thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nhận định của ban biên tập

 

TẶNG THƯỞNG TIỀN VỆ THÁNG 1/2007

 

MỘT BÓ HOA CHO DIỄM CHÂU

 

Giống như mọi tháng, trong tháng 1, 2007 vừa qua, trừ một, hai ngày phải tạm ngưng vì thay đổi hệ thống máy chủ, ngày nào Tiền Vệ cũng đưa lên lưới 3 hay 4 “đơn vị” mới (chữ “đơn vị”, như chúng tôi nhiều lần giải thích, có thể là một bài thơ, một chùm thơ, một truyện ngắn, một chương sách, một tác phẩm hội hoạ hay âm nhạc). Có ngày số “đơn vị” mới ấy lên đến 5 hay 6.

Các “đơn vị” tác phẩm đăng tải trên TiềnVệ tháng qua tập trung vào nhiều đề tài khác nhau. Nhưng đề tài nổi bật nhất chắc chắn là sự ra đi của nhà thơ kiêm dịch giả Diễm Châu Phạm Văn Rao. Anh qua đời ngày 28 tháng 12, 2006 nhưng mãi đến đầu năm 2007, anh em văn nghệ sĩ mới biết tin. Sau khi Tiền Vệ thông báo, nhiều người cảm thấy bàng hoàng. Trong nỗi thương tiếc mênh mang dành cho người mới khuất, chúng ta có cơ hội nhìn lại và cảm nhận những đóng góp lớn lao của Diễm Châu đối với văn học Việt Nam. Trong lịch sử văn học Việt Nam, dường như chưa có ai dịch thơ nhiều như Diễm Châu: tổng cộng cả ngàn bài, đó là chưa kể đến những bản dịch thuộc các thể loại khác như tiểu luận, truyện ngắn, tuỳ bút, phỏng vấn... Diễm Châu còn dịch dưới bút danh Thủy Trúc, và dịch chung với một số người khác. Tất cả đều được đăng trên Tiền Vệ. [Xin xem “Danh mục tác phẩm & dịch phẩm của Diễm Châu”].

Trước khi Tiền Vệ ra đời, một thời gian rất dài, cả mấy chục năm, Diễm Châu cứ dịch một cách lặng lẽ, nhiều lúc không đăng ở đâu cả. Anh dịch cho anh. Thỉnh thoảng, anh cho nhà xuất bản Trình Bầy in một tập, chỉ chừng vài chục bản để tặng bạn bè thân thiết, tuyệt đối không bán.

Khi Tiền Vệ xuất hiện, như gặp một tri kỷ, Diễm Châu, dù tuổi cao sức yếu và đau ốm thường xuyên, đã cố gắng đánh máy lại gần như toàn bộ các bản dịch cũ, dịch thêm các tác phẩm mới và gửi cho Tiền Vệ. Chỉ dành riêng cho Tiền Vệ. “Chỉ một mình Tiền Vệ mà thôi,” như anh đã nói. Anh cũng dành cho Tiền Vệ tái bản lại hai tập thơ, Mười bài ở Paris và những mảnh rờiViệt Nam, tổ quốc và em. Xin chú thích: thay vì dùng chữ “tái bản” cũng có thể dùng chữ “xuất bản”, vì, trước, cả hai tập thơ này đều chỉ được in thật hạn chế và chủ yếu chỉ lưu hành trong vòng thân hữu. Bản đăng trên Tiền Vệ không những được phổ biến rộng rãi mà còn được tác giả xem như bản hoàn chỉnh cuối cùng.

Có thể nói Tiền Vệ là địa chỉ được Diễm Châu tin cậy nhất để gửi gắm các tác phẩm và dịch phẩm của anh. Ngược lại, Tiền Vệ cũng rất tự hào khi nhận được sự tin cậy gần như tuyệt đối của một trong những cây bút nổi tiếng khó tính trong nền văn học Việt Nam đương đại.

Bởi vậy, sự ra đi của Diễm Châu có thể xem như một sự mất mát lớn, trước hết, đối với Tiền Vệ. Có lẽ còn lâu lắm mới có thể tìm một dịch giả nhiệt tình và tận tuỵ như anh. Tiền Vệ xin dành Tặng Thưởng của tháng đầu năm này cho anh, người đã khuất.

Số tiền tặng thưởng — vốn do nhà thơ Nguyễn Hoàng Tranh và anh Hoàng Ngọc Diệp tài trợ — sẽ được dùng để mua một bó hoa gửi đến gia đình dịch giả/nhà thơ quá cố, người, qua các tác phẩm và dịch phẩm của mình, đã cho chúng ta bao nhiêu là đoá hoa lạ và đẹp lượm nhặt từ rất nhiều nơi trên thế giới.

Để tháng 1.2007 hoàn toàn là tháng của Diễm Châu, chúng tôi xin phép gác lại phần “Ý kiến độc giả” và sẽ đăng vào tháng tới. Thành thực xin lỗi quý độc giả và thân hữu đã có thư góp ý. Rất mong nhận được nhiều ý kiến của quý bạn về những tác phẩm đăng trên Tiền Vệ từ nay trở đi.

 

Ban Biên Tập Tiền Vệ

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021