thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
25 ca khúc từ CANZONIERE
 
CON DÊ
 
Tôi đã nói với một con dê.
Nó có một mình trên đồng cỏ. Nó bị cột.
No phình những cỏ, ướt đẫm
mưa, nó kêu be be.
 
Tiếng be be đều đều này là anh em
với nỗi đau của tôi. Và tôi đã đáp lại, trước hết
vì đùa nghịch, rồi vì nỗi đau là muôn thủa,
chỉ có một tiếng nói không thay đổi.
Tiếng nói này tôi đã nghe thấy nó
rên rỉ nơi một con dê đơn độc.
 
Nơi một con dê có khuôn mặt người Do thái
tôi đã nghe than van ai oán mọi nỗi đau khác,
mọi cuộc đời khác.
 
 
TỰ SỰ III
 
Cha tôi đối với tôi vốn là "kẻ sát nhân"
cho tới mãi năm tôi 20 tuổi khi tôi được biết ông.
Lúc ấy tôi mới thấy đó là một đứa trẻ
và cái khiếu mà tôi có là do ông mà tôi đã có.
 
Trên khuôn mặt ông mang cái ánh mắt phớt xanh của tôi,
một nụ cười, trong cùng khốn, thật dịu hiền và ranh mãnh.
Ông vẫn lang thang khắp thế giới;
hơn một người đàn bà đã yêu ông và nuôi ông.
 
Ông thật vui vẻ và nhẹ nhõm; trong lúc mẹ tôi
thấm thía mọi gánh nặng của cuộc đời.
Từ tay bà, ông đã thoát đi như một trái bong bóng.
 
"Mày đừng giống – bà thường mắng – như cha mày."
Và tôi sau này nơi chính bản thân tôi tôi đã hiểu ông:
Ấy cuộc giao đấu ác nghiệt xa xưa giữa hai dòng giống.
 
 
NGOẠI Ô
 
Ấy chính là trong những đường phố
của vùng Ngoại ô này mà tôi đã gặp
điều mới mẻ.
 
Ấy cũng thể một tiếng thở dài
hão huyền
cái thèm muốn bất ngờ được bước ra
khỏi bản thân tôi, được sống cuộc đời
của hết thảy,
được như hết thảy
mọi người của hết thảy
mọi ngày.
 
Tôi chưa bao giờ có được một niềm vui
lớn lao đến thế, cũng chẳng còn trông đợi nó ở cuộc đời.
Tôi lúc đó đã hai mươi tuổi, và tôi
đau yếu. Qua những con đường
mới mẻ của Ngoại ô cái thèm muốn hão huyền
như một tiếng thở dài
chiếm lấy tôi.
 
Ở nơi, vào thời êm dịu
của tuổi thơ,
tôi đã thấy tản mác,
một vài căn nhà nhỏ đeo trên ngọn đồi
trần trụi,
vụt hiện lên một Ngoại ô bừng bừng sức lao động của
con người. Ở nơi nó lần đầu tiên
tôi đã cảm thấy cái thèm muốn dịu êm
và hão huyền
được hòa lẫn cuộc đời tôi vào với
cuộc đời nồng ấm của hết thảy,
được như hết thảy
mọi người của hết thảy
mọi ngày.
 
Có niềm tin
của hết thảy, nói
những lời, làm
những việc mà kế đó ai ai cũng hiểu, và chính là,
như cơm bánh và rượu nho,
như trẻ nhỏ và phụ nữ,
những giá trị
của hết thảy. Nhưng tôi đã để lại,
than ôi, một góc nhỏ cho thèm muốn, khe cửa
trổ dưới hầm xanh ngắt,
để từ đấy tự nhìn ngắm, hưởng niềm vui
cao cả đã đạt được
là không còn là bản thân tôi,
là chỉ là điều này: một người giữa
mọi người.
 
Nảy sinh từ những
sự biến tối tăm,
thèm muốn nọ chẳng qua cũng chỉ là một tiếng thở dài
ngắn ngủi. Tôi tìm lại được nó
– vọng âm lạc lõng
thời thanh xuân – qua những đường phố của Ngoại ô
những đường phố đã đổi thay
hơn là tôi thay đổi. Trên vách tường
của những ngôi nhà cao,
trên mọi người và công việc của họ, trên mọi sự,
rủ xuống một tấm màn bao phủ những sự vật
đã tàn.
 
