thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
NHẢY MÚA ĐỂ CHẾT và thân phận Việt Nam

 

 

Nỗi băn khoăn từng có từ ngót sáu mươi năm trước vụt sống lại khi tôi đối diện với những dòng tự bạch của Nguyễn Viện mở đầu tác phẩm Nhảy Múa Để Chết: “... Nhiều năm nay, tôi vẫn viết như một người tự do, cho tự do... Do đó mọi trường phái văn học đều là một chướng ngại và trở thành lỗi thời trước bản thảo của nhà văn... Tuy nhiên, với Nhảy Múa Để Chết, tôi lại hoàn toàn rơi vào trạng thái “hậu hiện đại” và tôi đã viết nó như một diễn ngôn hậu hiện đại đích thực...”

Hơn nửa thế kỷ qua, mối tương quan giữa nhiều trường phái nghệ thuật trong đó có hậu hiện đại với xu hướng lettrisme đã được coi như một thực tế mặc định. Thập niên 1950, lettrisme khởi xuất do Isidore Isou, nhà văn trẻ Roumanie gốc Do Thái lưu vong tại Pháp, khơi lại chủ trương chối bỏ mọi tiêu chuẩn giá trị, mọi luận lý đang thịnh hành với biện giải “chỉ cách viết chữlettremới giúp phát hiện nổi chân dung con người.”

Chủ trương này do Tristan Tzara, nhà văn đồng hương, đồng chủng của Isidore Isou, đề xướng từ giữa thập niên 1910 tại Thụy Sĩ với chủ thuyết Dada đề cao giác năng vô thức và trực cảm... Theo Tristan Tzara, chủ thuyết Dada chẳng là gì ngoài một phương thức giúp phơi bày nỗi thống khổ của con người khi các khuôn mẫu ý thức xã hội, nhân sinh, các định chế tinh thần tôn giáo, chính trị, dân tộc, nhân chủng... đều đã trở thành động cơ phá hoại. Do đó, ý hướng vãn hồi cuộc sống buộc phải vận dụng hình tượng, màu sắc, âm thanh tác động thẳng vào các giác quan để thúc đẩy tiềm năng vô thức hướng sinh bừng tỉnh...

Với lối nhìn này, Dadaisme bác bỏ mọi luận lý cùng vai trò diễn đạt của ngôn từ — bởi nhận định hàm nghĩa ngôn từ vốn bất định lại tác động vào khả năng nhận thức luôn biến hóa vô hạn — và cổ võ thay ngôn từ bằng các mẫu tự khơi gợi âm thanh, hình tượng, màu sắc để tạo các tác phẩm nghệ thuật chuyên thúc đẩy cảm xúc. Dadaisme tự định không là giáo điều, trường phái và luôn thăng triển theo khả năng sáng tạo của con người nên đã dự phần vào nhiều xu hướng nghệ thuật như siêu thực, ấn tượng, hiện sinh, tượng trưng, tiền vệ, hậu hiện đại ... — surréalisme, impressionisme, existentialisme, symbolisme, avant-gardisme, post-modernisme...

Phục hồi Dadaisme, phái lettrisme đưa ra các bài thơ, các áng văn... bằng cách sắp đặt các hình vẽ, các mẫu tự đơn độc a, b, c... hoặc các từ không có trong từ điển — như da, da trong dadaisme được diễn giải là âm vang tỏ ý tán đồng bật ra từ miệng trẻ sơ sinh...

Ba hình ảnh đã được gán cho lettrisme là điên rồ, phá hoại và nổi loạn để hủy diệt nghệ thuật.

Thuở đó, tôi đối diện ba hình ảnh này với thắc mắc về giá trị hàm nghĩa của ngôn từ, nhất là về mức chính xác của các chân lý phổ cập hoặc đang được cổ võ. Vì, cảnh tương tàn bi thảm trong hai cuộc thế chiến vừa xảy ra luôn khơi gợi tâm trạng ngờ vực tính chính danh của các lý tưởng về mục tiêu vun bồi sự sống. Thêm nữa, ngay giữa lúc bị đả kích, lettrisme vẫn thu hút sự hưởng ứng từ nhiều nơi trên thế giới. Nhưng đồng thời, tôi lại không thể chấp nhận các bài thơ, các áng văn như các đề toán mịt mù vô phương tìm đáp số. Nỗi băn khoăn dấy lên và quay về phía nào tôi cũng bị vây hãm giữa màn đêm dày đặc.

