thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Một thoáng Chicago

 

Thân gởi anh chị Đạt Ý và cháu Thủy.

 

Khi đã ngồi yên trên toa xe lửa khởi hành từ Chicago chạy suốt về Los Angeles, tôi chợt nghĩ đến một cuốn phim tôi đã xem cách đây hơn 50 năm tại Sài Gòn, khoảng cuối thập niên 1950. Đó là thời hoàng kim của phim Mỹ, khi đem qua chiếu tại Việt Nam lại được chuyển âm sang tiếng Pháp với phụ đề Việt ngữ. Tôi không biết tên tiếng Anh của cuốn phim ấy, chỉ nhớ tên tiếng Pháp là Un Homme Est Passé (tạm dịch Một Người Đã Đi Qua) do Spencer Tracy đóng vai chính cùng nhiều vai phụ mà tôi chỉ nhớ lõm bõm vài tên như Ernest Borgnine, Robert Ryan. Cũng vào thời gian ấy, những phim như Les Neiges du Kilimandjaro (với Gregory Peck, Ava Gardner, Susan Hayward), Le Bal des Maudits (với Marlon Brando, Montgomery Clift, Dean Martin), Au Risque de Se Perdre (với Audrey Hepburn, Peter Finch) cũng là những phim tôi còn nhớ. Mới từ Huế vào Sài Gòn, rất thích lai vãng đến các rạp thường trực như Lê Lợi, Vĩnh Lợi, hoặc trong túi rủng rẳng tiền thì tới Đại Nam, Rex, Cathay, Long Phụng v.v... bất cứ lúc nào có thì giờ.

Un Homme Est Passé một phim hay, Spencer Tracy đóng giỏi, được giải Oscar vai chính. Spencer Tracy (tôi quên tên nhân vật trong phim), một kẻ lạ mặt, lạnh lùng, bí ẩn, một cánh tay bị hỏng không thể cử động giấu trong chiếc áo vest, một buổi sáng sớm từ xe lửa đáp xuống một vùng khô cằn, hoang phế, trông như một thành phố chết. Sau đó được biết anh là một cựu chiến binh đi tìm một người Nhật đã có ơn với anh trong thế chiến thứ hai. Mọi người trong vùng kháo với nhau về chuyện đó và đều không tỏ vẻ thân thiện với anh một chút nào nếu không muốn nói là thù nghịch. Hỏi thì họ đáp tên Nhật ấy đã bỏ xứ đi đâu từ lâu rồi, cũng có người nói hắn ta đã chết, cho nên tốt hơn hết là “mày hãy cút đi nơi khác cho khuất con mắt bọn tao”. Anh không đi, lòng hồ nghi, nhất định tìm cho ra manh mối, dù bị chống đối có khi nguy đến tính mạng. Cuối cùng anh khám phá ra rằng người Nhật đó đã bị giết chết bởi nhóm người bài Nhật tại thị trấn hoang tàn này khi chiến tranh Mỹ Nhật xẩy ra, và anh, dù là một cựu chiến binh chỉ còn một cánh tay, đã đánh bại và giết được mấy người trong bọn hung hăng ấy trước khi lên xe lửa ra đi. Người hùng Spencer Tracy đã xuống xe lửa sáng sớm hôm trước, và đã lên xe lửa ra đi sáng sớm hôm sau, cách nhau đúng 24 tiếng.

Tôi cũng đến Chicago rồi đáp xe lửa ra đi đúng ba ngày sau. Xin chớ vội cho rằng tôi có ý muốn ví von mình với người hùng như trong phim. Ngược lại thì có. Chuyện trái ngược thường vẫn gây liên tưởng mạnh.

 

Chúng tôi đi máy bay từ phi trường Greenville International Airport, South Carolina, đáp xuống Phi Trường Quốc Tế O’Hare (O’Hare International Airport) của Chicago vào một buổi sáng cuối mùa xuân. Kéo theo cái túi xách đi nhanh qua những toà ngang dãy dọc nối nhau như bất tận, qua những thang cuốn nằm ngang hoặc lên tầng trên, hoặc xuống tầng dưới, cuối cùng chúng tôi đến được chỗ nhận hành lý. Chỉ chờ khoảng 15 phút lấy hành lý xong, chúng tôi ra khỏi toà nhà phi cảng đón taxi. Bên trong ấm áp nhờ máy điều hoà không khí, ra ngoài mới run cầm cập vì cái lạnh của Chicago. Cũng may, có taxi ngay. Câu chào hỏi đầu tiên của anh tài xế:

“Năm nay thời tiết của Chicago lạ quá phải không ông bà. Đã cuối mùa xuân mà trời lạnh như đang giữa mùa đông.”

Sau 40 phút, taxi đưa chúng tôi đến một khách sạn nằm ở ngay giữa một khu phố đẹp đẽ và đông đúc trên đường South Illinois chạy từ Tây sang Đông, và cuối đường về phía Đông là Hồ Michigan. Đường Illinois song song với đường Grand rất dài, đồng thời song song với một nhánh sông Chicago đổ ra Hồ, và song song với những con đường lớn khác như Ohio, Ontario, Hubbard, Kinzie v.v... Những con đường thẳng góc, tức là chạy theo hướng Bắc Nam, là La Salle, State, Lake Shore, Wells v.v... Chỗ chúng tôi ở đến Hồ khá gần, khoảng 15 phút đi bộ. Chicago và vùng phụ cận rất lớn, thuộc tiểu bang Illinois. Trong một thời gian quá ngắn ngủi chúng tôi không thể nào đi được nhiều nơi. Ngay cả khu downtown này chúng tôi cũng phải đi vồi vội như kẻ chạy rông, thế nhưng có đến được hết những nơi muốn đến đâu.

Chicago quả có sức hút kỳ lạ đối với tôi, hơn hẳn những thành phố lớn khác của Mỹ mà tôi có ghé qua như Los Angeles, New York, Atlanta, San Francisco, Miami, Seattle, Houston, Orlando, Washington D.C., Virginia, Maryland v.v...

Hồ Michigan mênh mông. Nhìn ra xa, nhìn mãi, không thấy được bờ bên kia, lẽ dĩ nhiên, mà chỉ thấy một chân trời thoai thoải cong theo chiều cong mơ hồ của qủa đất. Nước xanh, sóng nhỏ, tàu bè thấp thoáng. Đã lạnh, gió hồ thổi vào càng lạnh thêm. Trên bãi cát dài, cát trắng, cát vàng, chạy theo bờ nước uốn mình, không có rong rêu. Thế có dã tràng không nhỉ? Dã tràng xe cát biển Đông. Và gió cũng không mặn. Nước hồ ngọt thì làm sao có gió mặn. Và hồ thì nằm phía đông bắc Chicago chứ đâu phải là biển đông, thế mà những liên tưởng cứ đưa tôi đến những bãi biển tôi đã qua, nhất là bãi biển Cam Ranh. Giá bên kia con đường nhựa đen chạy song song với hồ không đứng sừng sững những ngôi nhà cao tầng, những ngôi nhà chọc trời, mà là những ngọn đồi xanh trên đấy cũng xanh biếc nào me, dừa, bàng, nào cau, chuối, tre phất phơ trong gió, và chen lẫn lác đác trong nhiều tầng lớp màu xanh ấy là những cây phượng mùa này đã trổ hoa đỏ thắm... thì đây đúng là Cam Ranh rồi. Nhưng tại sao Cam Ranh? Bờ biển Việt Nam dài, rất nhiều nơi trông giống nơi này nếu ta không nhìn xéo vào phía thành phố, thế mà tôi chỉ nhớ Cam Ranh thôi. Quả là trí nhớ của tôi không sòng phẳng chút nào.

