thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thuận, với việc tìm đến hình thức tiểu thuyết ngắn

 

1. Khái lược về tiểu thuyết ngắn

Quy luật vận động tất yếu của văn học là quy luật đổi mới, sáng tạo, “tự làm mới” mình. Văn học, vì thế, không chấp nhận những gì là đường quen, lối mòn sẵn có. Và do vậy, trong văn học mọi hướng thể nghiệm đều cần thiết và đáng được ghi nhận. Những năm gần đây, bên cạnh bức thông điệp muốn gửi gắm cho độc giả, các nhà văn tài năng chú ý nhiều hơn tới nghệ thuật viết, nghĩa là chú trọng viết như thế nào hơn viết cái gì. Cho nên, trên địa hạt văn chương xuất hiện khá nhiều cách viết mới, lạ. Đặc biệt, xu hướng rút ngắn dung lượng tác phẩm đang dần dần trở thành một xu trào. Hàng loạt bài thơ mini, rất nhiều tuyển tập truyện cực ngắn, truyện ngắn siêu tốc (short-short story) liên tục được “trình làng”. Và tiểu thuyết ngắn cũng không phải là một ngoại lệ.

Một vấn đề đặt ra cần giải quyết là viết ngắn có phải do các nhà văn của chúng ta ít vốn sống, kém tài năng hay không? Trả lời câu hỏi này thật không đơn giản. Trước hết, cần phải nhận thấy rằng viết ngắn nhưng lại có thể chuyển tải được những tầng ý nghĩa trùng điệp không phải là điều dễ dàng và không phải nhà văn nào cũng làm được điều đó. Viết ngắn có hai dạng: một là những nhà văn thiếu về vốn sống, kém về trường liên tưởng thẩm mỹ, yếu về tài năng nên không đủ sức viết dài; hai là những nhà văn tài năng, bản lĩnh luôn tìm tòi cái mới và họ tìm đến hình thức tiểu thuyết ngắn như một cách viết mới, độc đáo, sáng tạo. Trong đề tài này, chúng tôi chỉ chú ý tới dạng thứ hai — các nhà văn có ý thức quan tâm tới nghệ thuật viết, luôn muốn tìm ra cách viết khác.

Vậy tại sao các nhà văn lại tìm đến hình thức tiểu thuyết ngắn? Sở dĩ các nhà văn tìm đến hình thức tiểu thuyết ngắn là với “mục đích, một mặt chống lại một xu hướng chính từng ngự trị trong truyền thống: viết những bộ sử thi, tùng thư dài trang được xem như một giá trị, còn viết ngắn đồng nghĩa với sự non yếu, thất bại; mặt khác minh chứng cho một quan niệm mới mẻ rằng: tính toàn thể của thế giới chỉ có thể được biểu hiện và nhận ra trong từng phân mảnh của thực tại, rằng tham vọng miêu tả toàn bộ hoặc phần lớn thế giới trong một tác phẩm tiểu thuyết là siêu hình và trên thực tế là không thể đạt được[1] Nguyên nhân khác, xuất phát từ tâm thế người tiếp nhận văn chương, thời hiện đại với cuộc sống tất bật, người ta khó có thể nhẩn nha nhấm nháp từng chữ, do vậy, sự ngắn gọn, hàm súc sẽ dễ được chú ý. Thêm vào đó, các nhà văn đương đại có “xu hướng viết nội dung chứ không kể nội dung”(Hoàng Ngọc Hiến) nên dung lượng dồn nén, co lại.

Tiểu thuyết ngắn là một hướng thể nghiệm khá mới. Theo Kristjana Gunnars, “đặc trưng chính của tiểu thuyết ngắn là: tính phân mảnh, tính triết lý và tính thơ”.[2] Trong đó, tính phân mảnh là đặc trưng quan trọng nhất, vừa giúp nhà văn diễn đạt hàm súc, hiệu quả; vừa tạo được khoảng trống cho người đọc tham dự vào câu chuyện. Với ý đồ chỉ ra những đặc trưng của tiểu thuyết ngắn như trên, Kristjana Gunnars đưa ra một khái quát: “Chân lý luôn nằm bên ngoài chúng ta, và thay vì lèn chặt đời mình bằng những ngôn từ, chúng ta có thể rút lại, nói ít đi, nhưng hãy làm sao gia tăng trọng lượng cho mỗi từ, hãy làm mỗi từ chứa đầy sự bí ẩn và niềm kính sợ, ngôn ngữ xứng đáng được như vậy”.[2]

