thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Chơi trò đu dây

 

Chúng tôi bịt mắt lại, hoặc nhìn băng ra ngoài xa, tuyệt đối không nhìn xuống dưới chân. “Nào, bắt đầu chơi nhé.” Chúng tôi bắt đầu chơi trò đu dây, hay còn gọi là đi dây, hoặc là ròng rọc, vân vân. “Chơi nhé...”

Chúng tôi sinh ra bên cạnh dòng sông, lãng mạn chưa? Cha ông chúng tôi cũng sinh ra cạnh dòng sông, định mệnh chưa? Tôi với sông, như vợ với chồng, như tình nhân mặn nồng, thật đó. Chúng tôi qua sông mỗi ngày, nhưng sông gì mà nước xiết như chạy trốn. Muốn qua sông, chúng tôi phải đi dây, vì chưa có nhịp cầu nào để nối bờ vui.

Này nhé, chúng tôi căng một sợi dây cáp, từ bên bờ này sang bên bờ kia, thật chắc chắn, và, bắt đầu chơi. Lúc đầu, mỗi đứa nhảy lên, bám vào sợi cáp, đu một cái, từ từ trượt qua bên kia, như dạo chơi giữa thiên đường. Sau đó, bạn tôi phát hiện ra rằng như thế thì dễ xước da, rát thịt. Tôi lấy dây rừng, đan lại thành một chiếc gióng treo, rồi ngồi vào đấy, quờ chân xuống đạp một cái, thế là bay qua sông. Chúng tôi bay qua sông, qua núi đồi, qua thảo nguyên mênh mông...

Chúng tôi sinh ra ở đây một cách tình cờ, cả trò chơi này nữa, cũng tình cờ nốt. Bạn nói: “Nếu một ngày nào đó, không còn được bay qua sông nữa, kể cũng buồn!” Tôi nghĩ, có ai lại đi cấm một trò chơi vui vẻ? Cả đất nước này, ai cũng có trò chơi, ai cũng được chơi, mà trò đi dây này, có phải riêng chúng tôi chơi đâu? Tôi biết, có một nơi nào đó, không có dây, người ta bắc hai cây tre song song qua suối, người nào muốn qua, phải bước đều hai chân trên hai cây ấy, dạng háng ra như rô-bốt. So với trò đi dây, trò dạng háng nguy hiểm hơn nhiều, vì nếu không khéo, bạn sẽ bị rách háng...

Cũng có người chật vật lắm mới qua suối được. Cũng có người bị trẹo chân rách háng mà không dám nói ra, im lặng với vết thương thầm kín. Chơi được, chịu được, phải không? Tôi và bạn tôi vốn nhát, không dám mạo hiểm, chỉ thỉnh thoảng đu dây qua suối, đã thấy mình can đảm lắm rồi. Chúng tôi vừa bay vừa chuyện trò, thấy cuộc đời vẫn đẹp, vẫn đáng tận hưởng. Nhưng rồi cũng có khi không đẹp, hoặc không vui lắm, đó là khi dây đứt. Tôi và bạn đâm thẳng xuống sông, như một chiếc máy bay bị trúng hoả tiễn. Tôi nghĩ “thôi hết, có khi là chết cũng nên.” Nhưng dù sao, có chết cũng phải chết vui, tôi hát:

“Nhưng ngươi, trong cánh tay trẻ khoẻ của ta,
Và chúng xoắn lên điên cuồng ở trước ngực.
Trong bóng đêm, vực không đáy mở ra và nuốt trọn chúng ta,
Nếu ngươi chìm xuống, hãy cười, ta sẽ theo ngươi,
Và thì thầm với ngươi: 'Đi xuống! Đi xuống với ta! Đồng chí!'”

Bạn tôi cũng hát vang bài ca ngớ ngẩn ấy mà không nhớ là của ai...

Sau tai nạn là thăm hỏi, chúng tôi có nhận được quà, trước ống kính truyền hình. Tôi ôm bịch quà vào ngực, nước mắt hai hàng thổn thức: “Vô cùng biết ơn...”.

Rồi vêt thương lành, chúng tôi quay về bến sông xưa. Tôi sợ, không dám chơi tiếp. Dù vậy, bến sông vẫn rất đông người. Thì ra, trong khi chúng tôi đi vắng, con cháu chúng tôi lại tiếp tục đi dây...

