thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Một chùm thơ không đề chưa lãng quên
 
Lý Đợi giới thiệu
 
 
 
TRẦN TRUNG TÍN
(1933-2008)
 
Thời đi tập kết và làm diễn viên.
Ảnh: Tư liệu, không rõ nguồn.
 
 
Lời giới thiệu:
 
Trần Trung Tín sinh ngày 18-10-1933 tại Chợ Lách, Bến Tre, và mất lúc 17 giờ 15 ngày 15-8-2008 tại tư gia ở Sài Gòn. Ông tập kết ra Bắc năm 1954, mãi đến 1969 ông mới bắt đầu tự mày mò tập vẽ tại Hà Nội, sau đó ông trở lại Sài Gòn vào tháng 9-1975 và ngay trong năm sau (1976) ông đánh điện ra xưởng phim (nơi ông đã làm) để thông báo lần cuối việc trả thẻ Đảng và xin đứng ngoài mọi biên chế của nhà nước.
 
Cuộc đời ông nếu nhìn theo kiểu “sơ yếu lý lịch” thì rất minh bạch, với 2 đặc điểm: mạnh mẽ trong ý thức phản tư và cương quyết trong các chính kiến. Nhưng nếu nhìn ở con đường nghệ thuật thì, với nhiều người, dù đã biết đến danh tiếng của ông, vẫn khá mù mờ. Ông sống lặng lẽ, làm thơ và vẽ với niềm xác tín vào bản thân ngay từ khi chọn lựa. Suốt một thời gian dài, trong giới mỹ thuật Việt Nam chẳng có mấy người cho rằng ông biết vẽ; nhiều người nói ông điên, chính vì thế mà ông càng được tự tại, được vẽ như tâm hồn và chọn lựa của mình, chẳng bị thị trường tranh soi mói. Đến khi ông nổi tiếng (thập niên 90) và tạo ra được những ảnh hưởng, có những người trước kia miệt thị ông thì nay lại thay đổi ý kiến, muốn gần gũi và tỏ ra có hiểu biết về con đường nghệ thuật của ông. Nhưng rồi ông vẫn vậy, chẳng thấy sự nổi tiếng hay giá tranh đang leo thang ấy là một áp lực hay một sự thay đổi; ông vẫn ung dung và kiên định trong thế giới của riêng mình.
 
Trong cuốn sách[1] và cũng là vựng tập khá đầy đủ về Trần Trung Tín, nhà phê bình Sherry Buchanan chia con đường hội hoạ của Trần Trung Tín (qua 96 bức tranh) thành 16 chủ đề với 2 thời kỳ chính: ở Hà Nội và ở Sài Gòn. Tôi sẽ trở lại với những chủ đề này trong một dịp khác, ở đây tôi chỉ đặc biệt nhất mạnh tới giai đoạn 1969-1975 với chủ đề Thiếu nữ, súng và hoa, vì thiếu thốn màu và toan, ông vẽ với bất kỳ thứ gì mình có, thường là trên các tờ báo Nhân dân cũ. Thời kỳ này ông vẽ những thiếu nữ thanh xuân, những phụ nữ thanh tân với khuôn mặt mờ ảo, ngực để trần, một tay ôm súng AK, một tay cầm hoa. Tôi cho đây là một đỉnh điểm về suy tư và một phép ẩn dụ về chiến tranh.
 
Tại nơi an táng ông, nghĩa trang Chánh Phú Hoà (Bình Dương), người ta thấy trên bia mộ khắc mấy dòng sau đây:
Trái tim tôi như cái sân bay
Chỉ vui
Khi những niềm vui cất cánh
Chân lý không bị hành hình
Cái đẹp không bị vùi chôn...
 
Chính tại đây chúng ta biết thêm một Trần Trung Tín khác – Trần Trung Tín thi sĩ. Qua sự đồng ý của gia đình, tôi xin trích giới thiệu một vài bài thơ được xem là “hiền lành” nhất trong xấp bản thảo có tên: Một chùm thơ không đề chưa lãng quên, và một bài trong xấp bản thảo khác. Tôi sẽ trở lại với những bài thơ có tính giễu nhại và liên văn bản của ông trong một dịp gần đây.
 
Những số thứ tự đầu bài được ghi theo bản viết tay của Trần Trung Tín. Cũng mong đây là nén nhang gởi cùng ông đi về cõi tiêu diêu cực lạc trong lễ làm tuần 49 ngày sắp tới.
 
Lý Đợi
 
 
 
Thủ bút bài số 1.
 
 

1.