 

2. Hành trình sáng tạo theo hình thức tiểu thuyết ngắn của Thuận

Thuận (tên thật: Đoàn Ánh Thuận, sinh năm 1967 tại Hà Nội, hiện đang sống ở Paris) là một trong những nhà văn có công góp phần khơi dòng chảy tiểu thuyết ngắn trong văn học Việt Nam đương đại (cùng với Phạm Thị Hoài, Nguyễn Bình Phương, Tạ Duy Anh, Mạc Can, Nguyễn Viện, Bùi Hoằng Vị, Hồ Anh Thái... như là những hiện tượng tiêu biểu trong làng tiểu thuyết gần đây). “Phải nhảy xuống nước thì mới biết bơi”, với quan niệm này Thuận đã tìm đến thử nghiệm và khẳng định mình trên hình thức tiểu thuyết ngắn qua 5 tiểu thuyết “trình làng” liên tục trong 5 năm: Made in Việt Nam, Chinatown, Paris 11 tháng 8, T mất tích, và Vân Vy. Hành trình sáng tạo theo hình thức tiểu thuyết ngắn của Thuận đang khẳng định một sự vận động không ngơi nghỉ của một người cầm bút ý thức với nghề và đặc biệt quan tâm tới nghệ thuật viết. Trong đề tài này, chúng tôi sẽ đi sâu khảo sát những dấu hiệu của hình thức tiểu thuyết ngắn trong sáng tác của Thuận. Từ việc phác hoạ những dấu hiệu của hình thức tiểu thuyết ngắn trong một hiện tượng cụ thể, đề tài này mong hướng tới một cái nhìn khái quát về một khuynh hướng tiểu thuyết ngắn đang dần hình thành và phổ biến trong văn học Việt Nam đương đại.

2.1. Cả năm tác phẩm của Thuận đều có dung lượng vừa phải song chị rất tự tin khi đề dưới là tiểu thuyết, như một sự chỉ dẫn giúp độc giả lưu ý tới thể loại của chúng bởi vì tâm thế đọc tiểu thuyết phải khác với truyện ngắn hay truyện vừa. Thuận mặc nhiên ra mắt: 227 trang giấy khổ nhỏ của Chinatown; 287 trang với 22 chương và nhiều khoảng trắng trên giấy khổ nhỏ của Paris 11 tháng 8; cũng như thế với 257 trang, 17 chương của T mất tích, và 262 trang, 20 chương của Vân Vy. Riêng Made in Vietnam, do chúng tôi không được tiếp cận với bản gốc nên không xác định được chính xác số lượng trang; song theo những bài viết trên mạng thì Made in Vietnam được mô tả là một tiểu thuyết ngắn của Thuận. Việc tìm đến hình thức tiểu thuyết ngắn chứng tỏ Thuận là một trong những cây bút tiên phong chống lại xu hướng truyền thống cho rằng đã là tiểu thuyết thì phải lớn về dung lượng trang, nhiều về nhân vật, dung chứa hiện thực rộng lớn... Tuy nhiên, độ ngắn của năm cuốn tiểu thuyết trên chưa thể hiện được điều gì rõ nét nếu như nó không được minh chứng bằng giá trị tư tưởng, nghệ thuật của tác phẩm. Để ôm chứa những bức thông điệp được gửi gắm, dung lượng ngắn của tác phẩm tìm đến kết duyên cùng những hình thức thích hợp như: tính phân mảnh, tính triết lý và tính thơ.