Không chỉ lạnh, còn có mưa bụi hạt nhỏ như sương mù. Trên nhiều con đường dài và thẳng góc với nhau họp thành những ô vuông, ô chữ nhật, xe cộ khá tấp nập. Lề đường rộng thênh thang, và khách bộ hành cũng tấp nập không kém. Người đi bộ nhiều như thế này, nhất là đi bộ dưới cơn mưa dù là mưa lất phất, sẽ có nhiều chiếc giày dễ bị đứt chỉ, mòn gót, lủng đế, rách mũi, thì quanh đây chắc cũng có những tiệm sửa giày như ở quê tôi chăng. Chứ tại California, tôi chỉ thấy những cửa hàng bán giày lớn lao, những shoe cities mà thôi. Và hình như người ta không có thói quen mang giày đi sửa, giày chưa hỏng đã mua giày mới, kiểu mới. Giày cũng khó hư lắm vì rất ít người đi bộ. Dân Mỹ, kể cả di dân từ nước khác tới Los Angeles, vừa ra khỏi nhà đã lên xe, hoặc lên xe ngay từ trong nhà xe rồi lái xe thẳng tới sở làm, rồi cũng cho xe vào chỗ đậu không xa nơi làm việc là bao, cho nên rất ít dịp đi bộ. Lạ quá, cả cái lề đường Chicago cũng kéo tôi trở về với những góc phố vắng dưới tàng cây bàng, cây phượng, nơi đó có ông già hiền lành với bộ đồ nghề rất đơn sơ - vài hộp xi-ra đen, nâu nằm bên cạnh cái bàn chải và chiếc khăn lông lem luốt dùng để đánh giày cho láng, cái kéo cắt da thô tháp, chiếc dao mỏng hình dáng như lưỡi mã tấu sắc lẻm để xén da, mấy cây kim lép lép cong cong sáng loáng lỗ kim thật to để được xâu qua đấy những sợi dây gai sau khi được chuốt nhẹ vào thỏi bạch lạp. Tất cả bộ đồ nghề ấy được đặt vào cái hộp bằng gỗ ọp ẹp có nhiều ngăn. Và chiếc ghế xếp, mặt ghế bằng vải bố, thấp chủn nằm sát gốc cây dành cho khách ngồi chờ. Khách chờ lâu lỡ có mỏi lưng có thể dựa vào thân cây đó.

Những người đi bộ nơi đây đại đa số phục sức trang nhã, nam giới quần dài, áo vest, áo choàng, giày đen bóng, nữ giới váy dài, vớ dài, giày cao gót đi thoăn thoắt. Tay thường cầm dù. Thỉnh thoảng có người mặc áo mưa hay đội nón. Thường trông họ vóc người tầm thước như những người Pháp, Ý, Tây Bang Nha ở châu Âu. Một số ít người da đen - những người da đen của thành phố này rất nhã nhặn và hiếu khách. Hiếm khi gặp người châu Á. Họ thường đi thành từng toán nhỏ vài ba người, nói chuyện với nhau vui vẻ, hơi khói tuôn ra từ cửa miệng, lỗ mũi, không phải do hút thuốc lá mà do trời lạnh. Ở các thành phố lớn khác, ở New York chẳng hạn, người ta đi riêng rẻ, hấp tấp, vội vàng. Mà có đi kề nhau đi nữa, ai cũng lo phận nấy, ít khi chuyện trò, mặt khó đăm đăm.

Đặc biệt, không thấy cảnh sát đâu cả.

Đèn lưu thông vẫn thay nhau đổi màu cho xe cộ biết mà chạy hoặc dừng, nhưng người bộ hành hễ thấy đường trống là “rùng mình một cái rồi khoa chân lăng ba vi bộ” vượt ngay qua bên kia đường một cách nhanh chóng, tài tình. Có khi đèn xanh bật lên báo hiệu cho xe hơi chạy, nhưng nếu thấy vài ba bộ hành tràn xuống lòng đường, xe từ từ giảm tốc độ và chờ. Người lái xe không bấm còi, không tỏ ý bực bội. Như đã nói, không thấy cảnh sát đâu cả, nhưng nếu họ có mặt, có lẽ họ cũng không biên giấy phạt ai cả. Vì vậy cái cảnh vui mắt ấy mới xẩy ra hoài. Chắc chắn là cảnh sát Chicago hiền hơn cảnh sát Los Angeles nhiều.

Đâu đâu cũng thấy những bồn hoa, chậu hoa to lớn, nhiều màu sắc, nằm rải rác trên các lề đường rộng rãi trước những cửa tiệm bán hàng hoá, hoặc ngân hàng, hoặc khách sạn, hoặc nhà hàng ăn uống. Lẫn trong đám bộ hành ngược xuôi, dăm ba người, hẳn là công nhân của một cơ quan nào đó của thành phố, mặc đồng phục, dùng xuổng cầm tay xới đất, bón phân, ngắt bớt những cành hoa nghiêng ngã, những ngọn lá héo, hốt đi lớp tuyết giá phủ trên gốc cây, và trồng thêm hoa mới. Họ làm việc một cách thầm lặng, chăm chỉ, cần mẫn.

Cứ đi một đoạn đường ngắn là gặp một nhà hàng ăn. Quá nhiều nhà hàng ăn thuộc nhiều quốc tịch khác nhau, Mỹ, Pháp, Ý, v.v..., có cả một số nhà hàng Nhật, Tàu, Ả Rập, Việt Nam. Các nhà hàng Việt Nam với những bản hiệu vừa tiếng Anh vừa tiếng Việt nằm trên một con đường khá đẹp gần trường Đại Học Loyola University thuộc khu Magnificent Mile phía bắc một nhánh sông Chicago, ở đó có rất nhiều món ăn Việt Nam nấu rất ngon không thua gì vùng Little Sài Gòn, Nam California. Lại có cả Bánh Mì Ba Lẹ, Phở Tăng, Bún Bò Huế, thực khách đủ mọi sắc dân, người da trắng đông hơn người Việt. Vậy vào nhà hàng nào đây, bụng chưa đói nhưng miệng đòi ăn, và tiện thể tránh một loạt mưa theo gió từ trên cao sà xuống? Thử vào Au Bon Pain nhé để đỏi món. Vào đấy như vào một thế giới khác, ấm cúng, thơm tho. Các món ăn Pháp trông hấp dẫn, mùi cà phê Pháp ngào ngạt. Những chiếc bàn ăn xinh xắn, những bản thực đơn nửa tiếng Pháp, nửa tiếng Anh. Và những người phục vụ trẻ trung, niềm nỡ, nam thì nhanh nhẩu, điển trai, nữ thì đẹp đẽ, duyên dáng.

“Xin lỗi, người Pháp phải không?” tôi hỏi.

Câu trả lời dễ thương kèm theo nụ cười tươi:

“Không, thưa ông. Nhưng chúng tôi cũng nói được tiếng Pháp chứ. Oui, non, merci, chỉ chừng đó thôi.”

Nhìn xéo qua bên kia đường thấy có bản hiệu Chicken Rôtisserie trên vòm cửa của một quán ăn nhỏ. Lại nửa tiếng Anh, nửa tiếng Pháp. Tôi định bụng chiều nay sẽ tới đó mua một ổ bánh mì Tây vừa mới “ra lò”, chưa cầm nó trong tay mà đã nghe mùi nắng hè, mùi lúa mới gặt, mùi bếp lửa than hồng, và thoang thoảng mùi bơ; và lẽ dĩ nhiên phải mua nguyên một con gà rô-ti kiểu Pháp, rồi mang về khách sạn, rồi cho vào lò nướng thêm một chút cho da nó vàng hơn, cho thịt có chút cháy sém. Thế là sẽ có một bữa ăn tối mơ ước. A, nhớ mua một chai rượu chát Pháp nữa chứ, xem nào, có dồi dào tiền thì mua một chai Château d’Yquem loại nhỏ rót ra vừa đủ hai ly. Trí nhớ quay về với những con gà rô - ti trên vỉa hè đường Saint Michel, Paris, Pháp, cách đây đã lâu rồi. Gà rô-ti theo kiểu Pháp ngon quá, ngon hơn hẳn gà quay kiểu Tàu tại tiệm Kang Lạc khu Bolsa, Nam California. Lần này đến Chicago lòng háo hức mong được thưởng thức lại món ăn của những ngày khá xa xôi ấy.

Lại nghĩ lan man, lại nhớ những quãng thời gian xa hơn nữa. Những ngày thanh bình ngắn ngủi trên quê hương, những năm cuối của thập niên 1950. Hồi đó từ Trung vào Nam còn có thể sử dụng phương tiện di chuyển mà tôi rất thích: đi xe lửa. Từ Huế vào, xe lửa dừng lại tại các ga lớn khá lâu, như các ga Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Nha Trang, Mường Mán ..., đủ thì giờ cho hành khách xuống xe đi tản bộ trên sân ga cho dãn gân dãn cốt, cho mắt được dịp ngắm nhìn kẻ mua người bán xôn xao, nhộn nhịp, cho tai được nghe giọng nói khác lạ của từng địa phương.[*]

Tôi đến các sạp bán đồ lưu niệm chọn vài món. Rồi đến các hàng ăn trông rất ngon lành, không đói mà cũng thử một vài món đặc sản. Tôi nhớ các món đặc sản ở ga Quảng Ngãi hơn cả: bánh tổ, kẹo gương, kẹo cau, đường phổi, chim mía ... và nhất là gà. Gà Quảng Ngãi thật là đặc biệt, ngon đặc biệt, và rẻ đặc biệt. Với số tiền trả cho nửa tô phở bây giờ mà đã có thể mua được một dĩa cơm gà hấp nguyên con có cả cái đầu, cặp giò, phao câu, với mấy ngọn rau xà lách tươi tắn, mấy cọng hành xanh nõn, mấy lát cà chua và ớt đỏ thắm, dăm miếng dưa leo cắt xéo, hạt tiêu đen rải lốm đốm, cùng một chén nước mắm gừng ngọt ngọt, cay cay. Lần đầu tiên ăn hết nguyên một con gà. Rồi xe lửa tiếp tục xuôi Nam, qua khỏi Nha Trang, Cam Ranh mà mùi vị gà Quảng Ngãi vẫn còn vương vấn trong hơi thở, trong trong cổ họng. Vâng, chiều nay thế nào cũng phải quay lại Chicken Rôtisserie.