Ngôi nhà thờ hãy còn
màu vàng, nếu đồng cỏ
bao quanh đã kém xanh. Vùng biển
mà tôi nhận thấy ở bên dưới, chỉ có một con tầu,
thật lớn,
nằm bất động, nghiêng về một bên. Những hình thù,
những màu sắc,
cuộc sống nơi xuất phát tiếng thở dài nhè nhẹ
và thấp hèn của tôi: một thế giới
không còn nữa! Ấy những hình thù,
những màu sắc,
khác, những thức mà tôi đã tạo ra, khi ở lại với chính bản thân tôi,
đơn độc với nỗi đớn đau
khắc nghiệt. Và cái chết
đang chờ tôi.
 
Họ sẽ trở lại
vùng Ngoại ô
này, hay một vùng khác như vùng này, vào những ngày
đương hoa. Một người khác
sẽ sống lại cuộc đời tôi,
kẻ, trong cơn cực kỳ đau đớn
của tuổi thanh xuân, cũng sẽ mong ước,
trông đợi,
được hòa lẫn đời mình vào cuộc đời
của hết thảy,
được sống như hết thảy
những kẻ sẽ tới, những người của một
trong những ngày ấy.
 
 
THƠ *
 
Đối với một người bị gió đánh tả tơi,
bị tuyết chiếu chói lòa – chung quanh y thành phố
là hình ảnh một địa ngục Bắc cực –
ấy cũng thể một cánh cửa mở ra, dọc theo một bức tường.
Y bước vào. Lòng tốt vẫn chưa chết, y tìm lại được nó,
sự dịu êm của một góc nhà ấm áp. Y nêu
một cái tên bị quên lãng, đặt một nụ hôn lên
những khuôn mặt tươi cười mà y đã chỉ thấy
là tăm tối trong những mộng mị hăm he.
                                                       Y trở lại
đường phố, đường phố cũng đã đổi thay.
Trời trở lại nắng đẹp, đá băng
đã vỡ tan nhờ những bàn tay cần cù, màu xanh
lại ló ra trên trời và trong lòng y. Y mơ màng nghĩ
rằng mọi bất hạnh cực kỳ đều loan báo một điều tốt.
 
--------------------------------------------
* dịch theo bản Pháp văn của Odette Kaan. (người dịch)
 
 
HÀNG "RAU QUẢ"
 
Rau cỏ, trái cây, những sắc màu của
mùa nắng đẹp. Một vài lẵng quả trước cơn khát
khoe da thịt còn xanh êm dịu.
 
Một đứa trẻ bước vào với đôi ống chân trần,
vẻ hách dịch, nó bỏ đi.
                                 Cửa hàng
đơn sơ tối lại, già đi như
một bà mẹ.
                 Bên ngoài, trong ánh nắng
nó xa dần, cùng với chiếc bóng, nhẹ nhõm.
 
 
LAO ĐỘNG
 
Xưa
cuộc đời tôi dễ dàng. Trái đất
ban cho tôi hoa trái dư thừa.
 
Nay tôi khai phá một mảnh đất khô và cứng.
Lưỡi mai
vấp phải những đá, những gai. Tôi phải đào
sâu, như kẻ tìm kiếm một kho tàng.
 
 
NƠI YÊU DẤU
 
Chúng tôi đã lang thang suốt buổi xế trưa tìm kiếm
một nơi để biến hai cuộc đời thành một.
 
Đầy tiếng xôn xao, cuộc sống, trưởng thành, thù nghịch
đã hăm dọa thanh xuân của chúng tôi.
 
Nhưng tới đây nơi dế hãy còn gáy
biết bao là im lặng dưới vầng trăng này.
 
