thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Trao đổi với Nguyễn Viện về tiểu thuyết [kỳ V]

 

CỬA XUẤT BẢN vừa cho ra mắt 3 cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Viện trong tháng 5/2008.
 

 
Cuộc trao đổi giữa Tiền Vệ và nhà văn Nguyễn Viện dưới đây được thực hiện qua phương tiện điện thư và sẽ được đăng tải liên tục hàng ngày cho đến khi kết thúc.
 

_________________

 

Đã đăng: [kỳ I][kỳ II][kỳ III][kỳ IV]

 

Tiền Vệ [TV]: Thử nói thêm một chút về cái gọi là "hội nhập". Anh có bao giờ muốn làm hội viên của Hội Nhà Văn Việt Nam? Và (hãy thử tưởng tượng) nếu anh được mời làm hội viên của Hội Nhà Văn Việt Nam thì anh nghĩ thế nào?

 

Nguyễn Viện [NV]: Trước đây, tôi đã là hội viên của Hội Nhà Văn thành phố HCM, từ khi còn làm báo Thanh Niên. Nhưng thú thật đến bây giờ thì tôi không tưởng tượng được tôi có thể trở thành hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam. Với tình trạng của tôi hiện nay, nếu được mời vào hội nhà văn cấp quốc gia, thì cũng giống như Việt Nam có đa đảng vậy. Thế thì phải vui chứ. Tuy nhiên, tôi chán hội hè lắm. Khi còn làm ở báo Thanh Niên, tôi cũng thích “làm quan”, bây giờ tôi giác ngộ cách mạng rồi, làm dân mới “vạn đại”. Vạn đại tất yếu phải oách hơn nhất thời. Mà lại chắc cú nữa.

Vả lại, tôi không phải cốt con cừu.

 

TV: Anh vừa nêu hai lý do chính khiến anh không thích thú gì lắm với việc trở thành hội viên Hội Nhà Văn: (a) anh “chán hội hè”, và (b) anh “không phải cốt con cừu”. Vậy theo anh, chức năng chính của Hội Nhà Văn là gì? Nó có đóng được vai trò gì đáng kể trong sinh hoạt văn học Việt Nam hiện nay không? Chúng ta có thể chờ đợi được một cái gì từ Hội Nhà Văn hay không?

 

NV: Có một lần tôi đi dự đại hội Hội Nhà Văn thành phố HCM. Khi bàn về nội qui, tôi thấy họ đưa ra một câu tương tự như điều 4 Hiến pháp: “Tự đặt mình dưới sự lãnh đạo của Đảng”. Ngay khi ấy tôi đã biết là mình sai rồi. Làm nhà văn mà chịu sự lãnh đạo của bất cứ ai cũng hỏng.

Theo tôi biết, chức năng chính của nhà văn là viết văn. Chức năng chính của Hội Nhà Văn là quản lý những người viết văn. Tất nhiên nó cũng hỗ trợ cho một số người (chỉ một số thôi, tôi nhấn mạnh), thí dụ như cho tiền sáng tác (mà vừa qua đã có người từ chối không nhận, như nhà thơ Ý Nhi), tạo cơ hội cho đi nước ngoài... Tôi có cảm giác đó là chỗ chia chác quyền lợi (với một số người) và với một số người khác thì vào hội cũng như một thứ... “làm quan”. Nói cho công bằng, Hội cũng tạo điều kiện cho một số hội viên sáng tác bằng việc tổ chức các trại sáng tác. Và làm một số việc quan hôn tang tế khác. Nhưng Hội luôn luôn đứng ngoài, đứng im lặng khi hội viên gặp trục trặc trong việc sách không được cho phép xuất bản, hoặc sách bị tịch thu. Nói chung, Hội Nhà Văn Việt Nam mang tính một hội chính trị (thành viên của Mặt Trận Tổ Quốc) hơn là một hội nghề nghiệp. Như tôi nói, nó nhằm quản lý hơn là nhằm hỗ trợ và bảo vệ các quyền lợi về tự do sáng tạo của nhà văn.

