thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Gửi người yêu và tin [thư số 11]

 

Đã đăng:

 

Gửi em,

Em yêu, nói gì với anh đi. Hôm nay thật lạ, một ngày đầu thu tâm trạng anh có gì run rẩy. Không, ở đây trời không làm thu, nhưng mưa lun phun thế này, giống mùa thu không thể tưởng được. Mưa ngoài trời và mùa thu trong lòng anh. Không thể nào tập trung nổi. Mưa làm trí não anh phân tán, gió heo may khiến đầu óc anh mơ mơ. Lần đầu tiên mùa thu và cảm giác ly tán, phân rã, rời bỏ, trộn lẫn tạo thành một thứ hương quyến rũ não bộ, quyến rũ cả cơ thể, quyến rũ mọi giác quan. Buổi sáng mở cửa sổ, nhìn mưa mà thấy những giọt nước rơi về quá khứ, và những giọt nước rơi xuống từ quá khứ. Những trang sách anh đang đọc tưởng chừng như mãi mãi không thể nào kết thúc được. Mùa thu sánh đặc trên các con chữ. Những chữ bị bọc trong khối sương bồng bềnh, càng cố nắm bắt, chúng càng rời xa dưới ảnh hưởng của hơi thu tràn ngập căn phòng, dưới giai điệu dai dẳng của những “ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi”, “mùa thu quyến rũ anh rồi”, “mây bay về đâu cuối trời”…

Đẹp và lãng mạn.

Nhưng bây giờ anh lại phải viết về những điều tồi tệ.

Em biết không, anh cứ băn khoăn không biết rồi có đến một ngày nào đó chữ nhục sẽ biến mất khỏi từ điển nước này. Ngôn từ biến mất vì không còn nội dung tương hợp với nó nữa. Chữ nhục biến mất, thế vào vị trí của nó sẽ là chữ nhẫn.

Tại sao phải cảm thấy nhục? Nhục thì đã sao, miễn còn sống được. Nhục, chẳng qua chỉ là một cảm giác, chỉ cần làm thế nào cho cảm giác đó mất đi, sẽ không còn nhục nữa. Và có rất nhiều cách để khiến cho cảm giác đó không xuất hiện. Chẳng hạn như có ai đó nhổ vào mặt anh, anh chỉ cần nghĩ: thằng khùng, không chấp. Nếu anh nghĩ đó là thằng khùng, nếu anh không chấp nhặt hắn, sự việc sẽ nhẹ đi rất nhiều, nhẹ đến mức nó chẳng còn tồn tại nữa. Anh không nhớ đã ký bao nhiêu bằng dởm, bằng đểu. Em có thể cho rằng như thế anh làm nhục chữ ký của mình. Nhưng anh sẽ nói, không đâu, anh giúp đỡ người khác đấy, anh làm việc thiện đấy. Cùng với cái bằng dởm anh cấp, họ sẽ làm được rất nhiều việc, họ sẽ biết ơn anh. Sống trên đời phải biết giúp đỡ mọi người, phải biết làm việc thiện.

Nghĩ thế có vẻ hơi kỳ cục. Nhưng để sống được anh cần nghĩ như thế. Sao lại để sống được nhỉ? Để sống được giữa mọi người thì đúng hơn. Để được mọi người chấp nhận anh phải nghĩ như thế, phải cảm thấy như thế. Cũng không hẳn, đúng hơn, để anh có thể tự chấp nhận mình. Để anh có thể ngủ ngon, có thể giữ được chút thể diện với bản thân mình. Thể diện ư? Thể diện là thứ để chưng ra với người khác, chứ nó đâu có ý nghĩa gì với chính ta đâu, nhỉ? Thể diện không làm ra tiền, mà không có tiền thì cạp đất mà ăn à. Anh cần tìm thấy các lí do để biến những gì không thể chịu đựng được thành ra có thể chịu đựng, hay thành ra dễ chịu. Có cái gì mà lại không thể chịu đựng được, nhỉ? Không, anh chẳng làm gì sai, anh chẳng làm gì xấu. Sống có gì sai, được mọi người yêu quý có gì sai? Anh không tìm thấy logic của sự việc. Mọi người không sai, vậy nếu anh làm khác đi thì anh sai. Việc làm của anh được mọi người chấp nhận, có nghĩa là nó đúng chứ, phải không? Nếu sai đã bị phản đối, phải không? Có, báo chí thỉnh thoảng có phản đối vài việc, nhưng báo chí ở đâu đó xa xôi, xung quanh anh, chẳng ai phản đối anh hết, hơn thế đa số còn làm như anh. Vậy anh đúng, phải không? Anh biết em không thể trả lời những câu hỏi này của anh.

