thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thư trả lời từ bên kia đại dương [thư số 2]

 

Đã đăng:

 

Em sẽ không nói dối anh. Em nghĩ nếu có thể anh nên dừng trị liệu này lại. Chúng ta đều biết nó sẽ dẫn anh tới đâu. Tới chỗ “được chữa lành bệnh”.

Em có câu hỏi này cho anh: “Anh có thực sự mong muốn điều đó không? Có thực sự muốn được chữa bệnh như anh nói không?”

Hình như anh có hiểu nhầm ý em về chuyện phụ nữ, đàn ông. Em không nghĩ là phụ nữ cần được bảo vệ hay che chở hay thương hại. Khi anh nghĩ rằng họ cần được đàn ông bảo vệ thì có nghĩa họ vẫn chưa có sự bình đẳng. Em không nghĩ họ cần được đàn ông bảo vệ, mà họ cần được pháp luật bảo vệ như những cá thể bình đẳng với đàn ông, họ cần được xã hội cho những cơ hội ngang bằng với đàn ông, họ cần được đánh giá trên năng lực thực sự của họ. Nếu họ yếu kém hơn đàn ông, họ phải chấp nhận sự yếu kém đó. Nghĩa là, trên bình diện xã hội, họ cần được nhìn nhận như những cá thể, có quyền và trách nhiệm của mình.

Người phụ nữ mà anh nhắc đến đó, không phải chỉ là cô ấy không được đàn ông bảo vệ, em nghĩ, cô ấy bị cả một thể chế vùi dập, bị cả một cơ cấu tinh thần xã hội tẩy chay. Thực ra, nếu cô ấy đáng bị phê phán (phê phán chứ không phải là “đánh” nhé ; cứ nhất thiết phải là “đánh” ư, các anh thích đánh nhau đến thế ư, đánh nhau và nồi da xáo thịt từ bao nhiêu năm nay rồi vẫn còn chưa đủ ư!!!) thì cứ phê phán và để cho cô ấy đàng hoàng đáp lại, nếu cô ấy thua thì cô ấy phải chịu, và trong trường hợp đó nếu cô ấy thua thì không phải là một phụ nữ thua, mà là một cá nhân thua trước các cá nhân khác. Đằng này cả một hội đồng đàn ông đem cái thòng lọng chính trị siết vào cổ cô ấy, và không cho bất kỳ tiếng nói phản đối nào được xuất hiện trên những tờ báo đã kéo dây thòng lọng. Báo chí chính thống hỗ trợ nhiệt thành để cho công cuộc siết cái dây thòng lọng khổng lồ quanh cái cổ mong manh của một phụ nữ được diễn ra sao cho hoành tráng nhất. Trường đại học kết thúc màn siết cổ đó bằng cách cho cô ấy thôi việc, thực hiện đúng cái công đoạn mà Einstein đã nói trong bài “Những biện pháp của tòa án dị giáo tân thời”: “tiến hành đàn áp tự do học thuật và truy đuổi tất cả những ai dám kháng cự ra khỏi vị trí công việc của họ, nghĩa là để họ chết đói”. Anh đỏ mặt ư? Anh hài lòng vì cảm thấy hơn người khác ở chỗ còn biết đỏ mặt ư? Anh không biết làm gì khác hơn ngoài đỏ mặt sao?

Xứ anh có những vấn đề trầm trọng, chỉ có điều các anh có muốn nhìn, có dám nhìn thẳng vào chúng hay không mà thôi.

Chúng ta đều nhìn thấy mặt trời chuyển động hàng ngày, buổi sáng nó mọc lên ở đằng đông và buổi chiều lặn xuống ở đằng tây. Nhưng chúng ta đều biết rằng sự chuyển động của mặt trời chỉ là ảo giác, rằng mặt trời không quay mà chính là trái đất quay mới tạo ra ảo giác này. Chỉ những đứa trẻ chưa đến trường mới không biết điều đó thôi. Vậy mà anh đang trách em là sao không chịu nhìn vào thực tế là mặt trời vẫn quay hàng ngày đấy thôi.

