thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Sẽ là Mở Miệng, nếu thấy nhu cầu

 

(Đỗ Lê Anh Đào thực hiện)
Lời giới thiệu của Tiền Vệ:
Bài phỏng vấn dưới đây do nhà thơ Đỗ Lê Anh Đào [hiện sống tại Mỹ] thực hiện vào cuối năm 2004, khi chị tiếp xúc lấy thông tin, dịch và giới thiệu Mở Miệng trên NHA Magazine [www.nhamagazine.com], tạp chí "theo tay" hành khách của hãng hàng không EVA. Nhân dịp Lý Đợi và Bùi Chát, hai đại diện của Mở Miệng, giao lưu và trình diễn thơ tại Viện Goethe Hà Nội vào đêm thứ sáu ngày 17/6/2005, Tiền Vệ giới thiệu toàn bộ phần tiếng Việt của bài phỏng vấn này để độc giả có thể có một cái nhìn tổng quát về sinh hoạt và quan niệm nghệ thuật của Mở Miệng.

 

Lý ĐợiBùi ChátKhúc Duy

 

Đỗ Lê Anh Đào [AĐ]: Xin các anh cho độc giả biết sơ về tiểu sử cá nhân?

+ Bùi Chát [BC]: Tôi sanh năm 1979 tại Hố Nai trong một gia đình Công giáo gốc di cư. Hồi nhỏ rất mũm mĩm, sạch sẽ & ngoan đạo. Hi vọng lớn nhất của gia đình tôi là tôi chắc chắn trở thành một linh mục, giám mục hay hồng y gì đó. Thế nhưng... vào năm 2001, tôi nhận bằng cử nhơn văn chương tại một đại học nhỏ xíu ở Việt Nam. Lang thang cho đến nay: sống & làm việc [tư tác] tại La Hán Phòng [Tây Cống, còn gọi là Sài Gòn]. Tác phẩm chánh: Xáo chộn chong ngày (2003), Made in vietnam (2004), Cái lồn bỏ đi & những bài thơ chửi rủa [bới, lộn] (2004)...

+ Khúc Duy [KD]: Sinh năm 1976 tại Đà Nẵng, quê Quảng Nam, hiện sống tại Sài Gòn. Cựu sinh viên trường Sân Khấu Điện Ảnh và Khoa Học Xã Hội & Nhân Văn. Từng làm nhiều nghề như: diễn viên, đạo cụ, nhiếp ảnh, dịch thuật. Hiện sống nhờ vào những trò trên mạng.

+ Lý Đợi [LĐ]: Sinh 1978 tại làng chuyên ruộng vườn, bãi biền Khúc Luỹ, Quảng Nam. Rời quê năm 1997, lý do: học đại học. Cử nhân văn chương. Hiện đang sống tại Sài Gòn, xa quê 1.000km, ở trung tâm La Hán Phòng và chuyên làm nhiều nghề kiểu chạy show, trong đó có nghề thường làm nhất: Thất nghiệp.

 

AĐ: Khi còn là sinh viên, những nhà văn, nhà thơ nào đã ảnh hưởng đến văn thơ của các anh, nếu có và ra sao?

+ BC: Tôi có thói quen đọc lung tung, nhiều thứ trong cùng một thời gian ngắn. Do đó cũng không rõ mình đã ảnh hưởng ai, nhưng nếu nhìn kĩ lại thì có lẽ là Hồ Chí Minh & Tố Hữu. Vì đây là 2 tác giả có tác phẩm được chánh phủ tái bổn nhiều nhứt ở Việt Nam trong nhiều chục năm qua, không có người nào ở Việt Nam mà không phải học 2 ông này từ mẫu giáo cho đến đại học [đây là yếu tố bắt buộc].

