thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
12 mảnh truyện về một lớp học làm thơ

 

1.

 

Hạ Xanh không phải là tên nàng. Đó là tên một lớp học làm thơ. Tôi từng học ở đó, nên tôi có thể tả lại nó, một cách chính xác.

Lớp học hình tam giác, có cạnh đáy bằng mười hai bước chân, chiều cao tôi không thể đếm, vì không lẽ tôi lại chúc đầu xuống đất?

Ai cũng biết diện tích hình tam giác bằng đáy nhân cao chia hai, nhưng ít ai nhận ra là lớp học rộng hơn phòng giam. Phòng giam thường có cạnh chỉ một hay hai bước chân.

Hàng ngày tôi học làm thơ ở đó. Thầy giáo dạy về Emily Dickinson.

Có lần một gã hàng xóm râu ria nói với tôi rằng hãy đọc thơ của vợ lão, một cô giáo chuyên luyện thi môn văn vào lớp 6. Lão nói: “Nó sẽ gợi cho anh nhớ đến Emily Dickinson.”

Vì thế nên đôi khi nghe thầy giáo giảng bài, tôi bị buồn nôn.

 

2.

 

Dĩ nhiên tôi vẫn thích Emily Dickinson.

Không còn ai làm thơ nữa, nhưng tôi vẫn học làm thơ, vì không biết học gì khác.

Có lần thầy giáo ra một đề bài: Em hãy làm một bài thơ tả lần đầu tiên gặp nàng.

Tôi nhớ, lần đầu tiên trời mưa.

Tôi tạt vào hiên nhà bên đường trước, sau đó ít lâu nàng nép vào. Tôi nhích vào, nhường chỗ cho nàng.

“Lạnh quá,” nàng nói.

“Ừ, lạnh,” tôi nói.

“Em học Sư Phạm Văn, chuyên về lý luận và ngôn ngữ.”

“Anh học Y Khoa, chuyên về vi phẫu.”

“Em đùa thôi, em làm tiếp thị bia Tiger.”

“Anh đùa thôi, anh làm bảo kê cho các em tiếp thị.”

Tôi và nàng đã gặp nhau như thế.

Thầy giáo đọc bài thơ tôi kể chuyện mình, nói: “Vậy cái gọt bút chì của em còn dùng được không?” Tôi nói: “Bút chì của em rất nhọn.” Thầy giáo cười, ánh mắt rất khả nghi.

 

3.

 

Tôi vẫn thường mang theo một hộp cơm, một chai nước lọc, một chiếc khăn mặt. Vào lớp học làm thơ, tôi thích ngồi bàn đầu.

Thầy giáo giảng:

- Thơ là sự vang rền.

- Thơ là cuộc đua, còn khó hơn thi đại học.

Tôi nói: “Hèn gì thơ của thầy không ai hiểu. Chữ của thầy chỉ là những xác chết.” Thầy giáo nghiêm mặt: “Không đùa trong lớp học.”

Tôi: “Dạ.”

 

4.

 

Có lần tôi phát hiện một bài thơ của thầy giáo đăng trên báo “văn nghệ quê nhà” hay “văn nghệ nhà quê” gì đó, giống hệt bài thơ tôi nộp cho thầy khi thi tuyển đầu vào.

Tôi nói với thầy: “Em không quay cóp.”

Thầy giáo cười: “Chân lý trên đời luôn bất biến. Em phát hiện nó theo kiểu lý thuyết, còn thầy thì theo kiểu thực hành. Em trông cũng khá, nhưng thật ra em chỉ là đứa lý thuyết suông.”

Tôi hỏi thầy: “Thực hành là chép thơ người khác à?”

Thầy cười, hai mắt nheo lại, độ lượng.

 

5.

 

Vào ngày mở ra vụ án đạo thơ, thẩm phán, kiểm sát viên và luật sư đều là thầy giáo. Nghe đâu trước kia thầy còn làm cả Công An nữa.

Tôi hỏi: “Thầy không biết hoá trang, kiểu như đeo mặt nạ hay râu giả à?”

