thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Niềm say của một kẻ phiêu bạt giữa ngôn từ: chân dung Blaise Cendrars
Bản dịch Diễm Châu

 

Blaise Cendrars tại Villefranche-sur-Mer, năm 1947
(photo: RAPHO/Robert Doisneau)

 

FREDDY SAUSER sinh ngày 1 tháng Chín 1887 tại La Chaux-de-Fonds, bố là “người chế tạo đồng hồ”, xuất cảng la-ve Đức, môn đồ của những cuộc sống song hành; mẹ, sức khỏe yếu kém. Nhớ làm gì.

Một hôm, sau vài chuyến “bỏ nhà” đi giang hồ, một thời tập sự làm thợ kim hoàn, mấy tiết mục “múa rối” [1] trong một nhạc vũ trường, một giải quán quân thế giới về trò chơi diabolo [2], những thời gian học hỏi y khoa, triết lý, văn chương, âm nhạc, đính hôn với một thiếu nữ chết cháy sau khi đánh đổ cây đèn dầu, chàng lại lãnh nhận về phần mình cái ngôn thức của Gérard de Nerval: “Ta là kẻ khác”.

Chàng thay đổi nhân thân. “Hãy vứt bỏ tuổi thơ tôi xuống đất đen/ Gia đình và các thói quen/ Tôi tự lập cho mình một cái tên mới”: Blaise Cendrars. Chàng đã nói thế: Blaise đến từ chữ braise (than hồng); Cendrars từ hai vần thơ của bạn chàng là Ludwig Rubiner (“Tất cả những gì tôi yêu và tôi ôm siết/ Lập tức biến thành tro than (cendres).” Chàng là nơi cư ngụ của một ngọn lửa. “Ngay từ nhỏ rất thường khi, tôi bừng cháy trong nôi: tôi bén lửa như một cây diêm quẹt và chỉ còn lại một đống tro đen nhỏ hoàn toàn cong queo. Tôi đã mơ như thế ít nhất cả năm chục lần.”

Sự hiện hữu (cuộc đời/tác phẩm hòa lẫn trong “ý muốn tồn tại ẩn danh với biệt hiệu”) của Blaise Cendrars sẽ không ngừng khêu nên những cuộc tái sinh. Năm 17 tuổi, khi chàng đáp chuyến tàu Xuyên Tây-bá-lợi-á, lên đường tới những cõi xa xăm gần Trung quốc của đế chế Nga, chàng quyết định biến dạng thành nhà thơ “ở cách nơi tôi sinh mười sáu ngàn dặm”. Trong một cơn choáng váng thần bí ở Nữu-ước năm 1912, chàng cảm thấy mình đã gần buổi đầu đời, sắp sửa nhập thế, thét lên tiếng thét của một kẻ hồi sinh (Pâques à New York).

Năm 1914, như một người nước ngoài tình nguyện gia nhập quân đội Pháp, chàng bỏ mất cánh tay phải và “con người mới ấy” phải học lại cách viết bằng bàn tay trái. Một bài văn, Tôi đã chảy máu, nhắc tới chuyện bị cắt cụt tay của ông (“Cánh tay bị cắt của tôi làm tôi đau đến nỗi tôi đã phải cắn lưỡi để khỏi gào lên”) và đem so sánh chuyện ấy với sự sinh nở (“Tôi lúc ấy tựa như một sản phụ vì đứa trẻ sơ sinh của mình, bị trở ngại vì chỗ băng bó khổng lồ, lớn như một đứa trẻ mập ú.”). Dan Yack, cuốn tiểu thuyết mà ông ký tên vào năm 1917, bị ám ảnh một sự cấp bách phải biến đi, phải xáo trộn định mệnh, phải bỏ trốn người cha, chơi hàng hai, xuất hiện lần thứ nhì. Ở một trong những văn bãn cuối của mình, cuốn Le Lotissement du ciel, ông còn nói tới sự “nhị trùng hóa nhân cách”, thú nhận cái nhu cầu “lại phải bắt tay vào việc viết lách để níu lại thời gian đã mất”.