+ LĐ: Có một thời tôi rất tin sách - tin hơn cả bản thân mình, cho nên tôi không biết cụ thể là mình chịu ảnh hưởng cái gì. Thường, với tôi văn nghệ sĩ chỉ có hai loại: trong sách hoặc trên bàn nhậu; tôi ít chơi với loại thứ ba: văn nghệ quan chức, vì họ là loại khó chơi ấy mà.

+ KD: Chẳng có nhà văn, nhà thơ nào cả. Có chăng thì đó là những người bạn của tôi: Lý Đợi, Bùi Chát, Hoàng Tả Pháp...; lúc ấy họ là những cây viết trong nhóm Văn Khoa của trường, cũng có một số bài đăng trên báo. Gần gũi với họ nên “nhiễm” và bắt đầu làm thơ , âu cũng là số mệnh vậy. [Lè lưỡi].

 

AĐ: Xin các anh cho biết sơ về tiểu sử của Mở Miệng?

+ LĐ: Thường thì câu hỏi kiểu này Bùi Chát trả lời tốt nhất. Anh ta có trí nhớ tốt mà... Còn nếu nhìn từ bên ngoài, thì ai cũng thấy Mở Miệng gồm có tôi, Bùi Chát, Khúc Duy và Nguyễn Quán. Ba đứa tôi thì ngao du vỉa hè Sài Gòn, còn Nguyễn Quán đang trong giai đoạn thử thách, nên ẩn mình trong nông trường cao su ở Phước Long, cách Sài Gòn khoảng 150km.

+ KD: Tôi hay quên ngày tháng và sự cố [đấm], tốt nhất nên hỏi Bùi Chát vậy.

+ BC: Vào năm 2001, sau khi Vòng tròn sáu mặt có được một ít dư luận trong giới văn nghệ Saigon [chủ yếu vẫn là vỉa hè]. Chúng tôi [4 trong số 6 gương mặt trên, gồm: Bùi Chát, Khúc Duy, Lý Đợi, Nguyễn Quán] quyết định cho ra đời Mở Miệng. Ban đầu là thế, chứ Mở Miệng không nhất thiết chỉ là 4 người. Nếu quan tâm đến những hoạt động của Mở Miệng trong thời gian qua, quý vị cũng thấy là có quá nhiều người Mở Miệng chứ đâu chỉ có 3 hay 4 người chúng tôi [đấy là chưa kể những người còn đang muốn Mở Miệng].

 

Sẽ là Mở Miệng, nếu thấy nhu cầu.

 

AĐ: Các anh thành lập Mở Miệng với mục đích gì?

+ KD: Cái này thì hỏi Lý Đợi.

+ LĐ: Có rất nhiều mục đích mà qua các bài viết trước đây trên talawas.org tôi đã có đề cập. Tuy nhiên, mục đích chính vẫn là giải trừ thói quen trong nếp nghĩ và cách cầm bút truyền thống [mà cụ thể là con đường truyền thống trong chính chúng tôi]; học đòi một môi trường sáng tác trọng sự tự do & tính dân chủ.

+ BC: Phàm ở Việt Nam, hễ muốn làm bất cứ thứ gì cũng phải có lí do, mục đích chính đáng mới được phép làm. Có lẽ bị ảnh hưởng từ nguyên tắc trên, chúng tôi cũng có nhiều mục đích để cho ra đời Mở Miệng. Ngoài những mục đích mà Lý Đợi đã trình bày một cách khái quát, tôi thấy có thể nói cụ thể & ngắn gọn thế này: Chúng tôi muốn làm một thứ nghệ thuật từ đời sống, một thái độ đối với nhiều vấn đề của đời sống này. Tất cả đã được thể hiện ngay trên quan điểm sống, cách làm việc & tác phẩm của chúng tôi: tôn trọng & cổ vũ cho tính thiểu số trong nghệ thuật [cả trong sáng tác lẫn thưởng thức]... chỉ để đạt tới mục đích cuối cùng: tất cả mọi thứ đều bình đẳng.