Thầy nói: “Em đừng đùa với lửa, cả bộ luật bản quyền dày cộp này là do tôi soạn đấy. Chúng ta cần tiết kiệm, cả nhân lực và vật lực.”

Thầy cũng giải thích thêm: sở dĩ lớp học làm thơ rộng hơn phòng giam cũng là do kinh phí.

 

6.

 

Trong vụ án đạo thơ, thầy đã thắng. Thầy vẫn tiếp tục dạy tôi làm thơ. Thầy viết rất nhiều thơ lên bảng cho tôi học. Thầy viết bằng phấn màu. Đẹp rực rỡ.

Riêng thơ của thầy thì thầy không bao giờ chép lên bảng nữa. Thầy nói: “Thơ của thầy không thể chép bằng phấn.”

Tôi hỏi: “Vậy thơ thầy chép bằng gì?” Thầy đáp: “Bằng máu.”

Tôi hỏi: “Sao lại có máu? Máu ở đâu ra? Thầy bị xử bắn à? Khi bị bắn thầy có hô muôn năm ba lần không?”

Thầy nói: “Mày bị thần kinh à?”

Tôi im.

 

7.

 

Thầy giáo nói: “Những thứ thầy đang dạy cho em không phải để làm nhà thơ. Nếu muốn làm nhà thơ, em cần làm đơn xin vào hội Văn Nghệ, thầy sẽ ký giấy giới thiệu.” Ngưng một chút, thầy nói: “À quên, em nhớ ghi rõ: chi hội Văn Học, không họ lại kết nạp nhầm vào chi hội Múa hay Biểu Diễn.”

Vì thế, kiến thức thơ ca của tôi theo thầy khá chắp vá và hỗn loạn. Thầy nói: “Vậy cũng không sao.”

Thầy cũng không bình giải thơ. Đọc xong một bài thơ, thầy hay la lên: “Khiếp, Vang Rền Thế...”

Tôi hỏi: “Thầy ơi, em muốn biết cách viết một bài thơ vang rền?”

Thầy nói: “Nếu biết, tao đã viết rồi, còn chờ mày à?”

Vì thế, tuy hàng ngày vẫn mang hộp cơm vào lớp học làm thơ, đã làm đơn vào chi hội Văn Học, đã là nhà thơ, tôi vẫn không biết cách làm một bài thơ vang rền như thế nào?

Tôi kể lại toàn bộ câu chuyện với nàng. Nàng nói: “Vang Rền? Hay là tiếng hú của Ma Quỷ? Em nghĩ trong lớp của anh có một con ma. Em biết về ma cà rồng. Nó chỉ toàn hút máu người khác làm máu của mình.”

 

8.

 

Cũng vì kiến thức thơ ca của tôi “khá chắp vá và hỗn loạn”, thầy nói tôi nên đến nhà thầy buổi tối để học thêm. Thầy cũng nói: “Thầy biết em nghèo và ham học, nên lấy tiền tượng trưng thôi. Tượng trưng và Siêu thực là hai môn thi bắt buộc cuối học kỳ đấy. Thi cử là nhiệm vụ chính trị, chúng ta không thể làm việc tuỳ hứng được. Thầy không thể là người vô trách nhiệm.”

Tôi: “Dạ.”

Thầy hay hỏi tôi đủ thứ ở nhà thầy, cả chuyện yêu đương của tôi. Thầy nói đó là thầy đang Tư Vấn. Nhưng tôi biết thầy hoang tưởng. Có khi thầy sùi cả bọt mép mà không biết. Tôi im nghe là chính. Lệ phí thầy thu cũng chấp nhận được.

Tôi biết học làm thơ theo chương trình nâng cao của thầy rất dễ sinh bệnh tâm thần. Tôi bấm vào google thấy số người bệnh tâm thần trên cả nước hiện đã lên đến 12 triệu người.

Nhưng nàng nói: “Không phải cứ mắc bệnh là thành nhà thơ.”