Là vì, dẫu phải “sống thơ trước khi viết ra”, văn chương, “cái ánh sáng hư ảo, bóng gió, gợi dậy tất thảy, từ điển, tập hình cây cỏ, những người đã chết, chính dĩ vãng của mình và tất cả những người ta đã yêu hay đã ghét và đã mất từ lâu”, cho phép phô bày cả ngàn khuôn mặt, cho phép được nhân ra trong thừa mứa những độ đường vô danh, được tự tạo ra một truyền thuyết, một sự bỡ ngỡ lạ xa, cái ánh mờ tối cần thiết để trộn lẫn giả tưởng và tự sự, những sự ảo huyền và những thiên phóng sự. Cendrars cũng tựa như những người lính lê-dương: “Cuộc đời của họ chin phần mười là tưởng tượng. Duy cái chết của họ là thật là vì họ không còn đó để thuật lại.” “Ông băng qua những cuộc hóa thân mà không tiết lộ căn cước của mình”, Henry Miller nói thế.

Trước đây nhà xuất bản Denoël đã thu thập các văn bản của Cendrars, giữa 1960 và 1964. Được hỗ trợ bằng một phần ghi chú thật kiên cố, ấn bản do Claude Leroy đảm nhiệm, bốn mươi năm sau, vẫn giúp ta phóng mình vào công trình này, một công trình dành cho “sự khôn nguôi phi thường của những thèm khát”.

Sự rực cháy của một thứ thơ hùng tráng, vui chơi, co giãn, sùng mộ Apollinaire, hình tượng trước nhóm OuLiPo [3] và mang “viễn du trong người” (Henri Michaux); sự tràn lan của thứ văn xuôi hay bày chuyện, cuồng quay, gợi ảo giác, nó “đập bể màng nhĩ ta, móc ruột gan ta” (Alphonse Boudard) : “Có những đoạn vọt ra từ trong văn bản của ông tựa những mụt nhọt lớn lao”, Henry Miller còn nói thế. Kẻ mà Jean Cocteau kêu bằng “người Thụy sĩ lang thang” ôm lấy tất cả những gì, vào thời ông, là bằng chứng của tân thời tính: xe lửa, máy bay, tháp Eiffel, Fantômas [4], ngành quảng cáo (cùng với Sonia Delaunay [5], ông soạn một bài thơ cho hãng đồng hồ Zénith), và ngành điện ảnh (ông là tác giả cuốn phim Thần Vệ-nữ đen, một thất bại hiển nhiên khiến ông hết sức đau lòng).

“Tôi là một thứ “đạo sĩ Ấn giáo” (brahmane) đảo ngược lại, kẻ tự ngắm mình trong dao động.” Ở khắp cõi thế này, kẻ bị lột da sống ấy sống một đời lãng tử. Và tự đồng hóa với những nhân vật quản nhiệm đời họ như những kẻ biến kim loại xoàng xĩnh thành vàng ở thời xưa. Johann August Suter, nhà phiêu lưu người Thụy sĩ, “kẻ phá sản, đào tẩu, bất lương, du thủ du thực, trôm cắp, bịp bợm” (trong L’Or). Jean Galmot, “viên quản lý những bất động sản, tay phản-gián ngẫu tác, phóng viên, người cạo mủ cao-su, người săn lùng nhựa balata [6], một chủ tiệm tạp hóa, ký túc viên ngục la Santé, và tiểu thuyết gia...” (trong Rhum).

Cendrars, như ta thấy, là nhà văn của những bản tổng kê, của cuộc sống hiểm nguy, của hài hước, của tình ái nơi “những người chất phác, mọn hèn, những kẻ ngu ngốc và những kẻ bị loại bỏ”, của đam mê phụ nữ.“Tôi không phải là thi sĩ. Tôi là kẻ phóng đãng.Tôi không có lấy một phương pháp làm việc nào. Tôi có một cái giống.(...) Tôi thích những truyện truyền kỳ, các thổ ngữ, những lỗi về tiếng nói, tiểu thuyết trinh thám, da thịt đàn bà con gái, nắng…” (Prose du Transsibérien).

