thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
BÙ KHÚ TIÊN SINH [chương 7 & 8]

 

Đã đăng: [chương 1 & 2] - [3] - [4] - [5 & 6]

 

7.

 

Số điện thoại lạ hiện lên trên màn hình. Một giọng Nghệ An vang lên bên kia đầu dây. Anh ta nói có một cô gái hành nghề mại dâm bị bắt về đồn công an muốn gặp Bù Khú qua điện thoại.

— Chào bác.

— Cháu là ai?

— Cháu là Đào đây bác.

— Quê cháu ở đâu?

— Ở Long Xuyên. Lúc trước cháu ở nhà trọ bên kia sông.

Lạy trời! Cố nhân đã trở lại. Tim đập hỗn loạn. Nó đang reo vui, nhưng cũng đang nhói lên, thảng thốt.

— Bác nhớ rồi. Vậy mà bác cứ tưởng con về quê lấy chồng. Bây giờ bác có thể giúp gì cho con?

Đào khóc.

— Cha con chết rồi. Bác đến bảo lãnh con về đi. Họ cho con về nhưng con không biết về đâu.

Tiên sinh thở dài, khoác áo ra đi. Như lão Đông-Ki-Sốt già.

Người ta dẫn cô gái ra, lạch bạch, nặng nề.

Đào ngượng ngập, khép nép, cố che giấu cái bầu, dù nó hãy còn nhỏ. Một bộ đồ ngủ bằng nhiễu màu mỡ gà, một nước da tái tái, hai cánh tay gầy yếu và khuôn mặt hốc hác. Có lẽ trên đời này chỉ mình Bù Khú Tiên Sinh còn nhận ra nét đẹp nơi người đàn bà trẻ ấy. Nét đẹp đó lấn át sự tiều tuỵ, xanh xao và mệt mỏi. Cơn xúc động xoá nhoà mọi hờn trách, mọi tự ái trong quá khứ. Tiên Sinh đỡ thai phụ ngồi xuống ghế, lấy trong bọc ra một quả táo đã chuẩn bị sẵn. Đào cầm lấy, ăn từng miếng một, nhỏ nhẹ như con thỏ gặm nhấm.

— Con xin lỗi bác. Về nhà, con sẽ thưa chuyện với bác.

Tiên Sinh đưa Đào vào một quán phở. Cô gái linh hoạt hơn. Cô hỏi:

— Con có bầu xấu lắm phải không?

— Bác không quan tâm. Bác chỉ biết hiện giờ bác đã gặp con và đang ngồi trước mặt con. Đó là điều rất quan trọng.

— Bác không nghĩ là con sẽ “báo đời” bác sao?

Tiên Sinh cười, cảm thấy nước mắt mình muốn trào ra.

— Thôi con ăn đi. Lát nữa mình sẽ đi mua một ít quần áo.

Họ về nhà lúc trời tối. Không ai hay biết sự có mặt của Đào trong cái am nhỏ ấy. Thằng Tùng đang ngồi ăn mì gói sau bếp. Bé Nhung thì đang nằm võng. Đèn sáng lờ mờ ở nhà trên. Bù Khú gọi:

— Mấy đứa đâu? Có chị chúng mày về đây.

@

Cúp nước. Những cái vòi mở sẵn. Thau và xô nhựa hứng bên dưới. Suốt ngày không có một giọt. Gần sáng nhểu xuống một vài sợi như nước đái thằn lằn. Nhưng nhánh sông thì đầy nước, đục, bẩn và lợ.

Đào xách xô nhựa, đi qua chiếc cầu gỗ. Trong vườn của ông già có cái giếng cũ bám đầy rêu nhưng nước ngọt. Tại đó cô gái hai mươi tuổi làm quen với ông già.

— Sao tên của chú nghe mắc cười quá vậy?

— Biết “Bù Khú” là gì không?

— Không.

— Là tối ngày la cà, nhậu nhẹt. Mất tư cách.

— Nhưng con thấy chú cũng đàng hoàng mà.