2.2. Phá vỡ lối cấu trúc truyền thống, các tiểu thuyết của Thuận thường sử dụng cấu trúc phân mảnh. Đây là kiểu kết cấu không chú trọng trình tự sự kiện, không tuân theo diễn tiến thời gian, không tuân theo lôgíc thường thức mà là một loại kết cấu lắp ghép, một trò chơi kết cấu hay “chơi ru-bích” như cách gọi của Nguyễn Bình Phương. Nhìn vào bề mặt văn bản, có thể thấy một hiện tượng rất khác so với truyền thống khi năm tiểu thuyết của Thuận được xây dựng trên năm cấu trúc khác nhau: Made in Vietnam không chia chương, phân đoạn, không có dấu chấm xuống hàng; Chinatown là tiểu thuyết lồng tiểu thuyết; Paris 11 tháng 8 gồm 22 chương, mỗi chương đều bắt đầu bằng một tin về trận nắng nóng 2003; T mất tích gồm 17 chương với những cách quãng được đánh dấu bằng số La Mã; Vân Vy lại gồm 20 chương, mỗi chương là một chủ đề độc lập, trước mỗi chương thường là một trích đoạn trong tiểu thuyết Nicolas Page của Guillaume Dustan.

Về phương diện này, chúng ta hãy dõi theo hành trình văn học của Thuận từ tác phẩm đầu tay đến tác phẩm mới ra mắt bạn đọc gần đây.

Made in Viêtnam bắt đầu từ cuộc đời của Phượng - Bình rồi lan sang câu chuyện của làng Quyết Thắng, tiếp là những mảnh đời của Khánh, Lương, rồi của một nhân vật xưng tôi, tiếp đó lại trở về với Phượng; xen kẽ vào đó là những cảm nhận, suy tư của người kể - tác giả. Đó là một trong những kiểu kết cấu loãng (nhưng không lỏng) khiến độc giả chỉ có thể đọc và cảm nhận chứ không thể kể lại.

Đến Chinatown, Thuận lại sử dụng kết cấu lồng ghép (tiểu thuyết lồng tiểu thuyết). Chinatown của Thuận chỉ dài 227 trang nhưng lại dành tới gần 40 trang để ghi lại tiểu thuyết của nhân vật chính đang viết: I’m yellow. Chinatown là một quyển tiểu thuyết “2 trong 1”. ChinatownI’m yellow lẫn lộn, chuyển hoá lẫn nhau trong một khối đặc quánh 227 trang không chia chương, không thời gian, không không gian cụ thể. Ngoài ra, ở Chinatown, chúng ta còn bắt gặp kiểu kết cấu thời gian. Chinatown bắt đầu từ khi “đồng hồ đeo tay chỉ số mười” và kết thúc khi “đồng hồ đeo tay chỉ số mười hai”. I’m yellow lại khác, nó bắt đầu từ trang thứ 39 của Chinatown, tạm kết ở trang thứ 49 và lại tiếp tục từ trang 125 cho đến trang 151. Nếu cấu trúc của Chinatown là vòng tròn khép kín với mọi suy tư, dằn vặt trong hai tiếng đồng hồ thì I’m yellow lại có cấu trúc mở. Hai cấu trúc này lồng quyện, đan xen vào nhau tạo thành một chỉnh thể hữu cơ thống nhất. Thuận đã tạo ra một kiểu cấu trúc kép mà ở đó tất cả đã cùng đồng hành để tạo ra những dung lượng ý nghĩa lớn trong một tác phẩm dài hơn 200 trang. Cả hai mạch truyện đã lồng ghép vào nhau, cả hai đều bỏ ngỏ, đều đặt ra những câu hỏi lớn. Kiểu kết cấu hai mạch xoắn kép chạy song song này chính là một thủ pháp “nới rộng sân”của Thuận khi chị không muốn tạo ra những văn bản dài hơi.

Riêng Paris 11 tháng 8, Thuận sử dụng kết hợp giữa văn và báo, thường trước mỗi chương đều có một trích đoạn báo. Nó được xây dựng theo cấu trúc đối xứng giữa thân phận lưu vong của những người nhập cư với cảnh cô đơn, bất hạnh của người già nước Pháp; giữa bề nổi là một tai nạn thời tiết với những mâu thuẫn trầm kha tích tụ trong lòng xã hội Pháp, giữa công cuộc khắc phục hậu quả trận nóng đang lâm vào ngõ cụt của chính quyền Paris và sự bế tắc trong cuộc đời hai nhân vật chính.

