thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tình anh em

 

Mẹ tôi từ Sài Gòn về, vừa tới trước ngõ đã nghe chị tôi la lớn: “Má ơi, cậu về!”. Chị nắm tay mẹ tôi lôi tuột vào nhà, vừa chạy vừa thét: “Cậu về! Cậu về!” Ba tôi thấy vậy, rầy: “Con ơi, từ từ. Coi chừng má con té chết.” Tôi tò mò, lủng đủng chạy theo mẹ. Lên tới lầu hai, tôi thấy mẹ ôm một người đàn ông lạ mặt mà khóc. Người này chắc chắn là cậu mình rồi, một người tôi chưa từng gặp qua. Mẹ tôi nói qua nước mắt: “Anh em mình xa nhau đã hơn ba mươi năm.”

Đó là người cậu tập kết của tôi. Một cái gì ruột thịt, thân thương lập tức nối liền anh chị em tôi với cậu. Chúng tôi ngồi chơi, cậu tới gần, hỏi thăm về bàn cờ lạ mà cậu chưa từng thấy qua. Cậu hỏi: “Cờ này tên là gì hả con?” Tôi trả lời: “Dạ, cờ thú.” Cậu nói: “Cờ thú hay quá, con dạy cho cậu cách chơi. Cậu mua về, chỉ lại cho anh chị con ngoài Bắc.” Cử chỉ và lời nói của cậu quan tâm, săn sóc. Tôi thích cậu lắm, tối ngày quấn quít bên người cậu hiền lành, thân thiện.

Còn mấy chị tôi thì thích bình hút thuốc lào bằng sành của cậu. Thấy nước trong bình dơ quá, các chị đổ nước, lau chùi bình sạch bóng, châm nước mới vào. Sau đó thì lén cậu, các chị mồi thuốc hút thử, nghe nước trong bình kêu rồn rột, thở khói, cười với nhau, rồi say thuốc, ói. Cậu về, thấy bình bóng lộn, nước trong bình trong veo thì chỉ than trời, kêu khổ: “Mấy đứa bây đổ mất nước cốt của cậu rồi.” Chớ phải chi cậu biết chuyện hút thuốc thì thế nào cũng la rầy các chị tôi một trận.

Về phần mẹ tôi và hai dì thì lăng xăng chăm sóc cậu. Có món gì ngon là mua về cho cậu ăn. Bốn anh em, sau bao năm xa cách, bây giờ tóc đã bạc lại có dịp ngồi bên nhau. Cậu hỏi về ông bà ngoại. Nghe mẹ và hai dì kể chuyện ngày xưa, tôi thấy cậu trầm ngâm, đưa ngón tay quẹt quẹt nơi khoé mắt. Mẹ tôi nói: “Em viết thư ra Bắc tìm anh, có khác gì tìm kim đáy bể. Vậy mà anh em mình được đoàn tụ với nhau ngày hôm nay. Anh đưa gia đình vào đây sống với các em.”

Đem gia đình vào Nam, vui chưa được bao lâu, cậu nghe tin anh tôi tìm đường đi vượt biên. Cậu gọi anh lên lầu, hỏi: “Đất nước ta hoà bình rồi. Con vượt biên đi đâu?” Anh tôi trả lời: “Con đi tìm tự do.” Cậu tôi giận, la: “Vậy ở đây không có tự do hay sao?” Anh tôi cứng đầu đáp: “Không.” Nghe hai cậu cháu nói chuyện với nhau như vậy, ba mẹ tôi nói: “Con mình nó nói thẳng như vậy cũng tốt. Dù sao cũng là cậu cháu ruột.” Tôi thấy trên gương mặt của ông bà có một chút gì hài lòng về sự thẳng thắn của anh.

Rồi đến lượt ba mẹ tôi cũng nói thật với cậu. Cả nhà tôi phải ra đi. Ra đi với hai bàn tay trắng. Cơ nghiệp ba mẹ tôi gầy dựng một đời, trong phút chốc lại phủi tay. Ba tôi kể: “Hồi đó, có người coi tướng ba, nói đến sáu mươi tuổi thì ba phải trắng tay. Ba không tin, tài sản của ba làm sao mà ăn cho hết được. Vậy mà bây giờ đúng thật. Ba rất phục ông thầy coi tướng nọ.”

