thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Người không đầu

 

I

Tôi không biết phải bắt đầu câu chuyện của mình như thế nào, vì tôi không phải là một con người bình thường. Tôi kể chuyện của mình như một người bất thường. Có những điều tôi viết, bạn khó lòng hiểu và thông cảm cho tôi được.

Nhưng trong cuộc sống, chúng ta nói và viết, mà có mấy ai thật sự chú tâm nghe và đọc để hiểu chúng ta đâu. Mỗi người trong chúng ta, ít nhiều nói và viết như những con người độc thoại. Chúng ta giả vờ nghe nhau, hiểu nhau và đang đối thoại với nhau. Vậy mà chúng ta vẫn sống được, nói được, viết được và đọc được; cho nên dù biết yếu kém của mình, tôi vẫn viết. Tôi viết như là có người sẽ đọc và hiểu được tôi. Tôi viết như thể tôi vẫn còn tin tôi là một con người bình thường.

 

II

Sự bất thường của tôi bắt đầu từ khi tôi mới lọt lòng mẹ. Một sự bất thường kỳ dị đến mức khó tin được. Nhưng gia đình và bác sĩ, không ai nhận ra sự bất thường ấy. Trong nhà, ai cũng chỉ cho rằng tôi là một con người đặc biệt, khác hẳn với những người khác. Anh chị tôi phàn nàn: “Thằng này nghệ sĩ quá”, hoặc nếu cộc cằn hơn, họ nói: “Mày ngu vừa vừa thôi.” Nhưng anh chị thương tôi vô cùng, tại vì dù nói nặng, nói nhẹ gì thì tôi vẫn nhăn răng mà cười. Có khi, anh chị nói: “Em tu được. Hay em xuất gia làm thầy tu đi. Đừng lập gia đình, vợ em sẽ ăn hiếp.”

Ai cũng cho tôi ngu si, ngớ ngẩn. Tôi không nhanh nhẹn và thông minh như bạn bè cùng trang lứa. Nhưng sự bất thường của tôi, phải đợi cho đến khi tôi 15 tuổi, trải qua một tai nạn xe gắn máy, thì gia đình tôi mới khám phá ra được. Biết sự thật, ai cũng lắc đầu. Rồi họ giữ sự bất thường đó như một bí mật gia đình. Mà dù nói ra, người ta cũng không tin nổi. Mẹ tôi là người buồn nhất, khóc cả ngày. Bà xem đó là một sự trừng phạt của ông Trời. Mà mẹ hiền lắm, đâu ai nỡ nào trừng phạt bà.

Tôi vốn chạy xe rất cẩn thận. Nhưng tai nạn đến thật bất ngờ. Tôi bị người ta tông ngang hông xe. Người tôi văng ra, đầu đập vào mặt đường thật mạnh. Không ai nghĩ tôi rằng sống sót. Người ta đưa tôi vào nhà thương rồi mới báo cho gia đình tôi hay. Mẹ tôi hay tin liền bấn loạn lên. Cha tôi bình tĩnh hơn, lấy xe đưa mẹ tôi vào nhà thương, hy vọng vào một phép lạ cứu lấy mạng sống của tôi.

Vào nhà thương, bác sĩ cho cha mẹ tôi xem tấm phim chụp bộ não của tôi. Cha tôi nghe bác sĩ vừa nói, vừa chỉ vào tấm phim, giải thích mà vẫn không sao hiểu được. Ông nói:

— Tôi không hiểu.

Vị bác sĩ già kiên nhẫn, giải thích:

— Tôi cũng không hiểu. Tôi chưa từng gặp ai giống như cậu bé này.

Không lâu sau đó, tôi được xuất viện. Bộ não của tôi không hề bị thương tích gì. Bác sĩ bảo đảm với cha mẹ tôi như vậy. Cha mẹ đưa tôi về, với một cái tin kỳ lạ. Ông bà họp mặt gia đình, nói cho anh chị tôi biết về đứa em kỳ lạ của mình. Anh Cả tôi hỏi:

— Ba có nghe lộn không?

Với tâm trạng hơi buồn, hơi giận, cha tôi xẳng giọng:

— Ba nghe rõ ràng, lại có phim chụp, làm sao mà lộn được.