 
Trái tim tôi không phải quả táo Tàu
Không thể dùng dao cắt chia ba phần to nhỏ
“Cho em phần ít, cho thơ cho Đảng phần nhiều...”[2]
Với những gì tôi yêu
Tôi cho tất cả!
......
Trái tim tôi như cái sân bay
Chỉ vui
Khi những niềm vui cất cánh
Chân lý không bị hành hình
Cái đẹp không bị vùi chôn...
Trái tim tôi buồn
Ai xui
          Nắng quái chiều hôm.
 
                            Hà Nội 1964
 
 

2.

 
Chào Em!
Tôi mãi mãi chào Em
Như chào mặt trời không bao giờ tắt
......
Dù những lúc trái tim bơ vơ phiêu bạt
Còi tạm biệt sân ga lạnh lẽo phố phường
Con chim nhỏ kêu sương
Chú gà tơ tập gáy
Vòi nước ai mở bỏ quên
Giòng thời gian cuộn chảy
Lai láng tình người
......
Tôi vẫn chào Em
Chào mãi, Em ơi!
 
                            Hà Nội 1965
 
 
 
Hoạ phẩm Thiếu nữ, súng và hoa, 1972,
sơn dầu trên giấy báo, 52cm x 37cm,
hiện thuộc sưu tập của John và Judith H. Day.
 
 

3.

 
Hè phố đêm khuya trầm mặc
Nói về Em
Quán nhỏ đền lu ám khói
Nói về Em
Trang sách thơm mùi giấy mới
Nói về Em
Hồi còi rộn rịp sân ga
Nói về Em
Tiếng dương cầm bay qua cửa sổ
Nói về Em
......
Và trái tim tôi đau khổ
Vì không được nói về Em.
 
                            Hà Nội 1965
 
 
 

5.

 
Cuộc đời chau mày đưa cho
Chén rượu buồn thứ nhứt
Nó nốc cạn
Chén rượu buồn thứ hai
Nó lại nốc cạn
Chén rượu buồn thứ ba
Nó vẫn nốc cạn
 
*
 
Cuộc đời ngẫm nghĩ
Thằng cha này, dù có đưa cho nó cả biển buồn trái đất
Nó cũng sẵn sàng nốc cạn mà thôi...
 
*
 
Rồi,
Cuộc đời cười
Lấy từ trong két sắt
(Thứ két sắt của lão già keo kiệt)
Một vò rượu vui
Hai vò rượu vui
Ba vò rượu vui.
 
                            Hà Nội 1966
 
 
 

4.[3]

 
          “Chiều chủ nhật buồn còn ai, còn ai”
                                                   T.C.S.
 
Tôi xin nói – Còn Em.
Còn Em trong lít gạo chợ đen
Còn Em xếp hàng mua thịt, mua rau...
Còn Em bán bàn thờ tổ tiên để sống
Còn Em với nỗi lo “kinh tế mới”
Còn Em với những ước mơ...
               những bến bờ đi không tới
Sao tôi biết còn Em
Mà lòng tôi buồn vô cùng.
 
                            Sài Gòn 1976
 
_________________________

[1]Sherry Buchanan, Trần Trung Tín – Paintings and Poems from Vietnam (London: Asia Ink, 2001). Sherry Buchanan cũng là một nhà biên tập và nhà bình luận của báo Wall Street Journal và International Herald Tribune.

[2]Câu này ngụ ý nói về bài thơ “Bài ca mùa Xuân 1961” của Tố Hữu với đoạn sau đây:

...
Chào xuân đẹp! Có gì vui đấy
Hỡi em yêu? Mà má em đỏ dậy
Như buổi đầu hò hẹn, say mê
Anh nắm tay em, sôi nổi vụng về.
Mà nói vậy: "Trái tim anh đó
Rất chân thật, chia ba phần tươi đỏ:
Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều
Phần cho thơ, và phần để em yêu…”
Em xấu hổ: “Thế cũng nhiều anh nhỉ !"
Rồi hai đứa hôn nhau, hai người đồng chí
...

[3]Bài này do bà Huỳnh Nga (vợ Trần Trung Tín) chép theo trí nhớ. Tôi tạm đánh số 4 — nó nằm trong một bản thảo khác, trong giai đoạn trở lại Sài Gòn, hiện chưa tiện công bố. [Lý Đợi].

 
 
---------------------------
Phụ chú của Tiền Vệ:
Mời độc giả đọc thêm bài của nhà phê bình mỹ thuật Nguyên Hưng viết về hội hoạ của Trần Trung Tín. {Xin bấm vào link này}
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021