thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Bài ca của tháp Spaskaia | Hợp đề | Vào thời buổi khó khăn
(Diễm Châu dịch)
 
BÀI CA CỦA THÁP SPASKAIA
 
Người canh giữ
tháp Spaskaia
không biết
rằng ngọn tháp của mình chỉ là gió.
Y không biết
rằng trên những phiến gạch lát
vẫn còn dấu vết
những cuôc hành quyết.
Rằng đôi khi
một cành nho máu me bay tung tóe.
Rằng những tiếng hát vẫn cất lên
từ mảnh sân đã bị bỏ phế.
Rằng nơi rầm gác thượng tối đen
những kẻ kỳ cục vẫn rình rập.
Y không biết
rằng không có mối kinh hoàng nào có thể
ẩn mình trong gió.
 
 
HỢP ĐỀ
 
Mỗi ngày tôi đều cho con chim sẻ ăn.
Tôi biết vẫn là một con chim ấy
nhờ giọt máu mà một cành cây nhẹ lướt
đã để lại trên cánh nó.
Tôi tránh cho nó cảnh lao động mệt nhọc,
tôi cho nó ăn no bằng những vụn bánh,
tôi muốn xoa dịu vết thương và nỗi đau của nó.
Và hôm nay tôi thấy nó đuổi theo một con bướm.
Nó xù ra, nó dựng lông
-- đôi chân nghiền nát một cơn gió lớn những màu sắc và những chiếc cánh.
Và nó đã nhìn tôi một giây trước khi bỏ trốn
và chút bụi xám tro vẫn còn vấy trên mỏ nó
chiếc mỏ cong cong như một móng tay của Hegel.
 
 
VÀO THỜI BUỔI KHÓ KHĂN
 
Con người ấy, người ta đã đòi hỏi y thời gian của y
để thêm vào thời gian của Lịch sử.
Người ta đã đòi hỏi y đôi bàn tay,
là vì đối với một thời đại khó khăn
không có gì tốt hơn là một đôi bàn tay tốt.
Người ta đã đòi hỏi y cặp mắt
đôi khi đã từng biết tới những giọt nước mắt
để chiêm ngưỡng khía cạnh trong sáng
(đặc biệt là khía cạnh trong sáng của cuộc đời)
là vì đối với kinh hoàng thời chỉ môt ánh mắt ngỡ ngàng cũng đủ.
Người ta đã đòi hỏi y đôi môi y
đã héo khô và nứt nẻ để khẳng định,
để tạo dựng, với mỗi lần khẳng định, một giấc mơ
(giấc-mơ-cao-cả);
người ta đã đòi hỏi y cặp giò,
cứng cáp và khẳng khiu,
(cái cặp giò lang thang cố cựu của y)
là vì vào thời buổi khó khăn
không có gì tốt hơn là một cặp giò
cho dựng xây hoặc hầm hố?
Người ta đã đòi hỏi y khu rừng đã nuôi y thời nhỏ,
với cội cây tuân phục.
Người ta đã đòi hỏi y lồng ngực, trái tim, và đôi vai.
Người ta đã bảo y
rằng điều ấy hoàn toàn cần thiết.
Người ta đã giải thích cho y kế đó
rằng hết thảy những tặng vật ấy rốt cuộc sẽ vô ích
nếu như không giao nộp cả cái lưỡi,
là vì vào thời buổi khó khăn
chẳng có gì hữu ích cho bằng để chặt đứt oán thù hoặc dối trá.
Và rốt cuộc người ta đã yêu cầu y
hãy, vui lòng, khởi sự cất bước,
là vì vào thời buổi khó khăn, ấy, cố nhiên, là bằng chứng quyết định.
 
----------------------------
Ghi chú của dịch giả:
HEBERTO PADILLA (1932-2000) là «một trong những nhà thơ quan trọng nhất của thế giới Tây-ban-ngữ hiện đại». Ông sinh tại Pina del Rio, Cuba năm 1932, và mất tại Alabama, Hoa-kỳ ngày 20.9.2000. Ông đã từng sống tại Hoa-kỳ giữa những năm 1949 và 1959. Ủng hộ cuộc cách mạng lật đổ chế độ độc tài Batista, ông trở về Cuba, gia nhập bộ biên tập tờ Lunes de Revolución, rồi trở thành phóng viên của Prensa Latina ở Luân-đôn và Mạc-tư-khoa...
 
Khởi sự làm thơ khá sớm, ông cho xuất bản cuốn sách đầu tiên Las rosas audaces vào năm 1948 (hay 1949?) Trong những năm 1960, chế độ nắm quyền, không chấp nhận sự phê phán, đã để lộ khuynh hướng muốn áp chế trí thức và văn nghệ sĩ... Năm 1968, các giám khảo cuộc thi thơ toàn quốc quyết định trao giải thưởng hằng năm cho thi tập Fuera del juego của Padilla. Cuốn sách được in ra với một phần phụ lục chỉ trích nó như một tác phẩm «phản-cách mạng»! Padilla bị canh chừng, theo rõi và đến năm 1971 thì bị công an tra hỏi trong một tháng, bắt làm kiểm thảo, thú nhận công khai và tố cáo nhiều nhà văn khác, kể cả vợ ông là Belkis Cuza Malé...
 
«Vụ» này đã khiến dư luận thế giới lên tiếng phản đối và nhiều nhân vật rút lại sự ủng hộ cách mạng Cuba, trong số đó có Jean Paul Sartre, Simone de Beauvoir, Julio Cortazár, Mario Vargas Llosa, Susan Sontag, Juan Goytisolo, Federico Fellini, Marguerite Duras, Alberto Moravia...; và 72 văn nghệ sĩ khác lên án các biện pháp độc tài và không bao giờ trở lại Cuba nữa. Tuy nhiên, cũng có một số các nhà văn khác, kể cả nhà văn đoạt giải Nobel Gabriel García Marquez, theo lời ký giả Nick Caistor của tờ The Guardian (14.10.2000), «nhận thấy những hy sinh này là cần thiết trong một chế độ bị Hoa-kỳ bao vây».
 
Padilla tiếp tục sống ở Cuba cho đến năm 1980, nhờ sự can thiệp quốc tế, ông được phép qua Hoa-kỳ. Ông tiếp tục làm thơ, viết tiểu thuyết và hồi ký; dạy đại học nhiều năm ở Princeton, New York, Miami rồi Auburn University ở Alabama, nơi người ta tìm được xác ông tại nhà riêng khi không thấy ông đến lớp dạy học buổi sáng...
 
Một vài thi phẩm khác của Padilla: El justo tiempo humano (1962), Provocacíones (1973), El hombre junto al mar (1981), Un puente, una casa de piedra (1998); tiểu thuyết: El buscavidas (1963), En mi jardín pastan los héroes (1986); và tùy bút tự sự: La mala memoria (1989).
 
Bạn đọc Pháp văn có thể đọc Heberto Padilla và các nhà thơ Cuba khác trong Anthologie de la poésie cubaine censurée, do Zoé Valdés đề nghị, Fnac, Reporters sans frontières và Gallimard xuất bản, tủ sách «la collection interdite», Paris, 2002.
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021