Tôi mách lẻo lại thầy, thầy cười: “Đó, không như thơ ca, bệnh học là điều rất khó giải thích. Cũng như tôi không thể giải thích tại sao tôi lại thích bạn gái của em hơn cả em.” Thầy cười tít mắt vì câu đùa thông minh của mình.

Tôi mách lẻo lại nàng, nàng nói: “Thằng lưu manh.”

Tôi nói: “Đừng hỗn.”

 

9.

 

Thế nhưng nàng không giận. Nàng biết tôi yêu thơ chân thành. Tôi tiếp tục làm thơ về “mỗi sáng tắm một lần”, “bình sữa có thể có 2 ống hút”... Nàng nghĩ vậy là tôi có yêu trẻ em. Chắc tôi muốn có con với nàng. Có lúc nàng thì thầm: “Anh nhạy cảm quá.” Nàng nói: “Sau này anh nhớ dạy con toán cộng và cách nói nhanh như súng bắn với giọng hơi khào khào giống như anh nha.”

Vì thế nên nếu bạn muốn làm thơ, bạn cứ đến lớp học của tôi. Tôi sẽ lắng nghe bạn.

Bạn hãy kể cho tôi câu chuyện của bạn, có thể là chuyện tình dục và chuyện bạn tính sai ngày, bạn đổ nợ. Tôi biết nhiều người mang mối hận vì bị bỏ rơi sau lúc đó. Nhưng thành ca sĩ Lệ Rơi thì không ổn. Bạn có thể khóc, vì chết rồi có ai khóc nữa được đâu.

Bạn cũng đừng nghĩ thơ là trò vớ vẩn.

Bạn sẽ biết mình cần làm thơ về cái gì. Nhiều khi hứng lên, bạn làm ngay tại lớp học luôn đấy chứ. Nhưng tôi sẽ nói: “Không nên làm vậy. Bạn nên ra về, và ngồi một mình, ở quán xá, ở bến xe, ở bệnh viện, ở nhà trọ... ở đâu đó, và bắt đầu làm thơ.

Lớp học không đủ ánh sáng, nên nếu bạn làm thơ thì bạn sẽ cận thị, mù màu hay đau mắt.

Bạn nên làm thơ ở một nơi nhiều ánh sáng hơn.

Chỗ này, là chốn linh thiêng vang rền của thầy giáo, lúc nào ông cũng lảm nhảm: “Mày nên bỏ ý định như thế đi.”

Thế nên nếu bạn làm thơ, bạn sẽ bị nghẹt thở.

Bạn cứ làm thơ, nhưng ở chỗ khác.

Bạn sẽ kể câu chuyện của bạn. Dù câu chuyện có mơ hồ đến đâu, nó vẫn là nước mắt của sự lầm lỡ, và nàng sẽ nghe. Tuy nhiên, bạn nên cẩn thận, nàng rất ghét trò “chương hồi” nếu bạn cứ lặp lại mãi một giọng. Nàng sẽ nói: “Đó là biểu hiện của sự bất tài.”

 

10.

 

Có khi bí đề tài, tôi nói với nàng. Nàng nói: “Hay là anh làm một bài thơ về chàng người yêu cũ của em.” Tôi hỏi: “Anh ta có gì?” Nàng nhớ lại: “Anh ấy có biệt tài hút thuốc lá thở ra bằng mũi.” Tôi thất vọng cho sự tưởng tượng thảm hại của nàng.

Dạo này nhiều người nuôi chim chào mào. Nhiều cái lồng treo lơ lửng khắp nơi. Tôi sẽ viết bài thơ về lồng chim. Nó ngột ngạt vừa đủ, như ý nghĩ mọi người. Và tôi cần sự an toàn khi tự do sáng tạo.

Tôi nói với nàng ý định ấy, nàng nói: Anh lắm trò quá đấy. Tôi gắt: “Này, em ăn nói cũng vừa phải thôi.”

Tôi mang theo một cái lồng chim vào lớp học để khi làm bài thơ còn có mẫu mà mô tả. Tôi nghĩ điều đó không phải đạo văn. Các quyển sách văn mẫu chẳng phải đang bán đầy bến xe và các quán nhậu đó sao?

