thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
CHƯA TẬN THẾ [III/III]
Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường
 
 
CHARLES SIMIC
(1938~)
 
Riêng gởi bạn đời Mark Frankland
người đã tặng tôi tập thơ này
làm quà Giáng Sinh năm 2010.
 
“Má tôi là một lọn khói đen tết bím. Bà bồng tôi quấn tã băng qua các thành phố đương bốc cháy” là câu thơ mở đầu cho thi tập Chưa tận thế (The World Doesn't End) của nhà thơ Mĩ gốc Nam Tư (Yougoslavia) Charles Simic.
 
Đề tài chính của thập thơ này dĩ nhiên là chiến tranh và hệ quả tàn khốc của chiến tranh trên nhiều thế hệ, về những mất mát, chết chóc và cuộc sống còn. Người hoá chó, hoá khỉ, hoá cú, hoá chuột. “Đây là những ngày đen tối và tàn ác”.
 
“Một thế kỷ mây đùn”. “Một thế kỷ rơi xuống địa ngục”. Nhưng may thay vẫn chưa tận thế. Các đấng tối cao của lý thuyết này, của học thuyết nọ, chỉ là “một cái đầu bút chì, một đầu bút chì bị gặm nhấm với một cục tẩy mòn ở đằng sau một nét nguệch lớn”.
 
Simic sử dụng ngôn ngữ hàng ngày, và hình ảnh đời thường dưới ngòi bút ông trở thành siêu thực và ngược lại. Simic là một người “bi quan vui vẻ”, kiểu “há miệng cười để ngăn mình khỏi khóc”. Mỗi bài thơ cũng có thể là những truyện cực ngắn.
 
Dịch theo nguyên tác tiếng Anh, The World Doesn't End: Prose Poems, 74 trang, do nhà xuất bản Harcourt Brace & Company ấn hành năm 1989, đoạt giải Pulitzer năm 1990. Các con số ghi trên mỗi bài thơ không có trong nguyên tác, người dịch đã thêm vào cho dễ phân biệt, dễ nhớ.
 
Nguyễn Đăng Thường
 
______________
 
CHƯA TẬN THẾ
 
Đã đăng: PHẦN I - PHẦN II
 
PHẦN III
 
1.
 
M.
 
Tôi cuốc bộ tới M.
Chẳng có ai tại M.
 
Tôi phải bước rất khẽ
Khi đi qua ngôi nhà lá bài—
Cả một dãy nhà như thế
Đang nghĩ tới chuyện đổ nhào
 
Ở M. lúc trời hừng sáng.
 
 
2.
 
Một thế kỷ mây đùn. Những con tàu ma cặp bến và rời bến. Biển sâu hơn, rộng hơn. Con két trong chiếc lồng tre biết nói nhiều ngôn ngữ. Vị thuyền trưởng trên tấm hình cũ có đôi má tô hồng. Ông mang về nước một cô gái bán khoả thân miền nhiệt đới vẫn còn bị chúng xiềng chân trên gác xép mặc dù vị thuyền trưởng đã qua đời. Ban đêm nàng tạo ra những âm thanh nghe tựa như tiếng hát. Vị thuyền trưởng kể chuyện về những con người không có miệng chỉ sống bằng hương hoa. Điều đó khiến cho vợ và má vợ của ông đọc kinh cho những linh hồn chưa được rửa tội. Tuy thế, có một lần, chúng tôi đã bắt được quả tang vị thuyền trưởng gỡ bộ râu ra. Một bộ râu giả. Dưới lớp râu giả ông ta có một hàm râu trông cũng chẳng giống ai.
 
Đó là thời của những bà vợ goá tấp nập đi dạo chơi. Ngôn ngữ chết của tình yêu vẫn còn được sử dụng, nhưng cũng có nhiều im lặng hơn, nhiều tiếng thét câm nín hơn trên chóp đỉnh của hai buồng phổi.
 
 
3
 
Một thằng bé da đen mang chiếc mặt nạ hài trên con phố có những căn hộ gạch xám bị moi ruột. Chiếc mặt nạ đến từ rạp chiếu phim tiêu điều nơi mà nó đã được treo bên cạnh bạn nó, cái mặt nạ bi. Ôi, thằng bé mang giày bố đỏ, đang rút giò chạy. . . Trong cơn thao thức người ta chờ thấy các mĩ nhân mộng du chập chờn trong những cuốn phim câm.
 
 
4
 
Lũ chó công an mặc áo quần trẻ con lấp ló trong khung cửa sổ của gã nuôi chó. Ôi những chiếc tạp-dề trắng được hồ bột cứng, những chiếc quần lót đính ren, giầy da của bố mẹ. Nếu bạn muốn bán linh hồn cho quỉ thì đi thẳng tới cuối đường rồi trèo lên tầng hai của căn nhà có bầy chó mà hỏi.
 
