thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Lặng lẽ ở trong thiên đàng

 

Đêm hôm qua, đang đi dạo trên đồi thì tôi ngửi mùi hoa ngọc lan. Lạ thật, không phải là mùi hoa mộc lan đâu. Hoa mộc lan đoá lớn, cây có thể cao từ 15 đến 25 thước, mọc ở Tây phương nhiều lắm. Nhưng rõ ràng mũi tôi bắt được hương ngọc lan. Tôi nhìn quanh quẩn, không thấy ai gần đó cả. Không, đâu thể nào là mùi nước hoa được.

Sáng hôm nay đi dạo qua con đồi, mùi ngọc lan lại đưa vào mũi tôi. Tôi tìm quanh. Xứ này lạnh quá, cây ngọc lan chỉ có thể sống qua mùa hè. Vậy là cây được trồng trong chậu. Gần đây phải có nhà ai trồng cây ngọc lan. Thế nào tôi cũng tìm ra. Tôi tiếp tục thả bộ ra mé đồi.

Dưới chân đồi, sương mù dày đặc. Mặt trăng vẫn còn treo trên trời cao. Từ đám sương mù, vài con chim sẻ bay vút lên, lượn đôi ba vòng dưới ánh trăng buổi sáng. Tự nhiên, tôi có cảm tưởng mình đang đứng trên thiên đàng. Dưới lớp sương mù là thế gian. Giờ này, nhiều người vẫn còn đang ngủ say. Chốc nữa đây, thế gian sẽ nhộn nhịp với những sinh hoạt rất con người.

Tôi sẽ làm gì trên thiên đàng? Tôi sẽ đi tìm ba tôi. Tôi biết chắc là ba tôi đã về thiên đàng. Ông đã sống rất hiền lành. Nếu thiên đàng không có mặt ba tôi, thì dân số chỉ là lưa thưa vài ông thánh, ông thần. Vừa nghĩ đến đó thì tôi thấy ba tôi đang cầm gậy từ hướng chân đồi đi lên. Tôi mừng rỡ gọi: “Ba!” Ba tôi nhìn về hướng gọi, khi thấy tôi thì trên gương mặt ông, nụ cười hiền lành từ từ nở ra.

Tôi chạy lại bên ba, nắm tay trái ông lắc lắc mạnh. Đã hơn hai mươi năm rồi còn gì, từ ngày ông ngã bệnh, ra đi không một lời giã từ chúng tôi. Tôi hỏi: “Ba ở đây lâu chưa?” Ba tôi nói: “Ba đợi con lâu lắm rồi. Có lúc thấy con đi quanh, ba gọi hoài nhưng con không nghe. Ba biết, thế nào có ngày con cũng thấy ba. Tại sao hôm nay con lại nhìn thấy ba vậy?” Tôi suy nghĩ một chút rồi trả lời: “Có lẽ tại vì con chợt nhận ra là mình đang ở trong thiên đàng.”

Ba tôi hỏi: “Bây giờ, biết mình đang ở trong thiên đàng rồi thì con muốn làm gì?” Tôi nói: “Hồi nãy con nghe mùi hoa ngọc lan. Con muốn đi tìm cây ngọc lan. Ba đi với con. Hai cha con mình sẽ ngồi dưới cây ngọc lan mà uống trà.” Chưa bao giờ tôi thấy gần gũi ba tôi như vậy. Tôi nắm tay ông như đang cầm tay một người bạn thân. Tôi nói: “Ngày xưa, khi ba mất con còn nhỏ quá. Con chưa biết mời ba ngồi xuống, cùng thưởng thức một ấm trà. Còn bây giờ, con sẽ không đánh mất một cơ hội nào nữa.”

Ba tôi không nói gì. Ông vẫn mặc chiếc áo len cũ kỹ màu nâu, tay phải cầm cây gậy trúc. Ông nói: “Ba biết ai trồng cây ngọc lan. Con biết ở dưới lưng đồi hướng đông, nơi mà mọi người thường gọi là Cánh bình minh, có một cái cốc nhỏ. Người trồng hoa ngọc lan ở trong đó. Đó là một người tu.” Tôi ngạc nhiên: “Một người tu. Phải rồi, trên thiên đàng này ai lại không phải là người tu.” Ba tôi cười: “Ở đâu người ta cũng tu hết. Mỗi người tu theo một cách. Nhất là ở trong gia đình, ai cũng đóng góp phần tu tập của mình. Con biết không, gia đình cũng là một thứ thiên đàng.”