Hôm đó mẹ của thầy giáo đến thăm thầy. Bà già ngắm mãi cái lồng sơn son thếp vàng, tự dưng nói: “Ngày xưa mình cũng từng trẻ khoẻ đẹp.” Có lẽ bà liên tưởng tốt hơn nàng, nhưng tiếc nuối và khoe khoang lộ liễu như vậy thì khó mà giúp tôi làm thành bài thơ được.

Tôi làm bài thơ để thông cảm với sự mất tự do của con chim. Tôi thì thầm vào tai nó nhưng nó đứng im, không động đậy. Tôi thổi, nó vẫn không động đậy. Tôi hét, nó vẫn không nhúc nhích. Bà già hỏi: “Hết cách rồi à? Thơ là thứ vô phương à?” Tôi không trả lời. Tôi chép bài thơ về sự mất tự do lên bảng, chút nữa thầy giáo sẽ bình và cho điểm. Bà già cười: “Chép lên bảng à?” Bà ngâm nga: “Có một bài thơ nằm im / lim dim / trái tim / gỗ lim / trái sim…” Bà mơ màng như thể màu tím Hữu Loan đang nằm trên bảng. Bà nói: “Có nhà thơ còn thấy trái tim trong quần nữa, cháu nhớ tên ông ta không?”

Tôi nhạt miệng, bỏ ra ngoài vì lớp học cấm hút thuốc lá. Khi hút thuốc và thở ra bằng mũi xong, tôi quay lại thì bà già đã xoá mất bài thơ. Tôi không nhớ mình đã viết gì để chép lại lên đớ. Tôi muốn nói về sự cầm tù, nhưng nó đã bay mất. Tôi muốn nói về sự bay, nhưng nó đã rơi. Tôi ra về, nàng kể: “Hôm nay có một chiếc trực thăng rơi đấy.” Tôi đáp: “Tha hồ tự do, sinh ra là tự do.”

Nàng gắt: “Anh điêu ngoa cũng vừa vừa thôi chứ.”

 

11.

 

Có lần, vừa vào lớp, thầy giáo đã gọi tôi đứng lên: “Kể cho thầy nghe câu chuyện anh đang suy nghĩ?”

Tôi á? Suy nghĩ à? Trả lời a? Não tôi phẳng lì. Môi tôi mím chặt. Hai tai nóng như lửa. Bụng căng cứng.

Tôi lục lọi trí nhớ. Phẳng lì phẳng lì phẳng lì.

Tôi nói: “Bài thơ bài thơ bài thơ.”

Thầy giáo ân cần: “Tốt lắm, anh tiếp tục đi.”

Tôi cố lục lọi cuộc đời mình, xem có gì để kể cho thầy.

Thầy giáo nói: “Em cứ bình tĩnh. A, mà em không yêu nước à?”

Tôi chảy nước mũi, chảy cả nước mắt.

Thầy giáo vẫn ân cần: “Biển Đảo Biển Đảo Biển Đảo. Cái ao Cái ao Cái ao.”

Nàng rên rỉ: “Cố lên, anh ôi.”

Tôi oà ra: “Biển ôi Đảo ôi Nước sôi.”

Thầy cười: “Thế chứ. Có tiềm năng.”

Tôi giật mình: “Em không có tiền đâu.”

Tôi viết:

Biển ôi Đảo ôi Nước sôi.
Biển ôi Đảo ôi Nước sôi.
Biển ôi Đảo ôi Nước sôi.
Biển ôi Đảo ôi Nước sôi.
Biển ôi Đảo ôi Nước sôi.
Biển ôi Đảo ôi Nước sôi.

Tôi thu mình trước trang giấy trắng. Tôi thấy bà già quay lại, nhìn tôi cười.

Tôi viết tiếp:

Nàng ôi Mẹ ôi Bà Già xa xôi.

Bà già cười:” Hồi trẻ tôi từng đẹp lắm...”

 

12.

