thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Vết nứt

 

 

VẾT NỨT

 

Bạn đang nứt toác ra, tôi cũng đang nứt toác ra, từng ngày, từng giờ, bạn có biết không? Một con đường ngàn tỉ đồng vừa làm xong, dày cỡ nửa mét, toàn đá với xi-măng, mà chỉ sau một đêm đã nứt, huống gì là bạn với tôi, bằng thịt bằng xương, mong manh, đầy những khe hở hiểm nghèo, làm sao lại không nứt được?

Tôi từ từ nứt ra, như một bông hoa quỳnh đang nở, nhẹ lắm, tinh tế lắm, vi diệu lắm, mà nếu không để ý, bạn sẽ không thấy được đâu. Sáng nay, trên chiếc ghế quen thuộc ở quán cà-phê cóc ven đường, một tia nắng vô tình chiếu thẳng vào tôi, như một làn roi man dại. Tôi nhìn rõ ràng khe nứt của mình, ngời ngợi, thơm tho như một vết thương...

Ngày xưa, vừa mới sinh ra, tôi nằm cuộn tròn trong ổ rơm tháng Chạp, như một chú chuột con, đỏ hỏn. Mẹ vẫn thường hay kể: “Da mày mịn lắm, như nhung. Người mày trơn tru như một quả dưa hấu!” Vậy mà càng lớn lên, tôi càng méo mó dần đi, và nguy hiểm hơn, tôi đã nứt toác ra một cách thảm hại.

Kể từ khi phát hiện vết nứt trên cơ thể mình, tôi trở nên khác tính, như một đứa trẻ tự kỉ. Trong một lớp học toàn con nhà khá giả, có một cậu học sinh nhà nghèo tự ngó vào mảnh vá trên thân áo mình, rồi lại nhìn sang quần là áo lượt của các bạn, và ngồi im lặng, cúi gằm mặt xuống bàn, cô giáo hỏi gì cũng không nói. Tôi đấy. Thỉnh thoảng tôi đặt bàn tay nhỏ nhắn lên vết nứt của mình, thử che lại, đậy lại, bịt lại, nhưng không được. Vết nứt ngày càng rộng ra, lại bốc lên một mùi hương quái dị, làm sao mà che nổi! Vệt nắng lại hồn nhiên rọi thẳng vào, như một trò đùa hồn nhiên đau đớn, long lanh...

Những ngày rảnh, tôi lang thang sân chùa, nhặt lá rơi rồi xếp lại trên cỏ, lẩn thẩn không biết để làm gì. Thỉnh thoảng, có sư đi qua nói cười hớn hở. Tôi băn khoăn tự hỏi làm sư thì có gì vui mà cười giòn đến thế. Tiếng cười của sư như đá vỡ đáy giếng, vang vang, rờn rợn. Khi sư bước qua, tôi lén nhìn trộm từ phía sau. Thật kinh ngạc, lưng sư cũng nứt toác ra một vệt dài, đẫm máu! Hình như sư không biết lưng mình bị nứt, chứ nếu biết, có lẽ, sư sẽ không còn cười vui được nữa. Tôi gọi: “Sư ơi, lưng sư cũng...” Nhưng sư không nghe. Cả sư và tiếng cười mất hút trong dãy hành lang nhà chùa tăm tối. Chỉ còn phảng phất mùi tanh của máu, từ vết nứt ấy, toả khắp sân chùa, như khói hương ngày lễ...

Vết nứt của tôi, chỉ có mẹ biết thôi. Mẹ bao giờ cũng là người đầu tiên phát hiện vết thương của con mình. Mẹ nói: “Để mẹ lên núi hái lá thuốc đắp vào, chừng một tháng sau thì khỏi!”

“Mẹ là nông dân, không đến trường ngày nào, sao mẹ dám chắc chắn thế?”

Mẹ nói: “Đầy người không biết chữ cũng làm thầy thuốc, lương y đó con!” Rồi lừa lúc tôi ngủ, mẹ lấy lá gì đó nhai đắp vào vết nứt. Tôi ngủ mê man, hình như lá thuốc công phạt khá mạnh, nên tôi mơ thấy có lưỡi dao bằng lửa cứa vào da thịt, như ngọn gió lào ngày còn thơ dại tôi dong trâu về giữa đồng trưa đầy nắng...

Bằng tất cả khả năng của mình, mẹ định chữa cho tôi hết bệnh. Nhưng, bù lại nỗ lực của mẹ, vết nứt chuyển từ màu hồng sang màu xanh lá cây, phảng phất mùi hương cơm nếp. Tôi khoác thêm một lần áo nữa, cho đỡ bỏng rát, rồi lại tiếp tục sống, tiếp tục vui đùa và làm việc. Vết nứt trở thành một con mắt bên trong, hàng ngày nhấp nháy nhìn ra, thao thức.