Bởi thế, nhìn chung Hội Nhà Văn trở thành một lực cản hơn là sự thúc đẩy cho cái mới xuất hiện. Cho nên không thể chờ đợi gì ở Hội Nhà Văn, bởi vì nó là một tổ chức của Đảng, do Đảng lãnh đạo, nó tuỳ thuộc vào ý muốn của Đảng chứ không phải ý chí của các nhà văn.

 

TV: Anh nghĩ gì về Giải Thưởng hàng năm của Hội Nhà Văn Việt Nam? Anh có theo dõi Giải Thưởng ấy không? Anh nhận định thế nào về giá trị của những tác phẩm đoạt giải?

 

NV: Tôi chưa bao giờ quan tâm tới giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn Việt Nam cũng như các giải thưởng văn chương trong nước khác, bởi 2 cái tiêu chí chấm giải bất di bất dịch là an toàn về nội dung và bảo đảm về vấn đề lý lịch tác giả. Tôi chỉ tiếc là người ta đã tiêu tiền của nhân dân một cách vô ích, cho cả cái hội ấy và các giải thưởng của nó.

 

TV: Nhưng nếu, giả dụ anh được Hội Nhà Văn trao giải thưởng cho một cuốn tiểu thuyết của anh thì anh có nhận hay không?

 

NV: Đây là điều không thể xảy ra. Vì theo tôi biết, rút kinh nghiệm từ những người đã từng từ chối nhận giải thưởng, thể lệ qui định tác giả nào muốn nhận giải thưởng của Hội phải gửi đơn xin xét giải cho tác phẩm của mình, hoặc được giới thiệu ứng thí.

 

TV: Là một tác giả của nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ và kịch bản, chắc hẳn anh đọc nhiều. Anh thường đọc những gì? Anh có thường theo dõi những sự kiện và biến cố văn học ở trong nước và ngoài nước?

 

NV: Tôi đọc không nhiều. Nhưng thường quan tâm đến những người mới xuất hiện, mong tìm được cái gì khác, mới. Tôi quan tâm và theo dõi tất cả những sự kiện nổi bật không những về văn học mà cả các biến cố chính trị xã hội quan trọng khác, trong và ngoài nước.

 

TV: Cuối năm 2006, anh đi Mỹ lần đầu tiên và anh đã trải qua những cuộc giao lưu với nhiều người trong văn giới Việt Nam ở hải ngoại. Anh đã có những cảm tưởng gì, đã phát hiện những gì trong chuyến du hành ấy? Và khi anh về lại Việt Nam để tiếp tục sống và viết, anh có suy nghĩ gì khác với trước khi đi, hay vẫn thế?

 

