thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thiên An Môn và máy thời gian

 

(nhiếp ảnh: Jeff Widener - AP)

 

THIÊN AN MÔN VÀ MÁY THỜI GIAN

 

Ý tưởng về du hành xuyên thời gian đã thu hút hàng triệu người trên thế giới. Thuyết tương đối mà Albert Einstein công bố năm 1905 đã tạo ra tiếng vang trong giới khoa học, đặt ra câu hỏi: “Liệu con người có thể du hành xuyên thời gian?”

Tôi là một trong những người bị ám ảnh về vấn đề này. Vì thế tôi đã bắt tay vào chế tạo một cỗ máy thời gian ngay sau khi một khoa học gia tuyên bố thời gian và không gian có thể bị ảnh hưởng bởi từ trường. Các thí nghiệm của ông về điện áp cao cùng với từ trường giúp khám phá rằng thời gian và không gian có thể bị biến dạng, tạo ra khả năng dẫn đến một thời điểm khác.

Và sau bao nhiêu cố gắng miệt mài, tôi đã thành công. Chiếc máy của tôi có hình viên đạn, cao 3m, rộng 2m, sử dụng lực đẩy bằng điện từ trường. Đó là năm 1930.

Trong chuyến thử nghiệm, tôi đã trở về quá khứ và được chứng kiến cuộc thảm bại của Napoleon ở Waterloo. Vì thế trong chuyến du hành chính thức, tôi sẽ đi tới tương lai. Tôi quyết định chọn Trung Hoa, đất nước từ lâu đã mê hoặc tôi bởi cuốn hồi ký của Marco Polo, người châu Âu đầu tiên đặt chân lên xứ sở này.

Tôi bèn ngồi vào máy và bấm nút “Trung Hoa” với thời điểm hú họa là 1949. Thế rồi, sau một thoáng gần như tê liệt, tôi đột nhiên thấy mình xuất hiện trước một toà nhà lớn. Từ trong đó hối hả đi ra một nhóm người mặc quân phục, đi đầu là một vị tướng người dong dỏng có đôi mắt sáng quắc.

- Các ông đi đâu vậy? Tôi hỏi.

- Chúng tôi phải sang Đài Loan. Cộng quân đang tới.

Ông ta đáp rồi cùng đám quân nhân lên một chiếc xe nhà binh đậu gần đó và ra đi. Không lâu sau, tôi thấy nhiều toán quân ôm súng rầm rập bước trên đường, vẻ đằng đằng sát khí, miệng hô vang:

- Cách mạng muôn năm! Chủ nghĩa Cộng sản muôn năm!

Nhìn thấy tôi, người chỉ huy quát tháo:

- Ngươi từ đâu tới?

- Tôi đến từ nước Pháp. Ông là ai vậy?

Tôi hỏi. Ông ta chỉ tay vào ngực:

- Ta là Mao Trạch Đông, lãnh tụ cách mạng.

- Các ông đang làm cách mạng gì vậy?

- Cách mạng vô sản.

- Cách mạng này giống như bên Liên Xô, đúng không?

- Đúng vậy. Đây là cuộc cách mạng vĩ đại, nhờ nó mà nhân dân sẽ được sống trong ấm no, hạnh phúc, không còn cảnh người bóc lột người.

- Liệu cuộc cách mạng này có thành công không?

- Sao lại không?

Ông ta đáp, giọng quả quyết. Tôi bảo:

- Hẹn gặp lại Trung Hoa 40 năm sau.

Rồi tôi trở lại vào máy thời gian, bấm “Trung Hoa 1989”. Sau một thoáng hầu như tê liệt, tôi chợt thấy mình đang ở trong một quảng trường rộng lớn tên là Thiên An Môn. Ở đây đang tập trung hàng vạn thanh niên, nam có, nữ có. Tôi hỏi họ:

- Chuyện gì đang xảy ra vậy?

- Chúng tôi là các sinh viên, công nhân… từ mọi miền đất nước, chúng tôi tới đây để biểu tình phản đối nạn tham nhũng và độc tài đảng trị.

Một người trong số họ đáp, xưng tên là Vương Duy Lâm.

- Mao Trạch Đông bây giờ thế nào?

Tôi hỏi tiếp. Vương đáp:

- Tên bạo chúa ấy chết lâu rồi.

- Các bạn không hài lòng với chế độ này à?

- Không hề. Đó là một chế độ đáng ghê tởm. Nó xem dân như nô lệ.