Anh nhớ lại mấy lời than phiền trên báo của một bà nhà văn nổi tiếng nào đó mà anh không còn nhớ tên. Bà than rằng ở đây chẳng có ai chịu tự tử. Khi nói thế bà quên không nhìn vào chính mình để thấy bà cũng có chịu tự tử đâu. Càng tủi nhục người ta càng bám lấy cuộc sống. Cũng chẳng phải vì hy vọng thoát khỏi tủi nhục. Nhưng càng bám chặt thì tủi nhục rút cuộc mất đi. Không đúng đâu em. Đừng tin anh. Cảm giác về nỗi nhục mất đi, còn nỗi nhục vẫn nguyên vẹn. Nỗi nhục vẫn đứng chình ình ra đấy, chỉ có điều người ta không cảm thấy nhục mà thôi. Nhưng có khác gì nhau, khi nỗi nhục thực sự mất đi hay cảm giác về nỗi nhục mất đi? Đừng quá quan tâm đến nỗi nhục, nếu không chẳng thể thành công được.

Còn câu chuyện dưới đây, có liên quan gì đến nỗi nhục và cảm giác nhục nhã không?

Anh từng được mời tham gia một cuộc họp lấy ý kiến của các nhà khoa học, do chính phủ tổ chức, cũng khá lâu rồi. Một trong những nội dung của cuộc họp đó bàn về vấn đề cải cách chế độ tiền lương. Anh phân tích cho những người đó thấy được tầm quan trọng của việc phải duy trì chế độ lương chết đói.

Anh nói: “Các ông muốn nhân viên thần phục và không phản kháng ư? Duy trì chế độ lương hiện hành, đặt toàn thể giảng viên và nhân viên vào trạng thái đói. Cách tốt nhất đấy. Cứ để họ đói. Đừng sợ gì cả. Dù sao, các nhân viên cũng không chịu đói đâu mà lo. Họ sẽ làm mọi cách để thoát đói. Khi buộc phải dành hết thời gian và tâm trí vào việc chống đói, họ không còn hơi sức đâu mà nghĩ đến chuyện khác nữa. Và chính phủ hãy giúp tạo ra các khe hở cho họ đục khoét. Họ càng đục khoét chính phủ càng nắm chắc họ trong tay. Chẳng có cách nào tốt hơn để nắm giữ họ là biến họ thành những kẻ tội phạm. Họ sẽ chẳng bao giờ dám phản ứng về bất cứ điều gì, chỉ cần mở miệng họ đã lập tức nhớ tới vô số tội mà người ta có thể khui ra. Họ sẽ ngậm miệng suốt đời để những tội lỗi ấy được chìm vào im lặng. Quản lý những kẻ tội phạm tiềm năng dễ hơn là quản lý những người chính trực nhiều. Đừng bao giờ nghĩ tới chuyện tăng lương cho tới mức hợp lý. Thỉnh thoảng cũng nên tăng chút đỉnh nhưng tuyệt đối không bao giờ được tăng đến mức nhân viên đủ sống.” Phát biểu của anh được hoan hô và hưởng ứng nhiệt liệt.

Trong buổi họp ấy, có vài người phản đối anh, bằng cách nêu ý kiến rằng, bên Trung Quốc, lao động trí óc được trả lương rất cao. Giới nghiên cứu và đại học bên đó không than phiền về thu nhập. Họ có thể yên tâm sống mà làm khoa học. Nhờ thế Trung Quốc tạo được những đại học tinh hoa và có nhiều trường đại học đứng ở thứ hạng cao trong những bảng xếp hạng quốc tế. Nhờ thế triển khoa học công nghệ của họ phát triển được, đồng thời đó cũng là nguyên nhân đưa họ trở thành một trong những cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới. Kinh tế của chúng ta đang khủng hoảng. Trong thời đại hiện nay chỉ có chất xám mới giúp chúng ta có thể nhanh chóng giải quyết khủng hoảng. Chế độ lương hiện hành đã làm lãng phí nghiêm trọng nguồn năng lượng chất xám. Giảng viên và nghiên cứu viên mất thời gian giải quyết mưu sinh sẽ không thể nào tập trung suy nghĩ để sáng tạo hay có cách nghiên cứu đột phá để có được các giải pháp đột phá. Và chỉ sau một vài năm, kiến thức sẽ lạc hậu, tư duy sẽ cùn mòn, lúc đó dẫu có tiền cũng không thể có phát kiến gì được nữa.

Trước ý kiến đó, mấy vị chủ trì cuộc họp cho rằng tình hình chúng ta rất phức tạp, chúng ta phải nắm được con người. Cuối cùng họ đồng ý với anh.