Nỗi băn khoăn đó tái hiện từ mấy dòng Nguyễn Viện tự nói về tác phẩm của mình qua lời nhấn mạnh: “Câu chuyện của tôi không chỉ là những diễn biến, những sự kiện có thật hay hư cấu, mà còn là chính cấu trúc, bút pháp và ngôn ngữ của nó theo cách con người bị xé bỏ...”

Trước mắt tôi thấp thoáng bóng hình một thách đố thuở nào trước những sáng tác lettrisme. Kinh nghiệm bế tắc từng có nhắc tôi cần vứt bỏ đòi hỏi đặt mọi ngôn từ, mọi hình ảnh, mọi sự kiện... vào một trình tự rõ rệt khi đi vào tác phẩm. Thay vào đó sẽ chỉ buông theo cảm xúc khơi gợi tự nhiên bởi các bóng dáng, âm vang, màu sắc... trên từng trang sách, thậm chí từ từng dòng, từng câu hay từng lời... để dấy lên những ý nghĩ bất ngờ. Từ đây, nẻo đường tiếp cận tác phẩm sẽ không theo dấu các nhân vật trong một không gian, một thời gian nhất định, thậm chí mọi nhân vật, mọi sự việc, mọi tình tiết đều có thể thoải mái xuất hiện biệt lập hoặc mờ ảo giữa hư thực... Bởi chủ điểm tác phẩm đã được nêu rõ là “cách con người bị xé bỏ” thành mảnh vụn và “những mảnh vụn bê bết máu của nó là văn chương...”

Thực ra định kiến sẵn có đã đẩy tôi đi hơi xa.

Bởi Nguyễn Viện tuy chọn hướng đi gần với gợi nhắc của Tristan Tzara và Isidore Isou, nhưng lại thấy “không thể bước trên các ngọn núi mà không leo qua các đường đèo” nên vẫn chấp nhận ngôn từ — kể cả thứ ngôn từ không nhảy múa — cùng những tình tiết trong các khuôn hạn không gian, thời gian nhất định.

Cho nên, Nhảy Múa Để Chết không tạo dựng nhân vật rõ rệt, không phản ảnh sự việc diễn biến tuần tự với bút pháp, ngôn từ quen thuộc... vẫn không phải một thách đố mà đã phơi bày hàng loạt chân dung về con người đang bị xé nát — được khẳng định là thân phận Việt Nam với diễn tả “... ở trên đất nước này, địa ngục không phải là âm phủ, nó mọc lên dưới ánh mặt trời, giữa mây và gió, trên những cánh đồng, trong những khu dân cư, hiển hiện với từng số phận...”

Và, các cơn giông dữ dằn bất chợt chỉ là chuyện cơm bữa thường ngày đối với hết thẩy mọi người:

“Bất chợt, một cơn giông thổi đến...

Cơn giông đưa hắn về lại phố. Hắn đã lạc mất cô Hai. Đó cũng là ngày chính quyền xử những người đòi hỏi tự do dân chủ. Hắn đến một quán cà phê gần tòa án.

Hắn không nhận thấy có gì bất thường, nhưng khi vừa tìm được một chỗ để ngồi, liền có một người khác cũng ngồi xuống cạnh hắn. Hơi khó chịu, nhưng hắn đành chấp nhận vì quán hết chỗ. Hắn mở điện thoại định gọi cho cô. Mất sóng. Hắn không biết toàn bộ khu vực quanh tòa án đã bị cắt sóng.

Chưa kịp kêu nước, một người lạ đến trước mặt hắn, hỏi: “Anh là nhà văn”? Hắn ngạc nhiên, đùa: “Ông thấy hình tôi trên mạng à”? Người lạ đáp: “Hơn thế nhiều, chúng tôi có cả một hồ sơ về anh. Cảm phiền anh đi theo chúng tôi.” Người ngồi bên cạnh cầm tay hắn kéo lên. “Chuyện gì vậy”? Hắn ngỡ ngàng hỏi.

“Cứ theo chúng tôi rồi biết”, họ đáp.

Hắn nhìn khắp quán để mong tìm một sự chia xẻ.