Bác sĩ của anh chắc phải nói rất hay về lòng yêu mến. Em làm sao địch lại nổi với ông ấy. Em chỉ có thể nhắc anh rằng, nếu áp dụng bài học của ông ấy, nếu một vị sếp như Hitler nhận được sự yêu mến của toàn thể cấp dưới của mình thì chắc chủ nghĩa phát xít vẫn còn tồn tại và phát triển mạnh mẽ đến ngày nay, thế giới sẽ tràn ngập những trại tập trung và mồ chôn tập thể. Thật may mắn thay, nhiều cấp dưới đã không yêu mến một vị sếp như hắn. Anh có dám chắc là anh cần yêu mến và cần được yêu mến bởi sếp và đồng nghiệp một cách vô điều kiện không, bất kể họ là người như thế nào, bất kể họ hành xử ra sao?

Em không biết, anh hình dung xem, nếu đồng nghiệp của anh vô đạo đức, gạ tình lấy điểm hay gạ tiền lấy điểm, làm cho sinh viên có bầu rồi bức bách để cô ấy phải tự tử cùng đứa bé trong bụng, để được một đồng nghiệp như thế yêu mến thì anh phải làm sao? Có thể làm gì khác hơn ngoài ba thái độ này, em xếp theo thứ tự trên xuống: ca tụng hành vi đó, ủng hộ hành vi đó, im lặng chấp thuận, không bình luận, không đánh giá, theo phương châm: “con người sinh ra để được yêu thương chứ không phải để bị phán xét”. Muốn có được ba thái độ đó thì anh phải tìm được cái lý cho nó. Đúng như ông bác sĩ tâm lý kiêm viết luận văn thuê đã khuyên anh: chỉ cần anh tìm được một cái lý để thông cảm, còn lại thì lương tâm của anh sẽ biết cách giải quyết như thế nào. Cần nhất là phải được người khác thông cảm, dù làm bậy bạ kiểu gì mà được người khác thông cảm là yên chuyện hết. Muốn được thông cảm lại phải biết thông cảm, biết quý mến người khác vô điều kiện.

Anh muốn mình có thể yêu quý một đồng nghiệp vô đạo đức, thì anh phải làm sao, thì phải gạt đạo đức sang một bên, anh phải tìm cho được một cái lý tốt, một cái lý đẹp, đúng không? Thực sự thì em rất khó mà tìm được cái lý tốt đẹp cho những kẻ như thế. Nhưng để em thử xem sao nhé. Đối với một đồng nghiệp gạ tình lấy điểm, anh sẽ nghĩ rằng: đó là một tay rất giỏi trong việc chinh phục phụ nữ, chinh phục các cô gái trẻ, phải có bản lĩnh đàn ông lắm, phải có sức hấp dẫn lắm mới làm được như vậy! Anh thấy sao, nghe cũng không đến nỗi tệ, phải không? Còn có cái lý nào nữa không? À, thì như vậy có sao đâu, cả hai bên cùng có lợi mà, với cả, có ai mất gì đâu. Vậy đấy có phải là một cái lý đẹp không? Lúc đó không những anh không còn cảm thấy đau khổ vì phải làm đồng nghiệp với một kẻ như thế, anh còn có thể làm thơ ca tụng ông ta nữa, phải vậy không? Còn lỡ nếu có hậu quả xấu như vụ tự tử thì anh sẽ chép miệng: đời là thế, tránh sao khỏi những chuyện thương tâm.

Anh làm ơn giải thích điều này: theo miêu tả của bác sĩ thì có vẻ như trong xã hội của anh, mọi người đều yêu mến nhau, nhân viên yêu mến sếp, đồng nghiệp yêu quý nhau, và suy rộng ra thì nhân dân yêu lãnh tụ, công dân yêu nhà nước, học sinh yêu quý thầy cô... Nhưng tại sao đọc báo hầu như chỉ thấy tin cướp, giết, hiếp, bạo lực học đường, giáo dục xuống cấp, văn hóa suy đồi, tham nhũng, lừa đảo, bắt bớ, đàn áp, bỏ tù...? Em không thể hình dung một xã hội như thế lại là kết quả của tình yêu mến.

