|
Viễn Phố: Người đàn bà đằng sau bộ ‘Văn Học Miền Nam 1954-75’
|
|
Kể từ hôm ghé thăm chúc Tết anh Võ Phiến và chị Viễn Phố với các bạn văn nghệ hồi đầu năm tới nay đã... lại sắp tới một cái Tết nữa. Mặc dù đã xuống Nam Cali hai lần sau đó vì việc sức khoẻ, mãi tới đầu tháng 10 tôi mới thu xếp để ghé thăm anh chị trở lại. Dự tính chỉ ở chơi với anh chị một tiếng vì không muốn hai ông bà đã ngoài 80 phải tiếp khách lâu. Vậy mà 4 tiếng đồng hồ sau khi giã từ vẫn còn nhiều vương vấn, bịn rịn. Buổi ghé thăm anh chị lần này đã để lại trong tôi một xúc động đặc biệt. Có thể vì đây cũng là lần đầu tiên tôi ghé thăm anh chị một mình, thành ra coi như tôi “có” anh chị cho riêng mình tôi tới 4 tiếng đồng hồ. Hẹn từ 11 tới 12 giờ sáng (tôi phòng hờ có thể đi lạc vì là lần đầu đến nhà anh chị một mình), mà mới 11 giờ hơn đã thấy chị đứng sẵn ở cổng bên mấy bụi hoa hồng chờ khi tôi lái xe vào khoảng sân trước nhà để xe (nay đã biến thành kho chứa sách vì đã nhiều năm anh chị không còn lái xe). Bước vào nhà đã thấy anh áo quần tề chỉnh, cả đội mũ nữa, chắc cho ấm đầu, với mái tóc trắng còn lưa thưa, đang chờ khách. Tôi cảm động lắm, vì rõ ràng là anh chị đang ngóng khách phương xa. Lần nào ghé thăm anh, chị cũng đều góp mặt, khiến tôi cảm thấy gần gũi với chị ngay từ lần đầu tiên đến thăm ở căn nhà trên đường Baltimore ở Los Angles đã 25 năm về trước, đấy cũng là lần đầu tiên tôi gặp chị — xưa ở Sàigòn, tôi nhớ mình thường chỉ gặp anh, cũng như nhiều bạn văn nghệ khác, hoặc ở các toà báo hoặc ngoài quán cà phê, ít khi đến nhà ai. Lần này chị lại càng cần góp mặt hơn nữa vì đôi lần tôi thấy chị định đứng lên làm gì đó, như đi lấy khay nước trà với dĩa bánh Trung Thu đãi khách, thì anh, ngồi đối diện với tôi tại bàn ăn, lại kéo tay chị nói ngồi để nghe rồi nói lại cho anh. Hiểu ra, tôi phải nói lớn hơn và chậm lại để anh nghe kịp. Tôi kể anh chị nghe về chuyến đi Âu châu hè rồi, đặc biệt chuyến ghé thăm Hồ Trường An ở Troyes, cách Paris 2 tiếng lái xe, ngay sau khi vừa đặt chân tới Paris vì sợ sau đó mải đi đó đây sẽ không có dịp. Nghe chuyện, anh chị mới biết Hồ Trường An hồi đầu năm bị một trận tai biến mạch máu khiến nửa người bên mặt bị liệt, tay phải chưa sử dụng được, vẫn còn đang tập. “Thảo nào đã lâu không được thơ từ gì của Hồ Trường An,” chị nói. “Thơ nào ảnh cũng viết thật dài, kể nhiều chuyện, làm không được thơ cũng nhớ.” Anh nghe chuyện, nhưng mắt nhìn chị như chờ chị lặp lại vì nghe câu được câu không. Tôi thấy, và ái ngại, rõ ràng anh phải cố gắng để theo dõi câu chuyện. “Nghe xong rồi ảnh quên ngay,” chị bảo với tôi. Tuy vậy, anh còn nhớ một điều về Hồ Trường An, hỏi thăm tôi anh An còn sống với người bạn đời Bernard. Tôi đáp còn, và thêm, chính Bernard đã vào ra nhà thương coi sóc nhà