Anh Cả tôi lắc đầu, không muốn tin. Anh nhìn sang tôi, dò hỏi. Tôi nhìn anh mà cười. Anh tôi thấy tôi cười thì thở dài, nói:

— Chắc anh phải tin ba. Từ nhỏ, em đã là một người bất thường. Nhưng anh đâu ngờ, em lạ lùng đến như vậy.

Buổi họp gia đình chấm dứt, với những cái lắc đầu của anh chị tôi. Không ai thật sự tin điều mình mới nghe. Ai cũng nhìn tôi với đôi mắt thương hại. Còn tôi thì chỉ cười, thỉnh thoảng nhún vai, như thể muốn nói: có vậy mà cũng làm cho lớn chuyện.

 

III

Cuối cùng gia đình cũng chấp nhận tôi như một đứa con quái lạ. Sự chấp nhận bắt đầu trở nên rõ ràng khi gia đình gọi đùa tôi bằng một cái tên mới: Người không đầu. Lối đùa giỡn đó cho thấy gia đình không còn đau khổ với sự khác lạ nằm trong cái đầu của tôi nữa. Họ chấp nhận và đem sự khác lạ đó ra mà chế giễu. Tôi cười. Đương nhiên là tôi cười, vì từ ban đầu tôi chưa từng khổ đau với chính mình. Tôi thương tôi vô cùng.Và thương cuộc sống này nữa.

Anh Cả tôi nghe tôi nói vậy thì phì cười: “Cuộc đời không đẹp như em tưởng tượng đâu. Nếu có cái đầu, em sẽ thấy cuộc đời là nơi người ta hơn thua nhau từng chút, để dành quyền sống còn.” Anh chỉ có cái miệng là ác, còn tâm anh hiền khô như Bụt. Anh luôn luôn tìm cách để giúp đỡ người khác. Với anh thì đó là một hạnh phúc lớn. Và người được anh nâng đỡ nhiều nhất ở trong cuộc đời này là tôi, một người không có cái đầu.

Anh Cả quả quyết là tại vì không có cái đầu, tôi không sao hiểu được sự ác độc của con người. Anh thường nhấn mạnh cho tôi hiểu: con người độc địa và hung dữ. Anh sợ tôi quên điều này nên cứ nhắc đi nhắc lại cho tôi nhớ. Nhưng rồi anh bỏ cuộc, thở dài: “Suốt đời, anh sẽ làm cái đầu cho em. Anh có cái đầu, còn em thì cứ vui vẻ với trái tim của mình. Với trái tim, em nhắc anh nhớ về tình thương, về những cái đẹp nhỏ nhoi còn sót lại trong cuộc đời.” Tôi hỏi anh:

— Cái đầu là để nhận diện được sự độc ác hả anh?

— Ừ. Không có cái đầu, thì mình không biết phân biệt phải trái, trắng đen. Khổ lắm.

— Có đầu thì mình bớt khổ, phải không anh?

Anh Cả nghe tôi hỏi thì im lặng một hồi. Anh không thấy những người có cái đầu bớt khổ. Anh nói:

— Không chắc. Nhưng mình phải biết phân biệt phải trái.

Tôi không có khả năng phân biệt phải trái, đúng sai. Anh chị tôi lo cuộc đời của tôi sẽ bấp bênh. Anh Cả nhìn tôi, mỉm cười:

— May mà em còn có trái tim.

 

IV

Trong gia đình, người chăm sóc cho tôi nhiều nhất là chị Liên. Năm hai mươi tuổi, chị xinh đẹp như một nàng công chúa trong truyện cổ tích. Năm đó, tuy chỉ mới lên tám, tôi còn nhớ rất rõ chị Liên đã khổ đau như thế nào trong mối tình đầu của mình. Cả ngày, chị ngồi trong phòng, ôm tôi mà khóc. Thỉnh thoảng, tiếng của mẹ tôi la rầy lại vang vào phòng, và chị lại nấc lên từng cơn, tức tưởi.