Vừa ra khỏi Au Bon Pain, bỗng nghe thành phố như đang rung chuyển vì những tiếng gào thét từ lưng chừng trời. Ngơ ngác nhìn. Một đoàn tàu lửa đang chạy nhanh trên tuyến đường cao cách mặt đất, mặt đường phố, khoảng 10 mét. Đúng rồi, mình đã từng nghe nói Chicago là thành phố của hoả xa. Xe lửa chạy quanh thành một vòng (The Loop) ngay trong thành phố và toả ra các ngoại ô qua những trạm chuyển tiếp. Và có rất nhiều xe bus chuyên chở hành khách đi các nơi bên trong thành phố hoặc đến các vùng phụ cận. Muốn đi xa hãy đến nhà ga khổng lồ Union Station, Chicago, với nhiều tuyến đường nối nhiều nơi trên nước Mỹ. Có những tuyến đường rất dài chạy qua nhiều tiểu bang, nhiều đô thị. Dưới đây chỉ xin ghi lại những tuyến đường và tên những thành phố lớn .

Tuyến đường Chicago – Seattle/Portland: Từ Chicago đi Milwaukee, St. Paul-Minneapolis, Rugby, Malta, Spokane, và từ Spokane tẻ ra hai nhánh, nhánh trên đến Seattle, tiểu bang Washington, nhánh dưới đến Portland, tiểu bang Oregon.

Tuyến đường Chicago – San Francisco: Từ Chicago đi Omaha, Denver, Salt Lake City, Elko, và cuối cùng là San Francisco, tiểu bang California.

Tuyến đường Chicago – Los Angeles: Từ Chicago đi Kansas City, Trinidad, Albuquerque, Flagstaff, Barstow, và cuối cùng là Los Angeles, tiểu bang California.

Tuyến đường Chicago - San Antonio: Từ Chicago đi St. Louis, Little Rock, Dallas, Austin, và cuối cùng là San Antonio, tiểu bang Texas.

Tuyến đường Chicago - New Orleans: Từ Chicago đi Centralia, Fulton, Memphis, Jackson, và cuối cùng là New Orleans, tiểu bang Louisiana.

Tuyến đường Chicago – Porland (thuộc tiểu bang Maine, khác Porland thuộc Oregon): Từ Chicago đi Indianapolis, Cincinnati, Charlotteville, Washington D.C., Philadelphia, New York, Boston, và cuối cùng là Portland, tiểu bang Maine.

Từ Chicago đến Washington D.C., hay New York, hay Boston còn có những tuyến đường khác.

Chicago không phải chỉ là trung tâm hoả xa lớn nhất của nước Mỹ mà thôi, nó còn là một trong những trung tâm công nghiệp, viễn thông, hàng không, tài chánh, giáo dục lớn nhất thế giới, là đại bản doanh của Đảng Dân Chủ. Khu Magnificent Mile chiếm một đoạn của đường Michigan cũng được xem là một trong những đường phố sang trọng nhất thế giới. Cũng không thể quên được rằng trong quá khứ, trong suốt thập niên 1920, Chicago là thành phố của tội phạm, với hàng ngàn băng đảng, với trùm gangsters khét tiếng, Al Capone. Và nếu ai thích thể thao môn bóng rổ, thì đây Chicago với đội Chicago Bulls trong nhiều năm của thập niên 1990 được coi là đội hay nhất thế giới dẫn đầu bởi cầu thủ huyền thoại Michael Jordan. Hoặc nếu ai từng say mê The Old Man and the Sea, A Farewell to Arms, For Whom the Bell Tolls..., có thể đến viếng nơi ra đời của văn hào Ernest Hemingway tại một khu ngoại ô của Chicago, thị trấn Oak Park, nơi này có nhà lưu niệm mang tên The Hemingway Birthplace Home. Lẽ cố nhiên còn có lắm điều ngoài sức hiểu biết của tôi. Thế nhưng có người đến đấy ở lại chỉ vài ba ngày mà đã “đành hanh” viết về Chicago, chẳng qua là vì hắn muốn làm người mù sờ voi, hay nói đúng hơn, chỉ mới sờ được một sợi lông đuôi của con voi lại tưởng con voi là cái tăm xỉa răng.

 

Hôm sau chúng tôi sẽ đáp xe hoả đi từ Chicago về Los Angeles, cho nên bây giờ phải đến nhà ga trung uơng Union Station mua vé trước cho chắc ăn. Thật ra từ khách sạn cũng có thể mua vé trên mạng, trả tiền bằng thẻ tín dụng, nhưng chúng tôi muốn nhân dịp này đi bộ ngắm Chicago dưới mưa bụi, và đến coi thử cái nhà ga ấy nó như thế nào mới có thể dùng để điều hành hệ thống hoả xa lớn lao và chằng chịt như thế. Đúng là cái nhà ga khổng lồ nằm ở góc đường Adams và Canal, gồm hai toà cao ốc đối diện nhau qua đường Canal, một bên đường là toà cao ốc cổ kính với hàng cột vĩ đại xây dựng công phu như những dãy cột của kiến trúc Hy Lạp thời cổ, và bên kia đường là toà cao ốc theo lối kiến trúc hiện đại. Một lối đi ngầm dưới đất nối liền hai toà nhà ấy. Thôi thì bên trong nhà ga có rất nhiều sinh hoạt khác nhau. Những phòng bán vé, những khu dành cho hành khách chờ xe, hạng sang thì có ghế bành bao quanh những cái bàn chưng bày hoa đẹp, hạng không sang thì cũng tươm tất, gọn gàng, sạch sẽ, những nhà hàng ăn uống, có cả quán Au Bon Pain, những trung tâm du lịch, những gian hàng triễn lãm tranh ảnh, những gian hàng bán đồ lưu niệm, đồ trang sức, mỹ phẩm, giày dép, áo quần..., và rất nhiều quán cà phê.

Một nhánh của sông Chicago chảy song song với đường Canal gần nhà ga trung ương (Union Station) trên đó lác đác mấy con tàu chở đầy hành khách từ từ trôi rồi lẫn trong mưa mù. Đó là những chiếc tàu dùng như xe taxi mà dân địa phương gọi là water taxi.

Bỗng thấy lạnh quá vì những cơn gió từ trên cao đổ xuống. Chicago còn có tên là Thành Phố Gió (The Windy City). Do lối thiết kế đô thị, gió từ trên cao ập xuống và thổi luồn theo những nhà cao tầng đứng gần nhau và đối diện với nhau qua mặt đường phố nằm sâu bên dưới tạo nên những ngọn gió lò. Khi gió đổi chiều, gió lại luồn theo những dãy phố thẳng góc. Gió lúc mạnh lúc yếu, nhưng không bao giờ dứt. Tại mấy chỗ tường so le, tường khuyết làm thành chỗ trú cho mấy ông già, bà già tay cầm dù chìa ra ngoài đứng co ro tránh gió, tránh mưa tạt. Ô, lại nhớ. Chicago luôn luôn gây niềm nhớ. Nhớ những hố bom B52 những năm đi tù ở những vùng như Đồng Bang, Cà Tum gần biên giới Cam-pu-chia, mùa mưa. Hố bom miệng tròn, khá to, đường kính cũng đến vài mươi mét, không biết sâu bao nhiêu vì nước mưa ngập gần đầy. Lao động dưới mưa, ướt át, lạnh run, bùn bắn đầy người, đầy mặt mũi, tóc tai. Giờ giải lao mọi người uà nhau nhảy xuống hố bom tắm rửa như một đàn trâu mẹp xuống bùn. Khi tù đã tắm xong và lên khỏi hố gần hết, một anh chàng nãy giờ đứng chờ bên mép hố bỗng la lớn:

“Mấy bồ ơi, coi đây.”