 
NHỮNG NGƯỜI BẠN ĐÃ CHẾT CỦA TÔI
 
Những người bạn đã chết của tôi sống lại nơi em,
và cả những mùa đã chết nữa. Em hiện hữu
đã là một phép mầu; nhưng một phép mầu khác còn vượt xa hơn:
ở nơi em tôi tìm lại được một thời của tôi một thời đã mất.
 
Tôi lang thang trong một xứ không còn nữa,
một xứ đã lùi xa, đã bị vùi lấp
do ý muốn tồn tại của tôi. Ấy đó
là cái tốt hoặc cái xấu, tôi không biết nữa, mà em đã mang lại cho tôi.
 
 
ĐÊM HÈ
 
Từ buồng bên tôi nghe những tiếng nói
dấu yêu khi đang nằm trên giường chờ giấc ngủ.
Qua khung cửa sổ mở một vùng ánh sáng lấp lánh,
ở xa xa, trên đỉnh đồi, tôi không biết là đâu.
 
Nơi đây tôi ôm người vào lòng siết chặt, hỡi người tôi yêu dấu,
đã chết vì tôi từ ấy biết là bao năm.
 
 
KỂ TỪ KHI
 
Kể từ khi miệng tôi đã trở thành gần như câm nín
tôi yêu những cuộc đời gần như chẳng nói gì.
Một cái cây; và vừa đúng – nó dừng lại ở nơi
tôi dừng lại, vui vẻ tiếp tục con đường mà tôi đi –
con thú ngoan vẫn cất bước theo tôi.
 
Nó cam đành với cái ách mà người ta ép buộc nó.
Ném cho tôi, cùng lắm, một ánh mắt van lơn.
Ngầm chỉ vẽ những sự thật muôn thủa.
 
 
CHO MỘT ĐỨA TRẺ ĐAU YẾU
 
Em tha thẩn trong căn nhà của cha em
lặng lẽ như con mèo. Em biết
cái tên của nỗi đau, chứ không phải thực tế.
 
Tách rời chúng bạn, những bông hồng
trên đôi má gầy gò của em nhạt đi.
 
Em kẻ sống lại của hồn tôi, đóa hoa
của cuộc đời, em bé bạn tôi. Của em đó,
giọt lệ cuối cùng tôi còn lại này, giọt lệ
mà em không thấy.
 
 
CONTOVELLO
 
Một người tưới nước trên cánh đồng của mình. Rồi bước xuống
những bậc thang trên núi thật dốc
khiến dường như, khi đi tới, người ấy đặt chân
vào khoảng không. Biển vô tận ở bên dưới.
 
Người ấy lại xuất hiện. Vẫn còng lưng kiệt lực trên
mảnh đất xám kia, mảnh đất bộn bề
những gai góc, gần sát với mặt đá. Ngồi
ở quán trọ, tôi uống thứ rượu chát chúa này.
 
 
KHÓI
 
Niềm an ủi của những đêm dài mất ngủ
mùa đông
              – lúc ấy, nơi những mê lộ tăm tối
suy tưởng lang thang, đầy âu lo; bàn tay
cuồng nhiệt chạy tới với tiếng em gọi –
                                                         sợi chỉ
nhỏ bé đưa lên, rồi đứt, trời,
qua khung cửa sổ mở, với một sọc
màu;
 
nhắc tôi nhớ tới một căn nhà nho nhỏ, đơn độc
giữa những cánh đồng, căn nhà đang tỏa khói cơm chiều.
 
 
LUCIANA
 
Em sẽ nói gì về tôi, sau bao năm trời,
hỡi người yêu dấu, nếu như em trở lại với cõi đời?
 
Cả đến chốn quê hương cũng đã đổi thay biết mấy!
Tôi tin rằng em sẽ khó lòng nhận ra.
 
Liệu em có trách cứ tôi, như một kẻ bội phản lời thề,
vì đã kéo dài cuộc đời mình không có em?
 
Em đã tha thứ cho tôi hay chưa – hỡi thanh xuân! –
vì đã gây ra cho em cái vết thương mê đắm ấy?
 