Tiểu thuyết T mất tích được kết cấu theo kiểu khá đơn giản. Bắt nguồn câu chuyện bằng việc T. mất tích, rồi lan tỏa ra cuộc đời của chồng T. và cô con gái; tới các mối quan hệ xung quanh như với Brunel, đồng nghiệp,... T mất tích được xây dựng theo kết cấu truyền thống nhưng có sự kết hợp với kiểu kết cấu tiểu thuyết trinh thám, tạo ra sự cô đọng, bí ẩn, lí thú cho độc giả. Những tình tiết trong T mất tích xoắn xuyết vào nhau, vừa hư vừa thực, vừa như sắp lộ rõ, vừa bí ẩn, bất ngờ. Đó chính là cách Thuận chọn để lồng ghép nhiều chủ đề (vừa đào sâu những mâu thuẫn trong xã hội đương đại; vừa khám phá sự vong thân của con người cô đơn, hoang mang, bất an trước hiện thực...) trong một cuốn tiểu thuyết chỉ hơn hai trăm trang.

Đến Vân Vy, Thuận lại sử dụng một kết cấu khá đặc biệt: một cuốn thuyết gồm 20 chương với từng chủ đề độc lập; trước 15/20 chương có phần đề từ và một bài “Đả đảo độc tài tiểu thuyết “chân chính”’trích từ tiểu thuyết Nicolas Page của Guillaume Dustan được đặt ở cuối tác phẩm. Mỗi chương có nội dung khá độc lập, có thể tách ra như một truyện ngắn nhưng lại được nối kết với nhau nhờ các phần đề từ trước từng chương. Việc lồng các trích đoạn của một cuốn tiểu thuyết khác trong hai mươi trang của Vân Vy, là cách Thuận nối kết các chủ đề của tác phẩm vừa hàm súc, vừa giàu ý nghĩa.

Ở các sáng tác của Thuận, chúng ta bắt gặp hiện tượng “tha hoá” tiểu thuyết. Trong tiểu thuyết có cả chất cổ tích, huyền ảo (như ở Made in Vietnam); kết hợp “truyện lồng truyện (trong Chinatown); kết hợp báo và tiểu thuyết (như ở Paris 11 tháng 8); tiểu thuyết có dạng kiểu trinh thám (như T mất tích); kết cấu phân mảnh (như ở Vân Vy). Đây chính là cách lắp ghép nhiều dạng kết cấu để nhà văn lồng ghép nhiều chủ đề và là một đặc điểm nổi bật của hình thức tiểu thuyết ngắn.

Với việc sử dụng kết cấu phân mảnh này, Thuận là một trong những cây bút tiên phong góp phần “giải thiêng” quan niệm về tiểu thuyết trước đây bằng cách kết hợp giữa tính nghiêm túc vốn có và tính trò chơi mới được chú trọng khai thác của việc viết tiểu thuyết. Mặt khác, việc lắp ghép nhiều chủ đề và kết cấu trong một cuốn tiểu thuyết là cách thức để Thuận thể nghiệm hình thức tiểu thuyết ngắn. Nhìn vào mỗi chương mỗi đoạn như vậy ta thấy chúng là những mảnh văn bản chứa đựng những mảnh đời sống phồn tạp với vô vàn cung bậc và sự biến hoá linh hoạt của nó. Với những mảnh vỡ văn bản này, nhà văn thể hiện một trạng thái nhân sinh rã rời của quan hệ con người với con người. Đó không còn là một thế giới đã được an bài, trật tự, hợp lí và dường như có thể biết hết; mà là thế giới hỗn độn, bị chia cắt, xáo trộn, đầy mâu thuẫn và không thể nào biết hết.

