thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Lần đầu gặp Borges

 

14.06.1986 - 14.06.2006:

tưởng niệm 20 năm ngày mất

JORGE LUIS BORGES

 

Dana Cook sưu tầm
Hoàng Ngọc-Tuấn chuyển ngữ

 

 

 

GRAHAM GREENE, TIỂU THUYẾT GIA:

Ðôi mắt nhìn vào bên trong

Tôi xin kể lại lần tôi gặp Borges. Lần ấy bạn tôi, nữ văn sĩ Victoria Campos, mời tôi cùng Borges đi ăn trưa, và bà nhờ tôi đến Thư Viện Quốc Gia để đưa Borges đến căn hộ của bà vì ông ấy mù. Hầu như khi cánh cửa của thư viện vừa khép lại sau lưng, chúng tôi đã bắt đầu trao đổi ngay về chuyện văn chương. Borges nói về ảnh hưởng của G. K. Chesterton đối với ông và ảnh hưởng của Robert Louis Stevenson đối với những truyện ông viết lúc sau này. Ông nói về văn xuôi của Stevenson như một ảnh hưởng to lớn. Thế rồi tôi nói xen vào một vài câu. Tôi nói Robert Louis Stevenson có viết ít nhất một bài thơ hay. Một bài thơ về tổ tiên của ông ấy. Trước kia, tổ tiên của ông ấy đã xây những ngọn hải đăng đồ sộ trên bờ biển Tô-cách-lan, và tôi biết tổ tiên là một đề tài mà Borges yêu thích...

Ðường phố Buenos Aires thật là ồn ào, chen chúc. Borges dừng lại trên lề đường và đọc cho tôi nghe trọn bài thơ ấy của Stevenson, chính xác từng chữ. Sau một bữa ăn trưa thú vị, ông ngồi trên một chiếc ghế bành và trích dẫn hàng đống ngồn ngộn những đoạn văn Anglo-Saxon. Tôi e rằng tôi không đủ sức theo kịp. Nhưng tôi nhìn vào đôi mắt ông trong lúc ông đang diễn đọc và tôi kinh ngạc vì sự biểu cảm trong đôi mắt mù loà đó. Đôi mắt không có vẻ gì mù loà cả. Chúng nhìn như thể đang nhìn vào bên trong chính chúng một cách kỳ bí, và chúng toả ra sự cao thượng vĩ đại.

(Đầu những năm 1960)

 

Trong cuốn Reflections của Graham Greene (Lester Orpen and Denys, 1990).

 

_______________

 

ALBERTO MORAVIA, NHÀ BÁO KIÊM TIỂU THUYẾT GIA:

Pablo nào?

Tôi phỏng vấn ông ấy để viết bài cho nhật báo Corriere della Sera. Ông ấy có lối nói quyến rũ, hơi lắt léo một chút theo lối khôi hài. "Ông có biết Picasso không?" Tôi hỏi ông ấy. "Picasso nào? Chưa bao giờ nghe đến cái tên như vậy," ông ấy đáp. Thật là Á-căn-đình và sặc mùi chữ nghĩa, đúng là hậu duệ sáng giá của một nền văn hoá phi dân tộc.

(Đầu những năm 1960)

 

Trong cuốn Life of Moravia của Alberto Moravia với Alain Elkann (Steerforth Press, 2000).

 

_______________

 

HERBERT A. SIMON, KINH TẾ GIA:

Căn nguyên của mê cung

Vào tháng Mười Hai năm 1970, Dorothea và tôi viếng xứ Á-căn-đình, nơi tôi phải thuyết trình vài bài về quản trị kinh doanh. Trong thư từ trao đổi về việc tổ chức các buổi thuyết trình ấy, tôi đã làm một điều mà trước đó tôi chưa từng làm và từ đó tôi cũng chưa hề lặp lại, đó là: tôi đòi hỏi phải có sự hiện diện của một vị khán giả lừng danh. Suốt một thập niên trước đó, tôi đã ngưỡng mộ những truyện ngắn của Jorge Borges (lúc ấy tôi chưa biết về thơ của ông), và đã kinh ngạc về vai trò của những cái mê cung trong tác phẩm của ông. Tôi muốn biết tại sao...

Tôi gặp Borges trong cái văn phòng đẹp đẽ xây theo kiểu Baroque có trần cao ở Thư Viện Quốc Gia. Chúng tôi có vài giờ đồng hồ đàm thoại với nhau (bằng tiếng Anh)...

