thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
NHỮNG TAM ĐOẠN LUẬN CỦA CON ĐƯỜNG và những bài thơ khác [2]
Bản dịch Diễm Châu
 
 
HORIA BĂDESCU
(1943~)
 
NHỮNG TAM ĐOẠN LUẬN CỦA CON ĐƯỜNG
và những bài thơ khác [2]
 
 

Cuộc trở lại thứ nhì

 
 
Một cây dây leo như làn khói
 
Một cây dây leo như làn khói
cất lên trời,
như làn khói.
Luôn luôn với đôi lòng bàn tay mi,
luôn luôn hướng lên cao
luôn luôn cùng một sự bay bổng.
Ở đâu thế trên cao? Ở đâu thế dưới thấp?
Một người khác? Mi? Ai đó?
Cuộc đời hắn? Đời mi?
Ở đâu đó, một lần khác!
 
 
Ấy mùa đông
 
Ấy mùa đông,
hãy che chở đôi bàn tay mi khỏi nụ hôn
của tuyết!
Hãy che chở má mi khỏi phán quyết
của gió bấc!
Đôi chân mi đã lớn tuổi
bởi ra sức lặn lội
trong bùn mùa thu;
một mảnh nụ cười thảm thương
bị quên lãng lủng lẳng
trên đôi môi mi nứt nẻ.
Thôi nào, mi hoài công tìm kiếm!
Ở nơi nương náu của các thiên thần
có ai đó đánh ghi bằng một dấu chữ thập
những cánh cửa sổ của thế kỷ.
 
 
Một... năm... bẩy...
 
Một... năm... bẩy...
Mi không còn biết đếm nữa;
rồi sao?
Tháng Một hấp hối
trong đất sét của ánh sáng.
Mi nâng tảng đá lên
như thể mi nâng
cây thập tự ở sa mạc Giu-đê
Một... năm... bẩy...
Mi không còn biết đếm nữa;
rồi sao?
Một con chó bằng đá băng
bò sát
dưới chân mi.
 
 
Đất
 
Đất âm u,
      mốc meo với kỷ niệm những cơn mưa;
      trong gan ruột của lạnh lẽo
      ta nghe hạt mầm rạn nứt.
Đất bị thiêu đốt;
      tro than rập khuôn
      trong hàm gió.
      Những nỗi kinh hoàng
            tìm chỗ trú ẩn
            nơi cổ họng khoảnh khắc.
      Những lòng bàn chân tội lỗi
      eo sèo trên những vỉ sắt bị nung đỏ
      trong những lò lửa tháng ngày;
      những con gấu ô nhục chờ đợi
      giờ đền tội tới.
Rồi sẽ tới –
      những viên cai ngục cười nhạo –
Rồi sẽ tới!
      Và trong ánh sáng lấp loáng
      của những vành ly đưa lên
      những cửa miệng thèm khát long lanh
            những giọt máu.
 
 
Dụ ngôn những người mù
 
Bàn tay đặt vững chắc
trên vai kẻ đi tới
phía trước,
bước chân nhất quyết,
đôi mắt gắn vào tương lai
– đôi mắt? –
Bên dưới
ánh sáng lớn lao làm băng giá.
Ở mức tới
cái chết vui vui vì người ta đã đặt
trên sọ nó
bàn chân đầu tiên hết.
 
 
Thế giới bên kia
 
Thế giới bên kia
ở bên kia nhẫn giới.
Nỗi đói khát em của tôi và
những bàn tay của mùa thu
lục lọi nơi
thùng rác của buổi lặn mặt trời.
Một bước rồi một bước nữa
trong máu của
hàng dương ngô đồng bị đóng đinh câu rút;
      trong thành phố
ở phía bên kia
Marie-Madeleine lau chùi
tấm kính ngày mờ đục
bằng đôi vú.
 
 
Ngày tro than
 
Buổi chiều đã rơi rơi
trên chữ nghĩa,
nơi vừng trán trơ trụi
của loài dế
sương như lệ.
Chỉ có những vì sao bị sưng khớp xương
hãy còn hơi khập khiễng
trong bùn của đêm đen.
Chỉ có trái tim
hãy còn hú lên với cái chết
trên những đổ nát
của thế kỷ.
Lấp lánh ngón tay của Thượng đế
khi Người chạm tới ngực mi,
đôi môi mi,
trán mi.
 
 
Gió giữa những cụm than hồng
 
Gió giữa những cụm than hồng
tường vi,
những lòng bàn tay mưa trên má
thành phố,
qua những con hẻm tăm tối
đời mi;
một nắm tro
trôi qua túi
lủng.
 