— Coi vậy chứ không đàng hoàng đâu. Cứ thấy người đẹp là bủn rủn tay chân.

— Hèn chi nãy giờ con thấy tay chú run.

— Chú bị bất ngờ.

— Vì sao?

— Vì lúc nãy trong nhà nhìn ra, thấy có cô tiên trên trời đáp xuống.

— Đâu có cô tiên nào đâu? Là con đó.

— Con có cái miệng cười rất đẹp.

Đào làm trò khỉ, nhăn mặt cười đủ kiểu.

— Cười kiểu nào cũng đẹp. Đối với chú, con gái chỉ có cái miệng là quan trọng.

— Quan trọng như thế nào?

— Làm quen với con trai cũng là cái miệng. Hôn tỏ tình cũng là cái miệng. Nhận lời cầu hôn cũng là cái miệng.

— Chú đang tán con phải không?

— Chú xin lỗi. Già rồi mà đi tán con nít.

— Nhưng con đâu phải con nít. Con là một người nữ, còn chú là một người nam.

— Vậy chú lấy nước cho con được không?

Bù Khú bỏ cái gàu bằng nan tre xuống giếng, kéo nước lên, đổ vào xô cho Đào. Lại bỏ gàu xuống giếng. Đào hỏi:

— Nhà chú có nước máy không?

— Có. Nhưng cũng bị cúp. Nhờ vậy mà chú mới quen được con.

— Rồi chú sẽ phải hối hận.

— Tại sao?

— Vì con là một cô bé rất xạo.

— Xạo hay thực lòng không quan trọng. Quan trọng là gặp được con.

— Chú nói câu đó với bao nhiêu cô gái rồi?

— Nhiều lắm. Không kể xiết.

— Thế thì đâu có giá trị gì.

— Thì chú cũng xạo như con thôi. Chỉ có thời gian là không xạo. Hãy để thời gian giúp con.

@

Mấy tuần sau, nước lại cúp. Bù Khú ra đứng chờ ngoài giếng. Cô Lọ Lem nghèo lại bước qua cái cầu gỗ.

— Sao con không đem theo cái xô?

— Hôm nay con không lấy nước. Con đến để chào chú.

— Con đi đâu vậy?

— Con về quê, thăm cha.

— Cho chú đi theo với.

— Không được. Người ta sẽ hỏi chú là ai. Con biết nói sao?

— Con cứ nói chú là ông chủ tiệm may của con.

— Rồi tối chú ngủ đâu?

— Ngủ đâu cũng được.

— Muỗi nhiều lắm.

— Chú không cần ngủ.

— Nhưng mà không được. Có nhiều cái kẹt lắm. Con không đồng ý.

— Không đồng ý chú cũng đi.

— Biết nhà đâu mà tìm.

— Chỉ cần đến Long Xuyên là được rồi.

— Long Xuyên rộng mênh mông, sao tìm được nhà?

— Chỉ cần tới Long Xuyên và hỏi: có biết nhà cô Đào đâu không? Người ta sẽ hỏi lại: Đào nào? Đáp: cô Đào hoa hậu xứ Long Xuyên này. Là ai cũng biết.

— Thôi đừng tán nữa, Mắc cở lắm bố ơi.

Rồi Đào bỏ chạy qua bên kia sông.

@

Đào về quê bằng xe khách. Đến cầu Bến Lức giữa trưa nắng gay gắt. Bỗng nhiên nhìn qua cửa sổ thấy Bù Khú Tiên Sinh đang phóng xe máy chạy song song, còn đưa tay vẫy, cười toe toét. Đào thò đầu ra cửa xe.

— Trời ơi! Bố điên vừa vừa thôi.

— Hẹn ăn tối tại Long Xuyên.

— Bố về đi! Muốn chết hả?

— Muốn. Đến Long Xuyên rối chết cũng không muộn.

Đào thụt đầu vô, nhắm mắt. Xe tung bụi mù. Bù Khú bị bỏ lại phía sau, cười ha hả.