Góc đằng kia, nhiều người đang chăm chú lắng nghe một người diễn thuyết. Ông ta độ ba mươi tuổi, dáng dong dỏng và đầy vẻ trí thức. Vương bảo đó là giáo sư Lưu Hiểu Ba vừa từ Mỹ trở về để ủng hộ cuộc biểu tình.

Đúng lúc đó cả quảng trường vang dậy tiếng vỗ tay. Thì ra mọi người đang chào đón một đại khách tên là Gorbachev. Ông ta có vầng trán cao, đôi mắt sáng và nụ cười hồn hậu. Vương bảo tôi đó là người đứng đầu Liên bang Xô viết, đang trong chuyến thăm nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa.

Vương Duy Lâm đến bắt tay và bảo Gorbachev:

- Chúng tôi cảm phục công cuộc Đổi mới của ông và cầu chúc ông thành công.

- Chắc chắn tôi sẽ thành công.

Gorbachev mỉm cười. Vương nói tiếp:

- Cho dù ông thất bại thì nhân loại vẫn mãi mãi nhớ đến ông.

Gorbachev im lặng một chốc rồi thấy tôi là người Âu và ăn mặc hơi lạ bèn hỏi tôi:

- Ông từ đâu tới?

- Tôi từ Pháp tới.

- Pháp ư? Đó là đất nước của Jules Verne. Tôi thường đọc sách của ông ấy. Ông tới đây bằng khinh khí cầu chứ? Gorbachev hỏi đùa.

- Bằng máy thời gian, thưa ông.

- Máy thời gian ư?

Gorbachev tỏ vẻ ngạc nhiên rồi quay đi, vẻ mặt trầm ngâm. Ông ta trầm ngâm vì chữ “máy thời gian” hay vì những lời Vương vừa nói?

Vương Duy Lâm có vẻ mến tôi và bảo tôi ở lại Thiên An Môn với những người biểu tình. Tôi hỏi Vương:

- Bao giờ thì biểu tình kết thúc?

- Chúng tôi chỉ kết thúc biểu tình khi nào chính quyền đáp ứng các yêu cầu của chúng tôi.

- Các yêu cầu đó là gì?

- Đó là nhân dân phải được hưởng các quyền tự do cơ bản như tự do lập hội, tự do báo chí, tự do ngôn luận…, nhất là chính quyền phải cải cách chế độ chính trị.

- Liệu cuộc biểu tình này có đi đến thắng lợi?

Vương im lặng vài giây rồi đáp, vẻ cương quyết:

- Chúng tôi sẵn sàng hy sinh tính mạng vì một Trung Hoa tự do.

 

Một hôm kia, tôi đang ngủ thì chợt bị đánh thức bởi những tiếng la:

- Bọn chúng đã tới! Bọn chúng đã tới!

Ngay sau đó, tôi đã tận mắt chứng kiến một cuộc thảm sát kinh hoàng. Hàng ngàn quân lính và xe tăng ồ ạt tiến vào quảng trường, bắn giết xối xả những con người mệt mỏi và trong tay không một tấc sắt. Cuộc biểu tình vì tự do, công bằng đang bị dìm trong biển máu. Một cảnh vô cùng bi thương suốt đời tôi không thể nào quên.

Trong cảnh hỗn loạn, tôi vội kéo Vương Duy Lâm vào trong máy thời gian rồi bấm nút trở về nước Pháp của tôi thời điểm 1930 yên bình. Nhưng ngay khi tôi vừa gặp lại nước Pháp của mình thì Vương nằng nặc đòi tôi phải cho anh trở lại Trung Hoa. Anh nói trong nước mắt:

- Tôi muốn được cùng chết với các bạn mình.

Không thể chối từ, tôi đành làm theo ý Vương. Thế rồi, khi vừa thấy lại cố hương, Vương, một chàng trai gầy gò, nhỏ bé, đã làm một việc đáng khâm phục: Một thân một mình trên đại lộ Trường An gần Thiên An Môn, Vương đứng ngay giữa đường để chặn những chiếc xe tăng. Khi những chiếc xe bọc thép dừng thì Vương ra dấu cho chúng quay đầu lại. Chiếc xe đầu tìm cách đi vòng qua Vương để tránh anh và tiếp tục đi. Hình ảnh này nhanh chóng lan truyền khắp thé giới. Vương được gọi bằng cái tên: “Người chặn xe tăng”.

Những gì xảy đến cho Vương sau đó, tôi không hề hay biết. Anh bị giết hay vẫn còn sống ở một nơi nào đó?

Với tôi, Vương mãi mãi là biểu tượng hào hùng của biến cố Thiên An Môn.

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021