Hình như không ai quan tâm. Toàn công an.

Hắn chợt hiểu. Họ đưa hắn về công an phường...”

Ở phường công an, không chỉ có một người mà có vô số người với vô số sự việc:

“... Cô Ba lại bị công an tư tưởng văn hóa mời làm việc. Họ yêu cầu cô viết bản tường trình.

Cô hỏi: “Tường trình về cái gì”?

Họ nói: “Việc đội lốt cô Hai viết blog phỉ báng loài người.” Cô Ba hỏi: “Tại sao tôi lại phải đội lốt một ai đó”? Họ nói: “Việc cô có đội lốt người khác hay không thì cô biết hơn chúng tôi. Cô làm tường trình đi.”

... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ...

“Ngày thứ tư cô làm việc với công an.

Họ nói: “Cô có muốn xem bằng chứng không”?

Cô gật đầu.

Và cô Ba không thể chối cãi, tất cả những bài viết của cô Hai đều xuất phát từ máy tính của cô Ba. Cô không hiểu nổi. Cô nói: “Tôi không làm chuyện này.”

Họ bảo: “Cứ cho là cô thành thật đi. Chúng tôi muốn nhờ cô một việc, cũng dễ thôi.”

Cô hỏi: “Đó là việc gì”? Họ nói: “Cô cho chúng tôi biết những việc làm của hắn và bạn hắn.”

... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ..

Ngày thứ năm, người ta thấy xác cô Ba treo trên bức tranh.”

Dòng sự kiện bất lương vô cảm ấy tràn ngập từng trang Nhảy Múa Để Chết để dấy lên cơn giông thực sự là cơn giông tâm trạng hoang mang khiếp hãi trước các đòi hỏi quái đản từ một hệ thống bạo lực áp chế:

“Người ta buộc phải đắn đo cái mồm trước khi nói. Hoặc im lặng. Cái mồm, trong nhiều trường hợp, chỉ còn xử dụng vào việc ăn. Bởi thế, tỉ lệ hàng quán ở xứ sở này phát triển một cách rầm rộ, như thể người ta sống chỉ để ăn. Nhưng cũng không ở đâu như xứ sở này, việc họp hành cũng là một sinh hoạt quan trọng không kém việc ăn. Bởi thế, sự nói năng là một vũ khí. Nhưng ngôn ngữ lại là một thứ được cấp phát theo tiêu chuẩn kiểu tem phiếu.”

... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ...

“Trong hệ thống, không một cá nhân nào có thể có những hành động và suy nghĩ độc lập...

Bởi tất cả mọi công dân hợp pháp đều được bao cấp về tư tưởng, chỉ nghĩ và hành động theo chỉ đạo của hệ thống. Không có khái niệm con người trong hệ thống ... Sự vận hành trong hệ thống là mối quan hệ loại trừ: Hoặc bầy đàn, hoặc phải chết... .”

Đó là hậu quả tất yếu của thời kỳ mà ngôn từ hậu hiện đại Nhảy Múa Để Chết gọi là “thời kỳ của những con chuột cống” — những con chuột “nghĩ rằng thế giới này thuộc về chúng và chúng cắn cả con người. Đã có hàng triệu người chết vì bị chuột cống cắn trên khắp mặt đất.”

Hậu quả thê lương đó hiện hình không chỉ do riêng bầy chuột cống mà còn do chính con người:

Con người ghê tởm chúng, nhưng con người đã không thể chống lại chúng bởi sự chia rẽ của mình. Không ít người còn muốn biến thành chuột cống để được chia xẻ thịt người. Trong một thời kỳ dài, một nửa thế giới đã bị bọn chuột cống thống trị. Và chúng bảo đó là thiên đường, mặc dù mùi hôi của chúng làm cả nhân loại ngạt thở. Lâu dần, mùi hôi của chuột cũng trở nên quen thuộc và một nửa thế giới ca tụng mùi hôi đó là ưu việt và đầy tính nhân văn...”

