thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Mộng của mộng [kỳ VI: "Giấc mộng của Vladimir Maïakovski, thi sĩ và nhà cách mạng"]
(Diễm Châu dịch)

 

Ngày ba tháng Tư năm 1930, tháng cuối cùng của đời ông, Vladimir Maïakovski, thi sĩ và nhà cách mạng, nằm mộng cùng một giấc mộng mà đã từ một năm nay đêm nào ông cũng nằm mộng.

Ông mộng thấy mình ở trong xe điện ngầm của Mạc-tư-khoa, trên một đường xe chạy với tốc độ lớn. Ông bị tốc độ mê hoặc, là vì ông yêu mến tương lai và máy móc nhưng, lúc này, ông cảm thấy mình bồn chồn nóng nảy cần phải xuống, và ông cứ lay động mãi một món đồ ông để trong túi. Để nén nỗi bồn chồn, ông thấy nên ngồi xuống, và ông đã lựa một chỗ ngồi kế bên một bà cụ nhỏ nhắn mặc đồ đen mang một túi lương khô. Khi Maïakovski ngồi xuống bên cạnh bà, bà cụ già nhỏ nhắn giật mình, sợ hãi.

Bộ ta có vẻ mặt tệ đến thế ư?, Maïakovski nghĩ, và ông mỉm cưòi với bà cụ nhỏ nhắn. Rồi ông nói với bà: xin bà đừng sợ, tôi chỉ là một đám mây và tôi không đòi hỏi gì khác hơn là bước ra khỏi chuyến tàu này.

Cuối cùng con tàu dừng lại ở một trạm nào đó, và Maïakovski bước xuống mà không buồn để ý. Ông bước vào khu nhà cầu đầu tiên ông gặp và lôi cái món đồ ông để trong túi ra. Ấy là một miếng xà-bông vàng vàng, như thứ mà các cô thợ giặt thường dùng. Ông vặn vòi nước và bắt đầu kỳ cọ thật kỹ hai tay, nhưng cái dơ mà ông cảm thấy trên lòng hai bàn tay ông không đi hết. Bởi thế ông lại đút miếng xà-bông vào túi và bước ra tiến về phía hành lang. Trạm xe này thật vắng vẻ. Ở đầu mút, dưới một tấm bích chương lớn, có ba người đàn ông; những người này nhìn thấy ông, tiến lại gặp. Họ khoác những chiếc áo mưa đen và đội nón nỉ.

Công an chính trị, cả ba đồng thanh nói. Lục soát an ninh.

Maïakovski giơ hai cánh tay lên và để cho họ lục soát.

Thế cái này là cái gì đây?, một người trong bọn họ vung vẩy miếng xà-bông hỏi với một vẻ khinh bỉ.

Tôi không biết, Maïakovski kiêu hãnh nói, tôi không biết gì về những thức ấy hết, tôi chỉ là một đám mây.

Xà-phòng đấy, người đã hỏi ông nham hiểm rì rầm, và chắc là anh rửa tay luôn, cục xà-phòng hãy còn ướt.

Maïakovski không đáp gì hết, ông chùi vầng trán ướt đẫm mồ hôi.

Đi theo chúng tôi, người kia bảo, và y nắm lấy cánh tay ông trong lúc hai người khác theo sau họ.

Họ leo lên những cầu thang và tới một trạm lớn ngoài trời. Bên dưới trạm xe là tòa án, với những vị quan tòa vận đồ nhà binh và một công chúng trẻ em ăn mặc như trẻ mồ côi.

Ba người đưa ông tới mãi hàng ghế bị cáo và trao miếng xà-bông cho một trong các vị quan tòa. Ông tòa này cầm lấy một ống loa mà nói: các sở an ninh của chúng ta đã bắt gặp quả tang một can phạm, y còn mang trong túi tang vật của hoạt động khả nghi.

Đám công chúng trẻ mồ côi đồng thanh phát ra tiếng chê trách.

Can phạm bị kết án phải lên đoạn đầu máy xe lửa, ông tòa dùng cây búa gỗ của mình đập lên kệ phán.

Hai người canh gác tiến lại, lột quần áo Maïakovski và khoác lên người ông một chiếc áo choàng lùng thùng màu vàng. Rồi họ điệu ông về phía một đầu máy xe lửa lúc này đã phóng những bụm khói, do một tài công mình trần và có vẻ dữ tợn lái. Trên đầu máy xe lửa, một người lý hình đội chiếc nón trùm đầu tiêu biểu của những người lý hình cầm lăm lẳm một cây roi da.

Bây giờ thời người ta sẽ thấy chú mày biết làm những trò gì, người lý hình nói, và đầu máy xe lửa khởi hành. Maïakovski nhìn ra ngoài và nhận thấy họ đang băng ngang vùng đại Nga. Những đồng quê bao la và những vùng bình nguyên, nơi những người đàn ông và những người đàn bà rất gầy nằm sóng sượt, cườm tay bị xích.

Những người này đang chờ thơ của chú mày đó, người lý hình nói, hát đi, thi sĩ. Rồi y quất roi lên người ông.