 

AĐ: Tới bây giờ [2004], các anh nghĩ Mở Miệng đã đạt được những mục đích đó hay chưa?

+ LĐ: Thật ra ở câu trên tôi nói chưa hết ý. Vì Mở Miệng được sinh ra một cách tự phát, nó chính là kinh nghiệm của đời sống này. Nghĩa là tính làm có trước, tính sợ hay tính lý thuyết có sau [xem Nguyễn Hưng Quốc, Thế hệ tiền-lý thuyết]. Cho nên mọi cách trình bày thuộc về lý thuyết [kiểu phương hướng, mục đích hoạt động...] thì thường tỏ ra lố ngố và thường không nhất quán. Nói một cách phân minh, chúng tôi cũng chẳng biết rõ là mình đã làm được những gì.

+ BC: Khó mà nói là đã đạt được hay chưa đạt được. Nếu ví những cái mà chúng tôi đã và đang làm như một công việc kinh doanh thì có thể vắn tắt thế này: công việc thì bề bộn, thời gian rảnh rỗi thì không có. Mà lợi nhuận chỉ đủ để xài tạm.

+ KD: [Không trả lời].

 

AĐ: Lý do nào mà các anh quen biết nhau? Quan hệ làm việc như thế nào?

+ BC: Cùng học một trường, thường xuyên gặp nhau trong các cuộc nhậu của Thi Hội Tửu Quán do tôi lập ra. Và quan trọng nhất là cùng sở thích với nhau, ví dụ tôi & Lý Đợi hồi đó đều hướng sự quan tâm của mình đến sách, gặp nhau là bàn đến sách, các nhà sách cũ, & làm cách nào để mua được một quyển sách giá rẻ hơn bình thường. Thậm chí còn đặt ra nhiều kiểu nói rất hài hước, ví dụ: Sách hay là phải rẻ, mắc thì làm sao hay được. Nguyễn Quán thì khoái bùa ngải & những chuyện đồng bóng âm binh, rất hợp với tôi – nhất là ở chuyện bói toán. Còn Khúc Duy & tôi, hễ gặp nhau là nói chuyện nhảm.

+ LĐ: Thời còn sinh viên, lúc Bùi Chát và Hoàng Tả Pháp làm Tổng đà chủ Thi Hội Tửu Quán, ba mươi mấy thành viên, ăn nhậu và đọc thơ. Mỗi người có một tửu danh, Bùi Chát là La Đà Sâm Cúc, tôi là Hà Ẩm Siêu...; sau kết thúc bằng một trận đánh lộn thừa chết thiếu sống. Rốt cuộc chỉ còn mấy đứa tôi: Lý Đợi, Bùi Chát, Khúc Duy, Nguyễn Quán, Hoàng Tả Pháp, Bình Võ, Bình Say... Để đánh dấu một giai đoạn mới - lang thang sau đại học, chúng tôi in tập Vòng tròn sáu mặt, bản photocopy đầu tiên của chúng tôi.

+ KD: Trả lời vậy là đầy đủ rồi.

 

AĐ: Cả bốn người đều có giọng thơ riêng biệt rõ rệt và hình như cá tính mạnh mẽ như nhau? Nếu có bất đồng, làm sao mà các anh dung hoà để tiếp tục cộng tác?

+ BC: Đúng là nếu mà có bất đồng thì không biết phải làm sao để dung hoà & tiếp tục cộng tác. Có lẽ vì thế mà đến bây giờ chúng tôi vẫn chưa hề có một bất đồng nào dù là nhỏ nhất.

+ KD: Giọng thơ khác, tên tuổi khác, bút danh khác, khổ người khác... nhưng chúng tôi cùng ý hướng.

+ LĐ: [Không trả lời].

 

AĐ: Những nhà thơ và những nhà phê bình ở Việt Nam đánh giá Mở Miệng như thế nào?