Mọi người quay nhìn. Hắn bèn nhảy ùm xuống hố, bơi quanh mấy vòng, vùng vẫy một chốc, rồi lặn xuống, rồi ngóc đầu lên lấy hơi. Sau mấy lần như thế, hắn giơ tay lên khỏi mặt nước, trong tay nắm một con cá lóc đang vùng vẫy to gần bằng cán dao phay. Ai nấy ngạc nhiên. Hai ba người từ trên hố bom bèn nhảy xuống nước bắt chước hụp lặn đuổi cá, nhưng mãi vẫn không túm được một con nào. Anh chàng kia ném con cá lên bờ, chỉ một chốc sau, lại thêm một con cá nữa. Tiếc là không có đủ thì giờ để anh ấy bắt thêm cá mang về ăn – còi tập họp đã ré lên. Trên đường về lán, anh giải thích: Lặn xuống sâu quãng một hai mét, lấy tay móc đất đào thành vài ba cái lỗ nhỏ gần nhau, nhớ vị trí của mấy cái lỗ ấy, xong bơi quanh, vùng vẫy. Cá cay mắt và hoảng sợ trốn vào mấy cái lỗ đó. Thế là ta quay lại mò tay vô lỗ bắt gặp chúng ngay.

Chicago thì cũng thế chứ gì. Trong cơn mưa gió, nếu có bàn tay khổng lồ mò vào những khung tường khuyết, những góc phố so le, những lối nhỏ và ngắn dẫn vào cánh cửa lớn của một ngôi nhà nào đó, thì vớ được ngay các người già cả đang đứng co ro tránh mưa gió.

Nhưng bọn trai trẻ thì khác, mặc mưa sa, gió táp, có dù thì trương ra, có áo mưa thì khoác vào, có mũ thì trùm lên, đi phon phon.

Mưa gió từng cơn. Khi nào mưa nặng hạt, chúng tôi tránh mưa bằng cách đi vào các cửa hàng bách hoá, hoặc siêu thị, hoặc tiệm thuốc Tây, hoặc tiệm bán rượu v.v... Thấy mưa ngớt lại đi. Nhờ thế chúng tôi qua được nhiều con đường dài, không cảm thấy mệt mỏi cho lắm nhờ cái lạnh căm căm. Trên đường trở về khách sạn, chúng tôi trở lại Chicken Rôtisserie. Tiệm đã đóng cửa, nhìn đồng hồ mới hơn 6 giờ chiều. Khá nhiều nhà hàng khác cũng đã đóng cửa. Một số nhà hàng treo bảng thông báo chỉ open cho breakfastlunch mà thôi. Có lẽ vì mùa này trời lạnh và gió nhiều nên thiếu thực khách về đêm, nhà hàng phải đóng cửa sớm.

Sài Gòn của ta khác hẳn. Sài Gòn ăn uống lu bù quanh năm suốt tháng, tiệm mở cửa cho đến tận khuya, trước kia Ba Râu, Bảy Hổ, Đồng Quê, Chợ Xóm Chiếu..., sau này Làng Nướng, Làng Ngon, Làng Nhậu. Rồi nhớ lây qua Thủ Đức “hồi đó”, hồi tôi mới chân ướt chân ráo vào Nam, thỉnh thoảng theo bạn bè đèo nhau trên xe vespa xuống đấy khi các tiệm ăn ở Sài Gòn, Chợ Lớn, Khánh Hội, Bà Chiểu đã đóng cửa, trừ vài ba gánh hàng ngồi chồm hổm trên ghế thấp bán cháo trắng hột vịt muối cho phu xe, cho khách ăn sương, tại Ngã Tư Quốc Tế hay khu chợ cá Trần Quốc Toản. Xuống Thủ Đức, chỉ hơn 10 cây số, ghé cái quán nhỏ nằm ngay trong chợ Thủ Đức mở cửa 24 trên 24 ăn nem chua, củ kiệu, bún bì, bún nem, bì cuốn, uống bia con cọp, bia trái thơm, xa xa văng vẳng tiếng còi xe lửa hú lên lúc gần sáng khi xe sắp chạy qua vài chiếc cầu ngắn. Có khi khuya chủ nhật đi chơi, sáng thứ hai chúng tôi trở về, vừa bước vào Đại Học Xá Minh Mạng ở Chợ Lớn gặp ngay lễ chào cờ định kỳ mỗi đầu tuần. Sài Gòn nay đã khác nhiều, Thủ Đức nhiều nơi nhìn không ra.

Thôi, thế là không còn gà qué gì nữa, đành phải ghé một quán bán pizza còn mở cửa. May quá, bánh Pizza Chicago ngon có tiếng, ngon nhất nước Mỹ.

 

Chuyến tàu suốt về Los Angeles sẽ khởi hành vào lúc 2 giờ 30 chiều, nhưng buổi sáng sớm chúng tôi đã đến nhà ga gởi hành lý đâu vào đấy rồi kéo nhau đi ngắm nhìn phố phường lần chót. Vẫn mưa, lạnh, và gió. Theo dự báo thời tiết, những hôm sau tuyết sẽ đổ xuống nhiều hơn, rồi mưa, gió ở đây, bão, lụt, lốc xoáy ở nơi khác, tại vùng này vùng nọ, quốc gia này quốc gia kia. Hình như Mẹ Thiên Nhiên trong những năm gần đây se mình vì trong đàn con có nhiều đứa hung hăng quá, phá phách không chút nương tay, không để mẹ yên.

Nhiều đám mưa bụi bị gió tạt trông giống như những cái màn trắng bay uốn mình trong không gian rồi đập vào những bức tường của những ngôi nhà chọc trời cao vòi vọi và mất hút, để lại đây đó những mảng tường ướt át. Bỗng từ xa đi tới một cô nàng tóc vàng ướt mèm dính vào trán vào má, cặp mắt kính cận nhòe nhoẹt, vai aó cũng ướt đẫm mang cái ví da khá to, mà váy cũng ướt, đi vèo vèo trên lề đường cùng phía với chúng tôi, rồi chạy lúp xúp băng qua bên kia đường hướng về nhà ga bất chấp đèn xanh, đèn đỏ. Vài ba chiếc xe hơi chạy trờ tới, thắng nhanh. “Đi đâu mà vội mà vàng” thế? Nếu là ở quê tôi thì đúng cô này đang đi đánh ghen. Hay bị Tào Tháo đuổi? Nhưng ở đây có lẽ cô ta ngủ quá giấc trưa, giật mình thức dậy nhìn đồng hồ thấy xe lửa sắp chạy, gọi taxi đâu phải có ngay, cho nên quýnh quá chạy hoảng chăng. Tôi nói cái ý nghĩ ấy cho vợ tôi nghe. Có lẽ trông người lại nghĩ đến ta, vợ tôi hết còn muốn đi đâu nữa, đề nghị:

“Thôi mình cũng phải trở lại nhà ga cho rồi.”

“Nhưng còn sớm mà.”

“Sớm gì mà sớm. Để cho còi hú mới quay về thì sao kịp”

Bài “Học Thuộc Lòng” đầu tiên trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp Dự Bị (lớp 2 bây giờ) ngày xưa bất chợt hiện lên trong trí: Xuân đi học coi người hớn hở. Tôi ngẫm nghĩ đàn bà bao giờ cũng lo xa - bà đúng là Thu và tôi là chú bé Xuân đã đi học mà cứ ưa lêu lổng dọc đường. A, cái Chicago này thú vị thật, bây giờ thì đưa tôi trở về thời thơ ấu. Thu không đồng ý la cà chơi “đánh khăn” với Xuân trên đường đi học, vì : “Nếu chờ khi trống đánh vào / Dù ta rảo bước tài nào kịp cho.”

 

Xe lửa rời ga Union Station dưới cơn mưa dai dẳng, lúc nặng hạt làm mờ mịt cả bầu trời, lúc phơn phớt bày ra trước mắt những bức tranh chấm phá nhạt nhoà. Tôi như thói quen từ bé, lên xe lửa là ngồi bên của sổ nhìn mông lung ra ngoài hàng giờ. Chạy một quãng, xe ra khỏi Chicago rồi đi ngang qua những thị trấn nhỏ, những cánh đồng đã thu hoạch từ lâu đang bỏ hoang, chưa chuẩn bị cho vụ mùa mới, trời đất vẫn một màu tiêu sơ, ảm đạm. Trong xe ấm áp, nhưng bên ngoài chắc chắn lạnh buốt, nhất là những nơi đồng không mông quạnh. Tôi nghĩ vẩn vơ. Tại sao mình thích Chicago đến thế. Chicago đẹp? thức ăn ngon? con người nhã nhặn? mưa giầm như Huế? hệ thống hoả xa tân tiến? và gà rô-ti, dù tôi chưa được ăn? Còn nữa, Chicago nhiều gió khiến tôi liên tưởng đến những cơn gió Lào thổi qua vùng Lao Bảo, Quảng Trị vào mùa hè, gió thổi miên man ngày đêm mang theo bụi, cát và cái nóng hừng hực làm nứt nẻ đất cày, làm cay con mắt, làm cháy rát da mặt, da cổ, da tay, những nơi không có lớp vải của áo quần che chở. Nhưng nổi bật hơn hết, Chicago và cái hồ của nó gợi nhớ Cam Ranh