 
5.
 
Sự mập mờ tạo ra bởi những nghi ngờ về những cái đã xảy ra trước đó chào đón chúng tôi.
 
“Nghệ Thuật Sáng Chế Thần Thánh” theo lời quảng cáo. Chúng tôi được trao cho những sô bùn và được cho xem tấm bản đồ thế giới hảo hạng. “Con Nhân Ngưu dị ứng tiếng huýt sáo,” ai đó thì thầm, nên chúng tôi bước đi trong im lặng.
 
Lớp học buổi tối. Bầu trời như tấm gương soi của một mĩ nhân khuất bóng được dùng làm mẫu. Cái khạc nhổ của kẻ mang dịch trầm cảm làm keo.
 
 
6.
 
Thời của bọn thi sĩ tép riu đang tới. Vĩnh biệt Whitman, Dickinson, Frost. Chào mừng bạn, kẻ mà tiếng tăm sẽ không bay xa hơn khung cảnh gia đình bé nhỏ, và có thể một hay hai người bạn tốt sẽ quây quần sau bữa tối quanh một vò rượu đỏ mạnh . . . trong khi lũ trẻ buồn ngủ và mè nheo về những âm thanh mà bạn gây ra khi đóng mở các ngăn kéo tìm lại các bài thơ cũ, lo ngại rằng bà xã có thể đã vất chúng khi dọn dẹp nhà cửa đón xuân. Tuyết rơi, một kẻ nào đó lại thì thầm khi ngước nhìn ra đêm tối, rồi một kẻ nào đó nữa, vâng ạ, khi bạn sửa soạn lên tiếng đọc, chính hắn cũng nghiêng mình về phía bạn với cử chỉ đầy vẻ kịch tính và khuôn mặt đỏ bừng, khi bạn sắp sửa đọc bài thơ tình lê thê mà đoạn cuối (dù bạn không ngờ) may thay đã bị mất.
 
―Phỏng theo Aleksander Ristovic.
 
7.
 
Ít nhứt là bốn hay năm gã Hamlet chỉ riêng trong cuốn sách đó thôi. Những chàng Hamlet y hệt nhau với những khuôn mặt y chang nhau của lũ khỉ đồ chơi quay cuồng.
 
 
8.
 
Trò hài về sự lẫn lộn tại một quán ăn sang ở trung tâm thành phố.
 
Cái ghế thực sự là một cái bàn đang tự chọc quê. Cây móc áo vừa học xong cách cho tiền boa bọn hầu bàn. Một dĩa trứng cá muối đen được dọn ra cho một chiếc giầy.
 
“Thưa ngài khách khả ái và quí trọng nhứt của chúng tôi,” một cây dừa trong chậu kiểng nói với một tấm kiếng, “tự kích thích mình là một việc thực sự không cần thiết đó bạn ạ.”
 
 
9.
 
Người đàn ông béo phì van nài chạy theo sau nàng trên đường đi. Hắn gọi tên nàng . . . xin nàng hãy trở về! Gã da đen giả gái trong bộ áo dạ vũ sa-tanh trắng của thiếu nữ mới vào đời, phe phẩy tờ báo làm quạt bất kể vỉa hè phủ tuyết. Khách qua đường quay lại nhìn, người tình với cái đầu cạo trọc, đôi chân không giầy, vẫy gọi thượng đế xin Người chứng giám.
 
 
10.
 
Cả một tuần lễ nghỉ hè trong quả cầu chặn giấy bằng thuỷ tinh mua ở Coney Island. Bà lão lau bụi mỗi ngày. Tôi gọi “bà lão,” nhưng thực sự thì bà trông giống như một con khỉ khi bả nhìn soi mói vào quả cầu. Chúng tôi tất nhiên là trần truồng. Tôi đã có một làn da rám nắng tuyệt đẹp và vợ tôi cũng vậy. Ban đêm có một chút ánh sáng đến từ cái bể nuôi cá. Chúng tôi trở thành xanh lè. Vợ tôi là một cây dương xỉ hoang với chùm lá rung rinh khêu gợi. Ở thiên đường cá vàng có hoà bình và yên tĩnh.
 
 
11.
 
Khối người ở xung quanh đã bị cho xơi bánh vẽ về chuyện các vật thể lạ trên trời. Bạn không thể ngờ về chuyện khả thể đó khi nhìn các ngôi nhà thờ trắng xinh đông nghẹt tín đồ vào Chủ Nhựt.
 
