thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những kinh nghiệm tôn giáo thời trẻ | Viết khi tôi khám phá mộ của chàng là một ngôi mộ không ghi tên | Cảnh khổ của Iacchus | Viết trên những bực thềm khu phố người Puerto Rico
 
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
 
 
GREGORY CORSO
(1930-2001)
 
 

Những kinh nghiệm tôn giáo thời trẻ

 
Khi tôi lên năm
tôi nhìn thấy Thượng đế trên trời
bấy giờ tôi đi qua một chiếc cầu
trên đường đi mua muối
và khi tôi nhìn lên
tôi thấy một người đàn ông to lớn
tóc cũng như râu đều trắng
ngồi trước chiếc bàn làm việc bằng mây
trên bàn có hai cuốn sách to tổ bố
một cuốn màu đen
cuốn kia màu trắng
thứ Bảy tôi hỏi ông linh mục
trong phòng nghe xưng tội[1] như thế có nghĩa là gì
và ông bảo:
“Cuốn màu đen dành cho mọi điều xấu con làm
cuốn màu trắng cho mọi điều tốt
Nếu cuốn màu đen
về cuối đời con
cân nặng hơn cuốn màu trắng
con sẽ xuống địa ngục và vĩnh viễn cháy rụi!”
Nhiều tuần lễ sau đó tôi tự trấn an
rằng mua muối chẳng có gì là xấu –
 
Khi tôi lên sáu
tôi nhìn thấy một con mèo chết
tôi đặt một cây thánh giá lên mình nó
và đọc một lời cầu nguyện ngắn
Khi tôi kể với cô giáo ở trường ngày Chúa Nhật
điều tôi đã làm
cô kéo tai tôi
và ra lệnh tôi phải lập tức
trở ra chỗ con mèo chết
và lấy cây thánh giá đem đi
tôi yêu mèo xưa nay tôi vẫn yêu mèo
“Thế nhưng mèo có lên thiên đàng không?” tôi khóc to
“Ngươi không được tôn thờ những thần tượng giả!”[2] cô trả lời –
Tôi trở lại chỗ con mèo chết
nó đã biến mất
cây thánh giá còn đó
Đúng ra là phải như vậy... ngày hôm ấy trái đất lìa đời
 
Khi tôi lên bảy
một ngày Chúa Nhật tôi ngồi trong nhà thờ
cạnh một thằng bé con mập ú
trước đó tôi chưa gặp bao giờ
Nó có một con voi nhỏ bằng thuỷ tinh
nắm gọn trong lòng bàn tay mũm mĩm của mình
Và chính trong lúc cử hành
lễ Ban Thánh Thể[3]
khi nó đưa con voi cho tôi xem
ấy là khi chuyện xảy ra
Tôi nhớ chuyện đã xảy ra nhanh ra sao
Nó bất tỉnh
Họ mang nó đi
con voi thủy tinh còn nằm trong bàn tay
Cái phần làm tôi hoảng hơn cả
ấy là khi hai người đàn ông trước đó mang thằng bé đi
bấy giờ trở lại và ngồi bên cạnh tôi
mỗi người ngồi một bên
Tôi có phải là người kế tiếp? Tôi tự hỏi
vì tôi là người đã nhìn thấy con voi thủy tinh?
Tôi không bao giờ gặp lại thằng bé kia
Và đến tận ngày hôm nay
Tôi không sao hoàn toàn hiểu ra
mọi chuyện có nghĩa gì... nếu như nó có một nghĩa gì đó
 
 
 
Viết khi tôi khám phá mộ của chàng
là một ngôi mộ không ghi tên
 
Này các em này các em các em có biết chăng
Mozart không có nơi nào để đến
Như thế đó
Cho dù mộ thì có nhiều ngôi mộ
Ông chẳng có ngôi mộ nào
 
 
 

Cảnh khổ của Iacchus

 
Mẹ của ông là mẹ của trái đất;
Khi bà đi qua cây cối cúi chào
đá phải mềm đi,
và những tên chăn cừu phải tôn vinh
- và Core, em gái ông,
đã chiếm được Thần chết, em rể ông.
 