Lúc đó, chị chưa biết tôi là một đứa em không đầu. Nhưng chắc chắn chị đã biết tôi có một trái tim. Tôi an ủi chị như một người lớn, chững chạc và từng trải. Tôi ngồi thật yên trong lòng chị, cảm nhận hết từng cơn thổn thức của chị. Chị Liên không biết tâm sự với ai, nên nói với đứa em trong lòng:

— Em có hiểu nỗi khổ của chị không em?

Tôi nghe chị hỏi mà không trả lời liền. Chị tôi cũng không chờ đợi một câu an ủi nào của tôi cả. Chị cho rằng tôi còn nhỏ quá, chưa hiểu biết gì nhiều. Ai ngờ, một hồi sau tôi lên tiếng:

— Em hiểu nỗi khổ của chị.

Chị Liên nghe tôi nói thì hơi ngạc nhiên. Và vì không có ai bên cạnh để tâm sự, chị tiếp tục nói với tôi:

— Chị khổ vì chị đang thương một người. Nhưng má không cho chị thương người đó. Em hiểu không?

— Em không hiểu. Chị thương thì chị phải hạnh phúc chớ. Cũng như khi thương chị, em thấy lòng mình rất vui.

— Thương thì hạnh phúc hả em?

— Thương thì hạnh phúc. Em tin chắc như vậy. Khi nào không thương, mình mới khổ.

Không hiểu sao, câu nói ngớ ngẩn của tôi cứu được chị. Chị vượt qua được giai đoạn khó khăn của mình, lại kể những câu nói của tôi cho cả gia đình nghe. Ai nấy cũng cười, cho rằng tôi là một đứa trẻ kỳ lạ. Tôi nói rồi, tôi là một người không bình thường.

Sau này, khi biết được sự thật về sự bất thường của tôi, chị Liên cười:

— Chị tưởng em là thần đồng, là một triết gia bẩm sinh. Té ra em không có cái đầu. Nhưng chị vẫn cám ơn em rất nhiều. Em đã nhiều lần giúp chị hiểu được khổ đau của chị. Từ hồi em tám tuổi, chị đã biết là em có một trái tim.

Tôi có trái tim thì đâu có gì lạ. Mọi người cũng có trái tim nhưng họ không hề hay biết gì cả. Có phải cái đầu khiến cho người ta quên đi trái tim? Như vậy cái đầu là cái gì mà nguy hiểm dữ vậy?

 

V

Tôi đi học như bao nhiêu người bình thường. Nhưng tôi học không giỏi. Tôi không hiểu gì về những điều giáo sư dạy cho tôi. Tôi ngu si tới mức người ta để tôi có mặt trong lớp cho có lệ.

Vì không hiểu nên tôi không biết làm bài. Tại sao x cộng y lại thành z được? Một trái táo cộng một trái lê lại thành ra trái cam. Tôi cười ha hả ngay giữa lớp học, đặt những câu hỏi mà giáo sư không trả lời được, hoặc là không thèm trả lời. Khi biết ra mình không có đầu, tôi vỡ lẽ ra một chuyện: học đường là nơi dành cho những người có đầu.

Một hôm, cô giáo của tôi giận. Cô đổ tất cả lỗi lầm cho học trò của cô. Cô hét lớn:

— Các em có muốn từ hôm nay trở đi, tôi không la rầy các em nữa không?! Từ nay tôi sẽ mặc cho các em tha hồ phá phách, muốn làm gì thì làm. Các em có muốn vậy không?

Lũ học trò, những người bạn thân yêu của tôi sợ xanh mặt. Có bạn nhanh miệng, trả lời:

— Dạ không. Xin cô cứ la rầy các em.

— Tôi thương các em nên mới mệt như vầy, các em không thương tôi gì cả.

— Các em xin lỗi cô.

Các bạn của tôi lí nhí nói, mặc tình cho tôi ngơ ngác. Tôi mong cô đừng la rầy chúng tôi còn không được. Tại sao lũ bạn lại yêu cầu “cô cứ la rầy các em”? Nếu thương chúng tôi thì cô phải hạnh phúc chứ? Trái tim của tôi cho tôi biết như vậy. Rõ ràng là cô đang giận, cô không có hạnh phúc, và hình như cô không đang thương lấy chính mình, thì làm sao thương chúng tôi cho được?