văn tận tình tới độ sau đó chính anh ta cũng phải vô nhà thương nằm một thời gian vì bị suy nhược tâm thần. Tôi thấy anh gật gù, nhưng chắc chút nữa thế nào cũng hỏi lại chị tin về Hồ Trường An. Có một lúc anh đi ra bàn làm việc ở góc nhà, mò mẫm, rồi đem lại chỗ chúng tôi trang nhất của tờ Việt Herald số gần đây đã gấp nhỏ lại để góc dưới tay mặt của trang báo nằm ở trên, cho thấy bài tôi mới viết, “Câu chuyện văn học miền Nam: Tìm ở đâu?”, bài đã và đang gây nhiều thảo luận thú vị. Anh đưa tôi coi, tôi nói, “ô, như vậy là anh đã đọc bài này rồi.” “Đọc rồi nhưng quên rồi,” chị nói hộ anh. Tôi cụt hứng, tính kể anh nghe, song bỏ ý định đó, về vài ý kiến của người đọc đăng dưới bài đó trên trang Blog Nguyễn Xuân Hoàng và Bạn Hữu tại website của đài Voice of America. Chị bảo tôi, “bây giờ ảnh không nhớ những chuyện vừa xảy ra.” Quả là anh không nhớ những chuyện vừa mới xẩy ra, vì một lúc sau, anh chợt nhìn thấy trang báo còn nằm trên mặt bàn, chỉ cho tôi thấy tên tôi dưới tựa bài báo, như thể anh mới nhìn thấy lần đầu. Tôi đọc ở đâu đó về việc người ta càng lớn tuổi càng chỉ nhớ những chuyện trong dĩ vãng xa xưa, có khi thật xa xưa. Và tôi có dịp nhìn thấy điều đó ở anh. Khi chờ đồ ăn tại quán ăn của sân golf bên kia đường đối diện với khu nhà của anh chị, tôi nhớ có gợi lại hồi tôi mới quen anh cho chị cùng nghe, mặc dù có thể tôi đã kể ở đâu đó rồi. Dạo ấy, vào đầu thập niên 1960, tôi đọc truyện Giã Từ của anh, cảm kích, tôi viết thư cho anh. Tôi nhớ có một câu tôi viết, đại ý, là tôi thèm cái kinh nghiệm của anh, rồi ký tên khai sinh của mình, bỏ đi chữ “thị” ở giữa vì hồi ấy tôi không thích cái tên đệm cho con gái đó. Anh viết thơ hồi âm tôi, gọi tôi là “anh”, có một câu, đại ý, rằng còn anh thì anh ước còn đủ hăng say để sống cái thời đại của tôi. Anh mời tôi có dịp ghé lại thăm anh ở nơi làm việc, tại tòa nhà góc đường Catinat/Tự Do xế nhà Quốc Hội ở Sàigòn hồi ấy. Chỉ khi tôi bước vào phòng làm việc và tự giới thiệu, anh mới biết tôi không phải là một “anh” như anh gọi tôi trong thư hồi âm. Rồi câu chuyện xoay quanh thời đại của Giã Từ. Anh trở nên linh hoạt hẳn ra, chị nhìn anh vui ra mặt. Xoay qua tôi, chị khuyến khích tôi hỏi thêm để anh kể chuyện. “Cô thấy ảnh khác với hồi nãy lúc còn ở nhà không,” chị bảo tôi. Anh kể, và đến phiên tôi cố gắng theo dõi những lời kể tuy linh động song không được mạch lạc lắm, về hồi mới “bỏ kháng chiến” về thành và làm công chức cho Ty (hay) Nha Thông tin ở Bình Định (hay Thừa Thiên), trong khi chị chêm vào những điều chị nhớ lúc anh có vẻ ngập ngừng, hoặc chưa tìm ra chữ. Một giai thoại nổi bật: Có một lần ông Ngô Đình Diệm, hồi ấy còn là một nhà chí sĩ (?), đi thăm dân trong vùng. Anh kể, với những hình ảnh rời rạc và tôi đã phải sắp xếp lại: Người ta xô nhau để tới gần đặng sờ vào ông vì nghe tên ông đã lâu, coi ông như một vị cứu tinh của họ. Nhiều người đạp cả lên giầy của ông làm đôi giầy lấm đầy bùn. Một phóng viên nhiếp ảnh đã chụp được chiếc giầy đó, đưa lên mặt báo, với lời chú thích, “Un soulier eloquent”, có lẽ là một tờ báo Pháp nào đó. Rồi anh có vẻ tiếc là bên “mình” đã không biết khai thác cái hình ảnh đó cho công cuộc tuyên truyền. Một thoáng linh hoạt của anh cũng làm chị vui không che giấu. Tôi nói với anh, với tất cả sự chân thật, và cũng muốn chị cùng nghe, là theo tôi anh đã làm những gì cần làm trong phần đời còn lại, đặc biệt là bộ Văn Học Miền Nam gồm bẩy cuốn của anh là một viên ngọc quý giá của nền văn học Việt Nam hải ngoại, và nó sẽ là một tài liệu mà những ai muốn nghiên cứu về văn học miền Nam 1954-75 đều không thể không tham khảo. Đồng ý là chúng ta hiện có hai nguồn chứa sách báo Việt quan trọng, kể cà nhiều cuốn đã bị người Cộng sản hủy hoại trong phong trào đốt sách điên cuồng vào cuối năm 1975, đó là thư viện Quốc Hội Mỹ và thư viện Kroch Asia của Đại học Cornell, nhưng những tài liệu ấy là những tài liệu rời. Bộ sách của anh đã cho những nhà khảo cứu tương lai bản hướng dẫn cần thiết. Anh có quyền nghỉ ngơi, dưỡng già. Anh nghe, hay không, tôi không biết, chỉ thấy mắt anh lặng lẽ nhìn ra sân golf xanh mướt mầu cỏ tắm trong nắng thu ngoài cửa sổ của tiệm ăn. Nhưng khi nghe tôi hỏi là nếu không có chị thì anh có thực hiện được bộ sách mà anh đã bỏ gần hết quãng đời trên 30 năm lưu xứ ra vừa sưu tầm vừa đọc vừa viết, trong khi vẫn đi làm công chức toàn thời, thì anh lắc đầu, song không nói gì. Tôi ao ước mình có sẵn máy quay phim để hướng nó sang chỗ chị lúc ấy đang ngồi giữa hai chúng tôi, đôi mắt rưng rưng. Mặc dù cũng đi làm toàn thời như anh, rồi nuôi một bầy con bốn người ba trai một gái, với hai người con trai kẹt lại ở Việt Nam mãi nhiều năm sau mới qua được, rồi cơm nước, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa, vườn tược, song chị cũng còn giữ phần đánh máy tất cả những trang bản thào của anh, bảo làm sao chị không cùng thương những đứa con tinh thần của anh cho được, dù cho chúng có ra thể nào, và nâng niu, bảo bọc chúng. Tôi tẩn mẩn thầm hỏi: Giá anh không đọc lái tên chị — Viễn Phố — thành Võ Phiến, rồi dùng nó làm bút hiệu từ đó, thì liệu chị có vẫn cảm thấy những đứa con tinh thần đông đảo của anh gần gụi với chị đến thế? Mặc thời đại vi tính với Internet, anh vẫn... viết tay. Tôi còn nhớ có lần nghe anh nói anh phải cảm thấy da thịt của tay mình tiếp xúc với mặt giấy mới yên tâm sáng tác được, hay một ý tương tự. Tôi hình dung mặt tờ giấy đối với anh có lẽ cũng giống như cái “security blanket” đối với nhiều trẻ nhỏ. Nhưng từ vài năm nay anh không còn viết nữa. Một