BORGES: Nhưng tôi muốn biết tại sao anh lại thích có cuộc đàm thoại này.

SIMON: Tôi muốn biết bằng cách nào cái mê cung lại rơi vào trong nhãn giới của ông, vào trong những tư niệm của ông, để rồi ông đem nó vào trong những truyện ngắn của ông.

BORGES: Tôi nhớ đã trông thấy một bức minh hoạ của cái mê cung in trong một cuốn sách tiếng Pháp — lúc tôi còn là một cậu bé. Đó là một toà nhà hình tròn không có cửa lớn nhưng có nhiều cửa sổ. Tôi thường nhìn đăm đăm vào bức minh hoạ ấy và nghĩ rằng nếu tôi đặt một cái kính lúp gần sát vào nó, chắc tôi sẽ nhìn thấy quái vật Minotaur.

 

Trong cuốn Models of My Life của Hebert A. Simon (Basic Books/HarperCollins, 1991).

 

_______________

 

ABRAHAM PAIS, LÝ THUYẾT GIA VẬT LÝ HỌC:

Nỗi sợ về sự bất tử

Tôi gặp Jorge Luis Borges ở New York sau một buổi đọc thơ. Ông là một người có những tác phẩm văn chương khiến tôi vô cùng ngưỡng mộ. Ở tuổi bảy mươi hai, khuôn mặt ông vẫn mịn màng và đầy sức sống. Chúng tôi trao đổi về sự tương đồng giữa khoa học và văn chương — khởi sự từ một huyền thoại và cũng kết thúc trong một huyền thoại (hãy đọc tiểu luận "Cervantes trong Những Mê Cung" của ông). Tôi còn nhớ một câu nói lạ lùng của ông: "Đôi khi tôi mang một nỗi sợ đầy ám ảnh về sự bất tử."

(1971)

 

Trong cuốn A Tale of Two Continents: A Physicist's Life in a Turbulent World của Abraham Pais (Princeton University Press, 1997).

 

_______________

 

PAUL THEROUX, NHÀ VĂN CHUYÊN VIẾT KÝ SỰ DU HÀNH VÀ TIỂU THUYẾT:

Những ý tưởng từ thinh không

Có tiếng lê bước trong hành lang, và một tiếng tằng hắng mạnh mẽ. Borges trồi ra từ cái tiền sảnh sáng lờ mờ, sờ soạng tìm lối đi dọc theo tường. Ông mặc y phục tề chỉnh, với bộ com-lê xanh sậm và chiếc cà-vạt màu tối; đôi giày đen thắt dây lỏng, và một sợi dây đeo đồng hồ lủng lẳng từ túi áo. Ông cao lớn hơn tôi hình dung, và có một chút hơi hướm của người Anh trên nét mặt, một vẻ nghiêm nghị mơ hồ toát ra từ quai hàm và vầng trán. Đôi mắt ông lồi lên, nhìn đăm đăm và mù loà. Nhưng dù ông hơi loạng choạng, và đôi bàn tay khẽ run rẩy, ông còn rất khoẻ. Ông có cử chỉ chính xác cẩn trọng của một dược sĩ. Da dẻ ông mịn màng — đôi bàn tay ông không trổ đồi mồi — và khuôn mặt ông có một vẻ cương nghị... Ông nói quá nhanh đến nỗi tôi không nhận ra một chỗ nhấn giọng nào cho đến khi ông nói xong. Ông nói như không kịp thở. Ông nói từng tràng dài, không hề ngập ngừng, trừ khi bắt đầu một đề tài mới. Lúc ấy, ông lắp bắp, giơ đôi tay run rẩy lên và dường như khoèo cái đề tài ra từ thinh không và xóc văng ra những ý tưởng trong khi ông tiếp tục câu chuyện.

(Buenos Aires, 1978)

 

Trong cuốn The Old Patagonian Express của Paul Theroux (Houghton Mifflin, 1979).

 

_______________

 

FRANCIS KING, TIỂU THUYẾT GIA:

Những bài giảng nho nhỏ uyên bác

 

Trong một chuyến du thuyết do Hội Đồng Anh Quốc tổ chức ... tôi đã gặp Jorge Luis Borges, một nhà văn mà tôi tôn sùng...

... Lúc ấy Borges ở trong một căn hộ ngăn nắp, với một bà nông dân ngăn nắp làm quản gia...