Mùi hôi loài chuột được xưng tụng hết lời nên một tấn tuồng bi hài ô nhục đã trở thành nghi lễ thiêng liêng trên dải đất Việt Nam:

“Giống như một bức tranh Đông Hồ, xác con chuột cống nằm trên kiệu được lũ mèo thay phiên nhau khiêng từ Bắc xuống Nam và được đặt trên núi Cấm. Bài vị con chuột cống được viết theo kiểu thư pháp Việt chỉ giản dị có mấy chữ: “Vua của các vua” và được dân chúng thờ phượng như Thành Hoàng. Nhờ niềm tin của con người, chuột cống trở nên linh thiêng. Những kẻ mưu đồ quan chức và cầu tài đều đến khấn vái xin lộc.”

Cảnh diễn tả gợi nhắc tấn tuồng suy tôn lãnh tụ kéo dài tới nay tại Việt Nam và giữa tình trạng tha hóa nhơ nhuốc cùng cực này, cõi sống đã hiện hình là một nghĩa trang với những nấm mộ do con người tự đào, tự đắp để vùi chôn chính mình ngay khi đang hít thở:

“Tôi lấy đất đắp cho mình một nấm mộ.

Mỗi ngày tôi đều nằm xuống bên nấm mộ đó để chết.

Trong lúc đó, hắn lê từ bàn nhậu này đến bàn nhậu khác. Hắn tưởng thế là sống. Tôi với hắn không tranh luận.

Chẳng có cách sống nào hơn cách sống nào.

Cô ấy bảo, dù sao tất cả chúng ta cũng có một cái chung là sự chết.”

Thực tế đó đặt ra một nghi vấn cho bất kỳ ai còn mong thoát cảnh cúi đầu quì gối trước bầy chuột cống, chính xác là còn mong được hoàn sinh: Làm gì?

Nhân vật của Nguyễn Viện bày tỏ: “Hắn biết rằng im lặng là chết và đó là cái chết ngục tù. Mọi hy vọng chỉ là hão huyền nếu con người không hành động. Nhưng hành động trong sự cấm đoán là tự sát.”

Tự sát trở thành phương thế hành xử bắt buộc với yếu tính dứt khoát vượt qua sợ hãi bằng mọi giá.

Thu gọn tầm nhìn vào riêng lãnh vực nghệ thuật, Nhảy Múa Để Chết diễn tả về hậu quả bất khả tránh khi rời xa phương thế hành xử kể trên:

“... Cả thế giới này đều là những con vẹt. Bọn chúng trùm mền bú đít lẫn nhau và tuyên xưng nghệ thuật vì con người.”

Từ đây, một thực tế hiện hình:

“Đỉnh cao của nghệ thuật ngôn từ, không chỉ ở những câu cảm thán đơn sơ và tràn đầy cảm xúc, mà còn ở những khẩu hiệu đầy máu lửa. Không thể đếm hết các xác chết đã chồng chất quanh các khẩu hiệu như “Vô sản toàn thế giới đoàn kết lại”, “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, “Tiến nhanh, tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội”...

Trong thế giới nghệ thuật đó, người cầm bút không chấp nhận tự sát chỉ còn là loại tôi đòi với vai trò công cụ tung hô và cổ võ tội ác để hủy hoại sự sống. Cho nên đầu thập niên 1960 tại Hà Nội từng có một nhà văn nuốt trọn cả nắm lưỡi dao cạo cho ruột gan bị cắt nát[1]hầu thoát kiếp văn nô, và năm 1988, họa sĩ Dương Bích Liên đã vứt bỏ thẻ đảng Cộng Sản, đốt hết tác phẩm rồi tuyệt thực cho đến chết bên bức chân dung tự họa mang tựa đề Ngõ Cụt.[2]

Ký ức tôi bỗng gợi nhớ về giây phút cuối đời của hai người cầm bút tại Sài Gòn mà tôi từng gần gũi.

Người thứ nhất là Lương Quân, tác giả những truyện dài phóng tác không thể thiếu trên nhiều nhật báo tại Sài Gòn thuở đó. Sinh hoạt hàng ngày của anh ngoài thời gian viết lách là gặp gỡ bạn bè hoặc ngả mình bên đống đĩa nhạc. Cảnh sống thảnh thơi đó lại không giúp Lương Quân trút nổi mối ám ảnh từ nhiều năm trước.

Năm 1946, ở tuổi ngoài hai mươi, Lương Quân giã từ đời sinh viên du học, trở về quê hương tham gia hàng ngũ kháng chiến chống ngoại xâm. Nhưng theo thời gian, thực tế khiến anh thấy mình đã lầm lẫn.