 
TRÊN XE LỬA
 
Tôi nhìn đám cây trần trụi, đồng quê
hoang vắng, với những màu sắc mùa đông. Tôi nghĩ
đến em, người đang xa dần, người tôi mới vừa rời bỏ.
Buổi chiều đặt một sắc tựa như lửa hồng
lên những căn nhà, lên những đàn thú; con tầu
trong vận hành như điên dại làm bỏ chạy
một vài con thú còn non, những chị gà mái
sặc sỡ.
 
Trái tim tôi tan nát vì cảm thấy mình
không còn sống ở trong lồng ngực em. Nín thinh
trước nỗi âu lo này là mọi lo âu khác. Và cuộc đời
cay đắng phải khổ sở chống đỡ biết bao điều đau đớn.
 
Nhưng em, em thay đổi theo lề luật của em,
và nỗi hối tiếc của tôi thật là vô ích.
 
 
ALBERTO
 
khi anh mất anh đã để lại làm quà cho tôi
một bình rượu vang cũ và cái ống vố của anh.
 
ống vố tôi sẽ hút vào những giờ nặng nề
của kỷ niệm, nghĩ đến sự dịu dàng
từ anh tỏa ra khi sống
đối với anh đã trở thành không thể
                                                  bình rượu này
sẽ làm say sưa một giọt lệ trong đôi mắt
của em anh, kẻ xa lạ ở Mỹ châu,
 
khi anh ấy trở về.
 
 
LÁ KHÔ
 
Chiếc lá khô đỏ
mà gió đưa xa,
gió và người phu quét,
 
– dưới bầu trời rạng rỡ đã rơi, vấy máu
lên đường phố, cùng với những chiếc lá khác –
 
có lẽ tôi cũng phải bắt chước lá thôi. Vì gớm ghiếc
những lời phù phiếm,
những khuôn mặt không ánh sáng.
 
Nhưng tiếng bạn, hỡi người bạn cao quý, tiếng bạn nói cùng tôi;
hãy khiến tôi chớ vội rơi.
 
----------------------------------------
– Bản dịch này, riêng tặng Cao Nghi Bình.
(Diễm Châu)
 
 
PHÈDRE
 
Trời nổi một cơn gió bấc giết người. Ngày mai
tuyết sẽ rơi, sẽ phủ trắng những con đường
đi lên thật thân thiết tới nhà em,
trên đỉnh đồi, xa xa. Qua rặng thông
xanh thung lũng bao la lặp lại
nơi vô số lá cây cái màu
mà thủa ấy em vẫn yêu trên mái tóc.
                                                      Phèdre *
em đã là; em vẫn còn là.
                                     Em quý báu hơn lúc này
khi sáng lên nơi lò sưởi ánh lửa đầu tiên
trong những căn nhà hiếm hoi; mùa đôi chút
là mùa của chúng ta, cảnh vật là cảnh vật của chúng ta; suy tưởng
khuếch tán một sự thật chót; ta lầm tưởng
rằng điều tồi tệ nhất – có lẽ – đã qua.
 
--------------------------------
* Xin xem thần thoại Hy-lạp. (người dịch)
 
 
UY-LỊCH-SƠN
 
Trong thời ta còn trẻ, ta đã lênh đênh
dọc theo bờ biển Dalmatie. Những hòn đảo con con
trồi lên lập lờ mặt nước, nơi một con chim hiếm hoi
dừng lại chăm chú rình mồi, những hòn đảo
phủ đầy rong rêu, trơn trượt, dưới nắng
đẹp như ngọc bích. Khi ngọn triều dâng
và đêm tối triệt tiêu chúng, những cánh buồm
nương gió tản mác ra khơi
để trốn tránh cạm bẫy. Hôm nay vương quốc của ta
là mảnh đất không người ấy. Hải cảng
thắp đèn sáng cho những kẻ khác. Còn ta
tâm hồn bất phục và tình yêu cay đắng
đối với cuộc đời vẫn đẩy mãi ra khơi.
 
 
TRỜI
 
Lina tốt lành và tuyệt diệu
mở rộng cửa sổ để tôi nhìn thấy
bầu trời bao la.
 