đời gắn liền với chữ nghĩa bỗng như hụt hẫng, thừa thãi, chị nói riêng với tôi, nước mắt ứa ra. Anh không biết tại sao mình sống lâu như vậy. Tôi vỗ về cánh tay trái mới té gãy và còn băng bột của chị. Chị rất sợ lỡ phải “đi” trước anh, vì không biết ai sẽ săn sóc anh được như chị săn sóc anh. Chị không muốn con cái phải bận tâm nhiều về cha mẹ già. Hôm chị té gẫy tay, mãi tới sau khi đi bác sĩ băng bó xong xuôi, đến tối mấy người con mới hay. Khi trở lại nhà, chị kêu anh đi nghỉ trưa để chị cùng với tôi xuống nhà kho soạn sách của anh vì tôi có hỏi xin một bộ Văn Học Miền Nam gồm bẩy cuốn (song chị chỉ còn có năm cuốn) cho một người quen trẻ ở Việt Nam vẫn ao ước có một bộ sách đó. Tôi kể chị nghe về người trẻ này: Ra đời ba năm sau khi mình đã tan hàng, kẻ lưu xứ, người tù đầy, và sách báo miền Nam bị hoả thiêu, nhưng cậu ta đã chỉ yêu đọc sách miền Nam trước 1975, hỏi vì sao thì trả lời “vì ở đó có sự thật”. Chị nghe, đôí mắt loé lên một niềm vui. Chị kể sở dĩ chị còn một số sách này vì hồi cách đây hơn một năm, nhà xuất bản Văn Nghệ ở Westminster, Nam California, dẹp tiệm (sau nhiều năm không đòi được tiền bán sách của một số nhà sách, nên bị thua lỗ, và phá sản), và người chủ trương, ông Võ Thắng Tiết, phải xé bìa (“đến chảy cả máu tay”, theo lời chị) bỏ đi, rồi đem bán sách như giấy lộn. Không nỡ nhìn những cuốn sách của anh lâm vào cảnh đó, chị nhờ các con tới chở về chất đầy hai tủ đứng trong nhà chứa xe. Trao chồng sách cho tôi, chị nói chị hy vọng có người sẽ viết về các công trình văn học của anh. Thực ra thì đã có một số sách viết về anh, như cuốn Võ Phiến của Nguyễn Hưng Quốc (Văn Nghệ, 1996), hoặc gần đây hơn, cuốn Võ Phiến and the Sadness of Exile của John C. Schafer (Southeast Asia Publications, 2006), và nhiều bài khác, trong đó có bài tiểu luận “Võ Phiến” của Thụy Khuê (RFI, Pháp), đăng lại trên tạp chí Hợp Lưu số 103, tháng 12-2008. Tôi ra về, trong đầu lởn vởn ba câu thơ của anh làm năm 1986, mà chị đọc cho tôi nghe trước đó. Tôi đã hỏi chị “sao chỉ có ba câu, thay vì hai hoặc bốn?” Chị đáp, “ai mà biết, cô hỏi tác giả xem.” Tôi đáp, nhìn sang cửa phòng anh đã khép, “thôi để anh nghỉ, tôi xin phép về, cũng để chị nghỉ nữa.” Tôi nghĩ với riêng mình, có những điều tốt hơn không cần giải thích. Vả, tôi nghĩ là tôi hiểu vì sao bài thơ chỉ có ba câu:
Ra đi tuổi chẵn năm mươi, Năm mươi tuổi nữa nào nơi ta về? Ngàn năm mây trắng lê thê...
(10/2009)
Ghi chú hình:
[hình bên trái] Anh Võ Phiến và chị Viễn Phố trước nhà, và [hình bên phải] trên đường về nhà từ quán ăn tại sân golf đối diện với khu cư xá của anh chị tại Santa Ana, Nam California, ngày 6 tháng 10, 2009. (Ảnh Trùng Dương)
--------------------
Bấm vào đây để đọc tất cả tác phẩm của Trùng Dương đã đăng trên Tiền Vệ
|