thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Cô gái Cà Mau

 

Cô gái lớn lên và làm việc ở thị trấn Cái Nước, cách thành phố Cà Mau khoảng ba mươi cây số. Tôi nhớ tên cô gái, Mỹ Hạnh, từ mười lăm năm trước, lúc Mỹ Hạnh mới chỉ là cô bé mười tuổi. Tôi nhớ mãi tên tuổi Mỹ Hạnh, để tới hôm nay tôi mới gặp Mỹ Hạnh bằng xương bằng thịt, một thiếu nữ xinh xắn, tài hoa, lạ lùng, như tôi đã được biết qua người bạn Cà Mau.

Người bạn Cà Mau chính là cha cô bé mười tuổi, tôi gặp cách đây đã mười lăm năm, khi anh có công việc về Sài Gòn. Anh là bạn cùng khoá sĩ quan trừ bị Thủ Đức với tôi, hai tân binh cùng trung đội trong quân trường, thân thiết với nhau một bước chẳng rời. Nhưng tới khi mãn khoá, mỗi người về một đơn vị, cho tới mãi sau này mới gặp lại. Cái lần gặp lại duy nhất đó, rồi mười lăm năm trôi qua, và nay tôi mới biết anh đã ra người thiên cổ từ lâu rồi. Cũng còn an ủi cho tôi, có Mỹ Hạnh, để tôi thấy mỗi lần trở lại Cà Mau còn có chút gì như là tình sâu nghĩa nặng.

Xuống Bạc Liêu dự đám xả tang người mẹ vợ đứa em, sáng hôm sau trời chưa rạng, tôi đã vội đi Cà Mau gặp Mỹ Hạnh. Nghĩa là tôi đã gặp Mỹ Hạnh lần đầu, trước lần thứ hai này chỉ một tuần lễ. Lần đầu tiên đó, Mỹ Hạnh được nghỉ phép một hai ngày, còn lần này tôi phải tìm đến chỗ làm việc của Mỹ Hạnh, tức cơ quan đài truyền thanh của huyện, đặt tại thị trấn Cái Nước.

“Cơ quan của cháu có cái cột ăng-ten cao nghều nghệu, chú qua khỏi cổng chào thị trấn Cái Nước là ngó thấy liền à...” Mỹ Hạnh căn dặn tôi như vậy. Ấy vậy mà, rõ ràng tôi ngó thấy cái cột ăng-ten cao nghều nghệu, mà đi tìm hoài chưa ra “Đài truyền thanh huyện Cái Nước”. Cái đài truyền thanh huyện lỵ thì có phải là cái gì bí mật đâu, ngược lại là đằng khác, bởi ông nhà nước cộng sản cần thiết nhân dân của ổng biết tới đài truyền thanh càng nhiều càng tốt. Đài truyền thanh tức cơ quan tuyên truyền (tới) nhân dân (của) đảng và nhà nước mà.

Tất nhiên rồi cũng tìm ra, đài truyền thanh huyện Cái nước nằm núp sau mấy dãy nhà ngang dọc tùm lum của thị trấn. Không gặp cô phóng viên Mỹ Hạnh. Một chàng khoảng ba chục tuổi, sau tôi biết là ông trưởng đài truyền thanh huyện Cái Nước, biểu: “Mỹ Hạnh đi tới mấy xã lấy tin...” Tôi hỏi mấy xã đó có gần đây không, ông trưởng đài cho biết khoảng vài ba chục cây số thôi mà! Tôi lại hỏi, Mỹ Hạnh đi lấy tin bằng phương tiện di chuyển nào? “Cổ đi bằng xe đạp!” Đã cất công xuống tận thị trấn Cái Nước thì phải đợi gặp Mỹ Hạnh, dù đợi mệt nghỉ, tôi tìm một quán cà phê gần đài truyền thanh ngồi đợi.