+ BC: Mở Miệng xuất thân vỉa hè, là những phần tử ngoài lề [văn hoá & bối cảnh Việt Nam quy định như thế]. Lẽ tất nhiên, chỉ có những phần tử cùng cảnh ngộ mới quan tâm & đánh giá cao thái độ của chúng tôi. Ai cũng biết Mở Miệng không làm thơ, mà đã không làm thơ thì lấy cái chi để các nhà thơ & các nhà phê bình chính thống đánh giá. Ở những trường hợp này, dĩ nhiên thái độ khôn ngoan nhất của họ vẫn là ngậm miệng làm ngơ. Mà ở Việt Nam thì đâu có người nào muốn mình không khôn ngoan.

+ KD: Có nhiều bài viết về nhóm đăng trên mạng, xin quý độc giả tìm đọc.

+ LĐ: Chắc chị cũng biết, tại Việt Nam đâu có nhà phê bình chuyên nghiệp, theo nghĩa chịu ăn thịt tươi sống. Họ làm công việc phê bình như là một ngã rẽ đáng trách của cuộc đời họ. Họ chỉ thích bươi móc rác mục, thích gặm nhấm những thứ thuộc về xương cốt thần linh, một cách ăn mày dĩ vãng. Còn các nhà phê bình trẻ, có, nhưng rất ít, lại nhiều việc, họ còn mải lo những chuyện danh vọng; bọn tôi đâu thể đem lại cho họ danh vọng [và tiền bạc nữa chứ].

 

AĐ: Mở Miệng rất tự do ngôn ngữ, có lúc dùng ngôn từ rất phóng khoáng? Đã có nhiều phê bình là Mở Miệng bậy bạ bừa bãi? Anh trả lời ra sao với những phê bình này?

+ LĐ: Nếu quả thật có những ý kiến phê bình nghiêm túc và nghiêm khắc, sẽ là quý hoá [kiếp] biết bao. Nhưng như đã nói, lấy đâu ra. Những ý kiến khen chê làm chúng tôi rất buồn, vì họ thường là những người còn rất trẻ [sinh trong thập niên 80], là sinh viên các nơi, nhưng đầu óc lại hủ lậu. Tôi cảm thấy thật hổ thẹn cho họ, và cảm thấy áy náy cho bố mẹ họ. Bỏ tiền ra cho con ăn học, lại học những nghành liên quan tới văn hoá, văn chương và nghệ thuật... đáng lý phải thanh thoáng, nào ngờ chỉ ăn bã và đạp cứt của những tay văn nghệ chụp mũ và chỉ điểm. Chẳng lẽ họ cứ cam tâm làm thế hệ bị bỏ rơi, bị đánh mất mãi sao.

+ BC: Những lời phê bình trên có chỗ đúng, mà cũng có chỗ sai. Nói rõ hơn là không chính xác về khái niệm của ngữ cảnh. Bởi Mở Miệng rõ ràng có bậy bạ bừa bãi & bề bộn nhưng bậy bạ bừa bãi của Mở Miệng là từ ý thức mà có, nghĩa là dùng ý thức để đạt tới sự bậy bạ bừa bãi. Sẽ rất khác với những trường hợp bị rơi vào bậy bạ bừa bãi do yếu kém về kĩ thuật cũng như ý thức, có thể nói đây là những trường hợp muốn đàng hoàng nghiêm chỉnh nhưng không đạt được do đó thất bại. Mà thất bại thì ráng chịu thôi.

+ KD: Cái gì là bậy bạ, cái gì là bừa bãi, ngôn từ ư? Tôi chẳng thấy gì là bậy bạ cả. Mà nếu có bậy bạ bừa bãi thì phải giấu giếm nó đi sao, nó từ đời sống này, vậy phải giấu cái đời sống này đi đâu, hay phải tự tử vì không chịu nổi bậy bạ. Hàng ngày lồn cặc (hay còn gọi là âm đạo dương vật) vẫn sống vẫn chuyển động đấy, nó vẫn ở cùng tôi và các nhà phê bình mà. Trừ khi những thứ mà các nhà phê bình ta gọi là “bậy bạ bừa bãi” không còn trong đời sống này nữa thì câu nói của các “nhà ấy” mới phù hợp. Hãy giữ nguyên hiện trường, đừng bôi xoá chúng chứ.