 
 
Viết trên những bực thềm
khu phố người Puerto Rico
 
Có một sự thật giới hạn con người
Một thứ sự thật cản hắn đi xa hơn
Thế giới đang thay đổi
Thế giới biết nó đang thay đổi
Nặng trĩu là nỗi buồn đau trong ngày
Người già mang dáng vẻ suy nhược
Người trẻ nghĩ sai số phận họ trong cái vẻ ấy
Đó là sự thật
Nhưng không phải tất cả sự thật
 
Cuộc đời có ý nghĩa
Và ta không biết ý nghĩa đó
Ngay cả khi ta cảm thấy nó là vô nghĩa
Ta vẫn hi vọng và cầu nguyện và đi tìm một ý nghĩa
Không phải thơ nào cũng là thơ thẩn đùa vui
Phải trả bằng tiền
Khi gọi Thần Chết hay Thượng Đế
Phải cả gan dữ lắm mới dám thắc mắc với Họ
Thần Chết đã chứng minh vô nghĩa khi không có Đời Sống
Vâng thế giới đang thay đổi
Nhưng Thần Chết thì trước sau vẫn thế
Y xua con người ra khỏi Đời Sống
Ý nghĩa duy nhất y biết được
Và thường thì đây là một công việc đáng buồn
Tên Thần Chết ấy
 
Ta ngây thơ ta nghiêm chỉnh
Ta biết đùa hãy cứu ta khỏi thứ triết lý tài tử
Ta có thể phủ nhận những điều ta tin
Ta có thể ta có thể
Bởi ta muốn biết ý nghĩa mọi thứ
Thế nên ta còn ngồi như một kẻ suy sụp
Miệng rên rỉ: Ôi trách nhiệm gì thế
Ta đặt trên người mi hỡi tên Gregory
Thần chết và Thượng Đế
Nặng nặng nó nặng đấy
 
Ta nhận ra đời người chẳng phải là giấc mơ
Ta nhận ra sự thật bị lừa dối
Con người không phải là Thượng đế
Đời người là một thế kỷ
Cái chết là một khoảnh khắc
 
 
_________________________
Chú thích của người dịch:

[1]Cũng gọi là Tòa Giải Tội.

[2]Hay Thánh Lễ Tạ Ơn.

[3]Nội dung trong “Mười điều răn”, bắt đầu Điều thứ nhất: Thiên Chúa đã phán hết thảy các lời này, rằng: “Ta là Ya-vê, Thiên Chúa của ngươi, Đấng đã đem ngươi ra khỏi đất Ai cập, khỏi nhà tôi mọi: Ngươi sẽ không có những thần khác trước nhan Ta. Ngươi sẽ không tạc tượng thần, tạc hình vật gì nơi trời bên trên, hay nơi đất bên dưới, hay trong nước bên dưới đất. Ngươi sẽ không thờ lạy chúng và phụng sự chúng, vì Ta, Ya-vê Thiên Chúa của ngươi, Ta là Thiên Chúa ghen tuông phạt tội cha ông trên con cháu đến ba bốn đời, đối với những ai thù ghét Ta, và giữ nghĩa dư ngàn với những ai yêu mến ta và giữ các lệnh truyền của ta.” [Kinh Thánh, bản dịch của LM. Nguyễn Thế Thuấn – “Sách xuất hành”, Đoạn 20 (1-6), Tp.HCM, 1976.]

 
 
-------------
“Những kinh nghiệm tôn giáo thời trẻ” và “Viết khi tôi khám phá mộ của chàng là một ngôi mộ không ghi tên” dịch từ nguyên tác “Youthful Religious Experiences” và tác “Writ When I Found Out His Was an Unmarked Grave” trong Gregory Corso, Mindfield – New & Selected Poems (New York: Thunder’s Mouth Press, 1989). “Hoàn cảnh khốn khổ của Iacchus” và “Viết trên những bực thềm khu phố người Puerto Rico” dịch từ nguyên tác “The Plight of Iacchus” và “Writ on the Steps of Puerto Rican Harlem” trong Gregory Corso, Long Live Man (New York: New Directions, 1962).
 
 
Đã đăng:
 
Tôi 25  (thơ) 
Với một tình yêu một cơn điên cho Shelley / Chatterton Rimbaud / và tiếng làu bàu chết đói trên miệng ta / đã truyền từ tai này sang tai khác: / TA GHÉT BỌN THI SĨ GIÀ! ... [Bản dịch của P.K.]
 
Hai mươi mốt bài thơ và một bài tự thuật của Gregory Corso (1930-2001) – một trong những tên tuổi hàng đầu trong phong trào Beat ở Mỹ những năm 50 và 60 – lần đầu tiên đến với độc giả Tiền Vệ qua bản dịch của nhà thơ Hoàng Ngọc Biên...
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021