Cam Ranh rất huyền bí đối với tôi khi còn là một chú bé học tiểu học. Hồi đó, một hôm, cả lớp ngồi im phăng phắc nghe thầy giáo kể chuyện chiến tranh Nga Nhật. Lâu lắm rồi, cách đây hơn một trăm năm, vào năm 1905, Nga và Nhật đều muốn dành quyền kiểm soát Mãn Châu và Triều Tiên nên rốt cục đưa đến đánh nhau. Trong một trận thủy chiến, một hạm đội của Nga Hoàng bị hải quân Nhật tiêu diệt gần hết, chỉ còn vài chiến hạm chạy thoát về Vladivostok, một hải cảng ở Đông Nam nước Nga, hai chiếc chạy giạt về Cam Ranh trốn tránh truy kích đồng thời trú ẩn bão tố ngoài đại dương. Cam ranh là một trong vài hải cảng thiên nhiên tốt nhất trên thế giới. Ta, vâng, trong một tương lai nào đó, sẽ sử dụng Cam Ranh làm căn cứ hải quân hùng mạnh để chống trả tất cả mọi cuộc xâm lăng từ Biển Đông tràn vào, để khống chế một vùng rộng lớn của Thái Bình Dương, để mở mặt mở mày với thiên hạ.

Xe lửa chạy êm êm. Nhớ quái kiệt Trần Văn Trạch, trong những lần phụ diễn tân nhạc cho những buổi chiếu phim tại Sài Gòn hồi đó, chỉ dùng chiếc máy vi âm đua vào mồm bắt chước rất giống nhịp điệu xì xà xì xạch, xa-va-na-khẹt phát ra từ bánh sắt của xe lửa nghiến lên trên đường rầy. Nhịp điệu ấy thật tuyệt vời, như tiếng ru em trên những tao nôi kẽo kẹt, ban đêm đưa ta vào giấc ngủ ngon lành lúc nào không hay.

Xe vượt qua nhiều thị trấn đẹp đẽ, ngăn nắp, nhiều cánh đồng hết đất đen đến đất đỏ nằm trải dài ngủ thiêm thiếp, nhiều sông nhiều lạch nước xanh lăn tăn sóng, và bầu trời bao la trên kia thì vẫn một màu trắng đục, sũng ướt. Đôi khi có những quãng đường hoả xa chạy song song với xa lộ dành cho xe hơi, nhờ đó tôi biết được xe lửa chạy rất nhanh, vượt tất cả những chiếc xe hơi chạy cùng chiều. Cứ thế xe chạy đến những thành phố như Naperville, Mendota, Princeton, và khi qua khỏi Galesburg, chúng tôi đã vào địa phận của tiểu bang Iowa. Rồi xe qua sông Mississippi để đến thành phố La Plata thuộc tiểu bang Missouri. Xe chạy mãi, chạy mãi, đường còn dài lắm. Đến thành phố lớn Kansas City thuộc tiểu bang Kansas lúc nửa khuya, xe mới dừng lại khá lâu. Tính đến đây, Kansas City, chúng tôi đi chưa được một phần năm của tuyến đường từ Chicago về Los Angeles. Cảnh trí bên ngoài càng thay đổi càng đưa đẩy tâm trí của tôi đi xa, hết hiện tại lại quay về quá khứ, lại quay về Việt Nam với Cửa Tùng, Cửa Việt, Cửa Thuận An, Cảng Chân Mây, Sông Hàn, bãi Tiên Sa, Ngũ Hành Sơn. Lan man một chốc rồi lại trở về với Hồ Michigan, và Cam Ranh. Nhưng lần này cái đường lưỡi bò bỗng dưng lù lù hiện lên.

 

Mới hôm nào người phát ngôn của bộ ngoại giao Việt Nam trả lời tỉnh queo những câu hỏi của các nhà báo nước ngoài:

“Chúng tôi không hề có tù chính trị. Chúng tôi luôn luôn tôn trọng tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do tư tưởng. Những người bị giam giữ đều là những tội phạm hình sự, hoặc những kẻ muốn lật đổ chính quyền hiện hữu, hoặc những tên khủng bố ...”

Thì cách đây mấy hôm, tàu Bình Minh 2 của Việt Nam thăm dò địa chấn ngoài khơi Đại Lãnh cách bờ biển chỉ 116 hải lý, tức là nằm trên thềm lục địa thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam, bị tàu Trung Quốc giở trò kẻ cướp đến quấy phá, cắt dây cáp, và xua đuổi. Lạ thật, kẻ cướp đến đuổi chủ nhà ra khỏi đất của chủ nhà, và cũng giở trò tuyên bố tỉnh queo:

“Chúng tôi hoạt động bình thường và hợp lý ở khu vực biển thuộc thẩm quyền và quyền tài phán của Trung Quốc ... Yêu cầu Việt Nam ngay lập tức ngưng những hành động xâm phạm, và không được gây thêm rắc rối mới.”

Vẫn lối nói như vẹt nói, bất chấp sự thật, coi rẻ công luận của cộng đồng nhân loại. Nhưng tại sao họ dám phát ngôn như thế? Họ dựa vào đường lưỡi bò chăng, cái đường lưỡi không biết từ đâu thè ra muốn liếm hết 80% Biển Đông. Cái “lưỡi không xương nhiều đường lắt léo” ấy thế nào cũng sẽ liếm thêm vào các vùng béo bở khác, liếm vào Cam Ranh trước khi thè vào nuốt chửng những bờ bãi, ruộng đồng, làng mạc, núi non, phố phường. Nghĩa là muốn nuốt chửng nước Việt Nam bé nhỏ? Trước nguy cơ ấy, nhiều người, trong nước cũng như ngoài nước, đã tỏ thái độ một cách mạnh mẽ qua báo chí, trên các mạng, các blogs, và đặc biệt là đã tổ chức được những cuộc biểu tình rầm rộ tại Sài Gòn và Hà Nội. Theo những quan sát viên quốc tế, những nhà tranh đấu nhân quyền, những nhà văn, nhà báo có uy tín, số người biểu tình tại Hà Nội lên đến trên 300, tại Sài Gòn trên 2000. Đó là điều khó có thể xẩy ra ở một nước độc tài, toàn trị như Việt Nam. Nhưng tiếp theo lại là chuyện khó tin: Thông Tấn Xã Việt Nam đã phủ nhận vụ biểu tình chống Trung Quốc ngay hôm sau ngày biểu tình, và đã loan báo rằng chỉ có một số ít người tự phát tụ tập trước toà đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội, toà lãnh sự Trung Quốc tại Sài Gòn, và sau đó giải tán ngay. Chưa hết, vài ngày tiếp theo, Phó Thủ Tướng Việt Nam ra lệnh phải hoàn thành nhanh chóng Cung Hữu Nghị Việt – Trung tại Hà Nội. Cũng chưa hết, mới đây một phái đoàn do Phó Chủ Tịch Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam cầm đầu qua Bắc Kinh nêu cao tình hữu nghị đằm thắm, tốt đẹp, và lâu đời giữa hai nước anh em. “Ngoài tình đồng chí còn tình anh em”, hình như có câu thơ tiền định như thế!

Thật rối nùi, chẳng biết đâu là chân đâu là giả!

Đành phải đoán già đoán non.

Hoặc nỗi sợ hãi của Cộng Sản Việt Nam đối với Cộng Sản Trung Quốc quá lớn, nên dù bị chèn ép trắng trợn vẫn tìm cách xoa dịu tình hình, tránh những đụng chạm có thể khiến Trung Quốc nổi giận, tránh “bài học” nhớ đời mà Đặng Tiểu Bình mang ra dạy dỗ hồi 1979. Vậy hãy tạm nhượng bộ, chờ ngày khôi phục.

Hoặc nội bộ lủng củng, kẻ ngã theo phe này, người ngã theo phe khác, mâu thuẫn nhau, chống phá nhau, trừ khử nhau. Chẳng hạn kẻ ngầm cho biểu tình, người ra sức ngăn cản; kẻ muốn giữ chặt lấy quyền lực, địa vị, thà mất nước hơn mất đảng, người quan tâm đến quốc gia dân tộc. Lòng dân hoang mang, ly tán.

Hoặc đã có những món nợ ngầm, thoả thuận ngầm, ký kết ngầm, nhượng bộ ngầm, nay phải ngoan ngoãn tuân thủ, không được có ý kiến gì khác, không được “vong ơn bội nghĩa.” Xong biên giới đến cao nguyên, đến rừng đầu nguồn, đến biển đảo. Ngang đến đây là vừa đủ, cầu mong Trung Quốc đừng đi “quá đà”.