Họ nói, ngoài lương, sẽ có các khoản tiền được đầu tư theo từng công việc cụ thể. Các khoản đó giúp cho người ta có thêm thu nhập, nhưng cấp nhỏ giọt, và tạo ra một hành lang thủ tục thật sự nhiêu khê. Chẳng hạn, các thủ tục để nhận thù lao cho công trình nghiên cứu sẽ vô cùng phức tạp, và buộc các nhà nghiên cứu phải làm các chứng từ khống, tức là buộc họ phải gian lận. Các chứng từ đó trở thành những bằng chứng cho sự gian lận của họ. Họ tự tạo cho mình những thòng lọng treo sẵn lơ lửng trên đầu. Làm hài lòng nhà nước, các thòng lọng sẽ được để yên. Làm phật lòng nhà nước, các thòng lọng sẽ được đưa ra sử dụng. Thực tế đó là những thử thách. Ai vượt qua được thử thách này sẽ chứng tỏ được những phẩm chất cần thiết của một cán bộ nhà nước. Có thể lấy nó làm căn cứ để chọn người bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng. Thử thách ấy cũng sẽ tạo điều kiện để rèn luyện phẩm chất trung thành với tổ chức và với chính phủ. Ngoài ra, những khoản đầu tư thêm ngoài lương ấy chính là các loại bổng lộc. Bổng lộc là chính, lương là phụ. Bổng lộc tập trung cho những người lãnh đạo ở vị trí cốt cán, điều này sẽ rất tuyệt để giữ được lòng trung thành của họ. Họ sẽ trung thành tuyệt đối khi nhìn thấy sự khác biệt căn bản giữa lãnh đạo và nhân viên, sự khác biệt giữa có tất cả và không có gì cả, sự khác biệt đó sẽ khiến họ sợ hãi khi phải trở lại làm nhân viên quèn. Họ sẽ trung thành tuyệt đối để giữ siêu thu nhập, ít ra là tuyệt đối trung thành trong nhiệm kỳ của họ.

Tuy nhiên, mọi người đều biết bổng lộc không chỉ đến từ ngân sách nhà nước, mà còn đến từ hối lộ và tham nhũng, các dự án liên kết, các phi vụ đủ mọi loại, những nguồn này mới thực sự quan trọng. Chưa bao giờ chữ ký có giá trị và siêu giá trị như trong thời đại này. Phần trăm, hoa hồng, mọi thứ đều thực sự rất thơm tho quyến rũ. Những thứ đó trui rèn phẩm chất lãnh đạo, và gián tiếp góp phần củng cố lòng trung thành với thể chế.

Anh còn phân tích thêm, lương thấp cũng là biện pháp để rèn thói quen chịu đựng cho nhân viên. Lương giảng viên đại học, khởi điểm, không đủ để trả tiền thuê nhà, đừng nói chuyện sống. Dĩ nhiên, chế độ lương như vậy là thậm vô lý. Nếu họ chấp nhận được sự phi lý đó, họ sẽ chấp nhận hết mọi sự phi lý khác. Anh còn nói đùa: “Các ông cứ thử xem. Cứ thử đưa ra một vài chủ trương cực kỳ phi lí, để xem có phản ứng gì không. Ví dụ, chủ trương bắt giảng viên đóng tiền cho nhà nước nếu không dạy đủ số giờ theo quy định của Bộ. Lương đã thấp như vậy, họ lấy tiền đâu ra để đóng? Rồi các ông sẽ thấy, phi lý đến thế nhưng họ vẫn sẽ thực hiện, không một chút phàn nàn, cứ thử mà xem. Chỉ cần đo vài lần như thế, sẽ đủ cho các ông kiểm nghiệm, muốn ra chủ trương gì thì ra.” Thực tình anh chỉ nói đùa thôi. Không ngờ sau đấy họ làm thật. Chủ trương đưa ra, và đúng như anh dự đoán, không gặp sự phản đối nào, người ta lẳng lặng thi hành. Con người bị làm nhục theo đủ mọi cách. Những kẻ làm nhục người khác không hiểu rằng họ cũng tự làm nhục chính mình. Còn anh thì sao đây, kẻ cố vấn cho tình trạng nhục nhã đó?

