xuống trên một chiếc ghế bên cạnh chiếc tràng kỷ và nhìn vào chiếc đồng hồ treo tường, nghĩ ngợi về điều đó. Cây kim dài chỉ số 9, và cây kim ngắn chỉ số 4, vì thế, bây giờ là bốn giờ kém mười lăm. Có một cuốn lịch trên tường phía dưới cái đồng hồ, và những tờ lịch đang lật nhanh, tưởng như có một cơn gió mạnh trong phòng. Trái tim tôi đập rất nhanh và tôi sợ đến nỗi sắp ngất đi.

“Mình phải uống một chút nước,” tôi nói. Trên cái bàn bên cạnh tôi có một phích đựng nước. Tôi vói tay lấy cái phích.

“Nước sẽ làm mình bình tĩnh trở lại,” tôi nói và nhìn vào nước.

Ngay lúc đó tôi mới nhận ra rằng mình đã được các thiên thần đến viếng thăm, nhưng tôi không thể phân biện được họ với nước. Tôi sợ, không dám uống nước, vì tôi có thể vô tình uống nhầm một thiên thần. Điều này có ý nghĩa gì? Chẳng có ý nghĩa gì cả. Người ta chỉ có thể uống nước. Các thiên thần có thể là nước hay không? Không. Thế thì tôi có thể uống nước, chẳng có gì phải sợ. Nhưng tôi lại không thể tìm thấy nước. Tôi đi lòng vòng trong phòng để tìm nước. Tôi cố nhét cái dây nịt vào mồm, nhưng nó không phải là nước. Tôi nhét cuốn lịch vào mồm, nhưng nó cũng không phải là nước. Tôi bỏ cuộc, không tìm nước nữa và bắt đầu tìm các thiên thần. Nhưng làm sao tôi có thể tìm thấy họ? Họ trông giống cái gì nhỉ? Tôi nhớ lại rằng tôi đã không thể phân biệt họ với nước, do đó, họ phải giống như nước. Nhưng nước trông giống cái gì? Tôi đứng im và ngẫm nghĩ. Tôi không biết tôi đã đứng im và ngẫm nghĩ trong bao lâu, nhưng thình lình tôi tìm ra.

“Nước đây rồi,” tôi nghĩ.

Nhưng đó chẳng phải là nước, trái lại tôi thấy ngứa trong lỗ tai.

Tôi lục lọi dưới tủ chén, hy vọng tìm thấy nước hay các thiên thần. Nhưng dưới tủ chén, trong một đống rác rưởi, tôi tìm thấy một quả bóng nhỏ, bị chó gặm mất một nửa, và dưới gậm giường tôi tìm thấy vài mảnh chai.

Dưới chiếc ghế, tôi tìm thấy một miếng thịt bò rán đã được ăn dang dở, tôi nhai nuốt nó và cảm thấy thoải mái hơn. Không còn có cơn gió nhẹ nào thoảng qua nữa, và cái đồng hồ treo tường đang kêu tích tắc đều nhịp, với hai cây kim ở vị trí bốn giờ kém mười lăm.

“Thế thì có nghĩa là các thiên thần đã đi mất rồi,” tôi nói thầm và bắt đầu mặc quần áo, bởi tôi có một cuộc hẹn.

 

22, tháng Tám, 1937

 

 

---------
Dịch từ bản tiếng Anh “How I Was Visited By Messengers” (không rõ dịch giả) trong sưu tập của Serge Winitzki.

 

Đã đăng:

Một câu chuyện  (truyện / tuỳ bút) 
... Vanya lấy bút chì ra và viết: “Ngày xửa ngày xưa có một ông vua...” Rồi chàng bắt đầu nghĩ ngợi và ngước mắt lên trần nhà. Lenochka liếc vào cuốn sổ tay và đọc đoạn văn của Vanya. “Câu chuyện này đã được viết rồi mà,” Lenochka nói... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Năm câu chuyện bỏ lửng  (truyện / tuỳ bút) 
Một người đàn ông nào đó, đang chạy ngon trớn, bỗng tông đầu vào một nhà lò rèn mạnh đến nỗi bác thợ rèn đang làm việc phải dừng lại, đặt cái búa tạ qua một bên, cởi tấm tạp-dề bằng da và, sau khi dùng bàn tay vuốt tóc cho tươm tất, bước ra đường để xem cái gì vừa xảy ra... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
[TRUYỆN CỰC NGẮN] (Hai truyện cực ngắn, viết dưới hình thức kịch bản) GOGOL té nhào từ cánh gà ra sân khấu và nằm im ở đó. PUSHKIN xuất hiện trên sân khấu, vấp phải GOGOL và té nhào... | NHÀ TOÁN HỌC (Rút từ trong đầu ông ra một quả bóng ) Tôi đã rút từ trong đầu tôi ra một quả bóng. Tôi đã rút từ trong đầu tôi ra một quả bóng. Tôi đã rút từ trong đầu tôi ra một quả bóng. Tôi đã rút từ trong đầu tôi ra một quả bóng... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
IỚIG ẾHT  (truyện / tuỳ bút) 
Có một dạo tôi tin rằng tôi đã nhìn thấy thế giới. Nhưng thế giới như một toàn thể thì mắt tôi không chạm tới được, tôi chỉ thấy những mảnh vụn của nó. Và tất cả những gì tôi trông thấy, tôi gọi là "những mảnh vụn của thế giới"... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
... NHÀ VĂN: Tôi là một nhà văn. ĐỘC GIẢ: Tôi nghĩ ông là cứt! NHÀ VĂN đứng sững vài phút, run rẩy trước ý tưởng mới lạ này, rồi ngã xuống chết điếng. Ông được khiêng đi chỗ khác... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Bốn truyện cực ngắn  (truyện / tuỳ bút) 
(Bốn truyện cực ngắn rất đặc dị của một nhà văn Nga kỳ tài nhưng phải chết vì bị bỏ đói trong nhà tù của Stalin.) Có một người đàn ông tóc đỏ không có mắt cũng chẳng có tai. Gã cũng chẳng có sợi tóc nào, vì thế gã được gọi là tóc đỏ, một cách lý thuyết. Gã không thể nói, vì gã không có miệng. Gã cũng chẳng có mũi... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Thật là khó bàn về Pushkin với một người không biết gì về Pushkin. Pushkin là một nhà thơ vĩ đại. Napoleon không vĩ đại bằng Pushkin... | Tôi không ưa con nít, ông già, bà già và những người có tuổi, đứng đắn. / Thật là dã man cho con nít uống thuốc giết chuột. Nhưng phải có biện pháp với chúng nó chứ! / Tôi chỉ tôn trọng những thiếu nữ khoẻ mạnh, đầy đặn. Tôi nghi ngờ tất cả đại biểu khác của loài người… [Bản dịch của Đinh Linh]

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021