 
Vũ khúc hai nhịp mùa thu
 
Vũ khúc hai nhịp mùa thu, những đồng tro.
Thần linh trong ngày phân đôi.
Những vấn nạn khủng khiếp chờ trên ngưỡng cửa.
Và chỉ có chúng ta, chỉ có chúng ta, chỉ có chúng ta.
 
 
Bài tập sống còn
 
Nổi lên bề mặt
như những kẻ chết đuối giữa rác rưởi
của ngày.
Một hớp không khí vô dụng
cho hai buồng phổi của mi bị ngạt hơi
vì cát, nước biển và từ ngữ.
Bập bềnh trong muội đen của mặt trời
xác thối của trông đợi và những điều bấp bênh
một con cá, một con thú quái gở
mà hơi thở làm hôi hám
đám cỏ mục,
lớp bùn và
từ ngữ.
 
 
Ai
 
Chúa ôi ai còn ngủ trong máng cỏ ngày xưa của người?
Ở dưới thế này chúng tôi chỉ còn lại những con thú và chuồng thú.
Các vì sao không còn kéo ngọn cờ chúa nhật lên trời.
Các đạo sĩ * phờ phạc trên đường bị giá băng vây bủa.
Chúng đã xua đuổi người đàn bà ra khỏi nơi người nhập thể.
Ở Giu-đê Giăng ** làm lễ thanh tẩy cho những đụn cát không hồn.
Bởi ra sức hiện hữu, không ai còn biết mình hiện hữu ra sao nữa.
Sống lưng của thế giới Chúa ôi, gió đã uốn cong!
 
-----------------
* «Les mages», quen gọi là Ba Vua trong đạo Thiên Chúa.
** Ở đây là Jean-Baptiste, ở Judée. Xin xem Tân ước (ND).
 
 
Gióp *
 
Trong ghèn dử ngày tháng
lặn lội bước về những khu vườn của thiên đường;
ánh sáng còi kĩnh
tràn ngập sức nặng của vô dụng.
Vất vả đỡ mi đi
những chiếc nạng trong tay,
cũng chỉ còn thoáng rọi
bóng của ánh mắt.
Như Gióp trong phản ảnh
những nhọt mủ nhói buốt,
mi tựa khuôn mặt mình
dưới cánh tay Thượng đế.
 
----------------------
* Người hiền trong Thánh kinh (Cựu ước) bị nhiều thử thách trong đời. (ND.)
 
 
Hè đã bay đi
 
Hè đã bay đi, mùa đã bay đi.
Bay đi những ngày và cả những đêm nữa,
những ảnh tượng hão huyền đều tan biến,
những ảnh tượng thiếp vàng, đầy sao,
nóng bỏng;
những hơi thở quấn quít của chúng ta
cửa miệng hân hoan của cây tường vi đã xóa nhòa.
Như những chiếc đồng hồ cát của một thời khác
chảy quanh co không cùng
lòng sông ánh sáng.
Cũng chỉ thoáng qua nếu những bàn tay của gió
đưa chúng ta tới biên giới của xứ sở thần linh,
cũng chỉ thoáng qua nếu những chiếc bóng chúng ta
động lòng thương xót
gương mặt đồng hồ
lúc mặt trời lặn.
 
 
Lied
 
Tháng Mười với khuôn mặt tro,
tháng Mười bị những cơn mưa chém mất đầu
và Thượng đế... Thượng đế vẫn quỳ gối
trước cánh cửa của từ sinh ra chúng ta!
 
 
Bước vào một thời đại mới
 
Bước vào một thời đại mới,
Nín thinh vì ta muốn nín thinh.
Không tìm thấy trong một ngôn ngữ nào
cái từ cần thiết để khoác lên người mi.
Cảm thấy đưa lên trong xác thịt
tinh dịch của một khoảnh khắc quá đầy,
cảm thấy con tim mi dần dà chuyển động
trong tiếng A-men của những ngày mịt mờ này!
 
 
Và ở bên trên và ở bên dưới
 
Và ở bên trên và ở bên dưới
và ở khắp chung quanh mi
khắp nơi
con nhện âm u đen tối
rình mồi,
khắp nơi
trên lưới nhện sáng chói
cái rùng mình của con mồi
và khắp nơi
mong manh
chiếc bóng của đôi bàn tay mi
vẫn một mực sờ soạng
mạng lưới của trời
bằng lưỡi cưa đã mòn
của từ ngữ.
 