@

Tiên Sinh đứng hút thuốc trên bắc Vàm Cống. Trời tím. Nước sông đen, lặng im. Mình đang đi tìm cái gì vậy? Tìm ai? Trong tâm thức chỉ còn một khoảng trời buồn. Cô bé hai mươi tuổi có cái miệng dễ thương ấy dường như đang đứng tách riêng ra một bên đời sống. Tiên sinh không còn thấy hồi hộp, náo nức như hồi sáng, chỉ là một nỗi trống trải mênh mông của hoàng hôn.

Và ông theo dòng người bước lên bờ. Ông chạy xe thật chậm, như trôi dạt giữa một thành phố xa lạ, cho đến khi nhìn thấy một quán ăn có cái sân rộng. Bù Khú tấp vào đó, bấm điện thoại.

— Chú đã tới Long Xuyên, đang ngồi ở quán Mù U.

— Kệ chú. Con không sẵn sàng tiếp chú đâu. Chú đưa con vào thế kẹt. Chú về đi!

— Không sao. Chú xin lỗi con. Cứ coi như chú đi Long Xuyên chơi một mình. Tối nay chú sẽ ngủ ở khách sạn, sáng về sớm.

Rồi tiên sinh tắt điện thoại. Lòng rỗng không. Cái khoảng trống ấy đã hiện ra từ lúc ông nhìn thấy bầu trời tím khi qua bắc Vàm Cống.

Màu tím của trời bây giờ đã biến thành đen, bao trùm lên những cụm mây lẻ loi đang hấp hối.

Vỏ chai lăn dưới nền nhà, ở đó có một con chó ốm yếu uể oải nhai những mảnh xương gà. Tiên Sinh không say nhưng đầu óc mờ mịt. Đường phố như những vệt sáng đục trôi nổi trong một thứ sương chiều u ám. Đào ơi. Chú xin lỗi con. Chú vẫn khát khao một cuộc hẹn liều lĩnh như vậy. Bên trong chú vẫn tồn tại một cuộc đột kích thầm lặng và dường như là cuối cùng của cảm xúc. Les derniers assauts des sens. Đó là một con quỷ lạ mặt, chính nó đã làm phiền con, đã làm con khó xử.

Tiên Sinh tựa ngửa vào thành ghế mây, mặt ngước lên trời, khói thuốc tản mạn, vỡ vụn trong cơn gió từ mặt sông. Rồi ông cảm thấy có một cái bóng đang ngồi trước mặt mình. Một cánh tay chống cằm, một mái tóc nghiêng đổ trên vai, và một cái miệng cười như hoa nở rực rỡ.

— Bố ơi! Đã hết điên chưa?

— Hết rồi. Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát.

— Vậy là vẫn còn điên. Bố chở con về.

— Về đâu?

— Về nhà con.

— Con dám sao?

— Cứ về đi. Con sẽ thu xếp.

Đào ngồi phía sau, ôm eo ếch. Hai người đi qua những cánh đồng bát ngát và đầy gió. Những ngôi làng nhỏ lốm đốm sáng trong đêm tối dày đặc. Bù Khú cứ theo vệt sáng mờ của con đường nhựa mà đi. Đèn xe máy không đủ sáng. Nhưng tiên sinh không có gì phải vội vàng. Một lúc sau Đào chỉ tay vào những đóm đèn phía trước.

— Đó là xóm nhà con. Nhưng mình dừng lại ở đây một chút. Con muốn dặn chú mấy việc.

Hai người ngồi trên một gò đất phủ đầy cỏ mượt và cũng phủ đấy bóng tối.

— Lúc nãy con đi tìm chú bằng cách nào vậy?

— Nhỏ bạn chở.

— Rủi lúc nãy không gặp chú thì sao?

— Con biết chú sẽ đợi con.

— Tại sao?

— Vì con biết chú rất thương con. Sao chú thương con dữ vậy?

— Không dám trả lời.

— Sao Không?

— Vì chú sợ con sẽ hỏi: ”Chú đã nói câu đó với bao nhiêu cô gái rồi?”