Tiền được chi dùng vào việc lãng phí tốt hơn là dùng để trả lương cho nhân viên đủ sống. Tốt cho hầu bao của những người quản lý. Những ông chủ đỏ. Và tốt cho sự trường tồn của chế độ. Quan điểm này chi phối chính sách lương. Ai cũng biết những con số dễ gây ấn tượng như hàng trăm nghìn tỉ này đến hàng trăm nghìn tỉ kia bị thất thoát, của hết đại doanh nghiệp nhà nước này đến đại doanh nghiệp nhà nước kia. Nhưng ngoài ra, số tiền lãng phí hàng ngày, số tiền lãng phí cho các hoạt động hàng ngày, em không thể nào đo đếm được. Nó mới là kinh khủng. Và dĩ nhiên, chẳng bao giờ được công khai. Số tiền lãng phí đó thừa để trả lương cho nhân viên đủ sống, nhưng nhất định phải duy trì tình trạng lương hiện nay. Nếu không làm cho con người tha hóa, nếu không làm cho con người sợ hãi, sẽ không nắm được họ. Con người càng tha hóa càng sợ hãi, và càng chấp nhận để cho người khác nắm giữ mình. Nhưng, anh biết, chẳng ai thừa nhận điều đó, chẳng ai thấy mình tha hóa, chẳng ai thấy mình sợ hãi, và ai cũng thấy mình tự do. Ít nhất, đó là thực tế trong môi trường của anh. Tốt thôi, quý vị tự do, quý vị can đảm, quý vị đức độ, những tấm gương sáng ngời, quý vị cứ cảm nhận như quý vị muốn, miễn là để yên cho tôi hưởng lợi.

Anh không bao giờ nghĩ đến việc đồng nghiệp và nhân viên sống như thế nào. Anh đã từng như họ, nếu anh thoát được nghèo họ cũng sẽ thoát được thôi. Anh thoát bằng con đường nào họ sẽ thoát bằng con đường ấy, dù có thể trên những ngóc ngách khác nhau, bằng những phương tiện lớn nhỏ khác nhau. Dĩ nhiên, có khác biệt giữa anh và họ: anh thoát nghèo và trở nên giàu có, còn đa số họ dừng lại ở mức thoát khỏi nghèo đói. Có lần, một giảng viên, trước khi ra khỏi trường, đề nghị anh làm một tờ trình lên trường và lên Bộ, nói rõ rằng với tình trạng lương hiện nay đại học không thể phát triển được, anh ta sẽ hỗ trợ anh hết mình để đưa việc này lên thành một vấn đề để giới đại học thảo luận và tìm cách tháo gỡ. Nhưng anh bỏ ngoài tai đề nghị đó. Anh đâu thèm quan tâm mấy chuyện đó. Lương không nhằm nhè gì với anh. Thu nhập của anh nằm ở những chỗ khác. Còn giảng viên ư, sống chết mặc họ.

Anh không quan tâm tới tình trạng khó khăn về kinh tế của giảng viên và nhân viên, cũng chẳng quan tâm đến các hậu quả nảy sinh từ tình trạng đó. Nhiều hậu quả, nhiều lắm. Anh đã không thấy hoặc không muốn nhìn thấy. Chẳng hiểu sao, lúc này, bất chấp có muốn hay không, anh nhìn ra vô số thứ. Dù rất khó chịu anh vẫn phải nhìn, và thấy.

Hồi đó, hồi anh mới chỉ làm trưởng khoa, đã xảy ra một việc. Cũng chỉ là việc nhỏ thôi, có hàng nghìn chuyện tương tự như thế. Anh đã nói với em, ký ức hoạt động theo một cơ chế khó hiểu, chọn lọc những thứ anh không ngờ nhất, những thứ nhỏ nhặt, tưởng như chẳng có mấy ý nghĩa. Có thể việc ấy có mối liên hệ nào đó với những gì anh vừa viết trên đây chăng.

Một hôm, anh có việc phải quay về nhà vào buổi trưa, thấy vợ anh, vợ cũ, mắt đỏ hoe, anh hốt hoảng hỏi xem có chuyện gì. Cô kể:

- Thật tội nghiệp cho cô sinh viên làm luận văn với anh. Em vừa tình cờ gặp cô ấy ở bưu điện, mặt mũi phờ phạc.

- Sao thế?

- Ủa, thế anh không biết gì à?

- Anh biết là ba ngày nữa cô ấy sẽ bảo vệ luận văn. Nhưng sao? Mọi việc xong hết rồi mà.

- Anh đúng thật là… Cô ấy bụng chửa vượt mặt, bầu tháng thứ tám, còn vài tuần nữa là sinh.

- Ừ, thì sao? Vì thế cô ấy muốn bảo vệ trước khi sinh.

- Thì sao ư? Anh có biết là đêm qua cô ấy phải đi ô tô, ba trăm cây số, đường núi, với cái bụng như thế, để sáng nay kịp đến bưu điện gửi giấy mời cho hội đồng không?

- Sao cô ấy phải làm việc đó? Đấy là việc của văn phòng mà.

- Nhân viên văn phòng của anh gọi điện bảo cô ấy xuống làm việc đó. Tối nay cô ấy đi ô tô ba trăm cây số về nhà. Ba ngày sau lại đi ô tô ba trăm cây số để xuống bảo vệ. Cái thai đã ở tháng thứ tám rồi. Trường anh cách bưu điện trung tâm chỉ một phút xe máy và khoảng 5 phút đi bộ. Cô ấy và cháu bé trong bụng phải đêm hôm đi ô tô tám tiếng đồng hồ. Mà đấy đâu phải việc của cô ấy. Giáo vụ trường anh còn tí tính người nào không?