Ở đây, chốn hưu dưỡng yên tịnh này, nơi tôi nghĩ
rằng mình đã hoài công cho đi, rằng chung cuộc tới gần,
tôi càng thích bầu trời này, đàn én này,
những đám mây này. Tôi không đòi hỏi gì khác.
                                                                      Lặng lẽ
hút cái ống vố của tôi như một con
sói biển đã già.
 
 
ĐỨA TRẺ VÀ CON CHÀNG-LÀNG *
 
Một đứa trẻ yêu say đắm một con chàng-làng.
Ham thích chuyện mới lạ – nó đã nghe người đi săn
nói những điều tuyệt diệu liên hệ về con chim –
nó đã hứa hẹn biết bao điều để có được con chim ấy!
 
Nó đã có chim; và ngay sau đó đã quên. Con chim rầu rĩ
ở trong lồng treo bên cửa sổ
lặng lẽ khóc thầm khi thấy
khoảng trời xa xa không thể nào tới.
 
Đứa trẻ chợt nhớ tới chim cái ngày đơn độc nọ
khi, vì buồn chán hay có ác ý, nó muốn
siết chặt lấy chim trong nắm tay. Con chim gần như mãnh cầm đó
làm nó đau và bay đi. Hôm ấy,
 
vì cái đau ấy nó đã yêu chim mãi mãi.
 
---------------------------------------------
* nguyên tác:“l'averla”; tiếng Pháp:"la pie-grièche". (người dịch)
 
 
NĂM NAY...
 
Năm nay đàn én ra đi
sẽ làm se thắt tim tôi, vì một ý nghĩ.
 
Rồi đàn sáo sậu sẽ gây ồn ào lớn
trên đám cây ở điểm hẹn trên đường
XX tháng Chín. Rồi trong suốt cơn đau dài
mùa đông, tôi chỉ còn có bạn
là ý nghĩ này, và trên các mái nhà là con sẻ nâu.
 
Nỗi đơn độc của tôi sẽ thiếu
đàn én, và những ngày cuối cùng của tôi tình yêu.
 
 
NHỮNG BÀI THƠ CỦA TÔI
 
Anh Carletto* tốt lành bảo tôi: " Tôi thấy
đúng là ông phải làm thơ ". Tôi phải làm
như con gà đẻ trái trứng. Đó là điều một hôm
con gái tôi cũng đã bảo tôi. (Nó lúc ấy
mới lên mười mười một tuổi.) Nó tưởng tượng,
cùng với toàn thế giới thu nhỏ, giam nhốt
cha nó trong một cái lồng. Rượu và thức ăn
ngon lành, tuyệt hảo nữa. Đổi lại
mẹ nó hay nó qua những nan lồng, giật lấy
lao động mỗi ngày của tôi nơi những tờ giấy
xinh đẹp khác nhau muôn màu bay bay.
 
----------------------------------------------
* Người giúp việc Umberto Saba ở tiệm sách cổ của ông. (người dịch)
 
 
TÌNH ANH EM
 
Tôi nằm mộng, sáng ra tìm lại được.
Trong mộng chim chóc nói, hay tôi, con người,
tôi đã biến thành chim. Rằng:
CHÚNG TÔI THUỘC LOÀI CÓ MỎ DÊ THƯƠNG ƯA TRÁI
NGỌT Ở VƯỜN CÂY ĂN TRÁI. VÀ HẾT THẢY ĐỀU TỪ
MỘT TRÁI TRỨNG SINH RA.
 
Đúng là mộng của một đứa bé và một con chim.
 
 
ĐỀ BIA MỘ
 
Sống tôi đã nói với một dân tộc gồm những người chết.
Chết tôi khước từ vòng nguyệt quế và đòi hỏi lãng quên.
 
 
-------------------------------
Ghi chú của người dịch:
UMBERTO SABA (1883-1957) sinh ngày 9. 3.1883 tại Trieste, lúc ấy còn là một thành phố của Đế quốc Áo-Hung. Cha ông là Ugo Abramo Poli, một người Ý theo đạo Thiên chúa đã bỏ đạo để lấy mẹ ông là Felicita Rachele Coen, một người theo Do-thái giáo. Chỉ một vài tháng trước khi con sinh ra, người cha đã từ bỏ gia đình và một cửa tiệm buôn bán đồ đạc.
 