2.3. Để phù hợp với hình thức tiểu thuyết ngắn, các nhà văn chăm chút thể hiện tính triết lý trong tác phẩm. Và Thuận cũng vậy. Chất triết lý trong tác phẩm của Thuận toát ra từ những suy tư trực tiếp, từ những độc thoại của nhân vật, từ việc công khai đem vào truyện những trường đoạn tiểu luận... Made in Viêtnam là “cái nhàn nhạt của xã hội Việt Nam hôm nay”(chữ dùng của Đoàn Cầm Thi). Chinatown là câu hỏi ám ảnh về thân phận lưu vong mang ba quốc tịch mà vẫn vô tổ quốc. Đến Paris 11 tháng 8, Thuận lại đào sâu vào thân phận những “công dân toàn cầu” tha hương trên đất khách, đồng thời bộc lộ rõ nét nỗi hổ thẹn của một xã hội hậu tư bản viên mãn đầy những ngang trái, bất hạnh. Hơn thế, tới T mất tích, Thuận phản ánh “sự vong thân của con người trước ngưỡng cửa bất an, hoang vắng, cô đơn của cuộc sống hiện đại”(chữ dùng của Cao Việt Dũng). Còn Vân Vy lại là tiểu thuyết về một thế hệ trẻ không còn thuần nhất: “Trẻ thiêu thân như kiểu B, cái chết song hành cùng hoan lạc; trẻ khôn ngoan như kiểu Vy, sống đồng nghĩa với hưởng thụ; song cả hai đều ham muốn tình dục và tôn thờ tự do”(Thuận chia sẻ). Qua đó, Thuận đã đặt ra những câu hỏi day dứt về những vấn đề nhạy cảm trong cuộc sống đương đại như: sex, đồng tính luyến ái, HIV/AIDS... Tiểu thuyết của Thuận là sự lồng ghép nhiều chủ đề thể hiện tính triết lý đậm đặc. Ở đó, Thuận đã khám phá ra nhiều “toạ độ” mới về con người: con người lạc thời, con người cô đơn, con người bi kịch, con người tâm linh, con người tự nhiên, con người dễ tha hoá, sa bẫy, con người đa sự, nhiều ưu tư, con người nhân loại... Con người trong tiểu thuyết của Thuận là một dấu chấm hỏi, là một bí ẩn với đầy đủ mọi phẩm chất tốt, xấu. Thuận đào sâu vào những trải nghiệm ngay trên bản năng con người, phản ánh những sai lầm và sự trả giá do chính con người lựa chọn (Mai Lan, Liên, Pát, Vy...). Thuận không đặt ra những nhân vật lý tưởng mà quan tâm đến mọi mặt của cuộc sống con người chấp chới đầy hoang mang. Do đó, mà tên nhân vật của Thuận thường mang tính chất ngẫu nhiên như những chữ cái (giống tên nhân vật của Kafka, Phạm Thị Hoài...): T, B, N, V... giống như sự vô nghĩa, vô vị của cuộc đời; đồng thời mang tính khái quát triết lý cao. Mặt khác, Thuận để cho nhân vật của mình phát ngôn rất nhiều chân lý sống mang đầy tính triết lý hoài nghi. Đó là chân lý “Phải quên đi mà sống”; hay “Các nhà chính trị: tôi xin hứa sẽ làm hết sức mình. Các thẩm phán: không còn nghi ngờ gì nữa. Các vị gác cổng: chính mắt tôi chứng kiến. Mai Lan: sống rồi sẽ biết. Pát: miễn bàn... ”; hoặc “Đời là vậy, đừng mất công buồn”; “sẽ suy nghĩ và trả lời”; “im lặng là đỉnh cao của biểu cảm”; “đồng tiền làm hỏng con người”. Đây là sự hoài nghi nằm ngay trong bản chất con người như cách dùng từ của Nam Cao “Chất độc nằm ngay trong sự sống”. Cái nhìn hoài nghi triết học này bắt nguồn từ cảm thức của con người hậu hiện đại theo như cách nói của F. Nietzsche: “Thượng Đế đã chết”. Sự hoài nghi bắt nguồn từ trí thông minh và nỗi cô đơn của con người. Thuận buộc chúng ta phải suy nghĩ vì sao con người lại như thế. Một đặc điểm góp phần làm nên sự độc đáo trong tiểu thuyết ngắn của Thuận là chị đã tạo ra được rất nhiều những biểu tượng nghệ thuật có sức khái quát và khả năng gợi ý nghĩa rất cao. Đó chính là những suy tư, trăn trở với bản sắc văn hoá dân tộc trong quá trình hội nhập vào văn hoá nhân loại; nhiều khi Thuận còn cắt nghĩa tình trạng đời sống bằng cái nhìn văn hoá. Cũng nhờ đó, tác phẩm của chị đã tạo được chiều sâu của những suy tưởng triết lý và ám ảnh suy tư của độc giả.