 
Ở những khung cừa sổ của mi hàng cây
 
Ở những khung cửa sổ của mi hàng cây;
dịu êm là bàn tay của ánh sáng
đặt nơi chúng ngả đầu.
Có thể nói
rằng chả có gì thay đổi cả.
Có thể nói...
Nhưng này đây
lòng bàn tay nó * đã bấu chặt vào vai mi,
này đây
sự im lặng với tên gọi dửng dưng
đã thanh tẩy trái tim mi,
và này đây
sao mà quá nhẹ trên bàn cân
tầm mức của sự vật!
 
------------------------
* hiểu là «cái chết» (theo thư riêng của tác giả ngày 14. 2. 1996). (ND.)
 
 
Lại một năm nữa
 
Lại một năm nữa bỏ đi; cứ việc!
Không cần gì hết ngoại trừ em
như xác thịt rách bươm cần dầu tẩy!
 
 
Thanh-lương-trà lại tục hôn*
 
Trên nền trời xanh thanh-lương-trà lại tục hôn.
Và cả chúng ta nữa kể từ nay hay ấy chỉ là những
                          [năm tháng của chúng ta qua đi?
 
Này em, có phải cả hai ta vẫn thế?
Khép lại trong vũ trụ cánh cửa của những cơn mưa.
 
Trong căn buồng của ngày ngụp lặn gió.
Tôi có đó, em có đó, chúng ta có đó, mọi sự có đó.
 
Trên nền trời xanh thanh-lương-trà lại tục hôn;
trên ngưỡng cửa nhà chúng ta ánh sáng đã khóc.
 
--------------------------
* «Convolent les cormiers» (Paola Bentz-Fauci). (ND.)
 
 
Cũng một năm ấy
 
Cũng một năm ấy, cũng một vẻ láng bóng ấy,
cũng một ngọn gió Nam quất mạnh và lường gạt ấy,
cũng một cảm giác sống trên mặt hồ ấy,
cũng một tâm hồn mà tôi hoài công đánh bóng ấy,
cũng một chiếc đế giày, cũng một vẻ láng bóng ấy,
cũng một vũ trụ đầm lầy ấy;
cũng một thế kỷ không gì vẻ vang ấy,
cũng một năm ấy, cũng một vẻ láng bóng ấy!
 
 
Mưa và sương mù
 
Mưa và sương mù
          sương mù và mưa...
 
Đằng sau
     ở đâu thế?
             Đằng trước
     cái gì, ai?
Cuộc đời đã chết
             và sự chết vẫn sống
 
Mưa và sương mù
          sương mù và mưa...
 
 
Trước những cánh cửa ngày
 
Một bầy gió hung hăng
trước những cánh cửa ngày.
Mi kiên trì lắng nghe
chiếc đồng hồ bị xuyễn;
một bàn tay lạnh giá
vẽ những cạnh sườn mi
trong không khí say sưa
những phút giây điên rồ.
Mi hít thở;
mi hít thở trong lớp gòn của căn buồng.
Chẳng bao lâu nữa mưa sẽ lọt vào
qua những khung cửa kính vỡ.
Chẳng bao lâu nữa cửa miệng mi
sẽ ngợi khen mình thánh
của bùn.
Lắng nghe rên rỉ qua những địa tằng tăm tối
những sứ giả của bội phản;
da mi ngời sáng
ngoài hàng thịt.
 
 
Một bài hát đôi khi
 
Một bài hát
đôi khi,
những khi khác
mũi nhọn một lưỡi dao
tựa vào sống lưng buổi chiều
Vẻ tươi mát tràn ngập mi
như thể mi ôm hôn
những làn môi của cơn mưa;
ở đâu đó, ở bên trong,
cổ họng một con chim
rung rung dưới sự phớt qua,
một chiếc cánh uốn lượn trên những
tầng trời đỏ thắm của những ống tiêu.
 
 
Tôi học
 
Tôi học đo
khoảng cách
từ một đầu này tới đầu kia
của ngày,
như thể với đôi môi
tôi muốn đo
có bao xa
từ bàn tay này của em
tới bàn tay kia.
 
 
Mặt trời nhợt nhạt
 
Mặt trời nhợt nhạt,
mùa hè bị vùi lấp
trong lòng mỏi mệt
của quên lãng.
Mi chờ đợi
không biết là ai
có thể tới hoặc ai
có thể vô.
Không vội vã mi
sờ soạng chiếc bóng mình; đôi
bàn tay nó lạnh lẽo
như của những sự vật ta che giấu.
E dè mi han hỏi
những tấm gương mơ hồ cảm thấy; nhưng
chỉ có những hành lang dài
và đôi vai mi quằn quại
dưới mái vòm của ngày trở lại.
 