 

Có lần, thầy giáo nói: “Nhà thơ không phải là kẻ bắt chước, mà cũng không ai bắt chước chúng ta cả.”

Nàng lại nói: “Về chuyện tiền bạc thì nhà thơ khá bi quan. Anh chưa bao giờ kiếm đủ cho chúng ta một bữa ăn sáng.” Tôi hoang mang: “Thế tại sao chúng ta vẫn sống? Chúng ta có ăn cắp của ai không?” Nàng cười: “Anh hay có những giấc mơ phi lý. Không nên tuỳ tiện, kể cả giấc mơ. Đừng nghĩ cứ nhà thơ là siêu thực tượng trưng trừu tượng lung tung. Ăn cắp không có trong chương trình học, kể cả chương trình học thêm nâng cao nộp tiền và các loại cách tân. Mọi người cần nhận ra căn cước của chính mình chứ không phải ‘căn cước của ẩn dụ’.”

Nghe vậy, tôi đưa cho nàng tấm danh thiếp. Mặt trước ghi: Nhà thơ cách tân, điện thoại số 099 Y XXX XXX. Mặt sau ghi: Sẵn sàng làm bạn với những ai cô đơn. Nàng đọc xong, cười: “Thế anh là trai bao à?”

Tôi bỏ đi, nàng nói với theo: “Em xin lỗi.” Nước mắt nàng chảy ra từ đôi mắt vô hồn của tôi. Tôi tức như mỗi khi không làm được thơ tôi vẫn hay bị thầy giáo cốc vào đầu, hai mắt tôi tối sầm lại.

 

12. (tiếp theo)

 

Tôi đã thành nhà thơ, vào ngày có một chiếc trực thăng rơi sau khi viên phi công đã nhảy dù, bỏ lại hai mươi mốt hay hai mươi hai người trên đó. Nàng nói: “Cứ chờ, rồi cuối cùng chúng ta sẽ có con số chính thức.”

Nàng thì thầm: “Đó chỉ là số lẻ so với số lượng các nhà thơ.”

Nàng nói: “Anh thành nhà thơ rồi.” Tôi vẫn chưa tin. Nàng nói: “Em nộp học phí cho anh rồi, cả đêm qua. Thầy giáo thu học phí khoẻ thật.”

Tôi thành nhà thơ. Nàng nói: “Từ nay anh sẽ kiếm ăn bằng cách tiên tri, không cần phải trộm cắp hay ăn bớt của ai nữa. Mà vậy em cũng đỡ lo.”

Nhưng tôi biết chắc là nàng không hiểu gì về thơ. Bằng chứng là sau khi đọc những bài thơ tôi viết cho nàng, nàng đều đi rút tiền đưa cho tôi, vì nàng vẫn nghĩ đó là những lá thư mượn hay xin tiền.

Lớp học kết thúc, mọi người mở tiệc ăn mừng.

Sau trận rượu, tôi say, nằm bên vệ đường, nôn thốc nôn tháo.

Một vật gì Mềm Mềm Lạnh Buốt chạm vào tôi. Tôi nhìn lên, hoá ra Mềm Mềm Lạnh Buốt là một anh chàng Áo Xanh Lá Mạ. Anh nói: “Làm gì nằm ở đây? Đưa giấy tờ tuỳ thân cho tôi xem.”

Tôi đưa tấm thẻ nhà thơ. Tôi hỏi: “Sao anh cứ Mềm Mềm Lạnh Buốt thế? Tôi có biết một thứ rất mềm, nhưng ướt và ấm áp. Hơi nóng là khác.”

Anh cười: “Tôi sợ sự thô lỗ, tôi thích mềm mại dịu dàng.” Xem xong tấm thẻ, anh nói: “Ô, thế ra tấm thẻ này chẳng có gì liên quan đến công việc hàng ngày của tôi cả. Mà anh dùng tấm thẻ này vào việc gì?”

Tôi đáp: “Kiếm ăn.”

Anh nói: “Tuyệt vời.”

Giọng Áo Xanh Lá Mạ vẫn Mềm Mềm Lạnh Buốt.

 

 

----------------

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021