Và Maïakovski bắt đầu đọc những bài thơ tệ nhất của ông. Ấy là những bài thơ đầy phấn khởi và hùng biện. Và trong lúc ông đọc thơ, mọi người giơ cườm tay lên, vừa nguyền rủa ông vừa nguyền rủa mẹ ông.

Lúc đó Vladimir Maïakovski thức dậy và đi rửa tay ở nhà cầu.

 

(trích Mộng của mộng)

 

----------------------

* Vladimir Maïakovski. Sinh trong một khu làng ở Géorgie năm 1893, ông học vẽ, kiến trúc và điêu khắc. Khi còn rất trẻ, ông đã gia nhập đảng bôn-sê-vích bí mật và từng bị giam giữ. Bị những ý tưởng của tân thời chinh phục, ông đã mau chóng trở thành người nhạc trưởng của trường Vị lai và đã đi một vòng qua nước Nga trên đầu máy xe lửa, khoác một chiếc áo chùng màu cam. Ông hăng hái tham gia cuộc cách mạng bôn-sê-vích và giữ nhiều chức vụ quan trọng trong các cơ sở nghệ thuật cách mạng. Ông từng là người tổ chức, nhà tuyên truyền, họa sĩ vẽ bích chương và tác giả những vần thơ cuồng nhiệt và hùng tráng. Năm 1925, ông cho đăng một bài thơ nhỏ không ra gì để tán dương hình tượng Lê-nin. Nhưng ở xứ ông, thời buổi đã bắt đầu trở thành khó khăn cho các nghệ sĩ tiền phong. Thất vọng và ghê sợ, ông mắc phải một chứng bệnh thần kinh ám ảnh trầm trọng. Ông không ngừng rửa tay, và thường ra khỏi nhà với một miếng xà-bông nhỏ trong túi. Thuyết chính thức chủ trì rằng ông tự sát bằng một phát súng lục vào năm 1930. (Chú thích của Antonio Tabucchi trong «Những người nằm mộng trong sách này»)

-------------------------

Đã đăng:

Mộng của mộng [kỳ I: "Giấc mộng của Dédale, kiến trúc sư và phi hành gia"]

Mộng của mộng [kỳ II: "Giấc mộng của Publius Ovidius Naso, thi sĩ và nịnh thần"]

Mộng của mộng [kỳ III: "Giấc mộng của François Villon, thi sĩ và kẻ gian phi"]

Mộng của mộng [kỳ IV: "Giấc mộng của Arthur Rimbaud, thi sĩ và kẻ phiêu lãng"]

Mộng của mộng [kỳ V: "Giấc mộng của Fernando Pessoa, thi sĩ và người giả bộ"]

 

 

ANTONIO TABUCCHI, nhà văn Ý, sinh tại Pise năm 1943, đã có trên 15 tác phẩm (có một cuốn viết bằng tiếng Bồ-đào-nha), gồm truyện ngắn, tiểu thuyết, nghiên cứu văn học..., còn là người phiên dịch Fernando Pessoa sang tiếng Ý. Hai (hay ba) cuốn phim đã được thực hiện dựa theo các tác phẩm của ông.

Mộng của mộng (1992) được đề tặng con gái ông là Teresa, gồm hai mươi «chuyện kể» mà đa số liên hệ tới các thi sĩ (9), một số tới các nhà văn (5), các họa sĩ (3) và cả một nhạc sĩ, một nhà phân tâm học và một.. «phi hành gia»! Lối văn hài hước nhẹ nhàng thân ái của một người yêu mến các văn nhân, nghệ sĩ mình nói tới, đặc biệt khác với lối viết trong các «truyện ngắn» của chính tác giả. Trong một «Ghi chú» ở đầu sách, Tabucchi viết: «Tôi thường ao ước được biết những giấc mộng của các nghệ sĩ mà tôi yêu. Thật không may, những người mà tôi nói tới trong tập sách này đã không để lại cho chúng ta những đoạn đường đêm hôm của đầu óc họ. Sự cám dỗ bù đắp lại điều ấy thật lớn, bằng cách kêu gọi tới văn chương để thay thế những gì đã mất. Tuy nhiên, tôi biết rằng những mẩu chuyện thay thế này, do một kẻ luyến tiếc những giấc mộng không được biết tới tưởng tượng ra, chỉ là những giả thiết nghèo nàn, những ảo tưởng mờ nhạt, những vật giả không có gì là chắc chắn. Ước chi chúng được đọc như thế và ước chi hồn thiêng của các nhân vật của tôi, lúc này đang mộng từ Phía Bên kia, hãy khoan dung độ lượng với kẻ đại diện tồi tàn cho đám hậu thế của họ. A.T.» Có dịp trao đổi thư từ với Antonio Tabucchi và gặp mặt tác giả trước khi dịch, tôi đã bày tỏ với ông ý định của mình và đã được ông vui vẻ chấp thuận.

Bạn đọc Pháp văn có thể coi thêm Antonio Tabucchi, Rêves de rêves, bản dịch Bernard COMMENT, nhà xuất bản. Christian Bourgois, Paris, 1994.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021