 
Lạnh
 
Quá thường khi tuyết đổ,
quá thường khi gió bấc.
Từ đây tới vì sao vẫn còn mọc
tôi ở đâu, người ở đâu, tôi ở đâu Chúa ôi?
Ôi, các từ đi về đâu như thế
chấm dứt trong phi thể ở đáy niết-bàn
và ở đâu khởi sự khả năng của chúng tôi
khả năng khép lại, Chúa ôi, con mắt nhìn về biển?
 
 
Người hành hương
 
Mỏi mệt,
mỏi mệt vì sợ hãi, vì bản thân tôi, vì tất cả,
tro là chòm Đại hùng tinh
trong mắt và trên môi,
đã đến thời tôi nín lặng.
Có ai đó
bóp nghẹn giấc ngủ tôi
bằng đôi tay mơn trớn;
ôi, nhẫn nhục không hạn giới!
 
 
Giấc ngủ
 
Người ta quên nói;
dưới quá nhiều dấu niêm phong
phồng lên những bọt biển
trong cổ họng vĩnh cửu,
dưới những chiếc lưỡi nhỏ nhặt
dưới những dây chằng cột bằng thủy tinh
dưới cái chuông thế giới
ánh sáng hóa băng!
 
 
Cực bắc
 
Đã qua;
lại qua nữa?!
Cửa miệng mùa thu lạnh giá.
 
Lạnh giá;
lại lạnh giá?!
Kìa nó bắt đầu nghiêng.
 
Nghiêng;
còn nghiêng nữa?!
Nó đã khô tới cạn khô...
 
Khô;
sẽ còn khô nữa!!
Mãi tới đâu? Nó đã lạnh giá!
 
 
Bước đi *
 
Bước đi.
Nhỏ hẹp thay là mép lề phân cách
ngày với những địa đạo của đêm.
Bước đi.
Ương ngạnh thay
không muốn hiểu
rằng không có nơi nào để đi!
Bước đi.
Và chỉ có gan bàn chân mi biết ra sao
những dằm thép
của trái đất.
Bước đi.
Ở đâu đó mút cùng đường,
Giu-đa đã quỳ gối
kế bên bình thanh tẩy;
khuôn mặt mi
phản ảnh trên làn nước.
 
-------------
* Bài này dịch theo Paola Bentz-Fauci. Xin xem bài "Lied" bắt đầu bằng “Đi”, dịch theo Mihaï Zaharia trong Khuôn mặt thời gian (H. Badescu, kỳ I). (ND.)
 
 
Tất yếu *
 
Và mùa đông mới thật là hung bạo
cả đến những dấu vết
cũng tiêu tan
Ta hãy sống vì phải thế
bởi không thể nào
khác!
 
----------------------
* Bài này dịch theo Paola Bentz-Fauci. Xin xem bài mang cùng tựa, dịch theo Mihaï Zaharia trong Khuôn mặt thời gian (H. Badescu, kỳ I). (ND.)
 
 
Tất cả những gì đã qua
 
Tất cả những gì đã qua đã qua rồi
duy có lời vẫn không được nói ra;
 
tất cả những gì không còn, không còn thời gian
tất cả những gì hiện có hướng về đất,
 
có ai đó lần lượt gỡ đi
những bậc cấp dẫn tới ngôn từ.
 
 
Ngụy thư thứ ba
 
Tôi đã thấy các người lúc hoàng hôn
trở về nhà các người;
tôi đã thấy chiếc bóng các người
như những người đàn bà trụy lạc
quấn sát các người;
tôi đã thấy bóng các người uể oải đau yếu
loạng choạng,
tôi đã nghe chiếc bóng ấy giả bộ đức hạnh
trong lúc cọ mình như một con điếm
vào xác thịt phè phỡn của các người.
Tôi đã thấy bóng các người xoay
không phải là theo bóng mặt trời
mà là theo một chiếc đồng hồ biết tuân lệnh
và bởi thế tôi không thể nói về các người
rằng các người hèn nhát,
mà chỉ có thể nói rằng
các người thật đơn độc!
 
 
Tháng Giêng
 
Tháng Giêng!
Tháng Giêng!!
Tháng Giêng!!!
Ai người sẽ nói rằng máy chém
chẳng qua cũng chỉ là một vấn đề diễn giải
cái chết?!
 
 
Tiếng vọng
 
Mi nói rằng họ đã nói dối mi,
đã khiến mi nhục nhã,
đã phản bội mi.
Lớp da dầy của mi lỗ chỗ vì chứng đậu mùa ảo tưởng
là một giải phướn mà mi ưa phô bày
trong những hội lễ của phiền muộn.
Và nếu không rất có thể là mi đã có một vẻ mặt khác
như một con heo sữa
chễm chệ
trên cái mâm lịch sử!
 