Vì thế năm 1954, khi trận Điện Biên Phủ vừa dứt, dù là một sĩ quan pháo binh thắng trận, anh lập tức đào ngũ trốn về Hà Nội, rồi tìm đường qua Vạn Tượng tham gia hàng ngũ H’mong chống Cộng của Vang Pao.

Hai năm sau, 1956, khi miền Nam thành tiền đồn thế giới tự do, Lương Quân trở về Sài Gòn cùng ước mơ của tuổi hai mươi với cây bút thay cho họng súng.

Đầu năm 1967, một người bạn hớt hải đập cửa báo tin cho tôi: Lương Quân không còn nữa! Đêm trước, anh đã nuốt trọn một ống thuốc ngủ.

Bước vào nhà anh, tôi được biết anh ngả người trên chiếc ghế dựa cạnh giường mà ngay đầu giường là một đống báo trào phúng Le Canard Enchaîné.

Chỉ mới ba ngày trước, tôi ngồi trên chiếc ghế dựa kia và nơi đặt đống báo là chỗ của anh. Câu chuyện hôm đó là viễn ảnh đen tối về số phận miền Nam, mà theo Lương Quân, cũng là sự tan vỡ cuộc sống ước mơ của cả nước. Không phải lần đầu chúng tôi nhắc tới điều này, nhưng hôm đó, anh tuyệt vọng não nề trước tâm cảnh u mê phổ biến khắp nơi không chỉ riêng tại Việt Nam với chứng tích cụ thể là cách nghĩ về Mặt Trận Việt Minh mà chính anh từng có vào năm 1946.

Một câu hỏi đến với tôi: Lương Quân tự xử về sai lầm của tuổi hai mươi hay chỉ muốn trốn khỏi địa ngục Cộng Sản chắc chắn sẽ tràn tới như anh khẳng định?

Chẳng bao giờ tôi tìm nổi câu trả lời cũng như với thắc mắc sau đó về Tam Ích.

Đầu thập niên 1950, khi tôi mới vào nghề, Tam Ích đã là một cây bút tên tuổi. Nhưng anh gạt mọi cách biệt về nghề nghiệp, về tuổi tác để coi tôi như bạn, bất kể giữa chúng tôi luôn có một bức tường ngăn cho tới ngày anh tự treo cổ giã từ cuộc đời — ngày 5 tháng 1 năm 1972. Mọi tai họa chết chóc đã thành quen thuộc, nhưng tôi vẫn chết điếng trước chọn lựa của Tam Ích và không thể ngưng tự hỏi về ý nghĩ cuối cùng của anh.

Tháng 6/1930 tôi chưa ra đời, Tam Ích đã chấn động trước cảnh thực dân Pháp chặt đầu Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí. Từ đây, anh thấy không thể xô đổ các bạo quyền chỉ bằng nhiệt tình của con tim. Và, anh tìm tới Plékanov, tới Boukharine rồi Lenin, Karl Marx ... để hướng về viễn ảnh thế giới đại đồng không còn phân chia giai cấp, không còn cách biệt sang hèn, không còn ranh giới chủng tộc...

Các trang sách đã hình thành giấc mơ của anh.

Do gắn kết với chữ nghĩa, anh không tham gia tổ chức nào và luôn tôn trọng ý hướng của mọi người.

Vì thế, suốt thời gian gần gũi, chúng tôi không nhắc đến bức tường ngăn dù qua các bài viết, chúng tôi luôn đứng trên hai trận tuyến đối nghịch. Nhiều lúc tôi đã muốn thăm dò ý anh về André Gide, về Arthur Koestler qua các tác phẩm Retour de l’URSS, Ténèbres au Midi, nhất là về các biến cố Budapest, Poznan giữa thập niên 1950 cùng các chính sách của chế độ Hà Nội từ Cải Cách Ruộng Đất, vụ án Nhân Văn Giai Phẩm tới cuộc chiến chống miền Nam ... Nhưng tôi luôn do dự và cuối cùng đã im lặng khi nhận ra vài nét thay đổi nơi anh từ giữa thập niên 1960. Anh không còn ham phát biểu mà thường trầm lặng khi gặp nhau.