Hình như bước đầu tiên mà ông bác sĩ đang thực hiện với anh là tạo ra một sự lẫn lộn kinh khủng. Ông làm đảo lộn các giá trị và chuẩn mực của anh, đưa anh vào một trạng thái mù mờ, mất khả năng phân định. Anh đang tiến lên trong khi tự bịt mắt mình đó. Em đoán giải băng mà ông trao cho anh sẽ càng ngày càng một dày hơn và đen hơn. Anh thì gọi đó là chữa bệnh.

Em nhớ, nếu em không nhầm, anh cho rằng quá trình chữa trị này là không thể tránh khỏi. Rằng anh cần đến nó, bởi anh cần tìm lại bản thân mình. Anh nói anh đã đánh mất mình trong mấy năm rời xa đất nước. Đến đây em hơi buồn vì trong mấy năm đó anh đã ở gần em, chúng mình đã ở bên nhau, và anh đã có vẻ rất hạnh phúc. Phải, nếu em không nhớ nhầm thì anh đã nói: tìm thấy em anh tìm lại được chính mình. Rồi khi trở về anh lại muốn chối bỏ cái mình đã tìm thấy ấy. Buồn hơn, anh nghĩ rằng đó không phải là anh.

Nói em nghe xem: vậy đâu mới là con người thật của anh? Con người của những đêm mùa hè rực cháy trên bãi biển, con người có ánh mắt còn thiêu đốt hơn cả mặt trời, em đã cháy và vẫn thấy chưa cháy hết, vẫn còn cần được thiêu đốt bởi những ánh nhìn rực lửa ấy? Con người của những buổi chiều mùa thu thong dong giữa rừng bạt ngàn những sắc vàng đủ loại, êm ái hơn tất cả mọi thảm lá dày nhất rải trên những con đường thu thơ mộng? Con người đã viết những bài kêu gọi cải cách và phát triển? Hay con người đang bắt đầu xây danh tiếng trên sự im bặt của ngòi bút và sự tắt ngấm của các ý tưởng tiến bộ? Con người đang tìm cách du nhập vào cái xã hội mà chính anh từng chỉ trích trước đây? Con người đang học cách để trở thành bình thường, để trở thành một người như mọi người? Đâu là cái mình đích thực của anh? Đâu là cái mình anh đă mất, đâu là cái mình anh cần tìm lại?

Anh từ biệt em, nói rằng đất nước cần anh trở lại, rằng anh có thể làm nhiều điều cho mọi người ở đó, rằng anh có thứ gì đó để mang về, một món quà có ý nghĩa cho quê hương anh. Anh không thấy hạnh phúc trọn vẹn khi phải xa quê hương của mình. Dĩ nhiên, với các lý do ấy, làm sao em dám giữ anh ở lại. Em đã yêu cái đất nước xa xôi chưa một lần đặt chân đến. Em không thể không yêu đất nước ấy, bởi em cảm nhận nó qua cơ thể anh, qua hình hài anh, qua tinh thần anh, qua làn da, ánh mắt của anh. Đôi khi em còn có cảm giác anh đưa nó vào trong em. Bằng những chuyển động mạnh mẽ và hơi thở gấp gáp, anh đã đưa đất nước của anh vào trong em, mà cả anh và em đều không biết. Em chưa từng gặp người đàn ông nào nói về đất nước mình nhiều như thế, đau khổ vì nó như thế, và muốn làm gì đó cho nó như thế. Em đã bị chinh phục bởi cái mình ấy của anh, cái bản thể ấy của anh, một cái mình gắn bó sâu nặng với quê cha đất tổ. Đó là một điều đặc biệt đối với một người sống trong một xứ sở thấm đẫm tinh thần cosmopolite như em. Xung quanh em mọi người sẵn sàng đi theo tiếng gọi của những miền đất mới, của những chân trời mới và những khám phá mới. Họ đều nghĩ như Goethe: nơi nào tôi có ích nơi đó chính là tổ quốc của tôi. Còn anh, tiếng gọi trong anh luôn luôn là nó, là cố hương của anh. Em nghe trong hai chữ “cố hương” một giai điệu thật da diết, dĩ nhiên, chính anh đã phân tích cho em hiểu tính chất da diết đó. Anh là một cái gì rất lạ đối với em. Em đã yêu cái mình ấy của anh, vì thế mà không dám giữ anh ở lại. Em đã nghĩ: để anh trở về thì em có thể mãi mãi yêu anh. Anh trở lại, để rồi một lần nữa đi tìm kiếm bản thân mình bằng những đợt trị liệu như vậy sao?