Hoặc tham nhũng có hệ thống từ trên xuống dưới, người này dành được mối lợi bất chính kếch sù này thì phải để kẻ khác hưởng mối lợi phi pháp khổng lồ khác, quyền thế nhiều thì lợi lớn, quyền thế ít thì lợi nhỏ. Người dân là nạn nhân, ai chống đối sẽ bị thẳng tay trừng trị. Tài sản của đất nước cạn kiệt dần, tiềm lực của dân tộc suy yếu dần, trật tự trong xã hội khó có thể duy trì, luật pháp khó có thể thi hành, trên bảo dưới không nghe, “thượng bất chánh, hạ tắc loạn”, ngoại bang thừa cơ lấn chiếm.

Hoặc đã hoàn toàn bất lực về các mặt quốc phòng, kinh tế, tài chánh nên đã dâng trọn tổ quốc cho kẻ thù hùng mạnh. Nhưng muốn mọi chuyện xẩy ra êm thắm thì phải lừa dối nhân dân bằng cách từng bước bàn giao đất nước cho giặc. Cho nên cũng phải phản kháng chiếu lệ với sự cho phép ngầm của địch. Cái kiểu chơi cuội như thế cũng có cái lợi là khiến cho những người yêu nước xuất đầu lộ diện, rồi nhân đó tiêu diệt. Cứ thế, vào một “ngày đẹp trời”, trước sự đã rồi, Việt Nam biến thành “Nam Tạng.”

Người dân thấp cổ bé miệng, trong một chế độ độc tài toàn trị - như đàn cừu non dưới mệnh lệnh của tên chăn cừu - không được có ý kiến, không được thông tin đầy đủ, không được phê phán, không được có đại diện thật sự để tham gia vào việc nước, thì chỉ biết đoán mò và mong điều xấu đừng tới. Lâu dần, với thời gian, “cứt trâu để lâu hoá bùn” con người sẽ trở nên ù lì. Từ ù lì đến vô cảm trước sự tồn vong của đất nước chỉ là một bước ngắn. Nhưng có lẽ đó chỉ là thiểu số. Một số lớn vẫn quan tâm đến vận mệnh của tổ quốc, không chịu khuất phục, vùng lên đấu tranh, và gánh chịu mọi hình phạt dã man.

Có người ao ước và cầu nguyện sao cho nhà cầm quyền được sáng suốt và thương dân thì dân được nhờ; ngược lại, người dân sẽ lãnh đủ mọi hậu quả của sự ngu dốt và tàn bạo. Nhưng liệu một chế độ độc tài toàn trị có thể do một ngẫu nhiên dun dủi nào đó mà sản sinh ra những người cầm quyền sáng suốt và thương dân hay không? Câu trả lời là không. Là vì, như một tác giả nào đó đã viết rất chí lý: “Độc tài sinh tham nhũng và tàn bạo, càng độc tài, càng tham nhũng, càng tàn bạo.” Điều đó đã được minh chứng trong suốt quá trình lịch sử phát triển của loài người từ Đông sang Tây, từ cổ đại cho đến bây giờ. Cho nên những chế độ độc tài toàn trị sớm muộn gì cũng đi đến chỗ diệt vong trước khát vọng độc lập, tự do, dân chủ, bình đẳng, và quyền làm người của mọi dân tộc trên hành tinh này.

Nhưng hoàn cảnh của Việt Nam bây giờ quả thật oái ăm: một nước độc tài bé nhỏ, yếu kém bị một nước độc tài to lớn, hùng mạnh, cùng một chế độ, cùng một lý tưởng, cùng từng là đồng minh chiến lược, nay ức hiếp, mai chèn ép, mốt nhục mạ đủ điều, chẳng khác gì lối cư xử của ông bố khắc nghiệt và tàn bạo đối với đứa con hư. Nguy cơ bị diệt vong có thể xẩy ra trước mắt. Gần đây, phản ứng của nhà cầm quyền Việt Nam đối với những hành động ngang ngược của Trung Quốc có phần rõ rệt hơn, và cũng khá cứng rắn. Tuy nhiên lòng hoài nghi của dân chúng đối với nhà cầm quyền vẫn còn. Sự kiện này sẽ dẫn đến kết quả vô cùng tai hại. Chẳng hạn, giả dụ nhà cầm quyền đã tỉnh táo lại, đã hồi tâm, đã chịu nói thật, đã đặt quyền lợi của tổ quốc lên trên quyền lợi của phe nhóm, liệu họ có còn khả năng huy động sức mạnh của toàn dân trong công cuộc chống ngoại xâm?

Nhưng đấy có thật là một hoàn cảnh oái oăm hay không? Mới thoạt nhìn ta có thể cho là thế, nghĩ lại sẽ thấy khác. Một nước nhỏ ở bên cạnh một nước lớn, đặc biệt đó là một nước độc tài, trước sau gì cũng bị lấn lướt, và cuối cùng bị thôn tính. Lịch sử loài người từ xưa đến nay chứng minh điều ấy. Ngày xưa Tàu có bao giờ tha Việt Nam khi họ mạnh, ta yếu? Mông Cổ thời thịnh trị đã xâm lăng tất cả những nước lân bang. Lịch sử cận đại càng tỏ rõ điều ấy. Nước Nga khổng lồ khi cách mạng vô sản thành công đồng thời nuốt trọn nhiều nước bé nhỏ chung quanh. Trung Cộng vừa chiến thắng Trung Hoa Quốc Gia đã vội vàng chiếu cố Tây Tạng, rồi chiếm Hoàng Sa của Việt Nam, và trong vòng mươi năm gần đây từng bước xâm lăng người em đã cùng với mình nâng ly ca tụng tình hữu nghị thắm thiết “Môi Hở Răng Lạnh”, “Mười Sáu Chữ Vàng”, “Bốn Tốt.” Cho nên nước nhỏ không nên dại dột kết bạn một cách toàn diện và mù quáng với nước láng giềng to lớn. Phải luôn luôn cảnh giác, và phải tìm đồng minh ở xa. Đồng minh ở xa không thể cao hứng đến cắm lại các cột mốc phân chia biên giới, không thể bỗng dưng thè cái lưỡi bò ra liếm lạng quạng, bậy bạ. Thử tưởng tượng Trung Quốc có dám, có khả năng, mang tất cả tàu bè chở mấy cái lưỡi bò qua Địa Trung Hải, qua Đại Tây Dương, qua Bắc Hải, qua Ấn Độ Dương?

Tình hình thay đổi hàng ngày, hàng giờ. Vừa rồi có tin Việt Nam cầu cứu một số nước trên thế giới đến giúp đỡ trong đó có một cường quốc mà Trung Quốc không dám coi thường, cường quốc ở rất xa Việt Nam nhưng cũng có quyền lợi bức thiết trên Biển Đông: Hoa Kỳ. Chuyển biến này liệu có đem lại lợi ích cho Việt Nam? Liệu Mỹ có hết lòng cứu Việt Nam hay không nếu Việt Nam không chịu từ bỏ chế độ độc tài? Liệu Việt Nam có lại trở thành một bãi chiến trường để hai cường quốc Đông và Tây thử sức?

 

Tôi ngủ lúc nào không hay, thức giấc khi nghe thông báo về ăn sáng. Tàu có nhiều hành khách mà phòng ăn chỉ có số bàn ghế và người phục vụ giới hạn. Ta phải ghi danh ăn điểm tâm theo từng đợt, hết loạt hành khách này đến loạt hành khách khác để khỏi chen lấn nhau, và để được phục vụ chu đáo. Chúng tôi đến toa ẩm thực (dining car) lúc 8 giờ sáng, vài phút sau hai mẹ con người Mỹ da trắng đến ngồi chung bàn với chúng tôi theo sự hướng dẫn của nhân viên hoả xa. Trước khi ngồi xuống ghế đối diện với chúng tôi, bà mẹ nói vài lời “xin phép”. Đứa con gái nhỏ độ 10 tuổi cũng lịch sự không kém, cũng bắt chước mẹ “xin phép”. Khi đã ngồi yên, đứa bé nói chuyện với mẹ tíu tít, hỏi han đủ chuyện nào là mình đã tới đâu, khi nào về đến nhà, mẹ cho con uống cà phê không, mấy con chim lội trên mặt nước hồ là con gì, có phải là vịt không, con chưa hề thấy vịt, con chưa muốn về nhà ngay, ngồi đây vui quá. Bà mẹ trả lời mọi câu hỏi một cách đầy đủ, chu đáo. Hỏi han tíu tít xong, cô bé len lén nhìn tôi rồi đưa tay sờ mấy gói đường nho nhỏ nằm trên một cái đĩa. Tôi cười. Cô bé mạnh dạn bốc một nạm đầy tay và đố mẹ trong tay con có mấy gói. Bà mẹ nhìn con âu yếm, trả lời. Cô bé đặt nắm đường xuống bàn và đếm, rồi reo lên: “Ô, lần này mẹ thua con. Mẹ nói trật.” Bà mẹ nhìn chúng tôi cười. Chúng tôi cười lại, và im lặng. Chúng tôi cũng có một đứa cháu ngoại cùng lứa tuổi với cô bé này. Nếu có nó cùng đi với chúng tôi, nó sẽ làm quen với cô bé này ngay, rồi sẽ trao đổi thư từ với nhau như đã từng xẩy ra trong những dịp đi chơi trước kia. Tuổi nhỏ ngây thơ, trong sáng, nhẹ nhàng. Nhìn lại mình, đi đâu cũng mang nặng hành trang kềnh càng của những ngày cũ, của vết thương chưa lành, ngại tiếp xúc, ngại phiền phức, ngại làm quen với người lạ.