NV: Tôi đã được gặp khá nhiều anh chị em trong giới. Tất cả đều rất nồng nhiệt và tử tế. Bắt đầu từ Boston với anh Nguyễn Bá Chung, Nguyễn Trọng Khôi, tôi được gặp các anh Chân Phương, Trần Doãn Nho... Tiếc nhất ở Boston là không gặp được Lưu Diệu Vân, mặc dù đã có hẹn. Tiếc thêm một lần nữa khi tôi đến Cali, Vân hẹn sẽ bay qua, nhưng rồi cũng không bay được. Đến New York, tôi gặp được Đỗ Lê Anh Đào, mặc dù bận bịu đang làm phim truyền hình, Anh Đào cũng “tranh thủ” gặp. Tôi cũng gặp được anh Vũ Quang Việt, một “sếp” ở Liên hiệp quốc. Qua anh Việt, tôi tìm được người bạn thân nhất của tôi thời sinh viên. Cảm động nhất là ở Washington DC, các anh Nguyễn Ngọc Bích, Ngô Vương Toại, Trương Vũ, các chị Trương Anh Thụy, Nguyễn Thị Thanh Bình, đặc biệt là vợ chồng Trần Nghi Hoàng – Bích Ti đã dành cho tôi sự đón tiếp quá chu đáo và tận tình. Nhưng vui nhất là khi tôi đến Florida, Hoàng Ngọc-Tuấn từ Úc đang ở Alabama với Hoàng Đình Bình đã sang đón tôi để cùng tụ tập vui chơi, hồn nhiên và quậy tới bến với các anh Nguyễn Xuân Thiệp, Nguyễn Đại Giang, Đinh Trường Chinh, Thận Nhiên, vợ chồng Phạm Chi Lan... Trước khi cùng Hoàng Ngọc-Tuấn và Thận Nhiên đến Nam Cali, tôi qua Texas gặp Ngu Yên, Lương Thư Trung, thày Đặng Phùng Quân và một số anh em văn nghệ khác nữa. Ở Nam Cali, thật tuyệt vời với căn nhà thênh thang của Lê An Thế, với những ngày lang thang cùng Đặng Thơ Thơ, với những buổi cà phê cùng các anh Nguyễn Mộng Giác, Hồ Thành Đức, Nguyễn Đức Quang, MiMi của Vietweekly, Nguyễn Lương Vỵ, Rừng, Phùng Nguyễn,... nhậu với Nguyễn Hương, Cao Xuân Huy, Trịnh Thanh Thủy... Tôi cũng gặp được các “hào kiệt” như Tạ Chí Đại Trường, thày Lê Xuân Khoa của tôi, Võ Phiến, Khánh Trường... Ở Bắc Cali, tôi gặp các anh Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Hữu Liêm, Phạm Việt Cường,... nhưng khó quên nhất là với Lê Thị Thấm Vân, Nguyệt Cầm. Đặc biệt với anh Tư Phương đã cho tôi những ngày đi sâu vào nước Mỹ nhất.

Sở dĩ tôi phải dài dòng kể tên người này người kia vì tôi thật sự muốn tri ân họ. Đấy là người. Còn nước Mỹ như tôi thấy, quá thanh bình, đẹp và giàu. Nhưng tôi cũng cảm thấy nước Mỹ khiêm tốn. Nhận xét này làm Peter, chồng của Nguyệt Cầm ngạc nhiên. Ông ta nói không phải. Nước Mỹ cái gì cũng to, nhưng tôi không thấy nó kệch cỡm. Nếu hỏi tôi có thích ở Mỹ không, thì tôi nói, giả dụ buộc phải lưu vong, tôi thích sống ở... Campuchia hơn. Tôi nói thật đấy. Campuchia bí ẩn và quyến rũ một cách man dại. Trong khi nước Mỹ quá mông mênh hiu quạnh, nhưng bên trong nó lại là sự chật chội của một thứ lề thói sinh hoạt xã hội chính trị rất phong kiến của những người đồng hương. Báo chí (của người Việt) tuy tự do, nhưng nói chung là dở. Về văn chương đã xuất hiện những tên tuổi sáng giá, vượt qua dòng chảy của nền văn học Sài Gòn cũ, nhưng đáng tiếc ngành xuất bản đã đang giãy chết.

Cho nên, tôi vẫn thấy chọn lựa sống trong nước của mình là đúng, không hề hối tiếc khi từ chối ra đi hợp pháp theo diện đoàn tụ trước đây, mặc dù tôi vẫn phải chửi đổng. Nước Mỹ không làm tôi thay đổi suy nghĩ và tôi vẫn viết theo kiểu chửi đổng của mình với cuộc đời chung quanh.

 

TV: Khi nói báo chí ở hải ngoại nói chung là dở, anh so sánh với cái gì? Ví dụ: với báo Nhân Dân, báo Sài Gòn Giải Phóng hay báo Công An thành phố HCM chăng?