Hôm nay chỉ thế thôi, em không viết tiếp được nữa. Anh biết đó là gì không? Em hình dung cái nhìn nhợt nhạt và thiếu lửa của anh, cái nhìn ấy làm đau em hơn mọi thứ trên đời này.

 

 

---------------

Đã đăng:

Gửi người yêu và tin [thư số 2]  (truyện / tuỳ bút) 
... Đàn ông ở đây không coi phụ nữ là danh dự của mình, và còn lâu mới có bình đẳng thực sự. Thiếu gì đàn ông sẵn sàng dâng vợ hay em gái cho sếp hay cho đối tác để làm bàn đạp thăng tiến hoặc thủ lợi. Vợ họ, em họ còn bị đối xử như thế thì họ sá gì việc con em người khác có đi làm nô lệ tình dục ở đâu. Gần đây thôi, một phụ nữ trí thức mỏng manh đã bị một đám đàn ông trí thức đánh tan nát trên hàng đống tờ báo. Đọc những bài đánh cô ấy mặt anh cứ đỏ rực, đỏ rực vì xấu hổ, thằng đàn ông trong anh xấu hổ, hóa ra anh còn biết xấu hổ. Và cô ấy lại bị một đám đàn ông trí thức khác cho thôi việc. Và những đàn ông trí thức còn lại đồng loạt im lặng... (...)
 
... Suy nghĩ tiếp những gì anh viết trong thư, em thấy rằng ở xứ anh, người ta sẽ lần lượt đi trên một chu trình, em nghĩ là khép kín, có sự chuyển hoá từ giai đoạn này qua giai đoạn kia, nhưng là một chu trình khép kín: bị lừa dối – tự lừa dối – lừa dối người khác. Trong chu trình này sẽ có một pha lúc người ta tự nguyện bị lừa dối. Nhưng nói chung thì em nghĩ cái pha tự nguyện bị lừa dối này là một trạng thái triền miên. Cho đến lúc nào họ không còn cảm thấy mình bị lừa nữa. Em nghĩ, để cho bộ máy xã hội có thể vận hành như hiện nay, cần nhất là mọi người tham gia trong đó phải tự nguyện bị lừa... (...)
 
Gửi người yêu và tin  (truyện / tuỳ bút) 
... Anh sống trong một xã hội được cấu tạo trên nền tảng của sự dối trá, có lẽ vì vậy anh đặc biệt nhạy cảm và đặc biệt muốn tự bảo vệ mình trước sự dối trá. Em hình dung được không? Ở đây trẻ con từ khi đi học mẫu giáo đã được dạy cho cách để trở thành những kẻ nói dối. Các em được dạy hát về giấc mơ mà các em không có. Các em hát về giấc mơ trong đó các em gặp và yêu quý một người xa lạ. Nhưng các em không hề có giấc mơ đó, thậm chí còn chưa biết người đó là ai, ở cái tuổi lên ba lên bốn... (...)
 
Tình yêu  (truyện / tuỳ bút) 
... Con: Mẹ nhìn đi. Mẹ còn nhận ra cha trong quan tài này không? Còn gì của cha trong cái đống ghê tởm này? / Mẹ: Con bất hiếu! Sao dám nói cha ghê tởm! Con không thấy cha đẹp đến não lòng ư? / Con: Con không thở được nữa. Mẹ nhìn xung quanh xem. Giòi bọ nhung nhúc khắp nơi. Cả đống ở trên tay mẹ kia. / Mẹ: Cha đấy con ạ. Cha đang hạnh phúc vì được ở gần mẹ... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021