- Thôi em đừng cường điệu như thế được không!

- Em cường điệu ư? Một bà mẹ trong tình trạng như thế, một thai nhi trong tình trạng như thế, đi lại trong tình trạng nguy hiểm như thế, nhỡ xảy ra chuyện gì thì sao? Anh không nghĩ đến điều đó ư? May cho anh là cô sinh viên không sao. Trời ơi, mà sao cô ấy không phàn nàn gì hết trơn, còn tự thấy phải có nghĩa vụ làm hộ công việc của văn phòng.

- Để mai anh nói chuyện với giáo vụ.

Anh gặp giáo vụ, một cô gái còn trẻ, hỏi cô ta sao lại làm việc như thế. Đầu tiên cô chối bay chối biến. Sau đó giải thích rằng cô vẫn thường xuyên nhờ sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh làm những việc đó. Như vậy cũng tiện cho cho cô. Cô cảm thấy công việc phải gửi các loại công văn giấy tờ rất phiền hà, nên cô nhờ sinh viên giải quyết giùm, vì đằng nào sinh viên cũng phải gặp người hướng dẫn và người phản biện. Dĩ nhiên sinh viên bỏ tiền túi ra để gửi các loại công văn giấy tờ cho khoa. Từ bao lâu nay rồi mọi việc vẫn được tiến hành theo cách đó. Cô giáo vụ ngạc nhiên, trước đây anh chẳng nói gì, sao hôm nay lại rầy rà cô. Đúng lúc ấy điện thoại di động của anh reo, anh ra khỏi văn phòng nghe điện, rồi quên luôn chuyện đó. Tối về cũng chẳng nói gì với vợ nữa.

Em thấy đấy, giáo vụ của anh chỉ nghĩ làm thế nào để tiện cho cô ấy, làm thế nào để bớt phiền hà cho cô. Mặc dù cô được trả lương để làm những công việc đó, nhưng cô vẫn đẩy cho sinh viên, bắt họ phải làm thay việc của mình. Chắc cô nghĩ công việc nhiều mà lương lại thấp. Cô không hề nghĩ đến cái thai tám tháng tuổi, cũng không hề nghĩ đến việc cô sinh viên của anh ở cách trường ba trăm cây số, tại một tỉnh miền núi, phải đi lại bằng ô tô, rất nguy hiểm. Phải, vợ anh nói đúng, nếu cái thai có chuyện gì thì sao? Đó là sự độc ác thường nhật. Cô giáo vụ độc ác mà không tự biết, không nghĩ tới sự độc ác của mình. Đối với một thai nhi mà người ta còn vô cảm như vậy, thì việc các cô bảo mẫu bóp cổ một đứa trẻ mười tháng tuổi, bạt tai, đánh đập, dúi đầu những đứa trẻ ba bốn tuổi vào thùng nước, hẳn cũng chẳng có gì khó hiểu. Sự độc ác mang gương mặt hàng ngày, mang dáng vẻ vô tư và vô can. Ta độc ác như là ta thở vậy.

Anh dung túng cho cô nhân viên văn phòng, dung túng cho sự độc ác đó. Anh nghĩ, thôi, lương của cô ấy thấp như thế, nên thông cảm cho cô. Chuyện đó chẳng qua cũng chỉ là một chuyện nhỏ. Nếu không có sự dung túng của anh, của ban lãnh đạo, nếu không có sự im lặng đồng lõa của đồng nghiệp, thì sao cô ta dám cư xử hành động như vậy? Dẫu không cố ý, nhưng sự độc ác tự nhiên, thường nhật của cô cũng có thể gây hại cho người khác. May mà không có gì tồi tệ xảy ra trong trường hợp này, nhưng chỉ là may thôi. Bao nhiêu trường hợp khác không may mắn như thế. Chẳng phải bao nhiêu cái chết ở bệnh viện chỉ do một chút bất cẩn của bác sĩ thôi sao? Những chuyện đó bị cho là chuyện nhỏ, và những tội ác xảy ra liên tiếp trong xã hội dần dần cũng bị coi như chuyện nhỏ. Ai hơi đâu mà bận tâm, ai hơi đâu mà thèm để ý nữa. Còn trăm thứ phải lo. Với lại ngày nào cũng có chuyện, làm sao để ý cho hết. Hỏi làm sao xã hội không vô cảm. Từng cá nhân trong xã hội đó vô cảm thì hỏi làm sao mà tội ác không trở nên thường nhật?

