thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Trà Vigia và câu chuyện khác về SĂM HRI

 

 

Đọc Chăm H’ri, tập truyện ngắn của Trà Vigia,
NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2008.

 

Lịch sử — history — là câu chuyện quá khứ được kể lại, bởi một hay một số kẻ đại diện cho cộng đồng nào đó. Dù là quá khứ của một dân tộc, một cộng đồng hay một cá nhân. Nó chỉ là hi[s-]story, như cách chơi chữ của một tác giả phương Tây.

Quá khứ xa của dân tộc Chăm và quá khứ gần của đời sống Chăm cũng là một thực thể đã và đang được kể lại, qua truyền thuyết lịch sử, huyền sử hay bởi vài nhà sử học đầy khách quan. Phong phú, nhiều chiều, với nhiều khác biệt có khi rất trái ngược nhau. Chuyện về Ppo Klaung Girai hay Nai Tangya, Chăm kể bằng nhiều cách khác nhau với nhiều tình tiết khác nhau từ những Ong Mưdwơn khác nhau tại các khu vực khác nhau bởi những gru thầy khác nhau. Thêm hay bớt vài chi tiết, hiện thực hơn hoặc huyền bí hơn. Để phục vụ cho mục đích, lợi ích của ta hay thậm chí, trò chơi của ta. Điều lạ là ai cũng cho mình đúng. Mấy trăm năm qua, Chăm không thấy có vấn đề gì cả. Họ chấp nhận mọi sự khác biệt trên một nền tảng tinh thần chung.

Trà Vigia cũng ý định kể lại câu chuyện Chăm theo kiểu của mình. Chuyện hiện tại.

Bảy truyện ngắn trong tập truyện Chăm H’ri dày chưa tới hai trăm trang, tất cả đã đăng trong tuyển tập Tagalau trước đó, là bảy câu chuyện kể theo bút pháp khá cổ điển, đan xen hiện thực và huyền thoại, thực tế và tưởng tượng đầy sáng tạo, về vài hiện tượng trong đời sống tinh thần và tâm linh Chăm. Truyện ngắn “Chăm H’ri” được tác giả dùng làm tên chung cho cả tập truyện.

Chăm hri hay Săm-ri hoặc Săm hri, là vài cách phát âm khác nhau về một trong những hiện tượng đặc thù này. Người Chăm lâu nay hiểu nó như loài dã nhân sống nơi rừng rú, có liên hệ mật thiết họ hàng với con người. Hoặc nó là con người đã từ bỏ thế giới loài người vào sống trong rừng thẳm lâu ngày quên mất tiếng nói đồng loại. Đã có nhiều huyền thoại về loài sinh vật này, thương cảm có, khiếp hãi cũng có, đến nỗi không ít bà mẹ Chăm dùng nó để nhát trẻ con.

“Họ nói về Săm hri như một nhân vật nửa người nửa thú, khi tỉnh khi mê, khi ẩn khi hiện như hồn ma phách quỷ. Lúc thì mang hình người bình thường, khi thì hoá thành hổ dễ ăn thịt cả đồng loại. Họ giả định rằng đó một giống tộc người Raglai bị nguyền rủa, bị xua đuổi ra khỏi cộng đồng xã hội và bị đoạ đày trong một thời gian mang kiếp Săm hri. Hết thời hạn, họ trở lại sinh hoạt như những người con bình thường. Rồi họ kể lại những hiện tượng lạ như đang đốn cây ngồi nghỉ thì bị lấy mất cái rìu, cái rựa... khi thì nồi niêu thức ăn, chén đĩa bị đập nát hết. Có lẽ những vùng có Săm hri, họ không muốn ai bén mảng đến, hay có ý định đột nhập khu cấm địa của họ, các người già lại dặn dò: đừng thấy chuối mít chín thơm ngon mà hái ăn. Đó là của chúng nó trồng, ăn vào thì biến thành Săm hri, ai nghe cũng e sợ!”