Qua đến Hoà Lan, đêm đêm tôi thấy mẹ tôi viết thư cho cậu. Viết xong, trước khi bỏ bỏ vào bì gửi đi, lúc nào bà cũng đọc lại lớn tiếng một lần cuối. Có lần, tôi nghe mẹ tôi đọc: “Hai anh em mình xa nhau ba mươi năm. Gặp nhau chưa kịp mừng thì nay lại phải xa nhau mười năm nữa. Viết đến đây thì em không cầm được nước mắt...” Tôi thấy lòng mình thật xúc động, thương cho mẹ và cậu. Đó là hai anh em hết sức thương nhau, tôn trọng và nhẹ nhàng với nhau.

Rồi mẹ tôi nghe tin mình có thể về thăm quê hương. Bà đi liền. Nhiều người ngăn cản mẹ, giải thích cho mẹ tôi nghe là không nên về. Về như vậy là làm lợi cho chính quyền Cộng Sản. Mẹ tôi nói: “Tôi về thăm anh chị tôi.” Với mẹ, hạnh phúc lớn nhất là được ngồi chơi bên anh chị mình. Về chuyện chính trị, mẹ tôi không quan tâm mấy. Mẹ tôi chỉ mang nặng trong lòng tình nghĩa anh em, cái mà bà cảm thấy chưa được thoả mãn trong cuộc đời mình.

Với cậu và các dì, mẹ tôi là đứa em út. Bà kể: “Má già rồi mà các dì còn coi má như đứa con nít. Lên trên giường, dì còn vuốt lưng, dỗ má ngủ.” Rồi mẹ và các dì lại xúm xít bên cậu. Tình anh em của họ lại thật đẹp. Lại kể cho nhau nghe những chuyện ngày xưa, lại cười sung sướng, hạnh phúc. Rồi rủ nhau, từ Nha Trang lấy xe ra Ninh Hoà ăn bánh ướt, thăm lại ngôi nhà xưa của ngoại. Tình anh em là cái hình như không bao giờ già nua.

Cuối đời, cậu tôi bệnh nặng, mất đi tiếng nói. Cậu lại phải nằm yên một chỗ. Tôi từ Hoà Lan về thăm, ngồi với nhau một hồi lâu, cậu mới nhận ra tôi, kêu: “Trời!” Đó là tiếng kêu duy nhất tôi nghe được từ cậu trong chuyến về thăm đó. Những lúc khác, cậu chỉ im lặng nhìn tôi như muốn nói một điều gì thật tha thiết. Với tôi, đó là một người cậu rất im lặng. Cậu im lặng nhìn gia đình em mình ra đi. Cái cảnh đất nước hoà bình, mọi người đoàn tụ mà cậu mơ ước trong suốt cuộc đời, hình như chưa bao giờ thật sự đến với cậu.

Cậu bệnh một thời gian thì mất. Cậu ra đi, tôi còn giữ trong lòng một kỷ niệm thật đẹp, xảy ra vào thời gian cậu vào Nam thăm gia đình. Hôm đó, cậu nhờ hai anh em tôi đi gửi một bức thư dày cộm ra Bắc cho đứa con trai của cậu, đang gặp nhiều khó khăn. Hai anh em tôi chở nhau bằng xe đạp đi lòng vòng một hồi thì đánh mất lá thư. Anh tôi nói: “Chết, lá thư này cậu viết suốt hai ngày trời đó.” Chúng tôi đạp xe tìm hoài mà không thấy lá thư đâu và cuối cùng thì phải quay về thú thật với cậu. Tôi rụt rè đến bên cậu nói: “Thưa cậu, con làm mất lá thư rồi.” Cậu tôi nghe vậy thì hiền từ nhìn tôi, nói: “Vậy hả con? Mất thì thôi.” Rồi cậu không nhắc tới lá thư nữa. Anh tôi hỏi: “Cậu có la không?” Tôi trả lời: “Không.”

Không, cậu không hề la rầy tôi. Cậu hiền lắm. Con người hiền từ đó ngày xưa có tiếng là giỏi khoa ăn nói. Cậu rời cha mẹ, các em mà đi tập kết ra Bắc, mang tiếng nói của mình mà gieo rắc niềm hy vọng. Và cuối đời thì cậu ra đi trong im lặng. Mấy tháng trước đó, tôi đã ngồi bên giường cậu mà nói: “Ngày hôm nay, con được đi nhiều nơi để thuyết giảng, cũng như cậu ngày xưa vậy. Con sẽ nói thay cho cậu. Con nói về tình anh em. Và con sẽ không nói những lời gieo rắc hận thù. Cậu yên tâm.” Cậu tôi nghe vậy thì khóc. Lần này, cậu không quẹt quẹt khoé mắt nữa mà để cho hai hàng lệ chảy trên đôi má già nua, nhăn nheo.

 

Ý, 10-2007

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021