Tôi đã nghĩ có lẽ do tôi đề nghị chỉ nên trò chuyện bằng tiếng Việt dù anh thú nhận qua mấy chục năm dạy tiếng Pháp, anh luôn lúng túng khi kiếm ngôn từ tiếng Việt diễn tả chính xác các điều phức tạp. Nhưng tôi thấy ngay mình nghĩ sai và tin là anh đang có vấn đề với giấc mơ từ tuổi vào đời qua việc anh lơ là với giấy bút, bỏ nghề dạy học, bỏ cả vị thế thỉnh giảng văn học Pháp tại Đại Học để nhận vai trò một chuyên viên nghiên cứu tại nơi tôi đang làm việc vào cuối thập niên 1960.

Anh từng xác định năm sinh của anh là 1913 nên thời điểm đó anh ở giữa độ tuổi “tri thiên mệnh” để đạt mức chính xác trong công việc. Nhưng gần như anh trở thành chiếc bóng. Tôi không biết rõ về công việc nghiên cứu của anh, chỉ thấy hàng ngày anh hay ghé phòng tôi, ngồi lặng lẽ, có khi ngồi trọn buổi trên chiếc ghế trước bàn tôi. Anh ngồi như pho tượng, không lưu ý tới điều gì, không nói một lời. Nhiều lần tôi gợi chuyện, hỏi về sức khỏe, về việc sáng tác để chỉ được nghe vài tiếng cụt lủn “bết lắm”, “viết gì bây giờ”... Và, không lâu sau đã là ngày 5 tháng 1 năm 1972.

Tôi luôn nghĩ tới đống sách mà Tam Ích gom thành bực để bước lên chui đầu vào sợi dây buộc trên xà nhà. Đó là những cuốn sách đã hình thành giấc mơ thế giới đại đồng của anh.

Phải chăng Tam Ích mang tâm cảnh tự trách như Lương Quân để đi tới chọn lựa cuối cùng đó? Phải chăng hành vi đạp lên đống sách ngầm ý diễn tả như anh sinh viên Nga Ivan Ivachovest sau này viết lớn bằng mực đỏ các từ “lừa gạt, xảo ngôn, mê hoặc” trên từng trang luận án tiến sĩ của chính mình về chủ nghĩa Marx trước khi phóng mình qua khung cửa sổ tầng lầu 11?[3]

Thắc mắc mãi mãi vẫn là thắc mắc.

Dù vậy, tôi không tách rời nổi những cái chết kia khỏi tác động từ lý thuyết Cộng Sản theo nhiều cách.

Nhưng nhìn từ bất kể vị thế nào, qua bất kể thành phần nào, các chọn lựa trên chỉ dẫn tới cùng hậu quả của sự phản trắc và sợ hãi bằng cách gom thêm những “cái chết im lặng, cái chết ngục tù” cho cuộc sống đã bị hủy diệt như Nguyễn Viện đã viết. — “Khi sự phản trắc và sợ hãi trở thành tất yếu trong cuộc sống thì cuộc sống đó đã bị hủy diệt.”

Âm vang hai chữ tự sát từ từng dòng Nhảy Múa Để Chết nhắc một hàm ý cách xa chọn lựa trên. Với Nhảy Múa Để Chết, tự sát trở thành hướng đi bắt buộc, vì là ngõ thoát cuối cùng cho đòi hỏi hoàn sinh.

Tự sát không phải là chọn cái chết cho bản thân mà “là hành động vượt thoát.” Chấp nhận tự sát là bước mở đầu tất yếu cho đòi hỏi xua tan các thế lực bạo quyền đang hủy diệt sự sống, trong khi tại Việt Nam, “chủ nghĩa cộng sản đã bị lột mặt nạ trên toàn cầu ... vẫn được dùng làm kim chỉ nam cho đường lối cai trị đang trở thành phương tiện giễu nhại cho cái chủ nghĩa hậu hiện đại khốn kiếp vô luân vô thường... Chủ nghĩa hậu hiện đại đã trở thành hiện thực trong cuộc sống và nó biến sự độc tôn của chủ nghĩa cộng sản thành trò hề.”