Tất nhiên đợi chờ một cách lặng lẽ, tôi tìm một quán khuất tầm nhìn của ông trưởng đài, và con mắt của bất cứ ai có thể tò mò dòm ngó tôi chờ đợi cô phóng viên Mỹ Hạnh. Lúc tôi hỏi Mỹ Hạnh, ông trưởng đài đã nhìn tôi bằng ánh mắt khá khó hiểu, nghĩa là khá khó chịu. Tôi đợi Mỹ Hạnh rất lâu. Đổi vài ba quán cà phê, chứ “ngồi đồng” ở một quán thì cũng tự thấy kỳ. Và thỉnh thoảng rời quán (đã có cái túi-dết để lại chỗ ngồi làm tin), tôi tới chỗ ngó được vào đài truyền thanh, không thấy cái xe đạp nào, để biết là Mỹ Hạnh đi lấy tin chưa về. Ông trưởng đài đã cho biết: “Cổ dzìa là dzô dziếc (viết) tin chớ hổng còn đi đâu nữa.” Tới xế chiều mới thấy cái xe đạp dựng ngoài cửa căn nhà một lầu, gọi là cơ quan đài truyền thanh huyện Cái Nước. Nghĩa là tôi đợi cô phóng viên Mỹ Hạnh gần một ngày trời.

“Bình thường, đi lấy tin cũng không lâu dữ vậy. Bị bữa nay ở xã Phú Hưng có buổi tổng kết phong trào thực hiện nếp sống văn hoá mới, sanh đẻ có kế hoạch. Cháu đi viết tin, chỉ mang theo giấy bút và cái máy thu âm. Mà ở đó họ cứ đòi phóng viên phải mang theo cái máy ghi hình! Bởi vậy cháu phải lộn trở lại cơ quan, mượn cái máy chụp hình của đài...” “Vậy trong sáng nay cháu đạp xe đạp tới xã Phú Hưng, rồi lại đạp xe ngược trở lại đây?” “Như vậy thì đâu kịp, cháu quá giang xe gắn máy của anh xã đội trưởng Phú Hưng về đây lấy máy hình, rồi trở lại đó mới kịp chớ.” “Thế chụp hình để đăng lên chỗ nào của cái đài truyền thanh?” Mỹ Hạnh cười chịu trận bằng cái cười nhẹ nhàng, nói: “Họ ưa vậy, có phóng viên mang máy chụp hình tới cho oai, chớ họ hổng cần biết có đăng hình được chăng. Nếu cháu gửi tin bài có hình lên báo thành phố Cà Mau, thì mới lên hình đặng.”

Tôi vẫn ngạc nhiên, dù đã biết từ lần gặp trước, cô gái vừa tài hoa lạ lùng, vừa có trình độ có học vấn như Mỹ Hạnh, lại chịu làm việc ở cái gọi là đài truyền thanh huyện Cái Nước. Tôi ngẫm nghĩ, mỉm nụ cười un certain sourire mà rằng: từ lúc lên mười, cô con gái người bạn Cà Mau đã phát tiết tài hoa và rất lạ lùng rồi! “Cháu viết một cái tin, đài truyền thanh trả nhuận bút được bao nhiêu?” “Từ mười tới mười hai ngàn. Còn tin bài đó được báo đài tỉnh đăng, thì nhuận bút khoảng ba bốn chục ngàn.” “Thế thì cháu đưa lên đài huyện xong, gửi báo đài tỉnh lãnh thêm nhuận bút cao hơn, cũng tốt. Như vậy sẽ được khoảng trên dưới năm chục ngàn, phải không?” “Gởi lên thành phố thì phải gởi qua một anh xe “Honda ôm”, cũng mất ba bốn chục ngàn đồng. Ai thích đăng trên báo đài tỉnh lấy tiếng thì mới gởi, chớ lãnh tiền nhuận bút mà đã phải trả tiền xe ôm là huề.” “Gia đình cháu sống có ổn không? Má cháu có còn làm việc gì không?” “Má cháu đã gần sáu mươi rồi, hổng làm được chi nữa. Gia đình sống qua ngày cũng nhờ cô cậu, dì út của cháu gửi tiền về phụ giúp. Anh chị em của ba má cháu đều có người ở Mỹ, Canada, Úc... Cái áo thun bữa hổm chú khen đẹp, ở bển gửi về đó...”

Bữa hổm là cái bữa tôi gặp Mỹ Hạnh lần đầu, cách nay mới chỉ một tuần lễ.