 
Xê-da ở Phasale *
 
Các người đừng bỏ trốn
không còn ngày giờ để bỏ trốn!
Các người đừng la thét
không còn ngày giờ để la thét!
Các người đừng nín lặng
không còn ngày giờ để nín lặng!
Ta đã tới, ta đã thấy,
không phải lồng ngực
mà là khuôn mặt ẩn dưới tấm khiên!
 
--------------------
* Pharsale (Pharsalos): thành phố Hy-lạp, nơi Xê-da (Caius Julius Caesar) đánh bại Pompée (Cneius Pompeius Magnus) năm 48 trước Tây lịch. (ND)
 
 
Sấp
 
Họ ngủ,
họ hạnh phúc,
bất tử đã lãng quên họ.
Xác thịt họ không phải là đối lực của
tháng ngày,
xương họ không đếm xỉa tới những hình thù của
đất sét,
môi họ không cân nhắc sức nặng
mỗi từ,
hội lễ là yêu chuộng của họ
vô đạo và trống vắng
mọi vĩnh cửu.
Không lay chuyển
dưới ánh sáng chói chang của những chòm sao
họ ngủ,
họ hạnh phúc,
bất tử đã lãng quên họ.
 
 
Và ngửa
 
Họ lặng lẽ,
họ chờ đợi,
đã cả ngàn năm họ chờ đợi,
nụ cười thông cảm
họ xin ngươi tha lỗi;
họ chờ đợi với sự bướng bỉnh
của bầy kên kên
Chẳng bao lâu nữa họ sẽ rỉ rả máu
của vinh quang ngươi.
Họ lặng lẽ,
họ chờ đợi.
Hãy ra dấu bên trên họ,
ngươi kẻ sẽ rời xa
nhân danh sự thật
và sự thật
và sự thật thánh thiêng
 
 
Nếu ấy là sống
 
Nếu ấy là sống
trong đau đớn ngươi sống!
Nếu ấy là chết
trong đau đớn ngươi chết!
Nếu ấy là yêu
trong đau đớn ngươi yêu!
Ai là kẻ dạy dỗ chúng tôi, Chúa ôi,
trong đau đớn sự đau đớn?
 
 
Những lá thư Socrate
 
II
 
Bằng móng tay nó * gõ
vào thân hình im lặng;
nó tới bên cửa sổ
của thân xác tôi nó nhìn
vào bên trong và nó đếm;
trên đôi môi tôi
nó áp đôi môi nó
và tôi cảm thấy như
đột nhiên biển băng giá
dưới nóc tròn
đền Acropole.
 
---------------
* «cái chết» (theo thư riêng của tác giả ngày 14.2.1996). (ND.)
 
 
Những lá thư Socrate
 
IV
 
Làm sao các người muốn
ta phải sợ lưu đày
sau khi đã ở
biết bao năm giữa các người?
 
Làm sao các người muốn
ta phải sợ cái chết
sau khi đã chẳng
kinh hoàng vì sống?
 
 
Ngày rằm *
 
*
 
Một bài thơ về sợ hãi,
một bài thơ về chết chóc,
một bài thơ về hư không,
một bài thơ về nhục nhã và tuyệt vọng,
rồi một mẩu bánh
và thân xác mi như lũy thành
chống trả ánh sáng tàn nhẫn
của phẩm cách...
Kính chào Xê-da!
Chào những buổi sáng mốc meo
loan báo
Ngày rằm tháng Ba!*
 
-----------------
* Ngày Xê-da bị hạ sát. (ND)
 
 
Ngày rằm
 
* *
 
«Đêm tới gần,
ở tận cùng thế giới
mi nhìn ngắm hư không».
Phải, đây chỉ là một hình ảnh
mi hài lòng thưởng thức,
trong lúc nún bầu vú no tròn của hèn nhát!
Ở tận cùng giấc ngủ
nặc mùi ẩn dụ
và những tình cảm cao thượng,
mi khổ sở
«nghệ thuật đòi hỏi những hy sinh».
Hãy lại vác cây thập giá, hỡi Giê-su
và cất bước!
Có niềm vui nào lớn lao
cho bầy đoàn bò sát
hơn là vị nước mắt chúng ta.
Thôi nào, mi hãy chịu khổ
hãy nhỏ nước mắt cho bọn chúng
và phần thưởng chắc chắn dành cho mi
sẽ là tiếng hoan hô muôn thủa!
Đêm tới gần,
ở tận cùng thế giới
mi nhìn ngắm hư không.
 