Dưới ánh đuốc chỉ nam Cộng Sản, cuộc sống hàng ngày chỉ là các cảnh vô cảm nhẫn tâm, các hành vi phi luân bại hoại, các tấn tuồng xảo trá lừa gạt vô liêm sỉ... Nói gọn lại, hiện thực cuộc sống chỉ là trò tráo đổi trắng đen với những hình hài nhơ nhuốc được tô vẽ bằng các sắc màu rực rỡ, ngợi ca bằng đủ loại mỹ từ để ngự trên ngai thần thánh khiến mức chính xác trong mọi biểu hiện của con người chỉ còn tìm thấy qua các trò giễu nhại với ngôn ngữ tục tằn hoặc những tiếng chửi thề hạ cấp. Cho nên diễn ngôn hậu hiện đại đã được chọn lựa và gom gọn trong mấy dòng tự giải:

“Thơ tôi hôi thối,... thơ tôi vi phạm thuần phong mỹ tục, chống chính quyền. Tôi vi phạm và chống lại tất cả. Tôi hoài thai một thế giới khác... .

Tôi bảo những ngày tháng này nước ngập...

Trong dòng nước bì bõm, thơ tôi không phải là con thuyền... Không có thần hứng hay khải huyền, lời tôi chỉ là nỗi oan khiên của những con người bé mọn, tỉ như “địt mẹ chúng mày”...

Phải giễu nhại hoặc chửi thề vì đó là cách duy nhất để biểu hiện sự thật:

“Trong một xã hội đạo đức giả và man trá về chính trị, để sống được cho tử tế thì chỉ có một cách đáp trả bằng sự thô lỗ của ngôn từ... . Thô lỗ là sự thật của mọi sự thật... nó làm cho những cái đẹp giả tạo, những khuôn phép tù túng nhân danh thuần phong mỹ tục và sự ổn định chính trị trở thành đồ dỏm trơ trẽn...

... Trong khí quyển của cuộc sống này, hoặc thánh hay đồ con heo mới không văng tục.”

Tuy nhiên, giễu nhại hoặc chửi thề để biểu hiện sự thực dù có dẫn đến số phận tù đày hay bức tử vẫn chỉ là cách chọn cái chết cho bản thân chứ không lay chuyển nổi thảm họa hủy hoại cuộc sống. Cho nên, ngôn từ Nhảy Múa Để Chết không thể hoàn toàn giữ tính hậu hiện đại đích thực — như tác giả phát biểu — mà phải trở lại thứ ngôn từ không nhảy múa qua lời gào thét:

“Chuột và người vốn là hai loại khác nhau không thể cưỡng bức chung sống. Chuột cống phải chui xuống cống.”

Bởi chuột cống không bao giờ tự chui xuống cống nếu lời gào thét chỉ dừng ở mức bày tỏ ước mong, nên hô hào hành động trở thành cấp thiết dù hành động vẫn được hiểu là đồng nghĩa với tự sát:

Trên những quảng trường khát vọng, con người đứng thẳng và hô vang những ước mơ của mình. Cho dù những âm thanh của ước mơ đó sẽ bị những tiếng nổ của súng đạn lấn át và con người phải đổ máu, những ước mơ vẫn không ngừng mở ra những chân trời mới...”

Nhu cầu thực tế buộc phải thay thế gấp trò giễu nhại hoặc chửi thề hạ cấp bằng sự vang lên thứ ngôn ngữ bình thường của con người nâng niu sự sống hối thúc nỗ lực đập tan guồng máy bạo quyền áp chế:

“... Tất cả mọi cánh cửa đều mở và từng con người banh ngực bước ra. Mọi đường phố đều chật cứng người. Họ như một làn sóng cuồng nộ. Họ đi đến đâu ở đó xuất hiện những ngọn súng cắm xuống đất và nở ra những bông hoa lài...”

Tất nhiên không ai nâng niu sự sống lại muốn rơi vào thế phải hối thúc hành động tương tự, nhưng gần trọn thế kỷ qua tại Việt Nam, hối thúc trên đã là tiếng gào từ thế hệ này qua thế hệ khác. Đó là tiếng gào bi thảm liên tục kéo dài vì định mệnh oan khiên của cả dân tộc. Nói cách khác, đó là lời kêu cứu khẩn thiết cho sự sống của con người vừa thoát được cảnh sống dập vùi dưới chế độ thực dân vụ lợi bất công đã lọt vào giữa vòng cùm xích u minh tàn ác Cộng Sản.