... Borges mời tôi ngồi xuống một chiếc ghế bành, rồi hầu như ngồi hẳn lên tôi. Bởi những người mù chẳng mấy chốc có thể quen thuộc với chỗ ở của mình, tôi thoáng nghĩ rằng sự đụng chạm này là có chủ ý. Tôi bối rối thấy cánh tay ông chạm dọc theo cánh tay tôi, đầu gối ông chạm đầu gối tôi, và cái cạnh của chiếc ghế bành ép vào xương sườn tôi. Lập tức ông bắt đầu hỏi tôi những câu hỏi: không hề là những câu về bản thân tôi hay về nước Anh mà ông nói với tôi rằng ông rất yêu mến, nhưng về tác giả này tác giả nọ của nước Anh. Tôi đã đọc Kipling chưa? Tôi có ngưỡng mộ Browning không? Tôi có cảm thấy Stevenson viết quá tròn trịa nên không phải là một nhà văn thực sự lớn? Nhưng, giống như phán quan Pontius Pilate, ông không chờ nghe câu trả lời. Tôi mới bắt đầu nói một điều gì đó thì ông lại cắt ngang bằng một bài giảng nho nhỏ. Bởi mỗi bài giảng nho nhỏ đều uyên bác, sáng láng, với một chút châm biếm thú vị và thường được điểm xuyết bằng sự dí dỏm, tôi không có gì để phàn nàn.

Ngay từ đầu, ông làm tôi choáng ngợp vì vẻ quyến rũ của một cậu bé thiên tài siêu việt. Niềm vui chính của cậu bé này là tạo nên những câu chuyện có cấu trúc phức tạp một cách thông tuệ, không phải từ những chất liệu có thực do đời sống cung ứng, chẳng hạn như sự đột nhập của một tiểu thuyết gia người Anh vào trong nhà của cậu, mà từ những cuốn sách được ráp nối theo kiểu những mảnh đồ chơi Lego với gần như vô hạn khả thể — những cuốn sách cậu đã đọc và đã nhớ...

(Buenos Aires, 1979)

 

Trong cuốn Yesterday Came Suddenly của Francis King (Constable, 1993).

 

_______________

 

HERBERT MITGANG, KÝ GIẢ VĂN HỌC

Khuôn mặt

Ghé lại Manhattan một ngày trước khi đến viện Đại Học Indiana để làm một loạt charlas ("tán gẫu"), Jorge Luis Borges, nhà thơ và người kể chuyện được thế giới ngưỡng mộ, ngồi trong một quán ăn chỉ cách hai ngã tư là đến cái hí viện nơi đang mùa trình diễn vở Evita, nhạc kịch về người tình (và sau đó là vợ) của Peron, nhà độc tài của nước Á-căn-đình.

Tôi hỏi ông rằng ông có định đi xem vở ấy không (tôi đoán trước câu trả lời của ông nhưng tôi muốn nghe lối đáp ứng châm biếm khôi hài độc đáo của riêng ông).

"Tại sao tôi phải đi xem? Bây giờ chúng tôi không hề nhắc đến tên bà ấy ở Á-căn-đình nữa. Ít nhất, tôi hy vọng người ta không nhắc. Evita là một trong những ả trong nhà thổ, anh biết đấy chứ."

Borges biết chế độ độc tài Peron từ kinh nghiệm của bản thân. "Peron không ưa gia đình tôi vì chúng tôi khinh bỉ chế độ của hắn. Hắn bắt nhốt mẹ tôi. Tôi bị hất ra khỏi chức vụ giám đốc Thư Viện Quốc Gia vào năm 1965 và bị chỉ định làm nhân viên kiểm tra cá và gia cầm — một nhân viên kiểm tra gà," ông nói, chỉ đùa cợt lưng lửng.

Borges có nụ cười ngọt ngào, trong sáng. Một nụ cười bất tuyệt tạo nên những tính cách của khuôn mặt nhà thơ tóc bạc, một vẻ an nhiên có lẽ đến từ sự kiện rằng ông mù loà cách đây đã một phần tư thế kỷ — và một nhãn quan nội tại đã giúp ông sáng tác một vài áng văn tuyệt hảo nhất của ông trong những năm ấy.

(1980)

 

Trong cuốn Words Still Count With Me: A Chronicle of Literary Conversations của Herbert Mitgang (W.W. Norton, 1995).

 

 

-----------------

Dịch từ bản Anh văn "Meeting Borges: A Miscellany of First Encounters" của Dana Cook, trong tập san văn học Variaciones Borges, Jan 2004, Vol.17, pp.253-257.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021