Toàn là sa mạc, Chúa ôi
toàn sa mạc
cho đến mãi tận danh thánh bị đóng đinh
trên giải Ngân hà!
Ôi đêm dầy đặc
trên bản thân chúng ta
thật khốn khổ,
thật người!
 
 
Một vết thương nơi mọi sự *
 
Một vết thương nơi mọi sự,
một cái chết nơi mọi ngọn lửa,
vậy thời ai sẽ nâng tâm hồn mi
lên mãi tận đôi môi?
 
Sa mạc trong xác thịt,
sa mạc trên bầu trời,
ai sẽ khoác lại cho mi
tấm áo giá băng?
 
Làm sao giữ lại
những gì thời khắc đã cắt lìa?
Một vết thương nơi mọi sự,
một cái chết nơi mọi ngọn lửa.
 
----------------------
* Bài này khi in trong tập Mũi gai mang tựa đề: "L." (ND.)
 
 
Buổi chiều như một nỗi lo sợ *
 
Buổi chiều
như một nỗi lo sợ không thú nhận;
        con chó của trăng
theo đuổi dòng sông
Giấu đâu sự nhục nhã của mi?
Ngồi đâu
        giữa những vực xương cốt
   và
        sự bất lực của lý trí?
Có ai đó vừa gõ Mi
nhấc then cài và cánh cửa
mở ra giữa ruột gan
giấc ngủ.
 
--------------------
* Bài này dịch theo Paola Bentz-Fauci. Xin xem bài "Lied" thứ nhì, (bắt đầu bằng «Chiều muộn...», dịch theo bản Mihaï Zaharia trong Khuôn mặt thời gian (H. Badescu, kỳ I). (ND.)
 
 
Khi đọc lại Nietzsche
 
Mi viết:
«Thánh thiêng là trái đất này!
Thánh thiêng cửa miệng này!
Thánh thiêng là tiếng kêu tuyệt vọng: Thế đủ rồi!»
Mi viết và mỉm cười mỏi mệt.
Trên bàn mi
giữa đống giấy tờ vàng úa
và câu cú lôi thôi
dằn một manh giấy cũ
nơi lấy cát làm mực
bàn tay người thợ đồng hồ Đức
đã vạch những từ thiếu nghĩ suy:
Thượng đế đã chết!
Mi đọc và mỉm cười xa vắng
ngắm bóng chiếc nút thòng lọng
đặt vòng hoa
lên những từ của mi.
 
 
Những kỷ niệm của người lính già Cassius *
 
Trước khi trời tối
mi hãy lắng nghe tiếng hót một con sáo.
Mưa.
Một nụ cười không phải của mi
vặn vẹo đôi môi mi
lúc này khi mi đã hoàn toàn
chịu cảnh đầu hàng nhục nhã
và khi mi đã thành thạo
nghệ thuật đi
bằng đầu gối.
Mưa.
Trước khi trời tối
mi hãy lắng nghe tiếng hót một con sáo.
 
----------------------
* Theo tác giả, «người lính già Cassius» ở đây «không có một xác định lịch sử nào chính xác.» (thư riêng ngày 14. 2. 1996) (ND.)
 
 
Nhật lệnh
 
Hãy chống lại!
– ông tướng nói với người lính,
trong lúc đưa mắt đầy tin tưởng nhìn về địch quân
đang tiến tới.
Hãy chống lại!
– viên y sĩ nói với bệnh nhân,
trong lúc đưa mắt đầy tin tưởng nhìn về tử thần
đen tối.
Hãy chống lại!
– kẻ no đầy nói với người đói khát,
kẻ hạnh phúc nói với người bất hạnh,
kẻ đi săn nói với con mồi.
Hãy chống lại!
– mi nói với bản thân mi,
trong lúc đưa mắt đầy tin tưởng
nhìn về đôi tay đang bám sát
trên miệng giếng của ngày mai.
 
 
Mũi gai
 
Hoàn toàn khác là bàn tay đè nặng
trên mắt mi,
những khối củ nhiều mắt tưới đẫm
bằng nước cốt của chúng
đầu rễ những ngón tay.
Hoàn toàn khác là tiếng nói
mi lắng nghe
– trong hốc rỗng của vành tai
xương của im lặng vỡ –
hoàn toàn khác là cuộc gặp gỡ
giữa máu mi
và những đường mạch của đêm,
làn sữa hồng đã ôi
trong bị da của con người giả dối,
khác là những bồi dưỡng
của đất sét.
Hạt mầm mọc.
Mi quỳ gối hôn lên
dấu những bước chân thánh thiêng;
mũi gai
in trên môi mi.
 