 

AĐ: Lớn lên trong chế độ xã hội chủ nghĩa, các anh làm sao có những tư tưởng và phong cách phóng khoáng như vậy?

+ BC: Có lẽ được bắt đầu từ những câu chuyện thời ấu thơ. Với một môi trường văn hoá & giáo dục như Việt Nam, tôi đã nhiều lần cảm thấy khó chịu kinh khủng vì bị cưỡng bức làm một điều gì đó mà mình không thích [dĩ nhiên với người khác đó chỉ là chuyện cỏn con, không đáng để bận tâm]... tôi đã lớn lên cùng với những dấu ấn không tốt về tuổi thơ mình. Và sau này khi quan sát về bản thân, tôi phát hiện ra một điều tốt nơi tôi: không bao giờ bắt ai làm điều gì họ không muốn [và dĩ nhiên cũng không ai có thể bắt tôi làm điều gì tôi không thích], cộng thêm tánh hoài nghi sẵn có... vậy là đủ điều kiện để hình thành một phong cách [tạm hiểu là thế] phóng khoáng như trên đã chỉ ra. Nhưng tôi nghĩ, dù ở bất cứ môi trường, không gian hay thời điểm nào cũng đều có 2 loại người phóng khoảng & bảo thủ. Bởi tôi biết nhiều người Việt được giáo dục & sanh hoạt trong một môi trường văn minh, dân chủ như Mỹ hoặc châu Âu mà vẫn luôn tỏ ra là một phần tử phản động vì quá lạc hậu & ấu trĩ trong quan điểm, nhận thức.

+ KD: Mọi thứ đều tự thân, từ khi có ý thức tôi đã biết nhục.

+ LĐ: Tư tưởng và phong cách, cốt lõi của nó là phi chế độ. Phải nghĩ như vầy: Bất kỳ chế độ nào cũng có mâu thuẫn căn để với người cầm bút; và không khéo, nó sẽ làm cho người cầm bút [mỗi người một chế độ riêng] bị bần cùng hoá. Phải biết vượt qua sự vong thân của chính mình. Hay ít ra, phải nghĩ rằng mình đang tìm cách vượt qua sự vong thân của chính mình.

 

AĐ: Nhà văn Cherrie Moraga đã viết và tôi xin tạm dịch “Làm nghệ thuật là làm chính trị”. Các anh nghĩ sao về câu nói đó và có thấy nó có sự thật nào với Mở Miệng hay không?

+ KD: Làm nghệ thuật lại còn phải làm sao kiếm cái ăn từng ngày. Chúng tôi không rảnh mà làm chính trị, với lại, chắc không có duyên với chính trị, nếu có duyên thì đã trở thành nhà chính trị rồi, chứ đâu phải bày hày như vầy. Làm nghệ thuật là làm nghệ thuật, chẳng lẽ nói làm nghệ thuật là làm tình, làm tội, làm... làm... như vậy thì ngớ ngẩn quá!

+ BC: Không biết ở chỗ khác thế nào, chứ ở Việt Nam thì cũng có lí lắm chứ. Vì ở một môi trường như thế này, tôi nghĩ không có thứ gì mà không liên quan đến chính trị. Thay vì nói như Cherrie Moraga, tôi nói: Ở Việt Nam thì phải làm nghệ thuật như làm chính trị [nghĩa là không phải làm chính trị]... Không riêng gì Mở Miệng, nhiều nghệ sĩ khác đôi lúc cũng thế. Tức cũng có tác phong như một nhà chính trị, phải biết khôn khéo để không bị trù dập, cướp công, cô lập... trước những tập đoàn văn nghệ theo kiểu mafia đang tồn tại công khai hiện nay.