Con mắt thứ ba ấy nhìn ra, lại thấy toàn những vết nứt ở những chỗ khác nhau. Khi tôi lên trường học, vào buổi chào cờ sáng thứ hai, giữa lúc cả trường đang nghiêm trang, tôi thấy ngực thầy giáo dạy văn bị nứt đôi, như vừa bị chém bởi một nhát dao sắc lẹm. Tất nhiên, thầy không biết mình đã, đang bị nứt. Miệng thầy vẫn lẩm nhẩm gì đó trong khi mắt thầy nghiêm trang nhìn lên...

Suốt buổi học hôm đó, tôi không nạp được một chữ vào đầu. Thầy giảng về một bài thơ gì đó, thầy khen thơ rất là có vần, và thơ có sức mạnh siêu gì đó. Thầy nói say sưa, thỉnh thoảng lại đưa tay lên vuốt ngực, hình như thầy cũng đau, cũng xót mà không dám nói ra, sợ lũ học trò cười thì phải.

Tôi bỏ lớp, đi lang thang. Tối đến, tôi ngủ ngoài vỉa hè, dưới gầm cầu, với lũ trẻ bụi đời. Tôi kể chuyện nứt toác cho chúng nghe, chúng cười hô hố. Một đứa nói: “Tao cũng thấy rồi, trên người mẹ tao, nứt to lắm, đen thùi lùi.” Tôi biết bọn chúng không tin nên chế giễu tôi. Tôi bỏ chúng, đi về.

Nửa đêm, trăng thu vành vạnh trên đầu, như một bài thơ. Mắt tôi ngước lên nhìn trăng và ngay lập tức phát hiện ra, trăng cũng đã bị nứt toác...

Xưa nay, tôi vẫn yêu trăng lắm. Ngay cả trong những giấc mơ kỳ quái nhất, tôi cũng chưa bao giờ thấy trăng nứt, vậy mà... Bạn tưởng tượng được không, nếu một ngày không còn trăng nữa, thì sao? Tôi nhắm nghiền mắt lại, ngồi co ro bên đường, như một gã hành khất giữa đêm khuya. Và tôi ngủ luôn trong mệt mỏi, trong thất vọng, trong những dự cảm không lành về tương lai.

Khi tôi thức giấc thì vầng trăng đã không còn nữa. Lá xào xạc trên đầu, sương ướt nặng trĩu trên tóc. Rồi mặt trời lên.

Tôi sợ lắm, không dám nhìn mọi thứ, khoác thêm một tấm áo nữa, để che vết nứt, để che đôi mắt, để che...

Nhưng với mặt trời, làm sao che nổi, chỉ là không đủ thị lực để nhìn thẳng vào nó thôi. Nếu nhìn lâu, mắt bạn sẽ bị mù. Nhưng con mắt xanh màu lá cây lại nhìn trân trối vào mặt trời. Hoá ra, mặt trời, không biết từ bao giờ, cũng đã bị nứt toác. Từ vết nứt vĩ đại xa xăm ấy, nham thạch rỉ ra, vương vãi khắp không trung, như máu. Nham thạch tràn xuống, phủ kín những đám mây màu hồng cũng đã bị nứt toác từ lâu...

Bạn hỏi tôi: “Tại sao nhìn vào đâu cũng thấy nứt?” Tôi sẽ không trả lời được. Như cậu bé học trò gặp câu hỏi quá khó từ thầy giáo, tôi sẽ im lặng cúi đầu biết lỗi. Thực ra, tôi nào đâu muốn thế. Tôi muốn tôi là tôi tròn trịa, trăng là trăng viên mãn, mặt trời là mặt trời chắc chắn soi lên vạn vật. Thế nhưng, đó chỉ là ước mơ thôi. Cậu học trò ấy loay hoay nhìn xuống chân mình để tránh ánh mắt nghiêm khắc của thầy giáo, và cậu kinh hoàng nhận ra rằng, đất dưới chân cũng đang nứt toác...

Khi đất dưới chân nứt toác, bạn sẽ trốn vào đâu? Không, sẽ không còn chỗ nào nữa hết. Bây giờ, tôi như con cá nhìn đâu cũng thấy mắt lưới bủa vây. Ngày xưa, bạn từng chui ra từ một vết nứt, vậy tại sao bây giờ bạn lại sợ hãi, không dám đối mặt với nó một lần nữa? Tôi tự động viên mình vậy đấy, và ngẩng cao đầu, thản nhiên như một samurai sắp sửa tự mổ bụng, giẫm chân lấy đà, bước thẳng vào vết nứt toác vừa xuất hiện trên mặt đất.

Hoá ra, lòng đất cũng không hề lành lặn, nhưng có bao nhiêu là vết nứt ngang, nứt dọc, như miệng, như sẹo, như vết thương không lành nham nhở. Vậy mà lâu nay tôi cứ tưởng, mặt đất này, cuộc sống này, vững chãi lắm, lành lặn lắm! Tôi bắt đầu hành trình của mình giữa những vết nứt toác, dở dang, vụn vặt, đầy rẫy yêu thương và giận hờn, khinh ghét.

Ngày xưa, tôi cũng bắt đầu đi ra từ một vết nứt, thật đấy!

 

 

-------------

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021