Đào ôm ngang lưng Bù Khú, ngả đầu vào vai ông. Bù Khú nói:

— Chú sắp chết.

— Chết đi!

Bù Khú nằm ngửa trên cỏ. Đó là một cuộc hẹn được sắp đặt bởi Thượng Đế. Có bầu trời đầy sao, có bãi cỏ êm ái, có đêm yên tĩnh, bát ngát. Và có bóng tối mênh mông.

— Con thích những người đàn ông liều mạng như chú.

— Thực ra con cũng là một người rất liều mạng.

Và tiên sinh đặt một ngón tay lên môi cô gái. Đào cười, hàm răng huyền thoại của cô ánh ngời trong bóng tối. Rồi cô ngậm ngón tay của ông. Đó là ngày thứ nhất Đức Chúa Trời tạo ra vũ trụ. Ngài phán: “Nụ hôn hãy sáng lên!” Que le baiser soit! Và nụ hôn đã hiển hiện. Et le baiser fut. Đó là lời Chúa. Tạ ơn Chúa. Hallelujah!

@

Bù Khú bước vô căn nhà lá. Người đàn ông đang nằm trên võng với cây lục huyền cầm. Ông vừa đàn vừa hát:

Đêm dài nghe tiếng vọng cổ buồn,

Nức nở vầng trăng khuya cung đàn buông tiếng khóc

Tiếng gõ nhịp song lang ai oán khúc tơ lòng. Như tiếng lòng chim quyên đang đón gió thu về.

Anh giờ xa xứ bỏ quê nhà. Bỏ lại tình em bên chiếc cầu tre cuối xóm. Bỏ lại dòng sông xưa hai đứa vẫn hẹn hò. Bỏ lại vầng trăng non em thức đón anh về.

Bù Khú bước nhẹ như con mèo, tiên sinh không dám cúi chào vì sợ kinh động người nghệ sĩ. Ông ngồi xuống thềm nhà ngay ở cuối võng, mở túi xách lấy chai Hennessy ra. Đào đặt hai cái ly bên cạnh, ngồi xuống một bên khi tiếng hát nối tiếp:

Hò ơi... chín nhánh sông phù sa, mù u con bướm đặng quay về. Về đâu con nước lớn nước ròng, đìu hiu như khúc hát tình em

Hò ơi... cống cống xê xàng xê, mình ên em đứng đợi anh về. Còn thương còn nhớ bóng con đò, về nghe câu hát lý chờ mong.

Tiếng đàn lục huyền lại cất lên. Bù Khú cũng nổi máu giang hồ. Ông “vô” rất ăn nhịp cùng với người nghệ sĩ miệt vườn:

Ai đã cùng em thề câu hẹn ước, trầu cau mâm quả đưa sang đàn trai đón dâu về. Chim quyên có bạn có bầy, nỡ sao anh để lẻ bầy lòng em. Có thương có nhớ quê nhà, về mà nghe vọng cổ nhớ hoài tình em. (“Vọng cổ buồn” – Minh Vy)

Một đoạn kết song tấu ngẫu hứng mà đầy chất tri kỷ. Người đàn ông đặt cây đàn xuống, day sang Bù Khú:

— Chào bạn hiền.

— Chào anh. Rất vui được anh gọi là bạn hiền. Mời anh cạn ly rượu này.

Họ bắt đầu cuộc đối ẩm. Đào cột thêm cái võng song song với võng cha mình, đi lấy một đĩa khô sặc rồi rút lui vào buồng trong. Cô nằm lắng nghe tiếng nói chuyện rầm rì của hai người đàn ông. Lát sau, tiếng đàn lại cất lên, rồi tiếng hát trầm đục. Rõ ràng là của Bù Khú Tiên Sinh.

 

8.

 

Nhà có bốn người. Người thứ nhất là Bù Khú Tiên Sinh, ba người kia đều là dân lưu lạc, không chốn quay về. Bù Khú nói: ai muốn đi thì đi, ai không biết về đâu thì cứ ở lại. Thế là cả ba cùng ở lại.