2.4. Một đặc điểm nổi bật của tiểu thuyết ngắn là nhà văn ưu tiên thể hiện chất thơ trong tác phẩm. Chất thơ trong tiểu thuyết của Thuận được thể hiện rõ nét trong những xúc cảm nội tâm, trong những chất liệu huyền thoại được nhà văn sử dụng, trong cả hình tượng nhân vật... Thuận sử dụng chất huyền ảo ở tiểu thuyết Made in Viêtnam. Chất huyền ảo được thể hiện qua cảm nhận của Phương về Bình: trong khoảnh khắc, bất chợt cô nhận thấy chồng là một con cua khổng lồ. Và đặc biệt, chất thơ được toát ra từ nhịp điệu của tác phẩm. Đó là chỗ bộc lộ đặc điểm nổi bật nhất của văn phong Thuận. Cả năm tiểu thuyết của chị đều có một nhịp điệu mới lạ bởi cách ngắt câu độc đáo; bởi sự lắp ghép của hàng loạt môtíp lặp điển hình. Bước vào thế giới tác phẩm của Thuận ta thấy tất cả rã nát, vụn rời, bởi chị có biệt tài trong việc sử dụng câu đơn ngắn. Ở Chinatown, Paris 11 tháng 8, T mất tích, Vân Vy; Thuận sử dụng rất thường xuyên những câu ngắn. Câu đơn ngắn đã trở thành một đặc điểm văn phong của Thuận. Nó vừa tạo ra hiệu quả trong cách diễn đạt, vừa tạo ra khoảng trống cho độc giả nhấm nháp cái dư vị của chính hiện thực cuộc sống bị vỡ vụn tung toé. Đồng thời, điểm nhấn của nhịp điệu tác phẩm còn được Thuận tạo ra bằng cách ngắt câu độc đáo. Cách ngắt câu ở đây không tuân thủ ngữ pháp của văn viết mà tuân thủ lôgic nội tâm và lôgic của chuỗi hình ảnh hồi tưởng của một vai kể chuyện tự thuật bằng miệng. Trong tác phẩm của Thuận, chấm câu không phụ thuộc vào nghĩa mà vào nhịp: “Thụy dẫn tôi về lại Yên Khê. Yên Khê. Yên Khê. Trên xe ô tô, tôi hỏi tại sao... Tại sao. Tôi im lặng. Tôi cho Yên Khê là số phận”. Tiểu thuyết của Thuận, đầy chất thơ, chất nhạc. Tài năng của Thuận thể hiện ở chỗ sử dụng tối đa hiệu quả của thủ pháp lặp. Có thể “lặp một cụm từ, một câu, thậm chí một đoạn văn; cũng có thể là một động tác, một lời nói, một cái tên riêng” (Thuận chia sẻ). Đặc biệt, Thuận đã tạo ra nhịp điệu với cảm hứng từ con số hai mươi và hai trăm, con số mười ba...; chẳng hạn từ con số sáu: “Hàng ngày, tôi và thằng Vĩnh sẽ thức dậy lúc sáu giờ sáng. Đánh răng rửa mặt xong, hai mẹ con sẽ dùng một bữa điểm tâm sáu món: bánh ngọt, bơ, trứng ốp lếp, giăm bông, xúc xích, thịt nguội (...) Sáu phút sau tôi sẽ có mặt ở cửa hàng cắt tóc của cô Feng Xiao. Tôi dạy cô ấy sáu từ mới Yiên Nản. Cô ấy dạy lại tôi sáu từ mới Quan Thoại (...) Tôi sẽ đặt tên thời khóa biểu ấy là 6&60”. Sự lặp lại của các môtíp như vậy được tổ chức chặt chẽ với tần suất rất cao bằng nhiều câu mang những tiết tấu lạ, những cách đổi nhịp vô cùng linh động, những điệp khúc, những luyến láy.Đến với tiểu thuyết của Thuận, chúng ta bắt gặp hàng loạt “những câu văn trùng điệp, những lối viết phá bỏ ngữ pháp, những từ ngữ đọc lên như nghe và thấy được âm thanh, hình ảnh của nhạc, của hoạ”(chữ dùng của Đoàn Cầm Thi).Giữa những trang văn xuôi của chị còn xuất hiện xen kẽ những bản nhạc, những bài thơ. Chúng góp phần tạo ra nhịp điệu - linh hồn trong tác phẩm của Thuận. Thuận luôn nói: nhà văn không quan trọng là viết bằng ngôn ngữ gì, mà quan trọng hơn là phải tạo ra ngôn ngữ của riêng mình. Sự nhấn mạnh nhịp điệu và nhạc tính trong những câu văn xuôi cũng là một nét độc đáo riêng trong văn của Thuận.