Tôi nhìn ba, ngạc nhiên: “Nhưng con biết nhiều người đang đau khổ trong gia đình.” Ba đưa tay vuốt đầu tôi và nói: “Tại vì họ đánh mất thiên đàng. Họ quên mất gia đình là một nơi để mọi người cùng nhau xây dựng hạnh phúc. Họ quên thiên đàng cho nên không nhìn thấy nhau nữa. Cũng như con, con vừa khởi ý thức mình đang ở trong thiên đàng thì con liền thấy ba. Trước đó, ba ở bên cạnh mà con không biết.”

Nói đến đó thì chúng tôi đã đến chiếc cốc trên Cánh bình minh. Trước cốc, một vị thầy, trong chiếc áo nâu bình dị đang đong đưa trên võng. Tôi nhận ra thầy, chạy lại: “Thầy. Thầy ở đây bao lâu mà con không biết. Té ra, chính thầy là người trồng cây ngọc lan.” Thầy cười: “Cây ngọc lan được người ta đem từ Việt Nam sang tặng. Năm nay là mùa đầu tiên nó cho hoa. Con vào trong kia mang ấm và trà ra đây.”

Chúng tôi ngồi uống trà bên chậu hoa ngọc lan. Những cánh hoa ngọc lan thanh tao, xoè ra, úp lại như một bàn tay đang múa. Ba tôi nói: “Con ơi, dưới chân đồi không phải là thế gian. Tất cả mọi thiên đàng đều trở thành thế gian hết. Và tất cả mọi thế gian đều trở thành thiên đàng. Nếu không biết giữ gìn, thì thiên đàng trở thành thế gian.” Tôi lắng nghe ba tôi, tưởng như thầy đang nói với mình. Tôi dụi mắt, hoang mang: “Đây là thầy, hay đây là ba?”

Hình ảnh của thầy và ba tôi đi dần vào nhau rồi trở thành một. Ba tôi cười: “Nếu không biết giữ gìn thiên đàng thì cả thầy và ba đều là những ảo ảnh. Còn nếu biết giữ gìn thiên đàng thì ba chính là thầy. Và thầy chính là ba. Cây ngọc lan, ấm trà nóng, thầy và ba đều là những thực tại. Thực tại nào cũng tuyệt đẹp và mới tinh.” Tôi hỏi: “Ba ơi, làm sao để mình giữ gìn thiên đàng?” Ba tôi tôi nói: “Ba đã nói rồi. Mọi thế gian đều trở thành thiên đàng. Sáng hôm nay, cái gì đã giúp con bước vào thiên đàng?”

Tôi chợt hiểu ra, la lên: “Mùi hương ngọc lan, sương mù buổi sáng, đàn chim sẻ và ánh trăng treo.” Ba tôi nói: “Phải rồi. Người nào nhận ra những cái đẹp của thế gian thì thế gian sẽ trở thành thiên đàng.”

Ba tôi cười. Thầy cũng cười, tay cầm cốc trà nóng, hớp một ngụm rồi ngâm:

 
hai hay ba con chim
thức dậy khi mặt trời
vừa vén lên mùa xuân
cây cỏ xanh tươi
 
lá non như bàn tay
xoè ra vẫy chào gió mới
vẫy chào những đôi chân
dạo chơi cảnh đẹp mùa xuân
 
dạo chơi khi hoa vừa nở
khi cánh lan trang nghiêm
dựng lên một ngày thật đẹp
lặng lẽ ở trong thiên đàng
 
hình như có ai vừa hỏi
về một khúc nhạc xa xưa
hình như có ai vừa hát
tiếng ca vang đến chân đồi.
 

Ngâm xong, thầy quay lại hỏi: “Con có biết bài thơ của ai không?” Tôi cảm thấy bài thơ quen quen. Cố nhớ một hồi rồi chợt phì cười, nói: “Thơ của con.” Trả lời xong, tôi mới giật mình: “Thì ra câu ‘khi cánh lan trang nghiêm’ là chỉ hoa ngọc lan.”

Tôi tính hỏi thầy hoặc là ba tôi điều gì đó, nhưng nhìn lên thì thấy hai người đã đứng dậy, nắm tay nhau ra khỏi cốc rồi. Tôi ngồi nhìn chậu ngọc lan, thầm nghĩ: “Biết đâu, đây chỉ là một giấc mộng.” Nhưng nhìn những đoá ngọc lan đẹp và thơm, tôi biết tất cả đều là sự thật. Một sự thật đẹp hơn mọi cơn mơ.

 

Pháp, 9-2007

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021