Ăn sáng xong, chúng tôi đến toa dành cho hành khách nào muốn ngắm cảnh (Sight Seer Lounge). Những cánh cửa hai bên của toa, cái trần của toa, đều bằng kính dày trong suốt, ta tha hồ nhìn trời, nhìn đất. Khoảng 10 giờ sáng, xe đến thành phố Trinidad thuộc tiểu bang Colorado. Từ trong toa xe có thể thấy một dãy núi khá cao, một đỉnh núi vạch trên bầu trời thành một đường ngang thẳng tắp và dài. Dài chừng nào, thật khó ước lượng. “Thấy núi ngựa chạy ba ngày”, thế thì chiều dài của đỉnh núi này có lẽ phải đến vài cây số. Tôi nhớ đèo Hải Vân, nhớ những dáng núi quen quen khi qua Lăng Cô, nhớ bãi biển Lăng Cô cong như vòng cung từ đỉnh đèo Hải Vân nhìn xuống mịt mù sương khói.

 

*

 

Có người tự bảo rằng mình chỉ sống với quá khứ. Hiện tại chỉ là những ngày thừa, “Còn ngày nào cũng dư ngày ấy thôi”, như lời than của Kiều trong những bước luân lạc. Nhưng thực tình họ có làm được như thế hay không. Cũng vậy, nhân vật Ashley Wilkes của Margaret Mitchell trong Gone With The Wind (Cuốn Theo Chiều Gió), ở ngoài mặt trận nhiều lần tự hỏi mình chiến đấu vì lý tưởng gì, và cuối cùng anh nghĩ rằng anh đã tìm thấy câu trả lời. Anh chiến đấu cho những ngày cũ và lối sống cũ mà anh trân qúy tuy anh biết dù thắng hay bại cái quá khứ đó không thể nào tồn tại nữa. Anh viết thư về cho vợ: “...I am not afraid of danger or capture or wounds or even death, if death must come, but I do fear that once this war is over, we will never get back to the old times. And I belong in those old times. I do not belong in this mad present of killing and I fear I will not fit into any future, try though I may...” (Tạm dịch: Anh không sợ những hiểm nghèo hoặc bị bắt hoặc bị thương hoặc ngay cả cái chết, nếu nó phải đến với anh, nhưng anh sợ một khi cuộc chiến này chấm dứt, chúng ta sẽ không thể nào trở về với những năm tháng cũ. Anh thuộc về những ngày xưa ấy. Anh không ăn nhập gì với cái hiện tại chém giết điên khùng này và anh sợ rằng anh sẽ không thích hợp với bất kỳ một tương lai nào dù anh có cố gắng mấy đi nữa).

Ashley Wilkes là một nhân vật hư cấu. Không hiếm nhân vật có thật ngoài đời cũng chỉ muốn sống bằng hoài niệm. Thí dụ nhà thơ Đỗ Mục (Sầu Đỗ Mục) của thời vãn Đường. Ông nổi tiếng học giỏi, đỗ tiến sĩ, sống cuộc đời lãng tử, thích la cà nơi ca lâu tửu điếm. Ông được bổ làm quan, nhưng vẫn chuộng lối sống phóng đãng hơn công danh sự nghiệp nên đã phải trải qua bao phen chìm nổi trong bể hoạn. Vào cuối đời, ông vẫn thấy rằng ông không thể nào quên những ngày vàng son của thời trẻ mà ông từng nổi danh là người bạc tình ở chốn thanh lâu:

 
Khiển Hoài
Lạc phách giang hồ tái tửu hành
Sở yêu tiêm tế chưởng trung khinh
Thập niên nhất giác Dương Châu mộng
Doanh đắc thanh lâu bạc hãnh danh
                                           Đỗ Mục
 
Tỏ Nỗi Lòng
Chuếnh choáng sông hồ chén rượu ngon
Trong tay múa nhẹ gái lưng thon
Dương Châu chợt tỉnh mười năm mộng
Phụ bạc lầu xanh dậy tiếng đồn
                                           Lê Nguyễn Lưu dịch
                                           (Đường Thi Tuyển Dịch)
 

Lại có người bảo rằng chỉ sống với tương lai mà thôi. Họ làm được việc ấy chăng, hay đó chẳng qua là một lối nói cường điệu. Chưa biết tương lai nó ra làm sao mà dám bảo rằng mình chỉ thích sống với nó! Thật ra chuẩn bị cho tương lai là đã vất vả lắm rồi.

Lại cũng có người chủ trương sống với hiện tại mà thôi. Nhưng hiện tại là gì? Có cái gọi là hiện tại hay không? Một câu nói vừa thoát ra khỏi mồm là đã tan biến và trở thành chuyện đã qua, chuyện quá khứ. Trong cái vô thủy vô chung của thời gian, quá khứ của một con người, hay của cả nhân loại, thật ra có đáng kể gì đâu, nó dính chùm với cái gọi là hiện tại.

Mà thời gian là gì? Cũng như hiện tại, có cái gọi là thời gian hay không? Không gian thì ai cũng biết, chẳng hạn đó là một khoảng trống nhỏ như khoảng trống trong sớ gỗ, hoặc lớn hơn như khoảng trống giữa các vì sao trên trời. Trẻ thơ cũng ý thức được không gian, biết tránh những chướng ngại vật, biết tìm chỗ trống mà bò lui bò tới không bị cụng vào vật cứng làm cho u đầu sứt trán. Nhưng thời gian thì sao? Một đứa trẻ có ý niệm gì về thời gian hay không? Chắc chắn là không. Lớn lên, do được cha mẹ chỉ bảo, do học hỏi ở nhà trường, nó dần dần được gieo vào cái ý tưởng hôm nay là chủ nhật, ngày mai là thứ hai, thứ ba v.v... Một người tù ở trong ngục tối không hề thấy ánh mặt trời liệu có biết được bao nhiêu thời gian đã qua? Chủ nhật, hay thứ hai, hay một tuần, một tháng, một năm v.v... chẳng qua chỉ là những ghi chép về những tuần hoàn của quả đất quay, của mặt trăng quay khi tròn khi khuyết, của thủy triều khi lên khi xuống, của những biến thái tuần hoàn của khí hậu, thời tiết ... Tức là những chuyển động của vật thể trong không gian. Từ đó, người ta đạt đến những thoả thuận, những quy ước về cái gọi là thời gian, người ta làm lịch, người ta chế tạo đồng hồ, người ta ấn định những mốc thời gian. Nói cách khác, thời gian chỉ là qui ước nặn ra từ khối óc con người.

Ở đoạn đầu cuốn Đôi Bạn, Nhất Linh viết: “...Sự rung động êm ái và hiu hắt buồn trước cơn gió lạnh đầu tiên khiến vẻ mặt Trúc trở nên dịu lại, và thoáng trong một giây chàng sống lại hết cả những ngày mới trở rét trong đời.” Viết đến đây, có lẽ Nhất Linh liên tưởng đến cái mà người ta đã qui ước như vừa trình bày trên, tác giả viết tiếp: “Tuy đã cuối tháng chín nhưng đối với Trúc cứ lúc nào trời đổi gió heo may mới thực là lúc bắt đầu mùa thu.”

Trong bốn câu thơ rất hay trong Kiều thì câu thứ tư cũng trở lại với qui ước thời gian:

Nàng thì dặm khách xa xăm
Bạc phau cầu giá, đen giầm ngàn mây
Vi lô san sát hơi may
Một trời thu để riêng ai một người.
 

Nếu không có quy ước ấy, nghĩa là không có danh xưng mùa này, mùa nọ, câu thứ tư có thể viết: “Một trời sâu để riêng ai một người.” Hàn Mặc Tử cũng đã dùng chữ “trời sâu”: Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu.