Nhưng anh, nếu đối diện với mình, sẽ phải thấy rằng anh còn làm nhiều chuyện độc ác hơn cô giáo vụ ấy rất nhiều. Dù sao, cô chưa gây hậu quả, còn anh, anh đã tạo ra những hậu quả rợn người. Mặc dầu có thể anh không cố ý… Dù sao cũng phải nói rằng, cô giáo vụ ấy, lương của cô rất thấp, và cô làm tám tiếng mỗi ngày ở trường, làm sao cô có thể sống được. Người trả lương có tí nhân đạo nào với cô ấy đâu. Có ai thương cô đâu. Anh đã chẳng bao giờ nghĩ đến việc cô ấy cũng phải sống, rồi đến lúc cô cũng phải có gia đình, và có con. Với đồng lương đó, cô sẽ nuôi con bằng cách nào? Có lẽ mỗi lần nhận lương cô đều tự hỏi sao cuộc đời lại tàn nhẫn với cô như thế. Anh có đủ mọi thứ và anh không cần biết những người xung quanh anh sống ra sao, tồn tại như thế nào. Anh còn muốn duy trì tình trạng đó, còn muốn nhấn chìm họ trong tình trạng đó. Như thế chẳng phải là độc ác sao? Như thế chẳng phải là tàn nhẫn sao? Nếu nói rằng đó là sự độc ác thường nhật e rằng không đúng nữa. Có lẽ phải nói đó là sự độc ác mang tính chất nền tảng. Cái ác nền tảng, bởi nó có khả năng giết chết tính người, giết một cách nhẹ nhàng, từ từ, ngày này qua ngày khác, không để lại dấu vết, khiến người ta không nhận thấy, không cảm thấy, khiến người ta quen dần với sự thiếu vắng nhân tính. Còn anh, hiểu rõ mọi chuyện nhưng vẫn cố tình duy trì tình trạng trả lương mạ lị và coi rẻ con người như thế, nhằm buộc con người phải tha hóa để dễ bề điều khiển họ, vậy cái ác có phải nằm trong bản chất của anh không? Bản chất ư? Sao anh nói vậy chứ? Không đâu. Con người em từng yêu, con người đó không độc ác. Phải không? Nhưng cũng có thể vào thời em yêu anh, cái ác trong con người anh chưa có điều kiện bộc lộ? Cũng có thể để sinh tồn mà anh đâm ra độc ác? Hay vì muốn được yêu mến mà sinh độc ác? Vì không muốn phải cô đơn lạc lõng, vì sợ bị bỏ rơi mà sinh độc ác? Sợ bị trừng phạt mà thành ra độc ác? Sợ cái ác mà rốt cuộc trở thành độc ác? Lẽ nào lại như thế? Hay quyền lực và lòng tham đã khuyến khích sự độc ác trong anh? Điều anh biết rõ: anh không bị xem là kẻ độc ác, và anh cũng đã không hề nghĩ mình độc ác. Cũng như trong thời kỳ dối trá kinh hoàng nhất của anh, anh không hề thấy mình giả dối. Anh là hình ảnh về sự hào hoa phong nhã, biểu tượng của sự thành đạt. Anh vẫn luôn hưởng lòng kính trọng của đa số mọi người. Dù anh chẳng rõ họ có thật sự kính trọng anh hay không.

Càng ngày anh càng cảm thấy em không thể yêu anh được nữa.

 

 

---------------

Đã đăng:

Gửi người yêu và tin [thư số 10]  (truyện / tuỳ bút) 
... Bây giờ anh phải nói thế này: những người dân đáng thương, họ bị lừa, và họ tin, rồi họ sẽ tỉnh ngộ. Có thể hơi lâu, nhưng họ sẽ tỉnh ngộ. Còn đám trí thức như anh hiểu rõ mọi thứ nhưng tự nguyện để cho người khác lừa mình, tự lừa dối mình, và đi lừa người khác, rất ít có khả năng tỉnh ngộ. Không phải là không tỉnh, mà không muốn tỉnh, do đó không thể tỉnh được. Bọn anh có đầy đủ phương tiện để tự lừa dối mình và lừa dối người khác... (...)
 
Gửi người yêu và tin [thư số 9]  (truyện / tuỳ bút) 
... Vì miếng ăn mà anh đã làm nhục người khác và tự hạ nhục mình như vậy đấy. Miếng ăn, phải gọi đúng tên nó như vậy. Phong bì là gì nếu không phải là miếng ăn? Tham nhũng là gì nếu không phải là miếng ăn. Trước đây miếng ăn là nỗi nhục của vài người, bây giờ nó đã trở thành quốc nhục, nỗi nhục của cả một quốc gia. Hình ảnh của quốc gia này gắn liền với tham nhũng, quốc gia này được định nghĩa bằng tham nhũng. Vậy tham nhũng không phải quốc nhục thì là gì?... (...)
 