+ LĐ: Khái niệm về chính trị cũng rộng lớn như khái niệm về sự ngu dốt của con người. Mà đâu là giới hạn của sự ngu dốt thì có trời mới biết. Nói như một bài thơ của thi sĩ Ba Lan W. Szymborska, ngay cả sự im lặng cũng là chính trị. Làm nghệ thuật và bị quy kết là làm chính trị, thì ở Việt Nam là chuyện thường ở huyện. Nhưng có một điều chắc chắn, làm nghệ thuật và làm chính trị là hai công việc khác nhau. Dù đôi lúc, kỹ thuật và thủ đoạn cũng sem sem nhau.

 

AĐ: Chính quyền Việt Nam đối xử với Mở Miệng như thế nào? Các anh có mong là một ngày nào đó Mở Miệng sẽ được công khai hay không?

+ BC: Chính quyền thì vẫn đối xử với văn nghệ sĩ như đã từng đối xử mấy chục năm qua, nghĩa là văn nghệ sĩ vẫn không được làm nghệ thuật theo ý mình, muốn công bố thì phải qua kiểm duyệt. Đấy là chưa kể nhiều trường hợp văn nghệ sĩ bị quấy nhiễu chỗ ở, công việc kiếm cơm, và những việc linh tinh khác. Tôi không nghĩ Mở Miệng có ngày được xuất hiện một cách công khai, không phải chúng tôi không lạc quan, mà bởi vì nếu Việt Nam tiến bộ như thế thì chúng tôi cũng không cần phải xuất hiện nữa. Lúc đó sự có mặt của Mở Miệng cũng chẳng có ý nghĩa gì.

+ KD: Thì vẫn sống như mọi người, có ăn nếu có tiền [thường là không có tiền], không có tiền thì đi ăn chực, được cái đấy là hay, đi ăn chực. Chật vật với cái ăn để Mở Miệng, không còn khoảng để mong ngóng, nghĩ ngợi.

+ LĐ: Chính quyền mà chị nói, chẳng qua là công an văn hoá, là các cơ quan quản lý văn hoá. Còn các cơ quan pháp luật này nọ thì họ đâu có quan tâm tới thơ, với họ ai chết nấy chịu [nếu phạm luật]. Nhìn diện chung, họ [tức công an] cũng đối xử với chúng tôi giống như các cây bút tiến bộ khác thôi, bề ngoài thì tỏ ra thờ ơ, chẳng quan tâm, nhưng bên trong thì tìm cách chụp mũ, xuyên tạc này nọ. Tôi biết được điều này, là vì tôi có một vài đứa em giang hồ là công an văn hoá.

 

AĐ: Được biết các anh đã tổ chức một vài đêm đọc thơ nhưng sau đó bị cấm, anh nghĩ vai trò của những đêm thơ như vậy có quan trọng không?

+ BC: Cũng chẳng quan trọng gì. Vì không ai lại đi tổ chức những đêm thơ khi muốn mình trở thành một cái gì đó, ý tôi nói là những đêm thơ thì chẳng mang lại điều gì quan trọng cho các nghệ sĩ. Trừ khi họ chỉ thực sự tồn tại bằng những đêm thơ.

+ LĐ: Ở Việt Nam, tìm một chỗ đọc thơ còn dễ hơn tìm một chỗ ở trọ. Tất cả các báo đài đều in thơ, đều phát chương trình thơ mà. Mỗi năm có hàng nghìn tập thơ được in, hàng triệu bài thơ được viết ra và hàng chục ngàn bài thơ được đọc trước ai đó... Có điều, có những buổi đọc thơ được trả tiền nhưng rất chán, còn những buổi bị cấm nhưng rất vui. Với Mở Miệng, vui là quan trọng.