Umberto được giao cho vú nuôi, một nông dân Slovénie theo đạo Thiên chúa, tên là Peppa Sabaz, vợ một người hàng thịt. Umberto yêu say đắm người mẹ nuôi khiến người ta đã tự hỏi phải chăng vì thế mà sau này ông đã lựa Saba làm tên chính thức thay cho Poli. (Một thuyết khác cho rằng Saba có âm hưởng Hy-bá, và trong thứ tiếng này, có nghĩa là "bánh mì". Dù thế nào chăng nữa, tên Saba đã được xin chính thức hóa trên giấy tờ hộ tịch và đã được chính quyền chấp thuận ngày 28.10.1928). Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau, do sự e ngại của Felicita đối với ảnh hưởng Thiên chúa giáo của người vú nuôi, Umberto lại được đưa tới ở với hai người chị em họ, rồi với một bà dì tên là Regina.
 
Thời niên thiếu của Umberto diễn ra ở Trieste. Ngay từ thời kỳ này, tính tình ông được ghi nhận: "âu lo và nóng nảy". Người ta còn cho biết rằng sự học hành của ông đã chấm dứt "khá sớm". Và đáng kể hơn nữa là những cuộc tình mê đắm của Umberto với ba người bạn trai, trong đó có Ugo Chiesa, tức nhân vật Ilio, nhạc sĩ vĩ cầm trong cuốn Ernesto. (Đây là tác phẩm tiểu thuyết duy nhất hãy còn dang dở của Umberto Saba, khởi sự vào năm 1953, và chỉ xuất hiện vào năm 1975. Saba còn là tác giả một số truyện ngắn).
 
Năm 1908, sau khi đã sống ở Pise và Florence, Umberto trở lại Trieste. Mặc dù là dân Áo, nhưng cha là người Ý, ông thi hành quân dịch trong quân đội Ý, ở Salerne, trung đoàn 12 bộ binh.
 
Năm 1909, Umberto thành hôn với Carolina Wölfler (Lina) ở Trieste. Năm sau, hai người sinh được một cô con gái, đặt tên là Linuccia.
 
Umberto làm những bài thơ đầu tiên vào năm ông 19 tuổi. Tới năm 1911, cho in tập thơ đầu tiên, tựa là Thơ dưới tên Umberto Saba. Thời gian 1915-1918, ông bị gọi tái ngũ. Được điều động tới một trại tù binh Áo gần Modène, ông giữ chức vụ thông dịch viên. Chiến tranh chấm dứt, ông trở lại Trieste và định cư hẳn ở đây. Năm 1919, ông mua một cửa tiệm bán sách cổ ở số 30, via San Nicolò.
 
Saba thu thập tất cả thơ ông đã làm tới lúc đó dưới tựa đề Canzoniere (có nghĩa là "Thi tập", nhưng cũng có nghĩa là sưu tập những bài hát). Người ta được biết rằng Saba rất yêu mến nhà thơ Ý Giacomo Leopardi (1798-1837), tác giả Canti. Ấn bản đầu tiên (1921) cuốn sách của Saba không được các nhà phê bình hoan nghênh.
 
Kế đó là những thời kỳ suy nhược thần kinh. Năm 1929, ông trị bệnh bằng phương pháp “phân tích tâm lý” với Edoardo Weiss, một môn đệ của Freud. Cuộc chữa chạy này kéo dài ba năm.
 
Saba lập nhà xuất bản và cho in những bài thơ đầu tiên của Sandro Penna (một nhà thơ đồng tính). Ít lâu trước Thế chiến II, vì những đạo luật về chủng tộc, Saba phải "tỵ nạn" ở Paris, một nơi ông không ưa. Rồi trở lại Ý vào năm 1939, ông đã ở Trieste, Rome, và Venise. Dưới thời phát xít, rồi thời Đức quốc xã chiếm đóng những đạo luật về chủng tộc được áp dụng thật chặt chẽ khiến ông phải "lánh mặt" ở Rome và Florence. Sau khi giải phóng, ông trở lại với thành phố quê nhà và tiệm sách cũ.
 