Trớ trêu là lời kêu cứu khẩn thiết kia lại hướng về chính các nạn nhân đang bị đày đọa trong nỗi mong đợi hết thẩy sẵn sàng đối đầu với cái chết để giữ vẹn bó đuốc vãn hồi cuộc sống của mình.

Trước mắt tôi bừng lên hình ảnh thực tế Việt Nam một ngày cuối tháng Tư 1975 qua ký ức của nhà báo Pierre Darcourt:

Tôi nghĩ tới đám dân binh công giáo trẻ tại Hố Nai, những đứa bé ở tuổi 15 chỉ với một tấm khăn choàng cổ và trái lựu đạn nắm trong tay lao lên chận đánh các chiến xa cộng sản! Cùng lúc đó, dưới ánh sáng giáo đường, cha mẹ chúng quỳ gối cầu xin Chúa ban cho con mình đủ mức can trường để dũng cảm đối mặt với cái chết...” [4]

Chắc chắn không ai có thể tưởng tượng ra nổi hình ảnh bi thảm với hàng loạt đấng sinh thành cùng quỳ gối xin Chúa ban ơn cho đàn con trẻ thơ của mình mạnh dạn bước lên đón nhận cái chết. Và, trước cảnh tượng đó, chứng nhân dù đến từ vùng trời xa lạ đã không kìm nổi thốt lên lời khẩn cầu “xin hãy cho họ được sống.

Nhưng thực tế không đáp ứng lời khẩn cầu và không chỉ diễn ra ở thời điểm trên mà đã tiếp diễn gần trọn thế kỷ qua cho tới hôm nay. Trải nghiệm bản thân đã nhắc về tiếng nói đang cất lên từ thực tế không là gì khác ngoài lời hối thúc sẵn sàng tự sát, vì đây là chọn lựa bắt buộc cuối cùng cho mong ước hoàn sinh như lời tâm sự mở đầu tác phẩm của Nguyễn Viện:

“... Dẫu thế nào tôi vẫn là một nhân chứng cho một giai đoạn lịch sử. Vì thế tôi đã viết như một nạn nhân cả trong tâm linh lẫn đời sống xã hội... .

... Tôi cần sự thật và nói lên sự thật, không phải bất chấp hiểm nguy, mà sẵn sàng chết vì sự thật để chính tôi được cứu rỗi.”

Với tâm cảnh này, Nhảy Múa Để Chết chất ngất vô vàn dấu tích thực tế giằng xé thân phận Việt Nam từ một hệ thống chính trị u mê tàn bạo tới những thôi thúc thân xác triền miên bị đè nén, đe dọa...

Khó thể kể hết vô vàn dấu tích thực tế đó nhưng có thể khẳng định hết thẩy đã hòa nhập để biểu hiện nỗi đau cùng cực cất lên từ từng dòng, từng chữ hối thúc nạn nhân lao vào hành động — nỗi đau vô lượng của những đấng sinh thành cầu xin đám con của mình dứt khoát không trốn chạy cái chết và nỗi đau của những đứa trẻ chưa biết tới cuộc sống phải sẵn sàng bước lên chấp nhận cái chết. Đó là nỗi đau đang cào xé con tim nhiều thế hệ con dân Việt Nam và cũng là nỗi đau của người cầm bút trong từng giây phút hình thành tác phẩm.

Nghi vấn cuối cùng là nỗi đau đó sẽ được tiếp nhận ra sao bởi người đọc sách cũng chính là nạn nhân của thực tế cuộc sống Việt Nam?

 

Virginia August 19, 2013
UYÊN THAO

 

_________________________

[1]Theo Cát Bụi Chân Ai của Tô Hoài.

[2]Theo Hồi Ký Của Một Thằng Hèn của Tô Hải.

[3]Theo Ensorcelés Par La Mort của Svetlana Alexievitch.

[4]Je pense surtout aux jeunes miliciens catholiques de Honaï, des enfants de quinze ans qui montent à la rencontre des chars Viets, le scapulaire autour du cou et la grenade au poing. Tandis que dans les églises illuminés leurs parents à genoux demandent à Dieu de leur donner le courage d’affronter la mort sans faiblir... (Vietnam qu’as-tu fait de tes fils – tr.187)


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021