“Hình tròn vuông không hề có thật,” thầy giáo bảo lũ học trò ngốc. Bà má của ông ta vừa bị bắt cóc đêm qua. Khác với các dự đoán trái ngược lại, bà đương ngồi trong một góc xó nhếch mép cười. Bầu trời bao la và xanh biếc.
 
“Chúng nó bé tí teo đến đỗi chúng nó có thể nằm ngủ trong lỗ tai của mình,” một lão sinh đôi tám mươi tuổi nói với đối tượng.
 
 
12.
 
Ôi Đấng Tối Cao của Lý Thuyết, ngài chỉ là một cái đầu bút chì, một đầu bút chì bị gặm nhấm với một cục tẩy mòn ở đằng sau một nét nguệc lớn.
 
 
13.
 
Tôi quen biết một con cú đêm mơ trở thành siêu sao nhạc đồng quê.(*) Ôi định mệnh cay nghiệt! Ôi thung lũng nước mắt. Chúng tôi nhâm nhi uýt-ki trong tách uống cà-phê đắm chìm vào lúc khuya vắng trong khi chiếc juke box quay những vòng dĩa nhạc yêu thích của nàng. Nàng đút cho tôi ăn những miếng bíp-tếch trên đầu nĩa trong khi bàn tay tôi bò lạc dưới gầm bàn. Hai vành tai to đỏ tía của bé lễ sinh hát thánh ca trong nhà thờ của gã pha rượu nơi quầy hàng. Nàng, cặp mắt mơ màng, đầu bật ngửa, khiến cái cắn tiếp theo bị lơ lửng. Tôi phải giương cổ dài hết mức để táp miếng thịt.
 
Tôi có thể làm điều gì khác hơn nữa? Sự điên cuồng quá hấp dẫn, và đêm quá buốt giá.
 
 
14.
 
Cha tôi yêu các cuốn sách dị kì của André Breton. Ông nâng ly rượu đỏ lên để hoài niệm chúc mừng những buổi tối xa xưa ấy “khi những cánh bướm tạo thành một dải ruy-băng duy nhứt chưa bị cắt đôi.” Hoặc là chúng tôi có thể đã bước ra ngoài đứng đái trong con hẻm sau nhà và ba tôi có thể đã nói: “Ðây là những cái ống dòm dành cho những đôi mắt bị bịt khăn.” Chúng tôi sống trong một căn hộ tồi tệ bốc mùi người già và những con vật nuôi của họ.
 
“Chơi vơi trên mép vực ngập ngụa mùi hương của sự cấm đoán.” Chúng tôi có thể đã thay phiên nhau cắt những lát xúc-xích hun khói trên bàn. “Tao yêu nước Mĩ”, ba đã có thể nói với chúng tôi. Chúng tôi sẽ kiếm được một triệu đô-la khi sảng chế các đồ vật đã thấy trong chiêm bao đêm hôm ấy.
 
 
15.
 
Một du khách tới miền bắc cực với một căn buồng phải băng qua. Một căn buồng trắng thật sáng sủa và sạch sẽ trong ánh nắng mai.
Xa xa những tiếng động phát ra từ căn bếp . . . Nếu như mà hắn có thể giả bộ làm một kẻ xa lạ đi bộ tới một vùng xa xôi, phủ tuyết, với một bầu trời trống vắng và xanh lơ hết cỡ.
Trong căn buồng thảy đều yên tĩnh. Hắn có thể cảm nhận những mũi kim gút và kim may trên chiếc áo vét đen mới trong khi hắn chờ cô thợ may của miền địa đầu, con số không trên đầu lưỡi cô.
 
 
16.
 
Tất cả những thứ đó đưa chúng ta tới nơi Vô Ðịnh―nghĩa là một thành phố hệt như mọi thành phố khác. Các cô bán hàng của nơi Vô Ðịnh đã về nhà lúc cuối ngày. Tôi phải tự thuyết phục mình về sự hiện hữu của các cô gái ấy bằng cách chìa tay ra xin một cô gái một đồng mười xu. Cô ta không những cho tôi tiền mà còn tặng thêm một nụ hôn trên trán.
 
Tôi đã sẵn sàng trút bỏ hai cái nạng và bước đi, nhưng một cô gái khác vẫy một ngón tay và bảo tôi phải giữ đúng tác phong.
 
 
17.
 
Từ trong một cái nồi kê trên bếp một kẻ nào đó đã đe doạ các ngôi sao với một cái muỗng gỗ.
 
Ngoài ra, chỉ là sự yên tĩnh không một gợn mây. Ðó là giờ của gã chăn cừu.
 
 
18.
 