Tôi ngồi uống bia một mình trong cái quán màu mè quê mùa mà khá thú vị, trên một dòng kinh ở Đầm Dơi. Bàn gần bên, một đám thanh niên nhậu nhẹt ca hát rất vui nhộn, dễ thương. Tôi nghe họ phát âm R thành G: “Mình ên (một mình) nhậu hết mười con cá g(r)ô kho tộ chưa thấy ngán!” Tôi chú ý, có một cô gái không phát âm R thành G, không nói “mình ên” như các bạn. Tôi nghĩ cô gái ấy có lẽ không phải người Cà Mau.

Cô gái ấy vận cái áo thun in hàng chữ PINK ISN’T JUST A COLOUR, IT’S THE ATTITUDE. Một cô gái xinh xắn và lạ lùng, vẻ không buồn không vui, hao hao giống cô ca sĩ Francoise Hardy tôi rất ưa cả sắc lẫn tài ca từ thuở tôi còn trẻ. Cô gái ấy bỗng rời bàn, tới chào tôi và nói: “Xin phép chú cho cháu hỏi, có phải chú là chú Nguyễn Đạt?” Rồi gương mặt không rõ buồn vui ấy nhoà lệ khi tôi hỏi thăm bạn tôi, cha của Mỹ Hạnh, vì cô gái ấy chính là Mỹ Hạnh. “Ba cháu mất từ hồi đó, khi cháu đâu chừng mười, mười một tuổi... tức là sau chuyến ba cháu đi Sài Gòn, có gặp chú, chụp chung tấm hình kỷ niệm đó. Về Cà Mau ít lâu rồi bị bịnh sơ sơ thôi, dè đâu ba cháu mất. Suốt mười mấy năm cháu ngó đi ngó lại tấm hình, có lẽ vì vậy cháu nhận ra chú. Mà thấy chú cũng không khác gì mấy, gương mặt vẫn vậy, hơi phong sương một chút, râu tóc bạc vậy thôi...”

Lần gặp đầu tiên, chúng tôi nói chuyện suốt buổi nhậu, nghĩa là tôi nhập chung bàn nhậu với đám bạn của Mỹ Hạnh. Đây là những người bạn của Mỹ Hạnh ở thành phố Cà Mau, không phải bạn trong cơ quan đài truyền thanh huyện Cái Nước. Mỹ Hạnh kể chuyện tùm lum, chuyện cơ quan với buồn vui lẫn lộn, với cái xấu cũng như cái tốt, thì vẫn chất giọng kể lúc trầm lúc bổng như một điệu nhạc. Tôi dám nói Mỹ Hạnh sống trong một bản hoà âm, với tâm hồn nghệ sĩ phong phú, lớn lao. Mỹ Hạnh kể chuyện gì cũng hào hứng cũng phấn khởi cũng hồn nhiên, làm tôi nhớ từng đọc văn của tác giả nọ, liên tưởng khi nhà văn xúi người ta đi vào cõi chết, người ta cũng hân hoan bước vào.

“Nhưng sao cháu được phân công viết tin viết bài, nghĩa là làm phóng viên, mà cháu lại làm cả những công việc kỹ thuật của đài như thu thanh như sửa loa phóng thanh... lại dám trèo lên cột đèn điện sửa chữa cái loa câm loa rè nữa?” “Cháu ưa làm việc, việc gì cũng làm, việc càng khó càng ưa làm coi sao... Thấy ai ngần ngại công việc của chính họ, cháu cũng sung vô làm thay, rồi thấy thương cảm chớ hổng phải là thương xót cho người đó...” Tôi nhìn cô gái, đúng là cô bé tài hoa phát tiết lạ lùng, con người bạn Cà Mau của tôi.

Người bạn cùng khoá học quân trường thân thiết nhất của tôi cũng lạ lùng, ở chỗ nếu anh không nói cái lý lịch khai sinh tại Cà Mau thì không ai biết anh là người Cà Mau. Tôi nhớ lại thời gian ở quân trường, những buổi di hành, dừng chân ngả lưng trên đồi Tăng Nhơn Phú - Thủ Đức, anh say sưa đọc thơ Apollinaire mà anh thuộc lòng thuở học trường Tây tại Sài Gòn. L’amour s’en va, comme la vie est lente, et comme l’espérance est violente... Và biết anh thành hôn với cô bạn học cùng lớp trường Tây, người Sài Gòn, ngay sau khi chúng tôi mãn khoá học ở quân trường. Anh có ba người con, Mỹ Hạnh là con thứ.