Nhưng không! Trà Vigia hiểu nó khác. Kể nó theo cách khác. Bắt đầu từ thao tác “truy nguyên” ngôn ngữ học.

“Chăm Hari chứ không phải Săm hri”. Người ta đã gọi trại ra thế vì một lí do nào đó. Chăm là người Chăm, hri là khóc kể... Trong tiếng lá cây xào xạc, vọng lên tiếng hú từ cõi hư vô, khàn khàn giọng trầm rồi bổng lên cao vút. Đó là tiếng than khóc của Chăm Hari. Họ hri vì nỗi cô đơn lạc loài đồng loại. Tiếng hri kêu cứu vì sợ hãi đói khát, hri vì nỗi khát vọng và tuyệt vọng... hri vì kiếp hoá thân từ người sang thú và hri vì con thú bi thương muốn biến thành người. Tiếng hri đau đớn đoạ đày như tín hiệu cuối cùng vĩnh biệt”.

Chăm H’ri chỉ là con dã nhân đơn thuần hay là sinh vật dị kì biến thái từ biến cố của lịch sử Champa trong khúc gẫy gập của định mệnh, không biết. Raymond Federman: “Đối với tôi, những biến cố [của đời tôi hay của lịch sử] một khi đã đi vào ngôn ngữ, chúng trở thành sản phẩm tiểu thuyết”. Trà Vigia biến Chăm H’ri thành đề tài văn chương, phục vụ cho câu chuyện của anh. Bí ẩn hơn, đồng thời sát thực hơn.

Chăm H’ri là một sản phẩm văn chương.

Một câu chuyện về một hiện tượng hay sự kiện có thể làm cho hiện tượng hay sự kiện đó phong phú, đa diện và đa sắc thái. Nó là cái thêm vào, nối dài chứ không phải triệt tiêu. Chăm H’ri của Trà Vigia, ngược lại, có khả năng đưa huyền thoại cũ vào hậu trường lịch sử. Đúng hơn, hậu trường của quá trình nhìn nhận về lịch sử. Chúng chỉ còn là một giọng phụ, không hơn. Tác phẩm văn chương đã từng làm được chuyện đó. Hãy nghĩ đến Tam quốc chí của La Quán Trung hay phần nào đó, Chiến tranh và hòa bình của Tolstoi, ta hiểu được tác động mang tính bẻ ngoặt của các ngòi bút văn chương lớn đối với cách nhìn nhận lịch sử thế nào.

Chăm H’ri qua cách hiểu “sai” của Chăm lâu nay, là một “huyền thoại”. Câu chuyện Chăm H’ri của Trà hi[s-]story cũng trở thành huyền thoại, chắc thế. Nhưng nó hết còn gây khiếp hãi mà tạo nên mối thương cảm, ngậm ngùi. Và có thể nói – rất nhân bản. Như câu chuyện về Người đi tìm linh hồn, Vương miện của vị vua cuối cùng hay Bàu Trúc,... của anh. Người ta có thể không tin, riêng tôi, qua kinh nghiệm riêng, tôi tin vào câu chuyện kể của Trà Vigia. Ít ra, còn hơn là về hiện tượng Chăm H’ri “thật”, được khảo cứu cẩn thận, bài bản tưởng khách quan nhưng đầy tính hư cấu. Một thứ hư cấu trá hình. Nói như Cao hành Kiện: “Văn học thật hơn lịch sử, là thứ được viết ra dưới ảnh hưởng của quyền lực chính trị”.

Chăm H’ri không chỉ có mỗi huyền thoại Chăm H’ri, mà còn có mặt nhiều huyền thoại khác được bút lực của Trà Vigia đánh thức qua từng câu chuyện kể, hư hư thực thực, ở một xứ sở và từ một nền văn minh quen mà lạ.

 

Sài Gòn, 14-11-2008.

 

 

-------------
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021