+ KD: Vậy cũng đủ ý rồi.

 

AĐ: Những ai là cộng tác viên thường xuyên của Mở Miệng?

+ BC: Tất cả những ai thực sự muốn Mở Miệng, vì khi đã có nhu cầu thì làm sao có thể ngăn cản. Mà Mở Miệng thì luôn rộng mở... nhưng xét lại thì không ai là cộng tác viên, tất cả họ đều là Mở Miệng. Bởi Mở Miệng không nhất thiết chỉ có 4 người.

+ LĐ: Câu hỏi này khó ghê, vì Mở Miệng đâu có chính thức lập ra cầu nối với cộng tác viên. Vì thế, nếu nói ai đó là cộng tác viên thì sợ người đó phật lòng, có khi họ còn chối nữa chứ.

+ KD: Không biết.

 

AĐ: Bạn đọc ở Mỹ muốn kiếm bản Xerox của Mở Miệng thì có thể liên lạc với ai?

+ BC: Liên lạc qua email với Mở Miệng, khi nào thuận lợi thì có thể đọc trực tiếp bằng bản Xerox. Không thì chịu khó đọc bằng attach files vậy [attach files thì miễn phí].

+ LĐ: Tôi cũng nghĩ thế.

+ KD: Uh! ừ...!

 

AĐ: Ngoài những xuất bản kiểu Mở Miệng, ở Việt Nam, thơ của các anh có khó đăng ở các nơi khác không?

+ BC: Cũng không khó gì, vì muốn in chỗ khác thì phải viết khác – đó là luật. Còn viết kiểu Mở Miệng thì chỉ in kiểu Mở Miệng mà thôi, đây cũng là cái giá phải trả [mà lại quá rẻ] cho một sự lựa chọn.

+ KD: Ở Việt Nam thì “không có gì khó” nếu biết cách ... lươn lẹo... hì hì...

+ LĐ: Nếu chịu khom xuống trước lưỡi dao biên tập. Mà bọn biên tập thì biết rồi, đa phần là hèn nhát, bảo thủ và đần độn. Từ lâu rồi tôi không thích khom; bởi nếu tôi khom, họ sẽ thiến không còn một xu lẻ tác phẩm nào.

 

AĐ: Chính quyền Việt Nam khắt khe như vậy, sách ở Việt Nam chắc là khó tìm, anh lấy cảm hứng sáng tác ở đâu?

+ BC: Sách cũng là một cách để gợi cảm hứng, nhưng không nhiều lắm đâu. Còn nhiều phương pháp khác để có cảm hứng từ đời sống này, nếu cần có thể lấy cảm hứng từ sự khắt khe của chính quyền. Tôi thấy nhiều khi không phải chuyện cảm hứng, mà có dám nghĩ hay không mới là điều quan trọng. Cảm hứng thì Mở Miệng chưa bao giờ thiếu.

+ KD: Viết bằng sách hay bằng kiến thức ư! Tôi nghĩ sách chỉ để đọc cho vui, kiến thức chỉ để son phấn. Viết như Mở Miệng, làm gì có kiến thức mà viết. Viết bằng đời sống này, giữ nguyên hiện trạng không bôi xoá! Kiến thức luôn đến sau viết.

+ LĐ: Tôi nghĩ một người làm thơ chỉ cần khoảng 400 cuốn sách cơ bản là đủ, mà với con số này, ở Việt Nam dư sức đáp ứng. Những mafia sách ở Việt Nam rất giỏi, họ sẵn sàng cung cấp bất cứ thứ gì ta cần. Tất nhiên, ta phải có tiền hoặc có tình để trả cho họ. Nhưng đâu phải cứ đọc sách là làm thơ được, như chị cũng đã biết, có nhiều người giữ thư viện ở Mỹ mà có làm thơ được đâu. Với lại, đây là thời buổi thông tin mà, một thằng nhảm nhí nào đó bị bắt làm con tin ở tận sâu trong sa mạc, cả thế giới đều biết. Vậy thì một cuốn sách hay, sách có vấn đề thì giấu đi đâu cho được. Cái vấn đề bây giờ không phải là thông tin, mà là xử lý thông tin.