Ở nơi mà sự ngu dốt là hạnh phúc, ở nơi mà về đêm người ta nằm trên chiếc giường của sự ngu ngốc, ở nơi mà người ta quỳ gối cầu khẩn một thiên thần điên rồ . . . Ở nơi mà người ta đi theo một thằng đần độn để tham chiến trong một đạo quân ngu xuẩn sung sướng trong hoan lạc ra chiến trường . . . Ở nơi mà gà trống gáy cả ngày . . .
 
Cái đầu rỗng dễ thương ca đi ca lại mãi một đoạn của bài tình ca. Bữa ăn sáng trên sân thượng của chúng tôi là những chùm nho vẽ đánh lừa thị giác khiến lũ chim cũng mổ vào. Và bây giờ là những nụ hôn . . . vì chúng mà chúng tôi đã quên tháo bỏ những chiếc mặt nạ Halloween của mình.
 
 
19.
 
Hắn đã lẫn lộn các nhân vật trong cuốn truyện dài hắn đang viết. Hắn quên họ là ai và đang làm gì. Một người đàn bà đã chết tái xuất hiện khi đến giờ ăn tối. Một anh bán hàng đến từng nhà chợt hiện ra từ chiếc xe móc đậu trong rừng mặc những bộ đồ Tàu. Trong cái hôm mà tên giết người sẽ lên ngồi ghế điện thì hắn lại đang mua hoa tặng cho một ả Rita nào đó, mà té ra chỉ là một bé gái mười tuổi còn thắt bím và đeo kính cận dày . . . Và rồi cứ thế.
 
Tuy nhiên, hắn chưa từng làm gì với tôi. Tôi cứ già đi và thêm gắt gỏng, vì hình như tôi phải làm vậy, trong một tỉnh lỵ đìu hiu mà hắn luôn mô tả là “chết chóc” và “gần số không.”
 
 
20.
 
Ai đó cào nhẹ vào cánh cửa phòng tôi thỏ thẻ: “Ngỗng đã chín.”
 
Quái! Dao nĩa trong tay tôi đã sẵn sàng. Khăn ăn đã buộc vào cổ, thế nhưng cái dĩa trước mặt tôi vẫn trống không.
 
Dù sao, ai đó vẫn tiếp tục thỏ thẻ từ bên kia cánh cửa về một con ngỗng vô hình và hình như đã được nấu chín mà một kẻ đó bảo rằng nó đang chờ chúng tôi tại phòng ăn công cộng.
 
 
21.
 
Một tấm bảng nhỏ và cứng hơn trong một trại tù thiếu nhi dành riêng cho lũ bướm. Phoebus đó. Phu nhân loè loẹt đó, Mặt cún đó, Bạch đô đốc đó, Ngựa rằn đó, Áo choàng sáng đó, Dấu Hỏi đó, Quỉ rừng con đó.(*) Màu sắc của chúng thật tuyệt vời.
 
Ai đã mách bảo cho lũ trẻ ghim kim vào cơ thể chúng tôi?
 
------------
(*) tên đặt cho những con bướm: Phoebus, Painted Lady, Dog Face, White Admiral, Zebra, Mourning Cloak, Question Mark, Little Wood Satyr.
 
22.
 
LÝ LỊCH BÍ MẬT CỦA TÔI LÀ
 
Căn phòng trống,
Và chiếc cửa sổ mở
 
[hết]
 
 
-------------
Đã đăng:
 
Bà bồng tôi quấn tã băng qua các thành phố đang bốc cháy. Bầu trời là một nơi quá bao la và lộng gió để cho một đứa bé có thể nghịch đùa. / Chúng tôi đã gặp nhiều người như chúng tôi. Họ ráng xỏ tay vào áo khoác với tay áo bằng khói. / Các vòm trời cao tít đầy những vành tai điếc đã teo lại thay cho các vì sao... [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường]
 
... Người đàn ông bị xử chém đó bước xuống từ đoạn đầu đài. Y nâng cái đầu đẫm máu của mình trên tay. // Những cây táo đang trổ hoa. Y tìm đường đến quán rượu của làng, nơi mọi người đang nhìn cảnh tượng này. Đến đó, y ngồi xuống bên một cái bàn và gọi hai vại bia, một cho y và một cho cái đầu của y. Mẹ tôi chùi tay vào tạp dề và phục vụ... [Bản dịch của Hải Ngọc]
 
Bảy bài thơ  (thơ) 
Bảy bài thơ của Charles Simic (1938~) — nhà thơ gốc Yugoslavia, được xem là một trong những khuôn mặt quan trọng của thi ca đương đại Hoa Kỳ — lần đầu tiên đến với độc giả Tiền Vệ qua bản dịch của nhà thơ Nguyễn Đăng Thường.
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021