thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Chơi nước biếc, ẩn non xanh

 

Những con chim sẻ bay lượn trên đồng lúa chín. Thỉnh thoảng, một ngọn gió mùa xuân đi ngang, xoáy vòng, thổi nghiêng ngả từng mảng lúa chín vàng. Từ đằng xa, ta có cảm tưởng như đang nhìn mặt đại dương đang nổi sóng. Chốc chốc, từ đồng lúa, vài con chim bay vút lên như những con cá thích thú nô đùa ở trong lòng biển lớn.

Hôm nay là ngày thứ ba của mùa hạ. Đầu mùa hạ, mặt trời mọc vào lúc 5 giờ và cho đến 10 giờ đêm mới lặn. Nhưng thật ra thì bắt đầu 3 giờ trời đã hừng sáng và ban đêm hơn 12 giờ bầu trời mới tối hẳn. Trời sáng thật lâu, và Lữ tha hồ có thời giờ thả bộ, ngắm cảnh. Anh nghĩ thầm: “Không phải ai cũng có cái thú vui này.” Anh chợt nhớ tới câu thơ cổ của nhà vua Trần Nhân Tông:

Chơi nước biếc,
ẩn non xanh,
nhân gian có nhiều người đắc ý.

Thời của nhà thơ hoàng đế tu sĩ, thế kỷ thứ 13, con người Việt Nam sống thanh thản như vậy sao? Những lá thư điện tử mà Lữ nhận từ quê nhà cho anh thấy một xã hội thật bận rộn. Ít có ai còn thì giờ để sống cho riêng mình. Trong khi thả bộ, Lữ thấy rõ ràng là anh đang sống cho chính anh. Anh nghe lòng mình thật là thư thái. Anh khám phá ra là mỗi con người đều có quyền sống cho có hạnh phúc. Mỗi con người cần học cách chăm sóc lấy bản thân của mình.

Những ngọn gió thổi vào mặt của Lữ mát rượi. Bước chân của anh trở nên nhẹ nhàng, thong dong. Bên đường, một đồng hoa hướng dương đang kết nụ. Màu lá cây hướng dương thật là xanh, làm cho mắt anh cảm thấy dễ chịu. Thiên nhiên là một nhà hoạ sĩ đại tài. Màu sắc của cây cỏ như có tác dụng trị liệu. Mỗi khi mệt mỏi, bước ra ngoài, ngắm màu sắc của cỏ cây hoa lá, Lữ thấy thân và tâm anh khỏe ra. Không biết có phải khi xem tranh, người ta cũng cho phép thân và tâm của mình được trị liệu bởi màu sắc, vẽ lên khung vải trắng bởi những nhà hoạ sĩ tài ba?

Và ánh sáng nữa. Ánh sáng của thiên nhiên là một phép lạ mầu nhiệm. Có khi đi chơi trong một vùng trời đầy ánh sáng hiền lành, anh ngỡ rằng mình đang dạo trong thiên đàng. Lữ lại nhớ đến câu thơ của một người bạn:

Mỗi lần từ thiên đàng trở về,
thì gương mặt của em rực sáng.

Thiên đàng ở đâu mà bạn anh lại viết: “từ thiên đàng trở về”? Và hai chữ “mỗi lần” mới lạ lùng. Mỗi lần có nghĩa là không chỉ một lần. Nhưng hôm nay thì anh thấy mình cảm được sự có mặt của thiên đàng. Thiên đàng tràn ngập ánh sáng của đầu mùa hạ. Mỗi chúng ta đều có quyền đi vào thiên đàng để dạo chơi. Trong những bức tranh tuyệt đẹp, ánh sáng đóng một vai trò chủ chốt. Lữ nghĩ đến tranh của hoạ sĩ Võ Đình. Cái làm cho anh thích tranh Võ Đình là ánh sáng. Hoạ sĩ Võ Đình vẽ tranh sen rất đẹp, nhưng cái đẹp nhất là những vùng ánh sáng, làm cho cành sen trong tranh trở nên sống thực.

Ngày mai, đồng hoa hướng dương sẽ vàng rực. Hoa hướng dương được trồng thành từng ô ruộng lớn. Đứng trên một con đồi nhìn xuống, Lữ thường nhìn thấy chiếc y nhiều ô màu vàng của các tu sĩ Phật giáo. Lữ thấy mình cũng đang tu, dù anh chưa cạo đầu và khoác y vàng. Anh đang học cách sống thảnh thơi của các thầy.