 

AĐ: Các anh muốn Mở Miệng có vị trí nào trong thi ca Việt Nam?

+ LĐ: Chẳng lẽ chúng tôi muốn là làm được điều này sao. Chúng tôi không muốn ngồi vào chỗ này chỗ nọ đâu! Với thi ca [cũng như giáo dục] Việt Nam hiện nay, tham vọng duy nhất là làm sao kiếm được chiếc đũa thần và một tỷ lời ước... sau đó mới tính tiếp được.

+ KD: Vị trí có quan trọng và cần thiết lắm không? Ngoài vị trí trong và của thi ca Việt Nam thì cũng là vị trí. Vị trí chỉ là vị trí, nó chẳng cho ta một thực tế, một hiểu biết hay một ý nghĩa nào khác, tôi không quan tâm.

+ BC: Vị trí của những người Mở Miệng, dĩ nhiên. Nếu ngày nào đó có một tập đoàn văn chương [kiểu mafia] bắt chúng tôi phải chọn một chỗ để ngồi [hoặc đứng thì tuỳ] trong một ngôi nhà thi ca nhạc nhẹ [chắc cũng giống nhà tù] thì mới thấy một vị trí để Mở Miệng sẽ lợi hại như thế nào – trong lúc cả ngàn kẻ phải chịu câm mồm.

 

AĐ: Kế hoạch tương lai gì của Mở Miệng?

+ BC: Thì tiếp tục làm việc và cho ra đời tác phẩm. Riêng tôi, từ đây đến 2010 – ít nhất một tác phẩm mỗi năm. Đây là kế hoạch đã được chuẩn bị, chỉ cần thời gian.

+ KD: Tất nhiên làm thì phải có niềm tin, sắp tới tôi sẽ ra tập mới, Bùi Chát cũng thế. Rồi sẽ làm tập các nhà thơ trẻ Sài Gòn (in chung). Ngày càng có nhiều kẻ “ngu” như Mở Miệng mà.

+ LĐ: Tất nhiên là tiếp tục làm ra những tác phẩm, và tiếp tục nghĩ về một tương lai không bao giờ có thật.

 

AĐ: Các anh muốn Mở Miệng nhắn lại điều gì với bạn đọc ở Mỹ?

+ BC: Nếu muốn có hình và chữ ký của Mở Miệng, hãy gửi thư & tem về địa chỉ của La Hán Phòng.

+ KD: Cám ơn các bạn! Chúc mọi điều tốt lành . Rủi mà không tốt lành thì cũng sống, và ráng chịu nhé... hì hì...

+ LĐ: Nếu ở Mỹ có gì vui, thì rủ bọn tôi sang chơi. Chúc các bạn bình an và vẫn nhớ mình là ai. Đừng để cuộc đời mình, nói như kiểu em nhỏ [cách gọi trân trọng của Mở Miệng] W. Shakespeare: “Life’s but a walking shadow, a poor player / That struts and frets his hour upon the stage / And then is heard no more. It is a tale / Told by an idiot, full of sound and fury, / Signifying nothing”. (Macbeth, V.v. 23-27).

 

AĐ: Xin chào và chúc các anh sức khoẻ.

 

12/2004

 

------------------------------------------

Xin bấm vào link này để xem thông báo chi tiết của Viện Goethe Hà Nội:

Giao lưu với nhóm thơ trẻ "Mở Miệng" (6 giờ 30 chiều thứ Sáu, ngày 17.6.2005, tại Trụ sở Viện Goethe Hà Nội, 56-58 Nguyễn Thái Học)


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021