Gửi người yêu và tin [thư số 8]  (truyện / tuỳ bút) 
... Cái sự hèn nó mang nhiều dáng vẻ, mang nhiều sắc thái, mang nhiều khuôn mặt. Anh tô son trát phấn lên nó, đeo lên nó cái mặt nạ kiêu hãnh, rồi đến lúc quên mất rằng dưới lớp son phấn đó, dưới lớp mặt nạ đó, thật ra chỉ là nỗi nhục nhã mình phải gánh chịu và bắt người khác phải gánh chịu. Bao nhiêu năm anh đã sống với lớp hóa trang màu mè đó và nghĩ rằng mình bình thường, rằng mình đã được chữa khỏi bệnh. Điều khốn nạn nhất là anh có thể cảm thấy thỏa mãn với tình trạng đó... (...)
 
Gửi người yêu và tin [thư số 7]  (truyện / tuỳ bút) 
... Anh đã không trở thành nhà tâm linh, mà trở thành chính trị gia. Làm tâm linh hay làm chính trị ở xứ này dù con đường có khác nhau nhưng đều có mục đích như nhau thôi: dẫn dụ, mê hoặc và làm mê muội con người. Làm chính trị đúng gu của anh hơn. Anh bước từng bước vững chắc trên những nấc thang quyền lực, cho đến cái nấc Bộ Chính Trị... (...)
 
... Ông đã không muốn cô ấy nói dối, nên tôi cũng không nói dối ông. Giới hạn chịu đựng cuối cùng của cô là bức thư trong đó ông kể về việc viết bài “Trí thức ca”. Cô ấy nói: “Anh ấy trở về để làm điều này cho đất nước anh ấy đây”. Rồi tim cô hoàn toàn ngừng đập. Tôi đã làm hết sức mình để cứu trái tim của cô ấy, nhưng tôi đã bất lực... (...)
 
Gửi người yêu và tin [thư số 6]  (truyện / tuỳ bút) 
... Anh được đặt hàng để viết một bài ca nhằm ru ngủ giới trí thức. Mục đích là giúp họ ngủ, và để yên mặc cho ai muốn làm gì thì làm, mặc cho mọi thứ xung quanh bị tàn phá, bị chia chác, bị thất thoát và mất mát. Trí thức cần phải ngủ ngon và ngủ ngoan, người đặt hàng nói với anh như vậy... (...)
 
Gửi người yêu và tin [thư số 5]  (truyện / tuỳ bút) 
... Em biết là với khả năng của anh, anh có thể làm một nhà tư tưởng, nhưng lệnh trên chỉ cho anh đóng vai trò cái loa. Không bao giờ anh được phép đóng vai trò một nhà tư tưởng. Không phải riêng anh mà tất cả mọi người trong xã hội này đều không được phép. Vì chỉ có một vài người xứng đáng làm nhà tư tưởng thôi, những người sẽ sống mãi trong sự nghiệp chung, những người sẽ soi đường chỉ lối, là kim chỉ nam cho tất cả cộng đồng. Anh làm gì thì làm, mọi người làm gì thì làm, không được phép thay thế Người. Nghệ thuật tối cao là nghệ thuật trở thành cái loa phóng thanh cho tư tưởng của Người. Ai nắm được nghệ thuật đó người ấy sẽ thành công. Ai sử dụng thuần thục nghệ thuật đó người ấy sẽ đại thành công... (...)
 
Gửi người yêu và tin [thư số 4]  (truyện / tuỳ bút) 
... Khôn cũng đồng nghĩa với việc biết dẹp lòng tự trọng sang một bên. Anh đã bốn mươi tuổi, nhưng nếu sếp xoa đầu anh như một đứa trẻ anh cũng phải để yên cho sếp sờ. Mà không chỉ đầu, nếu bị sờ xuống vai, xuống tay, hay bị sờ đùi cũng phải ngồi yên để đón nhận. Phụ nữ khôn thì không những để yên mà còn phải biết khuyến khích. Điều này quan trọng lắm. Một trong những nét nghĩa của khôn là mâu thuẫn với lòng tự trọng... (...)
 
... Đừng sợ làm họ đau. Nếu không đau thì làm sao họ có thể thức tỉnh? Những lời ve vuốt đường mật chỉ khiến họ chìm sâu hơn vào giấc ngủ mà thôi. Và nếu tất cả chúng ta cứ chìm mãi trong giấc ngủ mụ mị thì nhắm mắt cũng nhìn thấy các hậu quả. Chẳng phải mọi vấn nạn hiện nay đều là hậu quả của giấc ngủ mê mệt của tất cả chúng ta hay sao?... (...)
 