Trong khi cô giáo giận, các bạn tôi lo lắng, thì tôi nhìn cô mà cười. Không ai hài lòng với thái độ vô lễ của tôi cả. Nhưng cô vẫn thích tôi, đứa học trò thiếu thông minh của mình. Tôi biết cô thương mình, và cũng biết tại sao cô thương tôi. Đó là một trong những điều hiếm hoi mà tôi biết chắc. Trong những năm dạy tôi, cô cũng đã khám phá ra một điều: tôi không có cái đầu, nhưng có một trái tim.

 

VI

Tôi không biết phân biệt nên cũng không hiểu nhiều về thế giới. Với tôi, thế giới vô cùng phức tạp. Tôi gần như không hiểu gì về thế giới, về cuộc sống này cả. Tôi chỉ biết là mình thích sống. Tôi không cần phải sống lâu, mà cần sống cho thật hạnh phúc.

Tôi nhận ra là những người có đầu, hiểu biết nhiều về thế giới. Anh Tài tôi là một người thông minh. Khi nói, anh hay phân tích, và giải thích cho mọi người hiểu về từng chuyện ở trong cuộc đời. Tới năm bốn mươi tuổi, anh Tài có khả năng sắp xếp đời sống của mình thật ngăn nắp, chu đáo. Anh thường nói: “Chừng về già, anh sẽ khoẻ. Mọi chuyện sẽ tốt đẹp, đâu vào đó hết.”

Sau bốn mươi, cuộc đời anh Tài đâm ra lộn xộn, không nằm yên theo ý anh muốn nữa. Anh buồn bực, có khi chán nản rồi cuối cùng là băn khoăn, không hiểu mình có tài năng hay không. Từ từ, anh Tài trở thành một con người trầm cảm. Có khi, anh đóng cửa phòng suốt cả tháng trời. Anh sợ hãi cuộc đời. Anh thở dài, nói:

— Cuộc đời này vô thường.

Tôi không hiểu hai chữ “vô thường” này. Tôi nghĩ “vô thường” là một tiếng than vãn. Tôi không có gì để than vãn, nên cũng chưa từng dùng đến hai chữ “vô thường”. Anh Tài lắc đầu, giải thích:

— Không. Vô thường là thay đổi. Cái gì cũng thay đổi liên tục hết. Cuộc đời này thay đổi nhanh quá. Mọi sắp xếp, ổn định cuộc đời này thật là vô nghĩa.

— Em không có cái đầu, nên không thể sắp xếp ổn định việc gì cả. Như vậy, vô thường không ảnh hưởng gì tới em.

— Vậy vô thường chỉ làm khổ những người có đầu thôi hả em?

— Em không biết. Nhiều chuyện em không biết lắm. Em vẫn khâm phục anh là người biết nhiều. Với em cuộc đời này thay đổi liên tục, mang đến cho em nhiều cái đẹp khác nhau. Mùa xuân hoa nở thật là tươi. Mùa thu lá bay thật tuyệt diệu. Mỗi lần trời đất thay đổi là em thấy lòng mình rung động. Sự thay đổi chưa bao giờ làm cho em đau khổ. Cuộc đời này thật đẹp.

— Em là người may mắn, không có một cái đầu. Và điều may mắn nhất là em có một trái tim. Những lời nói của em giúp cho anh nhiều lắm.

 

VII

Đó, câu chuyện của tôi thật là vô duyên, lạ lùng. Có người bạn, khi đọc truyện này, tưởng là tôi bịa đặt. Không, đây là một câu chuyện bất thường, nhưng thật tới một trăm phần trăm. Tôi không có một cái đầu.

Khi tôi viết truyện này thì chưa ai biết bí mật của tôi cả, ngoài những người trong gia đình tôi và mấy ông bác sĩ. Bác sĩ thì bận bịu lắm, họ quên mất chuyện của tôi rồi. Gia đình tôi dặn dò tôi phải giữ chuyện này trong gia đình thôi. Tuy nhiên, họ không còn thấy tội nghiệp cho tôi nữa. Có khi, như anh Tài, họ thấy tôi là một người may mắn. Thật lạ lùng.

 

Sunnyvale, 5-3-2008

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021