Tất nhiên, bọn nhỏ chơi rất sành điệu, hơn lớp cha anh lóng ngóng chúng tôi nhiều. Chúng trượt như bay, nhìn hoa mắt, chóng mặt. Chúng làm những cái gióng treo chắc chắn, cả nhóm chui vào cùng trượt, cùng bay. Chúng vỗ tay và hát:

“Nhưng ngươi, trong cánh tay trẻ khoẻ của ta,
Và chúng xoắn lên điên cuồng ở trước ngực.
Trong bóng đêm, vực không đáy mở ra và nuốt trọn chúng ta,
Nếu ngươi chìm xuống, hãy cười, ta sẽ theo ngươi,
Và thì thầm với ngươi: 'Đi xuống! Đi xuống với ta! Đồng chí!'”

Cây trên bờ, nước dưới sông cùng vỗ tay, hoà nhịp, như một bản hùng ca hoành tráng từ thời nảo thời nào vọng đến...

Bến sông chỗ chúng tôi chơi đông vui lắm. Người tứ xứ kéo về xem. Người ta mở hẳn một cuộc thi đu dây qua sông nhằm tìm ra người dũng cảm và khéo léo nhất để vinh danh. Bọn trẻ hào hứng vô cùng. Nghe đâu, tên người thắng cuộc sẽ được lấy để đặt tên cho dòng sông này. “Rồi thì chúng mình sẽ đi vào lịch sử dân tộc như những vĩ nhân,” một đứa thì thào như vậy. Càng gần đến ngày thi, càng náo nức. Ai sẽ là người thắng cuộc? Tên ai sẽ sống muôn đời cùng với núi sông đây? Ai cũng chắc mẩm: Một đứa nào đó trong lũ trẻ bản địa sẽ đoạt giải nhất, chứ sao nữa, chúng tập luyện hàng ngày, hàng tháng, hàng năm!

Tôi cũng háo hức không kém, nếu không bị tai nạn, nếu không bị thương tật, tôi cũng sẽ tham gia, biết đâu, tên tuổi sẽ ghi vào sông núi.

Thể lệ cuộc thi được dán ngay gốc cây cạnh bờ sông: “Cuộc thi nhằm tôn vinh sức mạnh, sự khéo léo, lòng can đảm, sự quả cảm, nhằm tìm ra người xứng đáng nhất để đặt tên cho dòng sông quê hương”. Bao nhiêu là náo nức đợi chờ, rồi đến ngày khai mạc. Trời đẹp lắm, sông hôm nay cũng đẹp, các vận động viên bồn chồn đợi đến lượt mình. Khán giả khắp mọi miền đất nước ùn ùn kéo đến như trẩy hội, lại thêm truyền hình trực tiếp cho cả thế giới cùng xem. Chẳng khác gì một thế vận hội, nghiêm trang, long trọng.

Ai sẽ là người chiến thắng? Chưa biết!

Nhiều khán giả đặt cược cho một vận động viên da nâu mắt sáng có động tác thuần thục như một nghệ sĩ xiếc tài ba. Bình luận viên thì không ngại ngần so sánh động tác đu dây của chàng trai trẻ với tư thế của Thánh Gióng khi cưỡi ngựa sắt bay về trời, vẻ đẹp đầy chất sử thi bi tráng...

Không được dự thi, tôi ngồi dưới một bụi cây theo dõi. Đang đến hồi gay cấn nhất, tôi phát hiện ra có một nhân vật bí ẩn cũng đang đứng cạnh, dõi mắt theo từng vận động viên. Tuy ông ta hoá trang rất kỹ, như một vị hoàng đế vi hành, tôi vẫn nhận ra đó là một yếu nhân. Hai vệ sĩ đứng phía sau, như những người tình cờ ghé vào xem, nhưng mắt mũi đầy vẻ căng thẳng. Ông ta là ai? Đến đây để làm gì? Tôi thắc mắc mãi nhưng không biết hỏi ai, tất cả mọi người đều đang hướng mắt về bên kia sông, nơi vận động viên mới vừa kết thúc xong bài biểu diễn nhào lộn có một không hai. Chợt vị hoàng đế kia quay lại nói với hai người đi cùng đang đứng sát sau lưng: “Vui đấy, nhưng về nghệ thuật thì chưa bằng tiền nhân được!”

Cuộc thi kết thúc, chàng trai mắt sáng da nâu đu dây huyền thoại được vinh danh, nhưng khi ban giảm khảo hỏi kỹ, thì chàng lại không có tên, vì vậy không thể lấy tên chàng để đặt tên cho sông như kế hoạch ban đầu được. Cuối cùng, như thường lệ, người ta lấy tên một vị hoàng đế đặt tên cho dòng sông. Nhưng do vị hoàng đế đó băng hà đã lâu, tên lại dài loằng ngoằng khó nhớ, nên dân hai bên bờ vẫn gọi sông ấy là sông Đu Dây hoặc sông Dạng Háng.

Nào, chúng ta cùng chơi nhé, hãy nhắm mắt lại...

 

 

 

-------------

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021