Nhung và Tùng được giao nhiệm vụ chăm sóc vườn rau. Đào đi chợ nấu ăn. Công việc hàng ngày của Bù Khú cũng nhẹ nhàng: ông thiết kế các trang quảng cáo cho tạp chí “Người Mẫu” và quen với một cửa hàng mỹ phẩm, họ đã mướn ông dịch những tờ hướng dẫn sử dụng từ tiếng Anh, tiếng Pháp ra tiếng Việt. Ông dịch trực tiếp trên máy vi tính và lưu lại theo những thư mục được xếp loại chi tiết. Đó là nguồn tài chánh để duy trì cái gia đình mới được thành lập bên bờ sông. Những thành viên trong gia đình đều ít nói. Hình như họ sợ ông. Ông rất tiết kiệm lời, thậm chí nhiều khi thay vì nói thì ông lại ra dấu.

Những đêm trăng tiên sinh thường mắc võng ngoài chái nhà nằm hút thuốc và lắng nghe con nước triều bò lên những gốc dừa nước. Nửa đêm, mọi tiếng động cũng đi ngủ với loài người. Tiên Sinh nằm nghe tiếng của thiên nhiên, của côn trùng. Chúng thầm thì, khép nép ở một góc tối nào đó. Chúng ru ông ngủ. Gần sáng thường có cơn gió lạnh thổi đến, nhưng lần này ông nghe một chút hơi ấm trên ngực. Ông tỉnh dậy và biết ngay người nào đang áp mặt lên ngực ông.

— Con không ngủ được sao?

— Con mới ngủ dậy, thấy chú nằm ngoài này, sợ chú lạnh. Đã ba giờ sáng rồi.

— Con ngồi như thế có bị cấn cái thai không?

— Không sao. Nó mới hơn ba tháng.

Rồi Đào cầm bàn tay của Bù Khú đặt lên bụng mình. Ông xoa nhẹ lên đó, thấy nó tròn trĩnh và căng lên. Ông hỏi:

— Nó là con ai vậy?

— Con không biết, nhưng ước gì nó là con của chú.

— Sao lại con của chú được?

— Vì con biết hồi đó chú rất yêu con. Có lần chú gọi con là Quán Thế Âm Bồ Tát. Nhưng con không thể lấy chú được. Chú còn lớn hơn cha con hai tuổi. Con đành phải lấy một chàng trai mà con thấy cũng hiền lành, sạch sẽ. Con không hề biết anh ta là dân nghiện. Anh ta chỉ quan tâm đến thuốc phiện, khi nổi cơn, bằng mọi cách anh ta phải có thuốc, kể cả việc bán con cho chủ chứa. Họ gài thế và cưỡng ép con hành nghề trong hơn một năm nay, kể cả khi con đang mang bầu. Chú có nhớ hôm chú cháu mình chia tay trong quán cà-phê không?

Hôm đó Đào nói:

“Thực ra thì con cũng yêu anh ấy, con đã suy nghĩ rất nhiều và thấy không còn cách giải quyết nào khác. Thôi, con về. Con không muốn kéo dài cuộc chia tay”.

Đào vừa đứng lên thì Bù Khú ôm mặt, nước mắt ướt đẫm hai bàn tay. Ánh đèn mờ trong quán đã che giấu được chúng. Tiên sinh ngồi một mình cho tới khi quán đóng cửa. Đêm đó ông không còn nước mắt. Một tuần sau Đào đổi SIM mới. Kết thúc mối quan hệ. Ông khóc một trận nữa. Khóc đắm đuối.

— Con thật có lỗi với chú khi vứt bỏ cái sim số điện thoại cũ.

— Đó chỉ là hoàn cảnh.

— Nhưng con vẫn ám ảnh về tội lỗi của mình. Sao con lại có thể đối xử như vậy với một người rất yêu con, coi con như thần tiên trên trời? Chú hãy cho con chuộc lại lỗi lầm đó nha chú?

— Bằng cách nào?