Ông bị sốt nóng. Bầy chó bất hạnh đuổi theo ông sủa. Tai ông dồn dập “những âm điệu điên khùng và tiếng nức nở của một lễ tiết ngàn đời”. Ông lê bước “trong khu những kẻ trộm lành, bọn du thủ du thực, những người bần cùng, những kẻ oa trữ đồ bất chính” (trong Les Pâques). Thường lui tới với Chagall và say sưa với Modigliani. Ông muốn thoát xác, gần gụi hạng đê tiện, dời chỗ vô cớ, “để hụt hẫng, không biết mình muốn gì nữa. Duy có hành động giải thoát. Nó gỡ rối tất thảy.” (Une nuit dans la forêt)!

Vẫn và mãi mãi dời qua xứ lạ, bứng mình trồng nơi khác, ngay cả khi “những năm tháng quá độ của thời thanh xuân - của ông - một thời hung hãn, cuồng dại nhuốm màu lãng mạn phiêu lưu” đã qua. Vẫn và mãi mãi còn, nơi ông, niềm hân hoan viết lách và sự tìm kiếm những cuộc giao du ‘xấu’, “do sở thích mạo hiểm” “tác dụng của một thứ ‘ngứa ngáy’ văn nghệ nào đó”.

Sự luôn luôn sôi sục này đưa ông tới Ba-tây (Brésil), tới những chỏm cao và những con tầu buồm, tới vớî những người bạn ‘mọi đen’ của ông, tới Hollywood, tới Ý. Tới khắp mọi nơi mà ông cảm thấy trước sự vượt thoát, niềm say “phiêu bạt”. Như bằng chứng là cái công trình bất hủ này: L’Homme foudroyé (“cuốn sách kỳ dị này vừa giống tiểu thuyết trinh thám, vừa như bài Nhã ca trong Thánh kinh, vừa như thần chú, phóng sự và những lời thú nhận của một đấng Hóa công”), điều đáng kể đối với ông là làm chứng về ánh chớp, về luồng điện phát nổ.

Tiếng sét của chết (“chiến tranh, thương tích, nỗi bất hạnh của sống, những cuộc tình sụp đổ, vùng ngoại ô bị tàn phá”), tiếng sét của sống (“sự bừng cháy sáng tạo, ân sủng của một đêm tình ái đẹp nhất ở Marseille, hay của một đêm viết lách đẹp nhất ở Méréville”, Claude Leroy viết thế).

Đầy ắp những cảm xúc, mùi dầu thơm tỏa ra từ nhà mồ của Marie Madeleine [7], mùi cẩm trướng hăng hắc bốc ra từ các quán rượu ở Marseille có bán calamar [một loại cá mực], rượu hồi và nước sốt aïoli [đánh với dầu, hột gà và tỏi], với những kỷ niệm ngoài mặt trận ám ảnh (“tiếng đại bác đều đều đổ xuống từ phía bắc), nhiệt tình của người đàn bà mặc hàng đen trên giường (“con mồi của một bóng ma hay một tên quỷ dữ, bởi đó mà có những tiếng kêu của nàng”), L’Homme foudroyé “câu chuyện của một cuộc hồi sinh với viết lách” sau một vài năm im lặng : “Viết không phải là sống”, “có lẽ là sống còn”.

Cendrars là một cuồng nhân hung dữ. Trong Moravagine, cuốn tiểu thuyết man rợ, khùng điên, lời buộc tội các nhà phân tâm học, một người trốn thoát khỏi trại (tâm thần) rạch bụng các thiếu nữ vì thất vọng đường tình và trở thành tên khủng bố.