2.5. Các tác phẩm của Thuận đều có độ lược giản ngôn ngữ cần thiết, độ dồn nén súc tích của ý tưởng, sự khơi gợi, lan toả của suy tư và tưởng tượng. Thuận đã ý thức được mục đích của tiểu thuyết ngắn là đem đến những ấn tượng mạnh và bất ngờ, khơi dậy những năng lượng tinh thần có nguy cơ bị vắt kiệt trong đời sống hiện đại, trong đó, có năng lực tưởng tượng. Sức mạnh của tác phẩm toả ra từ những ngôn từ được chắt lọc tinh tế “ý tại ngôn ngoại” giống như những bài thơ Haikư, những bài ca dao, khiến cho những tiểu thuyết ngắn của Thuận đủ sức mạnh làm mê đắm lòng người.

Trong số những cây bút Việt đang sinh sống ở nước ngoài thì Thuận là một nhà văn có ý thức rất rõ ràng trong việc tạo ra những điểm nhấn trong văn của mình. Và việc tìm đến hình thức tiểu thuyết ngắn cũng là một điểm nhấn trong sáng tác của chị. Ở đây, sự chuyên chú vào kỹ thuật tự sự trong những tiểu thuyết này cũng không nằm ngoài mục đích tạo ra cái lạ ở hình thức để có thể tác động mạnh trước hết vào cảm quan người đọc. Đọc tiểu thuyết của Thuận chúng ta sẽ hiểu rõ hơn chân lý nghệ thuật bắt đầu từ cảm giác. Đánh giá về năm tiểu thuyết ngắn của Thuận hiện còn rất nhiều ý kiến tranh cãi. Đó là điều tất yếu trước một hiện tượng mới. Tuy nhiên, một điều khó phủ nhận là việc tìm đến thử nghiệm trên hình thức tiểu thuyết ngắn chứng tỏ bản lĩnh của Thuận — một trong những nhà văn tiên phong đi tìm hình thức thể hiện mới, khao khát vượt thoát khỏi những lối mòn sẵn có. Với năm tiểu thuyết xuất bản liên tục tại Việt Nam và đang dần được chuyển ngữ, Thuận đang khẳng định một bút lực dồi dào, một văn phong độc đáo, hứa hẹn nhiều thành công!

 

