thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Về bài báo trên tờ Thanh Niên ngày 29/1/2004

 

Trên báo Thanh Niên xuất bản tại Sài Gòn ngày 29/1/2004 vừa qua, có một bài viết [1]lên án một số tác phẩm đăng trên Tiền Vệ là “tối nghĩa”, “bí hiểm” và “dơ bẩn”, v.v... Thật ra, những lời buộc tội như thế không có gì mới. Trong thập niên 1930, nhiều bài thơ của Hàn Mặc Tử, Bích Khê và Nguyễn Xuân Sanh (thuộc nhóm Xuân Thu Nhã Tập) cũng từng bị lên án là “tối nghĩa” và “bí hiểm”; các cuốn tiểu thuyết và phóng sự của Vũ Trọng Phụng cũng bị phê phán là “dơ bẩn”. Bảy chục năm sau, tất cả những tên tuổi vừa kể đều được xem là những tài năng kiệt xuất nhất của thời đại họ. Nhắc lại chuyện này, chúng tôi không có ý so sánh một số cây bút trên Tiền Vệ với những tên tuổi ấy. Chúng tôi chỉ xin lưu ý một điều: cần cẩn thận khi lên tiếng buộc tội người khác.

Những vấn đề “tối nghĩa”, ‘bí hiểm” hay “dơ bẩn” trong văn học là những vấn đề phức tạp, từng gây tranh luận sôi nổi trên khắp thế giới, ở nhiều thời điểm khác nhau. Chúng tôi không hy vọng gì có thể đưa ra câu trả lời sau cùng và được mọi người chấp nhận. Do đó, chúng tôi cũng dễ dàng chấp nhận cái quyền bất đồng của người khác, bất kể là ai, đối với chủ trương của Tiền Vệ cũng như đối với những bài viết đăng trên Tiền Vệ.

Chúng tôi chỉ băn khoăn về một số cách suy nghĩ rất lạc hậu, và vì lạc hậu nên trở thành “phản động” (theo nghĩa chống lại xu hướng vận động và đổi mới) đằng sau bài viết ấy. Những biểu hiện thuộc loại này có khá nhiều; tuy nhiên, ở đây, chúng tôi xin nêu lên hai điểm quan trọng nhất:

Thứ nhất, trước khi phê phán một số bài thơ bị xem là “rác rưởi dơ bẩn” hay “trần trụi”, “trâng tráo”, “tục tĩu” trên Tiền Vệ, tác giả đã khẳng định ngay đó chỉ là những trò bắt chước. Bắt chước ai? Tác giả nêu tên ba người: Nikos Kazanzakis, García Márquez hay Vệ Tuệ. Bất cứ ai đọc văn học hiện đại nhiều cũng đều biết ba tác giả này đều không phải là những cây bút tiêu biểu trong loại đề tài về dục tính. Họ càng không phải là những người đầu tiên viết về đề tài này. Thế nhưng, điều lạ là, tác giả bài báo cũng như, có lẽ, nhiều người khác đều hiếm khi đặt câu hỏi: Vậy những nhà văn ấy bắt chước ai? Không, người ta chỉ đặt câu hỏi ấy với các nhà văn và nhà thơ Việt Nam mà thôi. Ðiều đó có nghĩa là gì? Là, hình như, tự thâm tâm, người ta cho một người ngoại quốc thì được quyền táo bạo; còn người Việt Nam thì không. Bất cứ người Việt Nam nào đi ra ngoài khuôn khổ một chút đều bị gán ngay cho cái nhãn hiệu là “bắt chước”, bất kể họ viết hay hay dở. (Mà thường thì họ viết hay; nếu không, chẳng ai hơi đâu đọc và lên án họ làm gì!)

Chúng tôi cho cách suy nghĩ như vậy, cho dù có vẻ khệnh khạng, thực chất xuất phát từ tâm lý tự ti hậu thuộc địa, một thứ tâm lý của những người nô lệ: xem chuyện phiêu lưu, thử nghiệm và làm ra cái mới là đặc quyền của... thiên hạ.

Thứ hai, ở cuối bài báo, sau khi thừa nhận là có một số cây bút trẻ đi theo Tiền Vệ và một số khác, nhiều hơn, tò mò theo dõi Tiền Vệ, tác giả đề nghị: “Cần có một biện pháp hữu hiệu để kịp thời ngăn chận và xử lý tình trạng ô nhiễm độc hại nói trên.” Người ta dễ dàng đoán hiểu tác giả muốn đề nghị điều gì. Ðề nghị lấp lửng ấy, cũng như, quan trọng hơn, cái cách suy nghĩ dẫn đến đề nghị ấy khiến chúng tôi lo lắng. Lo lắng không phải vì viễn cảnh Tiền Vệ bị cấm đoán hay ngăn chận đến với bạn đọc. Mà lo lắng chủ yếu là vì cái cung cách suy nghĩ như thế đáng lẽ không nên có trong giới cầm bút hiện nay. Cung cách suy nghĩ ấy là gì? Là từ chối mọi sự suy nghĩ. Là thay vì tự hỏi: Tại sao nhiều cây bút trẻ lại thích đọc và thích viết như thế?, tác giả nghĩ ngay đến biện pháp hành chánh là cần trấn áp. Lối suy nghĩ như vậy vừa khinh rẻ giới cầm bút trẻ (xem họ như một bầy con nít dại dột) vừa khinh rẻ trí thức nói chung: nó muốn tước quyền tìm tòi, quyền đối thoại và quyền sáng tạo, cho dù chỉ giới hạn trong phạm vi nghệ thuật, của người trí thức. Thế vào đó, nó chủ trương sử dụng ngay một biện pháp đơn giản và ít trí tuệ nhất là trấn áp. Như cái điều nhiều người đã từng làm trong một thời gian bao-cấp-tư-tưởng khá dài trước đây.

Một đề nghị như thế thực chất là một lời đề nghị quay về với thời kỳ trước-đổi-mới. Một sự thách thức nghiêm trọng đối với chính những chính sách gọi là “đổi mới” trong nước hiện nay.

Tâm lý tự ti hậu thuộc địa, lối suy nghĩ phản trí thức và cách ứng xử phản-đổi-mới như vậy là những di sản mà chúng ta cần phải vượt qua nếu chúng ta thực sự yêu nước, thực sự muốn đổi mới và thực sự có quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam độc lập, không những trong lãnh vực chính trị mà còn cả trong lãnh vực văn hoá nữa.

Chúng tôi mong những kẻ còn mang nặng những di sản ấy chỉ là một thiểu số.

 

Tiền Vệ

 

_________________________

[1] Xem bài “Trò bôi bẩn văn chương", báo Thanh Niên, ngày 29/01/2004.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021