Trong tác phẩm Le Lotissement du ciel, ông bừng bừng chống lại “những tay trẻ tuổi sính văn chương, ưa làm văn vẻ, thành danh theo đường lối thủ cựu. Ông là giáo sĩ của Lời [hằng sống], không chút hổ thẹn vì chứng kinh phong, bất tỉnh”.

Gần Lautréamont [8] hơn là gần những môn đồ của các lý thuyết, trường phái, những gông cùm. “Bị xuyên cọc trên - cảm tính - của mình.”

 

______________
Bản dịch trên dựa theo bài viết "L'ivresse d'un bourlingueur des mots" của Jean-Luc Douin đã đăng trên báo Le Monde, ấn bản đề ngày 12.08.05 (LE MONDE DES LIVRES, lên mạng hồi 15g33 ngày 11.08.05).

 

CHÚ THÍCH:
[1] “múa rối” (jonglerie): đây là trò ném bắt những trái banh nhỏ hay những chiếc vòng như trong các gánh xiệc.
[2] diabolo: trò chơi này gồm một “cuộn” có hai khối nón châu đầu vào nhau, và hai “que” nhỏ nối lại với nhau bằng một sợi dây khi căng khi chùng để phóng “cuộn” này lên không và bắt lại. (theo Petit LaroussePetit Robert).
]3] OuLiPo: viết tắt L’Ouvroir de Littérature Potentielle (thoạt tiên gọi là "Séminaire de Littérature Expérimentale") do nhà toán học François Le Lionnais và Ô. Raymond Queneau lập nên vào năm 1960. Trước hết quy tụ các nhà văn và nhà toán học: Noel Arnaud, Jacques Bens, Claude Berge, André Blavier, Jacques Duchateau, Latis, Jean Lescure, Jean Queval et Albert-Marie Schmidt, sau này có thêm François Caradec, Italo Calvino, Michèle Métail, Georges Pérec, Jacques Roubaud, v.v. OuLiPo không phải là một phong trào văn nghệ mà là một nhóm công tác (bởi công cuộc tìm kiếm có tính cách tập thể) mà các thành viên trong đó cùng một lúc vừa phân tích vừa áp dụng những “cưỡng chế” trong văn chương, dù là cũ (như “hoán tự”, “thuận nghịch độc”, v.v.) hay mới. Dẫu cho OuLiPo không nhắm tới sự thành tựu của tác phẩm cho bằng việc tìm kiếm những hình thức và cơ cấu dính líu tới những sự “cưỡng chế”, ta vẫn có thể kể ra hai thực hiện nổi tiếng: Trong tác phẩm Một trăm ngàn tỷ bài thơ (mặc dù cuốn sách này ra năm 1960, trước khi tạo lập nhóm), Raymond Queneau đề nghị mười bài “sonnet” đồng vận đặt chồng lên nhau, mỗi câu ghi trên một dải nhỏ có thể dở lên; và như thế ta có thể lần lượt nối kết tất cả các câu thơ và được một trăm ngàn tỷ bài thơ. Một vài năm sau, Georges Pérec đã thực hành “thuật loại bỏ chữ” (le lipogramme), nghĩa là khước từ một chữ trong bản tự mẫu, khi viết cuốn tiểu thuyết La Disparition (dầy hơn 300 trang) không có lấy một chữ “e”.
(theo Michel Jarrety trong Lexique des termes littéraires , “Livre de Poche”, Librairie Générale Française, 2001.)