 
Và mi cũng chẳng còn biết nữa
 
Và mi cũng chẳng còn biết nữa
phải chăng họ đã có đó hay hiện có
phải chăng từ ngữ kia có thể là của xác thịt,
phải chăng ngày thứ năm của cát
thật ra là sự phát hiện của khuôn mặt
và mi cũng chẳng còn biết nữa
phải chăng trời mưa hay trời tuyết
duy có dấu tích đã hóa đá của thần linh
là còn ghi khắc
trên màng óc thánh thiêng.
 
 
Gánh nặng của mi
 
Bao giờ cũng vời xa, ngọn lửa...
Tro và muội đen
trong những bếp lò đã tắt,
những mặt trời đã chết
trong những hang hầm của cả ngàn năm
do bụng trời sảy thai.
Gió của những đe dọa
lầm bầm ở chốn nằm ẩm ướt
của mất ngủ.
Sự thật bị che giấu
trước sự ào tới nóng nảy
của những người mù.
Gánh nặng của mi mi sẽ mang;
và ánh sáng giải oan
của giàn hỏa
nơi Giăng * đọc cho mi
khúc Khải huyền.
 
---------------------
* hay Gioan (Jean), môn đệ Chúa Kirixitô, tác giả «Apocalypse», thường dịch là thiên «Mặc thị» trong Tân ước hoặc sách «Khải huyền», nói về ngày thế mạt. (ND.)
 
 
Những tấm áo máu
 
Không có ai trong căn buồng
không có ai ở với mi
ngoại trừ ngày qua.
Trong đám giẻ rách của ngày hiện tại
bản thân tự quấn lấy
đôi chân bầm dập.
Mi sẽ phải chờ đợi;
trên những sợi thừng giá băng
khô dần
những tấm áo máu.
Trần trụi, giữa rác rến dơ bẩn
mi chìm sâu vào đống tro
của ngày mai.
Như của một ông già mù
da mí mắt mi
đeo lủng lẳng trên những hốc mắt.
 
 
Không có sự chọn lựa
 
Ngày đã khiến
đêm tìm lại.
Duy có mi tựa kẻ mù lòa
vẫn mải mê va chạm
tới chiếc bóng của mọi sự.
Tay mi hoài công tìm cách
sờ soạng
khuôn mặt chúng.
Không có sự chọn lựa,
cái xấu và khoảnh khắc
tự đủ
với nhau.
Hẳn là mi sẽ quay trở lại
với đáy cùng của phi-thể,
mi sẽ quay trở lại đó nếu như trong gan ruột hôi thối
của ngày hiện tại
cái thây ma ngày mai
đã chẳng động đậy.
 
 
Những vết cào
 
Những vết cào trên làn má xanh lướt
của ánh ngày,
những vết máu trên khuôn đúc
của những vành môi
và hơi thở
dính vào khẩu cái.
Mi tưởng chừng nghe thấy trời
trút nhẹ lần bầu khí.
Mi tưởng chừng nghe thấy tủy
cạn dần trong xương mi.
Một bàn tay lạnh buốt
đưa lên hông ngày.
Những sợi gân máu căng ra
kéo thân xác mi
về đáy trời tăm tối.
 
 
 
----------
Đã đăng:
 
-------------------
Ghi chú của người dịch:
HORIA BĂDESCU sinh ngày 24.2.1943 tại Aref-trên-Arges, miền Valachie, Ru-ma-ni. Khởi sự sự nghiệp văn chương vào đầu những năm 1970 với tập thơ Marile Eleusii (Những ngày hội lớn của Euleusis, nhà xuất bản Dacia, 1971); tới nay đã có khoảng hai chục tác phẩm vừa thơ, vừa tiểu thuyết và nghiên cứu văn học. Ông đã được tặng nhiều giải thưởng văn chương trong nước như của Hiệp hội các nhà văn, của các tạp chí Arges, Poesis và của Hàn lâm viện Ru-ma-ni; được dịch ra nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp, Đức, Nga, Hung-ga-ri, Bun-ga-ri, Serbie, Arménie, Việt-nam,....
 