Năm 1949 manh nha ý muốn tự sát nơi ông, Saba tìm tới ma túy. Nhưng ngay năm sau, ông đã chữa trị, giải độc. Năm 1953, khi đã bảy mươi tuổi, Saba khởi sự viết Ernesto, cuốn tiểu thuyết duy nhất của ông, về đồng tính luyến ái. Ông mất ngày 25. 8. 1957, tại bệnh viện San Giusto, khoảng chín tháng sau ngày bà vợ yêu quý của ông (Lina) mất.
 
Như đã nói trên, Trieste, nơi Saba sinh, sống và chết, nguyên là một thành phố của Đế quốc Áo-Hung, con đường duy nhất thoát ra biển của Áo. Trieste là một trung tâm thương mại tích cực, thành phố của kỹ nghệ luyện sắt, của nhà máy lọc dầu... Nằm bên vịnh Adriatique thuộc Địa trung hải, ấy cũng là một thành phố của nhiều sắc dân, (trong đó, người Ý không chiếm tuyệt đại đa số), và của nhiều tín ngưỡng, hình ảnh của một thế giới thu nhỏ. Vào năm 1919-1920, Trieste thuộc về Ý. Năm 1945, bộ đội Nam-tư của thống chế Tito giải phóng Trieste. Hòa ước 1947 biến Trieste thành "Lãnh thổ tự do". Và đến 1954, Trieste lại trở thành một thành phố thuộc Ý, dưới quy chế "cảng tự do". Trieste cũng là nơi xuất phát của văn hào Ý Italo Svevo và là nơi lưu trú một thời của James Joyce, văn hào Ái nhĩ lan.
 
Saba viết bằng tiếng Ý. Trong văn học hiện đại Ý, ông chiếm một vị trí quan trọng. Nhưng ông luôn luôn và trước hết là "nhà thơ của Trieste". "Ý hơn ai hết", nhưng vì là người Trieste, chính Saba cũng đã nhìn nhận tính cách "bên lề" của mình.
 
Saba làm thật nhiều thơ trong mọi giai đoạn của đời ông, dưới nhiều tựa sách khác nhau. Nhưng Saba đã thu thập hết mọi bài thơ đã làm dưới cái tên thật nhũn nhặn (nhưng cũng thật ý nghĩa): Canzoniere. Có thể nói Canzoniere, cuốn sách của tháng, ngày, cuốn sách của đời ông, là tác phẩm của một người đã tự nguyện sống ngay thẳng, trung thực với cuộc đời và trung thực với bản thân mình.
 
Dưới thời phát xít, Mussolini cấm in Canzoniere. Nhưng Canzoniere đã trở thành một trong những cuốn sách đầu tiên mà nhà Einaudi xuất bản ngay sau chiến tranh. Cuốn sách ấy được bổ sung, in lại vào năm 1957 và từ đấy, đã có nhiều ấn bản kế tiếp nhau ra đời...
 
Thơ Umberto Saba, ngôn từ trong sáng nhưng súc tích; dạng thức cổ điển, ngoại trừ lối liên cú, nhưng việc nội-tâm-hóa những miêu tả hiện thực là một biệt tài của ông. Thơ ông có cái thoáng nhẹ của những bài hát. Ông làm thơ như "con gà đẻ trái trứng". Và "thèm muốn" của ông là "được như hết thảy/ mọi người của hết thảy/ mọi ngày"...
 
Umberto Saba đã được tặng giải thưởng quan trọng về thơ Viareggio (1946), giải Etna-Taormina, và giải của Accademia dei Lincei.
 
Các bài thơ trên, trừ một bài dịch theo bản Pháp văn của Odette Kaan, đã được dịch theo tư liệu in trong Philippe Renard và Bernard Simeone, Umberto Saba, Du Canzoniere (Orphée, La Différence, Paris, 1992); và Franck Venaille, Umberto Saba (Seghers, Paris, 1989), và đã được “coi lại” với nguyên tác. Ghi chú này cũng dựa theo các sách nói trên và một vài cuốn sách giáo khoa phổ thông về văn chương Ý.

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021