[4] Fantômas: tên của nhân vật tiểu thuyết trinh thám ở Pháp do hai nhà báo là Pierre Souvestre và Marcel Allain tạo ra vào đầu thập niên 1910. Thủ phạm những vụ trộm cắp ‘tài tình’ và những vụ sát nhân ‘ác độc’ này là mối bận tâm chính của Thanh tra Juve và nhà báo Fandor. Y có biệt tài lọt khỏi tay công lý vào phút chót! Người đọc mất ngày giờ với Fantômas không phải để khám phá ra thủ phạm – vì thủ phạm ở đây luôn luôn là Fantômas – mà là để coi cách bố trí của y trong việc thực hiện tội ác và những mưu kế của ông thanh tra và viên phụ tá để chăng lưới bắt y! Hai tác giả thảo cốt truyện và chia nhau viết các chương, cho đánh máy, ráp nối, sửa chữa khoảng 400 trang sách cho mỗi tháng. Mục đích ban đầu của bộ truyện trinh thám này là để tung ra một tủ sách mới của nhà Arthème Fayard: Le Livre Populaire , nhắm vào số đông người đọc, với giá hạ, mỗi cuốn là một truyện riêng biệt, đầy đủ. Sáng kiến này khác với truyện feuilletons (đăng từng kỳ mỗi ngày trên nhật báo) ở thế kỷ 19. Hai tác giả viết được 32 cuốn; và sau khi Pierre Souvestre mất (1874-1914) Marcel Allain tiếp tục viết thêm được 11 cuốn nữa. Bộ truyện này thường bị coi như KHÔNG có giá trị gì về văn chương, nhưng lại được các nhà Siêu thực thích thú, một số coi như những “thí dụ sơ khởi” của “lối viết tự động”.
[5] Sonia Delaunay : họa sĩ người Ukraina (1885 - 1979), nhũ danh Sonia Terk Stern, sinh tại Ukraina và lớn lên tại St. Pétesbourg; học ở Đức trước khi theo học tại Académie de la Palette ở Paris. Sau một cuộc hôn nhân ngắn ngủi với nhà phê bình nghệ thuật Wilhelm Uhde, chỉ để ở lại Pháp, năm 1910 bà gặp Robert Delaunay và thành lập phong trào nghệ thuật Orphisme. Hai vợ chồng họa trang cảnh cho Vũ điệu ba-lê Nga của Diaghilev. Bà cũng quan tâm tới việc họa kiểu trong ngành Dệt. Từng “hợp tác” với Blaise Cendrars trong một vài tác phẩm, như Prose du Transsibérien ...với bức tranh Tháp Eiffel.
[6] balata: “nhựa” lấy từ một thứ cây vùng nhiệt đới châu Mỹ, dùng để chế tạo những vật cứng và không gẫy, đứt... (theo Petit LaroussePetit Robert).
[7] Marie Madeleine: Đây có lẽ là vị nữ thánh đã xức dầu thơm cho chân Chúa Giê-su, được nói tới trong Kinh Tân ước. Ở Aix-en-Provence, ngày 12.12.1279 người ta khai quật hầm mộ dưới giáo đường và khám phá ra “hài cốt” của nữ thánh với hương thơm “ngạt ngào”. Ngày 5 tháng 5 năm sau, “thánh tích” được dời chỗ và “tôn vinh” tại nhà thờ Saint-Maximin. Blaise Cendrars, trong cuốn L'Homme foudroyé (phần thứ nhì, mang tiểu tựa "Le vieux port"), có thuật lại chuyện này và nhắc tới mùi hương kia...
[8] Lautréamont (Isidore DUCASSE, 1846-1870), nhà thơ Pháp, tác giả les Chants de Maldoror (1869), người mà trường Siêu thực ở Pháp coi như “tiền phong” cho văn phái của mình.
(DC., với sự giúp đỡ của nhà thơ Nguyễn Đăng Thường.)
 
---------------------
TÁC PHẨM TOÀN TẬP (CỦA BLAISE CENDRARS). Ấn bản do Claude Leroy ghi chú, thẩm định, nxb. Denoël, gồm 15 cuốn, đã ra 12; ba cuốn còn lại sẽ ra năm 2006.
Hai cuốn sách khác liên hệ tới Blaise Cendrars cũng được lưu ý:
1. Blaise Cendrars, l 'or d'un poète của Miriam Cendrars (Gallimard, "Découvertes", 128 tt); 2. Hollywood, la Mecque du cinéma mới được nhà Grasset tái bản ("Les Cahiers rouges", 158 tt.).
 
Accédez à cet article sur Lemonde.fr

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021