Với bằng tiến sĩ văn chương, ông còn là một giáo sư, một nhà báo, một dịch giả và nhà ngoại giao. Theo Jean Poncet (trong Voix de Roumanie, Sud, 1997), Bădescu từng làm biên tập viên đài phát thanh quốc gia ở Cluj từ năm 1968, rồi làm giám đốc Nhà hát Quốc gia ở Cluj từ 1987. Ngày 22. 12. 1989 ông điều khiển đài phát thanh và truyền hình Cluj. Năm 1995, Bădescu được bổ nhiệm phụ tá giám đốc Trung tâm văn hóa Ru-ma-ni ở Paris. Khoảng cuối năm 1997, ông trở thành giám đốc trung tâm này... Dứt nhiệm kỳ hai năm ông trở về nước, và làm việc tại «Fundatia Culturala Romana» ở Bucarest. Ít lâu sau, ông trở lại Paris, phục vụ trong ngành ngoại giao. Trong cuộc sống bình nhật, Bădescu là một tín đồ chính thống giáo...
 
Trong bài tựa một tuyển tập thơ của Horia Bădescu được dịch sang Pháp văn, nhà phê bình Liviu Petrescu viết: «Horia Bădescu ở trong số những nhà văn tiêu biểu nhất của văn chương Ru-ma-ni trong những năm gần đây.» Nhà phê bình còn cho biết: «Thơ Horia Bădescu, phần tiêu biểu nhất trong các tác phẩm của ông, không phải là một thứ thơ tiền phong theo nghĩa thông thường của từ này, mà đúng hơn là một thứ thơ quan tâm tới việc thu hồi ý nghĩa nguyên thủy của nó. (...) Đối với Horia Bădescu, thơ tiếp tục mở ra cho một số kinh nghiệm của điều thánh thiêng.» Cũng theo Petrescu, Horia Bădescu rất chú trọng tới một số hình thức cố định trong thơ, ông ưa thích thể sonnet của Anh và thể ballade «tự tình khá phóng khoáng kiểu Pháp». Petrescu còn phân biệt hai giai đoạn trong thơ Bădescu: ở một giai đoạn đầu, thơ Bădescu đưa ra một viễn ảnh tổng quát, một thứ «chủ nghĩa nhân bản mới», trong đó «sự hiện hữu của con người được coi như không phải là đối nghịch với thiên nhiên mà là dự phần vào thiên nhiên, hòa mình vào một thứ trật tự vũ trụ...»; nhưng trong những năm gần đây, Bădescu đã cho thấy một khuynh hướng ngược lại: ông «khai triển viễn ảnh của một vũ trụ mắc triệu chứng suy đồi, một vũ trụ đang nguội dần, ở ngưỡng cửa của một thời băng giá khác...»
 
Với thi phẩm mới Những tam đoạn luận của con đường (Les syllogismes du chemin, «le buisson ardent», l'arbre à paroles, Maison de la Poésie d'Amay, 1999), tôi mường tượng thơ Horia Bădescu đang trở lại quỹ đạo của trầm tư, tự đào sâu và khai triển cho mình một con đường thênh thang mới.
 
Tôi đã giới thiệu Horia Bădescu với bạn đọc Việt-nam lần đầu qua thi phẩm Khuôn mặt thời gian & mũi gai (Tủ sách thơ, Trình bầy, 1996). Tôi trở lại với ông lần này trong hân hoan của một mong ước đã trở thành sự thực: Horia Bădescu không phải chỉ là một trong những tiếng thơ «tiêu biểu nhất của Ru-ma-ni», ông đã bước một bước thật vững vàng trên con đường của những nhà thơ lớn của thế giới.
 
Bản dịch này gồm trọn vẹn tác phẩm mới Những tam đoạn luận của con đường của Horia Bădescu, một số những bài thơ khác, như “Những lời than khóc của Salomon” (theo bản Pháp văn của Georges Astalos), và toàn thể các bài trong tập Khuôn mặt thời gian (Le visage du temps, Librairie Bleu, Troyes, 1993; bản Pháp văn của Mihaï Zaharia) cũng như toàn thể các bài trong Cuộc trở lại thứ nhì (Le deuxième retour, Cogito, Oradea, 1996, bản Pháp văn của Paola Bentz-Fauci; tác phẩm này bao gồm cả 23 bài trong tập Mũi gai (Le fer des épines). Các bài được sắp xếp theo thứ tự các tác phẩm nêu trên. Các bài của tập Khuôn mặt thời gian (bản dịch Mihaï Zaharia), có thể tìm thấy trong Cuộc trở lại thứ nhì, vẫn được duy trì; nhưng 23 bài của Mũi gai được trả lại thứ tự như đã có trong Cuộc trở lại thứ nhì... Hy vọng bạn đọc tìm thấy cái vui nơi một số bài dịch theo những bản dịch khác nhau (Mihaï Zaharia/Paola Bentz-Fauci) của cùng một nguyên tác!
(Lộ trấn, 22. 12. 1999).
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021