Gửi người yêu và tin [thư số 3]  (truyện / tuỳ bút) 
... Cô có hiểu “nhục mà không nhục” có nghĩa là gì không? Cô cứ tưởng là chúng tôi đang bị láng giềng o ép, chúng tôi mất biển đảo, biên giới, tài nguyên khoáng sản về tay họ thì chúng tôi nhục ư? Chúng nó là nước lớn mà đi bắt nạt nước nhỏ chúng nó mới nhục, chứ chúng tôi thì nhục gì! ... Mà mọi thứ ở chỗ chúng tôi đều có đảng và nhà nước lo rồi, đảng và nhà nước không nhục thì chúng tôi việc gì phải cảm thấy nhục? Cô chỉ nhìn thấy bề mặt sự việc mà không nhìn thấy cái gì ẩn sau đó... (...)
 
... Anh làm ơn giải thích điều này: theo miêu tả của bác sĩ thì có vẻ như trong xã hội của anh, mọi người đều yêu mến nhau, nhân viên yêu mến sếp, đồng nghiệp yêu quý nhau, và suy rộng ra thì nhân dân yêu lãnh tụ, công dân yêu nhà nước, học sinh yêu quý thầy cô... Nhưng tại sao đọc báo hầu như chỉ thấy tin cướp, giết, hiếp, bạo lực học đường, giáo dục xuống cấp, văn hóa suy đồi, tham nhũng, lừa đảo, bắt bớ, đàn áp, bỏ tù...? Em không thể hình dung một xã hội như thế lại là kết quả của tình yêu mến... (...)
 
Gửi người yêu và tin [thư số 2]  (truyện / tuỳ bút) 
... Đàn ông ở đây không coi phụ nữ là danh dự của mình, và còn lâu mới có bình đẳng thực sự. Thiếu gì đàn ông sẵn sàng dâng vợ hay em gái cho sếp hay cho đối tác để làm bàn đạp thăng tiến hoặc thủ lợi. Vợ họ, em họ còn bị đối xử như thế thì họ sá gì việc con em người khác có đi làm nô lệ tình dục ở đâu. Gần đây thôi, một phụ nữ trí thức mỏng manh đã bị một đám đàn ông trí thức đánh tan nát trên hàng đống tờ báo. Đọc những bài đánh cô ấy mặt anh cứ đỏ rực, đỏ rực vì xấu hổ, thằng đàn ông trong anh xấu hổ, hoá ra anh còn biết xấu hổ. Và cô ấy lại bị một đám đàn ông trí thức khác cho thôi việc. Và những đàn ông trí thức còn lại đồng loạt im lặng... (...)
 
... Suy nghĩ tiếp những gì anh viết trong thư, em thấy rằng ở xứ anh, người ta sẽ lần lượt đi trên một chu trình, em nghĩ là khép kín, có sự chuyển hoá từ giai đoạn này qua giai đoạn kia, nhưng là một chu trình khép kín: bị lừa dối – tự lừa dối – lừa dối người khác. Trong chu trình này sẽ có một pha lúc người ta tự nguyện bị lừa dối. Nhưng nói chung thì em nghĩ cái pha tự nguyện bị lừa dối này là một trạng thái triền miên. Cho đến lúc nào họ không còn cảm thấy mình bị lừa nữa. Em nghĩ, để cho bộ máy xã hội có thể vận hành như hiện nay, cần nhất là mọi người tham gia trong đó phải tự nguyện bị lừa... (...)
 
Gửi người yêu và tin  (truyện / tuỳ bút) 
... Anh sống trong một xã hội được cấu tạo trên nền tảng của sự dối trá, có lẽ vì vậy anh đặc biệt nhạy cảm và đặc biệt muốn tự bảo vệ mình trước sự dối trá. Em hình dung được không? Ở đây trẻ con từ khi đi học mẫu giáo đã được dạy cho cách để trở thành những kẻ nói dối. Các em được dạy hát về giấc mơ mà các em không có. Các em hát về giấc mơ trong đó các em gặp và yêu quý một người xa lạ. Nhưng các em không hề có giấc mơ đó, thậm chí còn chưa biết người đó là ai, ở cái tuổi lên ba lên bốn... (...)
 
Tình yêu  (truyện / tuỳ bút) 
... Con: Mẹ nhìn đi. Mẹ còn nhận ra cha trong quan tài này không? Còn gì của cha trong cái đống ghê tởm này? / Mẹ: Con bất hiếu! Sao dám nói cha ghê tởm! Con không thấy cha đẹp đến não lòng ư? / Con: Con không thở được nữa. Mẹ nhìn xung quanh xem. Giòi bọ nhung nhúc khắp nơi. Cả đống ở trên tay mẹ kia. / Mẹ: Cha đấy con ạ. Cha đang hạnh phúc vì được ở gần mẹ... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021