Những người mà Lữ gặp trong cuộc đời, thường nói rằng khi về hưu thì họ sẽ sống nhàn hạ hơn. Đây là một ước mơ đẹp. Nhưng muốn sống nhàn hạ, Lữ biết là mình phải tập luyện mỗi ngày. Nhiều khi anh tưởng là mình phải làm việc này, lo chuyện nọ xong thì mới an nhàn được. Nhưng ngắm một đồng hoa hướng dương, anh đâu cần hẹn tới một ngày mai xa xôi. Nếu muốn, anh có thể làm được ngay ngày hôm nay. Hạnh phúc đó, nó nằm trong tầm tay của anh. Lữ lại nhớ tới một bài thơ khác mà anh đã đọc được và thuộc lòng:

Đồng hướng dương còn xanh,
Bên đồng bắp còn non,
Màu lá thật tươi,
Chúng ta ở trong mùa xuân.
 
Chúng ta ở trong niềm vui,
Nghĩ về đồng hoa hướng dương,
Nghĩ về những con đường,
Ngày mai hoa vàng rực rỡ.
 
Chúng ta ở trong tuổi trẻ,
Với niềm tin hồn nhiên:
Ngày mai hàng bắp lớn lên,
Bên cạnh đồng hoa hướng dương.

Sự thảnh thơi không phải một cái gì có sẵn, chờ đợi chúng ta trong tương lai. Thong dong, thảnh thơi là hoa trái của sự sáng tạo. Con người ngừng sáng tạo, thì sẽ bị kẹt vào thế giới đầy dẫy những ràng buộc, chật chội. Chỉ có sự sáng tạo mới đưa Lữ ra khỏi thế giới này. Đôi chân anh sẽ bước vào thiên đàng. Trong thiên đàng đó, anh tha hồ đi chơi bên những đoá hoa hướng dương vàng rực, đang lớn lên mạnh mẽ, tươi tốt.

Khi nào còn sáng tạo thì sự sống sẽ đi tới, như một dòng nước trôi chảy mãi. Trong đó, thời gian mang một ý nghĩa đặc biệt. Từng giây phút của một ngày bỗng nhiên trở thành đặc biệt. Trong sự trôi chảy của sự sống, không một giây phút nào lập lại. Mỗi đoá hoa trở thành một đường nét sáng tạo. Trong một biển hoa hướng dương, Lữ nhìn mỗi đoá với tất cả lòng say mê và thán phục của mình.

Ngày xưa, Lữ đã từng biết thương những đồng lúa chín của quê nhà. Nhớ quê hương, Lữ nhớ những đồng lúa chín. Lữ thấy mình cảm động khi đọc những câu thơ:

Em dặn dò ta bên đồng lúa,
Lúa chín rồi vàng rực chân trời.
Thương cầu tre em tôi khôn lớn,
Mẹ ru em giấc ngủ trời mưa.

Nhưng bây giờ Lữ mới thấy được vẻ đẹp của những đồng lúa mạch, chín vàng, ở miền Nam nước Pháp này. Lữ nhận ra mình không còn sống như một người khách lạ ở xứ người nữa. Anh đã bắt nhịp được với sự sống. Anh không còn lưu lạc nữa. Anh đã trở về được với sự sống. Và anh nhận ra, tại quê nhà, biết bao nhiêu người đang sống trong tâm trạng xa lạ với chính mình. Nhiều người đang đi tìm một cái gì nó nơi một phương trời nào khác. Họ chưa về được, chưa thư thái, an nhiên được.

Những con chim sẻ tiếp tục lặn hụp trong biển lúa. Đôi mắt của Lữ phóng ra phía đằng xa. Quang cảnh đẹp quá. Nếu có Thanh ở đây, Lữ sẽ dẫn Thanh đi chơi cả ngày, cả tuần và cả tháng. Lữ đang sống ước mơ của mình. Ngày xưa, Lữ và Thanh đã có lần mơ mộng một ngày nào đó, đôi bạn sẽ cùng ngồi trên chiếc thuyền con, và dạo chơi khắp các nẻo sông nước ở chốn quê hương. Tại sao phải ngày mai? Tại sao phải dạo chơi ở một phương trời khác? Ở đây, Lữ thấy mình đã về. Lữ không còn thấy mình lạc lõng nữa. Anh đã tiếp xúc được với sự sống. Anh đã hiểu rõ hơn ý nghĩa của hai chữ: quê hương.

 

Pháp, 6-2007

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021