“Lương hướng của cháu ở đài truyền thanh huyện Cái Nước ra sao, có đủ cho cháu tự túc chứ?” “Đủ cho một người Sài Gòn như chú ăn điểm tâm, còn tặng đứa em út cho nó mua những dĩa nhạc ca vọng cổ. “Ủa, em cháu thích nghe ca vọng cổ lắm hả?” Mỹ Hạnh cười rất tươi, nói: “Ở Cà Mau ai cũng thích nghe ca vọng cổ, nhứt là bà con nghe đài truyền thanh huyện Cái Nước. Bữa nào cái loa hư phát tiếng rè rè, bà con không nghe được chương trình ca cổ của đài, tới cơ quan kêu réo ầm ỹ. Bởi vậy cháu sẵn sàng leo lên cột đèn để sửa cái loa, mặc dầu lúc đó có đang mưa chăng nữa...”

Tôi ngó cô gái có gương mặt hao hao Francoise Hardy, hỏi: “Còn cháu có thích nghe ca vọng cổ không?” “Ca nhạc gì cháu cũng thích, nhạc Pháp, nhạc Mỹ, tân nhạc, cổ nhạc, cháu đều thích. Hồi trước má cháu hay ca nhiều bản nhạc ngoại quốc hay lắm.” Trong quán “Tám Sẳn” trên bờ một dòng kinh ở Đầm Dơi, Mỹ Hạnh đóng hai vai nam nữ, ca cho tôi nghe một bài vọng cổ khá dài... “Cháu ca thêm bài ‘Trời xanh Quảng Trị’ của người bạn cháu tên là Xuân Thơm sáng tác cho chú nghe nữa nha... Đêm Cà Mau em nhớ về Quảng Trị / Cầu Hiền Lương nối bờ Bắc bờ Nam / Cũng như em ở tận Mũi con tàu / Nối đoạn đường dài về quê anh đó. / Đêm thâu Cà Mau với đôi lời tâm sự, gởi nhớ về anh xanh bầu trời Quảng Trị, cổ thành uy nghi xanh màu lá nõn, mắt long lanh ngó muôn vì sao nhấp nháy, như bóng đèn khuya dõi mắt rọi ven... đường...

Giọng hát của Mỹ Hạnh khá hay, hát giọng trầm hay giọng cao đều truyền cảm. Tôi hào hứng, đề nghị Mỹ Hạnh hát thử một bài tân nhạc nào đó. Phải là cô gái tài hoa lạ lùng, độc nhất vô nhị ở Cà Mau, độc nhất vô nhị ở bất cứ nơi nào: Mỹ Hạnh hát bài “L’Amour s’en va”, bài hát ruột của ca sĩ Pháp Francoise Hardy tôi từng nghe suốt thời tuổi trẻ. Và sao cũng lại là “L’Amour s’en va... comme la vie est lente...” Apollinaire, người bạn Cà Mau của tôi thuộc thơ người thi sĩ từ thưở học trường Tây...

Mỹ Hạnh còn cho tôi biết, cái đài truyền thanh huyện Cái Nước có tiền thân là “Đội truyền thanh” của huyện. Vào cuối năm 1973, khi đội truyền thanh này phối hợp cùng huyện đội Việt cộng chuẩn bị tấn công chiếm đồn Vàm Đình của quân đội Việt Nam Cộng Hoà thì bị mưa pháo 105 ly và 155 ly từ Chi khu Hải Yến, nơi người bạn Cà Mau của tôi đang là chi khu phó, dội tới. Trận mưa pháo đó đã làm tắt ngúm đèn đuốc, đứt dây loa phóng thanh của đội truyền thanh Việt cộng... “Cháu nghe má cháu kể lại như vậy, khi cháu vô làm ở đài truyền thanh...”

Như dòng chữ in trên chiếc áo thun của Mỹ Hạnh đã vận khi tôi gặp lần đầu, cách đây một tuần lễ, Mỹ Hạnh đã chọn thái độ màu hồng cho cuộc đời lắm khi xám xịt. Tôi nhớ mãi cô gái có tên Mỹ Hạnh, con của người bạn thân thiết tôi chỉ gặp lại một lần rồi vĩnh biệt. Tôi còn niềm an ủi khi nhớ bạn, cô gái Cà Mau...

 

 

---------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021