3. Tiểu thuyết ngắn — một hướng thể nghiệm mới ngày càng phổ biến trong văn chương

Tiểu thuyết ngắn là một hướng thể nghiệm mới. Ở Việt Nam, có lẽ bắt đầu từ Thiên sứ của Phạm Thị Hoài (1988); tiếp đó: Vào cõi (1999), Trí nhớ suy tàn (2000) và Thoạt kỳ thuỷ (2004) của Nguyễn Bình Phương; Thiên thần sám hối (2004) và Giã biệt bóng tối (2008) của Tạ Duy Anh; Tấm ván phóng dao (2004) của Mạc Can; Cõi người rung chuông tận thế (2004) của Hồ Anh Thái; Thời của những tiên tri giả (2004) của Nguyễn Viện; Phòng X khu nội trú (2005) của Bùi Hoằng Vị... và Made in Vietnam (2003), Chinatown (2004), Paris 11 tháng 8 (2005), T mất tích (2006), Vân Vy (2008) của Thuận; có thể khẳng định rằng một khuynh hướng tiểu thuyết ngắn đang dần hình thành và phổ biến. Gần đây, trên Tiền Vệ có đăng một tiểu thuyết khá đặc biệt Ngục tình thiêu thân của Hoàng Long gồm 7 thiên với không đầy 6 trang giấy và ở giữa có nhiều khoảng trắng; trong đó, tác giả mạnh dạn đề dưới tên tác phẩm là tiểu thuyết cực tiểu như một sự lưu ý với độc giả khi tiếp nhận nó. Rõ ràng, hình thức tiểu thuyết ngắn đang ngày càng được thể nghiệm phổ biến ở Việt Nam. Chưa tính đến chuyện hay, dở, song các nhà văn trên chính là những người tiên phong khai mở một dòng tiểu thuyết ngắn ở Việt Nam. Họ mở ra trước mắt người đọc cả một thế giới của cái kỳ ảo bằng các trò diễn ngôn từ. Rõ ràng, sự thể nghiệm hình thức tiểu thuyết ngắn ở nước ta đánh dấu nỗ lực cách tân của các cây bút Việt đang khao khát hoà nhập vào dòng chảy của văn học thế giới.Vì thế, những đóng góp của các nhà văn khai mở loại tiểu thuyết ngắn ở nước ta rất đáng được ghi nhận.

Tiểu thuyết ngắn ở nước ta có nhiều điểm gặp gỡ và tiếp thu, học tập xu hướng tiểu thuyết ngắn đang ngày càng phổ biến trên thế giới. Văn đàn thế giới gần đây xôn xao với rất nhiều tiểu thuyết ngắn độc đáo như: Ruồng bỏ, Tuổi sắt đá, Giữa miền đất ấy của J.M.Coetzee (Nam Phi); Nhẫn thạch (được dịch ra 29 thứ tiếng) của Atiq Rahimi (Pháp); Tuyết (54 chương truyện chỉ gói gọn trong 124 trang sách) của Maxence Fermine (Pháp); Không lấm máuLụa (chuyển ngữ trên 30 thứ tiếng) của Alessandro Baricco (Ý);... Rõ ràng, ở đây, “viết ngắn thuộc kết quả của một tư duy nghệ thuật chứ không phải là một sự ngẫu nhiên, vô cớ hay làm duyên nào”.[1]

Đánh giá hướng thử nghiệm tiểu thuyết ngắn ở Việt Nam hiện nay còn nhiều ý kiến khác nhau. Song ngày càng nhiều cây bút mạnh dạn thử nghiệm và thành công với hình thức tiểu thuyết ngắn này. Thiết nghĩ rằng với văn chương — địa hạt của sự sáng tạo — thì mọi hướng thử nghiệm đều hết sức cần thiết. Và tiểu thuyết ngắn là một hướng thể nghiệm khá mới và có triển vọng ở Việt Nam. Hành trình của tiểu thuyết ngắn ở Việt Nam chắc chắn còn nhiều thăng trầm. Tuy nhiên, để có được một bức tranh tiểu thuyết ngắn phong phú, đa dạng điều cốt yếu vẫn là bản lĩnh và tài năng của những cây bút sáng tạo, luôn khao khát làm mới cho văn học nước nhà. Chính nội lực của mỗi cá nhân, của một thế hệ nhà văn và tầm đón nhận của độc giả sẽ quyết định sự thăng hoa của loại tiểu thuyết ngắn.

 

Nguyễn Thị Hoa – Sinh viên
Điện thoại: 0904 612 153

 

__________

Chú thích:

[1]Văn Giá (2004), “Thử nhận diện loại tiểu thuyết ngắn ở Việt Nam trong những năm gần đây”, http://www.evan.com.vn.

[2]Kristjana Gunnars, Hải Ngọc dịch (07.07.2004), “Về những tiểu thuyết ngắn”, http://www.evan.com.vn.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021