— Hãy yêu con đi. Yêu ngay bây giờ. Con muốn cho chú chút nhan sắc còn lại dù đã tàn tạ. Từ khi gặp lại chú, con chỉ muốn dâng hiến, để tạ lỗi...

Bù Khú cảm thấy ngực cô gái trẻ đã chạm vào môi mình, ông trôi dạt trong cái mùi thơm nhẹ nhàng của da thịt, ông lạc mất, mờ mịt tâm thức, bối rối và rung chuyển.

Câu hỏi ấp úng như lời van xin:

— Có cần phải làm như thế không?

— Con muốn tạ ơn chú.

Đào chồm lên võng.

— Hãy giúp con đi!

— Không được.

— Tại sao?

— Thực ra chú rất muốn. Nhưng không cần phải trả ơn như thế đâu con ạ. Chú yêu con. Và chú chỉ cần một bàn tay, hay chỉ một ngón tay cũng được. Con có nhớ cái đêm mình nằm với nhau trên bờ ruộng ở Long Xuyên không? Con chỉ ngậm một ngón tay của chú mà hạnh phúc đã ngân dài đến tận bây giờ.

Bù Khú ngồi dậy, Đào leo lên võng, vứt áo xuống đất.

— Nhưng con muốn!

Tiên Sinh kéo cô gái nằm xuống đùi mình và hôn lên cổ cô gái. Cô gồng mình lên, vít cổ ông xuống, nói thầm vào tai ông:

— Người ta có thể làm tình bằng nhiều cách lắm. Chú biết mà. Chú đã từng có hai mươi bảy bà vợ, phải không?

— Nhưng con không phải là vợ chú. Con là thiên thần của một cõi trời riêng.

 

[còn tiếp 11 chương]

 

 

------------

Đã đăng:

BÙ KHÚ TIÊN SINH [chương 1 & 2]  (tiểu thuyết) 
Có người nọ không rõ quê quán ở đâu, học vấn thế nào, về đất Phú Xuân cất một cái am bên nhánh sông vắng vẻ, ở chung với một con chó. Tiên sinh không giao du với ai, trong nhà cũng chẳng có ti-vi, điện thoại. Không nghe tiếng nhạc, cũng vắng tiếng người. Lâu lâu mới có tiếng chó kêu ăng ẳng vì mừng rỡ. Tuyệt nhiên không có tiếng sủa... (...)
 
BÙ KHÚ TIÊN SINH [chương 3]  (tiểu thuyết) 
... “Các ông đừng quan trọng hoá mình. Bởi vì cuộc chiến này không phải của các ông đâu. Cuộc chiến này là của những người lính, những người đã chết và đang chết. Các ông chỉ là bọn ăn theo.” Bù Khú cầm ngang khẩu súng trước bụng. Thủ Trưởng hoảng hốt lùi lại. Bắn không? Ngón tay trỏ của Bù Khú nóng rực trên cò súng, tròng mắt muốn lòi ra, răng cắn vào môi bật máu... (...)
 
BÙ KHÚ TIÊN SINH [chương 4]  (tiểu thuyết) 
... Đó là lần “nhỡ tàu” cay đắng và bẽ bàng nhất. Bây giờ, mỗi khi có chuyến tàu dừng lại là em sợ. Bảo im lặng. Anh ngắm những con cá chép đang nổi trôi quanh hòn giả sơn. Ngọc ơi, những con cá này không suy nghĩ gì cả, chúng rỗng không và vô định. Em hãy nhìn chúng và quên hết những chuyện ấy đi. Đừng sợ... (...)
 
BÙ KHÚ TIÊN SINH [chương 5 & 6]  (tiểu thuyết) 
... Ngài đang tan chảy như một hạt muối thả xuống dòng sông. Ngài cảm nhận sự hoà nhập chậm rãi, dịu dàng và âu yếm. Ngài bồng bềnh như đám mây mỏng, như sương khói, lãng đãng quấn quít quanh những ngón tay mềm mại, những ngón tay vuốt ve từng sợi tóc, đùa nghịch với chúng bằng sự đằm thắm của người mẹ... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021