Chỉ rất hiếm hoi là trong Chinh Phụ Ngâm có mấy đoạn tác giả không nhắc đến những quy ước thời gian nói trên:

Thuở lâm hành oanh chưa bén liễu
Hỏi ngày về ước nẻo quyên ca
Nay quyên đã giục oanh già
Ý nhi lại gáy trước nhà líu lo
Thuở đăng đồ mai chưa dạn gió
Hỏi ngày về chỉ độ đào bông
Nay đào đã quyến gió đông
Phù dung lại rã bên sông bơ sờ
 

Tác giả chỉ ghi lại những hiện tượng trong trời đất, không nhắc đến thời gian. Còn người đọc nếu muốn thì cứ trở lại với qui ước xuân, hạ, thu, đông: Chàng ra đi khi mùa xuân chưa đến. Hỏi ngày về chàng bảo mùa hè. Nay hè sắp hết rồi và thu sắp đến. Ngày chàng đi mùa đông chưa đến hẳn. Hỏi khi nào về chàng bảo chỉ khoảng mùa xuân mà thôi. Nay xuân đã đến rồi mà hè cũng đã qua.

Phải thừa nhận từ khi có những quy ước thời gian, sinh hoạt loài người ngăn nắp, hiệu quả, minh bạch. Nhưng vì thế mà bám riết vào những qui ước đó con người trở nên máy móc, cứng nhắc. Tôi rất tâm đắc một câu ngắn trong đoạn trích dẫn trên của Nhất Linh: ...và thoáng trong một giây chàng sống lại hết cả những ngày mới trở rét trong đời.” Ý niệm về thời gian mơ hồ, khỏi cần phân biệt quá khứ, hiện tại, và tương lai. Nói cách khác, quá khứ, hiện tại, và tương lai chỉ là một, hoặc chúng có thể đứng chung lẫn lộn với nhau, ảnh hưởng nhau, bổ sung cho nhau. Hoặc nếu muốn dùng thời gian làm đơn vị đo lường, phải lưu ý rằng thời gian rất tương đối. Thời gian lê thê vô tích sự của người này khác hẳn thời gian cập rập hối hả của người kia. Thời gian của người này có khi đứng lại, trong khi cùng lúc ấy thời gian của người kia bay vèo vèo. Thời gian chờ đợi phồng ra, thời gian bôn ba nén lại.

Ngồi trên xe lửa đang tiến về Los Angeles, tôi nhớ đĩa cơm gà ở ga Quảng Ngãi đồng thời với gà rô-ti trên đường Saint Michel và cùng với gà ở Chicago tại tiệm Chicken Rotisserie mà tôi chưa được ăn. Tôi cũng mong trở thành hoạ sĩ để vẽ Hồ Michigan lồng lên trên vịnh Cam Ranh. Rồi vẽ luôn cơn gió Lào thổi qua Lao Bảo thổi về Quảng Trị quyện lấy những cơn gió của The Windy City trong chuyến viếng thăm ngắn ngủi vừa rồi của tôi.

 

6/2011

 

_________________________

[*]

Miền Trung đất hẹp mà dài, do đó tiếng nói có chút thay đổi từ địa phương này đến địa phương khác. Chẳng hạn giọng Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên nói chung na ná nhau, nhưng chỉ một chút chú ý sẽ thấy khác biệt ngay. Có lẽ Quảng Trị có giọng nói chuẩn nhất nếu căn cứ vào cách phát âm theo cấu trúc chữ Quốc Ngữ bằng mẫu tự la-tinh mà những vị truyền giáo trong đó có Alexandre de Rhodes đã hình thành từ thế kỷ XVII. Rất yêu tiếng Việt, Alexandre de Rhodes bảo rằng người Việt chuyện trò với nhau nghe như tiếng chim hót (ressemble au chant des oiseaux). Ông cũng là tác giả của cuốn tự điển Việt Nam-Bồ Đào Nha-La Tinh đầu tiên (Dictionarium Annamitium Lusitanum et Latinum) in tại La Mã năm 1651.
 
Người Quảng Trị phát âm rất đúng các từ kết thúc bằng chữ g hoặc không có g (đang-đan, cản-cảng, làn-làng, gắn-gắng...); bằng chữ c hoặc t (ác-át, bác-bát, khác-khát, phác-phát...). Khác với giọng Huế, giọng Quảng Trị phân biệt được các âm oioai (đói-đoái, khói- khoái, ngòi-ngoài, lòi-loài...), và đặc biệt là các âm ănanh (ăn cơm-anh em, băn khoăn- đá banh, căn cứ-canh gác, nhăn nhó-nhanh nhẩu...), hoặc ắc, ắt, ách (sắc- sắt –sách, mắc- mắt -mách, bắc-bắt-bách, tắc-tắt-tách...) Với các phụ âm đứng đầu bằng chữ s hay x , ch hay tr, r hay gi, người miền Bắc thường lẫn lộn, chẳng hạn sung sướng thay vì xung xướng, tràn trề thay vì chàn chề, rõ ràng thay vì giõ giàng, trong khi người Quảng Trị phân biệt những âm ấy một cách tách bạch. Chỉ với cách phát âm của dấu hỏi, dấu ngã, giọng Hà Nội mới đúng hơn so với giọng Quảng Trị mà thôi.
 
Cách phát âm từ đèo Hải Vân vào Nam cũng có những hạn chế như lối phát âm Huế (các âm cuối có g hay không g, c hay t; oi hay oai; ăn, ăng hay anh ...), hoặc những sai biệt khác, (chẳng hạn ai phát âm thành ưa, vui thành dui v.v...) nhưng nói chung, âm thanh, âm điệu, âm sắc lại gần gũi với giọng Bắc hơn.
 
Ngày xưa khi các phương tiện giao thông, truyền thông còn quá hạn chế, dân chúng ít tiếp xúc với nhau trực tiếp hoặc qua truyền hình, truyền thanh, cho nên dù cùng một ngôn ngữ, các địa phương khác nhau thường phát âm khác nhau, giọng nói cũng khác, đôi khi hiểu lầm nhau. Nay trở ngại ấy đã giảm thiểu rất nhiều. Tuy nhiên, một cách tổng quát, theo tôi, giọng nói và cách phát âm của dân mình có thể nằm trong bốn khu vực chính: (1) giọng Bắc từ Ninh Bình lên đến biên giới với Trung Quốc, (2) giọng Nam từ Đà Nẵng tới Cà Mau, (3) giọng Thanh Nghệ Tĩnh, (4) giọng Bình Trị Thiên. Trong bốn giọng nói ấy:
 
(1) gần với (2); (3) gần với (4).
 
Do đó, người Sài Gòn và người Hà Nội nói chuyện với nhau dễ dàng hơn là phải nghe giọng Huế hay giọng Nghệ chẳng hạn. Nhưng có điều lạ là người vùng Bình Trị Thiên hay Thanh Nghệ Tĩnh lại ít gặp trở ngại khi nghe giọng thuộc khu vực (1) tức giọng Bắc, hay giọng thuộc khu vực (2), tức giọng Nam. Xin nêu một ví dụ: Một vị nguyên thủ quốc gia vốn gốc Quảng Bình, từng làm quan tại triều đình Huế, về sau là Tổng Thống thời Đệ Nhất Cộng Hoà, vẫn sử dụng giọng miền Nam khi đọc diễn văn hay trong những dịp tiếp xúc với dân chúng để có thể truyền đạt dễ dàng hơn. Chỉ những lúc chuyện trò riêng tư với người gốc Bình Trị Thiên, ông mới nói giọng Huế.

 

 

------------

Đã đăng:

Cây Ớt Chim Két  (truyện / tuỳ bút) 
... “... Năm nay là năm con mèo, mà con mèo phải trèo lên cao, quý vị phải mua hột xoàn, mua xoàn sẽ mau giàu, từ đây cuộc sống hết lao đao. Thưa quý vị, mua xoàn năm ly trở lên được biếu thêm một xoàn ba ly...” ... (...)
 
Nghĩ về Võ Phiến  (tiểu luận / nhận định) 
... Nhà điêu khắc người Pháp, Auguste Rodin, vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 được người đời cho rằng có hai bàn tay phù thuỷ, đụng phải vật gì, cục đất, hòn đá, khúc cây, là rút ra được ngay cái bí ẩn sâu kín và đẹp đẽ của nó, là nắm bắt ngay cái thần thái của nó, để tạo nên những tác phẩm bất hủ. Võ Phiến cũng không khác. Những gì quanh ta dù lớn, dù nhỏ, hoặc có vẻ ù lì, tầm thường, khó nhận diện, qua cái nhìn đầy khám phá của Võ Phiến, sẽ có ngay một linh hồn, một sức sống. Đó là ngoại cảnh. Ông lại không ngừng đi dò tìm thăm thẳm vào nội tâm con người... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021