 

NV: Tất nhiên, tôi không so sánh với 3 tờ báo anh vừa nêu. Tôi đã từng có cơ hội xem một số tờ báo tiếng Việt phát hành ở Mỹ, ở đây ý tôi muốn nói là các báo thời sự chứ không phải tạp chí văn học, tôi thấy khâu biên tập là kém cỏi nhất. Nghĩa là các bài viết đa phần thiếu các chuẩn mực về tu từ, ngữ pháp... Tôi tin rằng, bất cứ ai nghiêm túc, cũng thấy đa phần các báo thời sự của người Việt Nam ở Mỹ không hay bằng báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Pháp Luật Thành Phố... ở Việt Nam. Tất nhiên xin đừng so sánh về mức độ tự do thông tin.

 

TV : Anh bị mắc cái tật “chửi đổng” ấy từ bao giờ? Dường như những tác phẩm trước đây của anh không có dấu vết của sự “chửi đổng” phải không? Vậy thì nguyên nhân nào làm nẩy sinh ra nó?

 

NV: Bối cảnh xã hội.

 

TV: Ở trên, anh nói là ngành xuất bản ở hải ngoại đang giãy chết. Chắc anh căn cứ vào số lượng ấn bản tiêu thụ được trên mỗi đầu sách. Tuy nhiên, ở trong nước, khi chọn CỬA XUẤT BẢN, chắc anh cũng không hy vọng có số lượng ấn bản cao hơn phải không? Vậy thì chuyện in nhiều hay in ít, bán được nhiều hay bán được ít có thật sự quan trọng với anh không?

 

NV: In nhiều hay in ít với bất cứ một tác giả nào, tôi thiết nghĩ, cũng đều quan trọng, vì nó là một phần của sự thành công. Nhưng với tôi, nó không quan trọng lúc này. Vì CỬA XUẤT BẢN không thể in nhiều sách của tôi trong tình trạng nó không được phép phát hành một cách chính thức. Bởi thế, điều quan trọng nhất là các tác phẩm ấy đã thể hiện được một ý chí hiện diện, chứ không phải mục đích thương mại.

 

[còn tiếp]

 

Đã đăng:

... Tại sao lại phải sợ? Đó chính là bi kịch của chúng ta, những người dân sống trong một chế độ toàn trị. Đây cũng là nguồn cảm hứng lớn lao nhất của tôi. Đối diện với cái sợ. Ai làm cho mình sợ? Sợ cái gì? Làm cho người khác sợ, có phải là tội ác? Làm thế nào vượt qua được nỗi sợ? ... (...)
 
... Đó là cách diễn đạt tốt nhất để mô tả một trạng huống, một tâm thái, một tâm thức, một bối cảnh xã hội và con người đương đại. Đó là sự đứt khúc văn hoá, sự hỗn độn trong đời sống, sự đứt mạch hệ thống tư tưởng nền tảng, sự mất định hướng trong điều hành của cơ chế chính trị, sự thay đổi các giá trị... Và sự chối bỏ của chính tôi với hệ thống, các định vị và định chế xã hội... (...)
 
... Tôi cho rằng tất cả những người viết kiểu giễu nhại, bụi đời, bạt mạng, gây hấn... đều là những phản ứng tích cực nhằm tạo nên những tiếng nói độc lập, không chỉ trong lãnh vực văn chương mà còn là một thái độ chính trị, nhằm xác lập một ý thức sáng tạo tự do và một ý thức công dân tự chủ. Thiếu tự do và tự chủ, không thể trở thành nhà văn... (...)
 
... Tôi nghĩ rằng nhiệm vụ thuyết giáo về đạo đức không bao giờ thuộc về nhà văn. Cái mà anh ta cần làm trước hết là nghệ thuật của mình. Trong cái nghệ thuật ấy, người đọc cần nhìn thấy ở anh ta như tâm hồn và lương tri của thời đại mà anh ta đang sống. Bởi thế, nhà văn không thể là kẻ đồng loã với cái đen tối, cái phi nhân tính. Nhà văn phải luôn được coi là tiêu biểu cho sự phản kháng của lương tâm con người trước các thế lực muốn huỷ diệt quyền sống của con người... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021