thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
BA MƯƠI NĂM: KHOẢNG CÁCH & DẤU NỐI [Nguyễn Viện]
phỏng vấn Nguyễn Viện

 

 

Ông gặp một thi sĩ/văn sĩ Việt kiều lần đầu ở: phi trường, quán…? Trước đó, ông biết họ qua tác phẩm nào? Điều gì từ tác phẩm đó đã gây ấn tượng cho ông?

 

NV: Thận Nhiên là nhà thơ Việt kiều đầu tiên tôi gặp, năm 2001, tại quán café hành lang Bích Câu cùng với một số người khác. Nếu không có việc Thận Nhiên báo cho tôi biết tiểu thuyết Đâm Sừng Vào Bóng Tối của tôi mới được đăng trên tạp chí Hợp Lưu, thì có lẽ tôi cũng không để ý lắm đến cái anh chàng Việt kiều (mặc dù đẹp trai) nói năng lắp bắp này. Đây là tác phẩm đầu tiên của tôi đăng ở nước ngoài (cũng ngoài ý muốn của tôi). Tôi thật sự không có điều kiện tiếp cận với sách báo nước ngoài, nên cũng chưa bao giờ đọc thơ Thận Nhiên cho đến lúc đó. Nhưng bây giờ thì tôi thích hắn, cũng như tôi thích Phan Nhiên Hạo là người thứ hai tôi gặp khi Nguyễn Quốc Chánh rủ tôi đi uống café với Hạo, thời Hạo về làm việc tại Việt Nam. Ấn tượng của tôi về cả Nhiên và Hạo là họ hiểu biết và tha thiết với chuyện văn chương. Ở họ, có một ý thức làm văn chương rõ rệt và mạnh mẽ, điều mà cho đến lúc ấy khó tìm thấy được ở những nhà văn nhà thơ trong nước.

 

Người thi sĩ/văn sĩ Việt kiều mà ông thân nhất đã nói cho ông nghe điều gì về thơ/văn hải ngoại và thế giới? Những quan điểm nào ông đồng tình và không đồng tình? Ông nghĩ sao về các khuynh hướng sáng tác như Hậu hiện đại, Tân cổ điển…

 

NV: Trước đây, tôi chỉ được nghe Nguyễn Hưng Quốc và Hoàng Ngọc-Tuấn nói chuyện chơi về văn chương trong bàn nhậu, khi Quốc và Tuấn về Việt Nam. Cho đến khi tôi có ý muốn tham gia vào một dự án nghiên cứu cho William Joiner Center thì tôi mới thật sự được biết kỹ hơn về văn chương Việt hải ngoại, qua tìm hiểu sách báo và trên internet, đặc biệt là qua các thông tin của hai anh Phan Nhiên Hạo và Thận Nhiên. Họ đã giúp tôi có một cái nhìn tổng thể về thơ ca hải ngoại của người Việt. Tôi cho rằng thơ ca hải ngoại có sự đóng góp rất lớn cho văn chương Việt Nam, ở cả hai mặt tác động và hình thành.

Tôi không quan tâm đến các khuynh hướng, dù nó là hậu hiện đại, tân cổ điển hay tân hình thức. Bởi tôi luôn cho rằng chính nội dung sẽ quyết định một hình thức phải như thế nào. Cái điều cần là một cảm quan văn hóa độc lập. Chính cái cảm quan văn hóa sẽ là con đường mở đi về phía trước. Nó không ràng buộc người viết vào bất cứ hình thức nào. Điều này cũng có nghĩa nó là một khả thể cho các cách biểu đạt mới.

 

Ngoài những quan hệ có tính cách cá nhân như thế, ông có thường đọc các tác phẩm văn học bằng tiếng Việt ở nước ngoài không? Nếu thường, thường như thế nào? Những tác phẩm ấy thuộc thể loại gì (thơ/truyện/tiểu luận/phê bình)?

 

NV: Cuộc chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt, sau 30 năm, những nỗ lực như Hợp Lưu, Việt (nay đã đình bản và hoá thân thành tạp chí liên mạng Tiền Vệ) dường như mới chỉ làm được một công việc là phổ biến các tác phẩm trong nước ra nước ngoài. Còn con đường ngược lại từ phía Việt Nam, nó vẫn là một cánh cửa hẹp, ngoại trừ một vài tác giả như Mai Ninh, Phạm Hải Anh… được phép in sách ở trong nước, còn tất cả vẫn đi bằng con đường lậu. Hợp Lưu, VănViệt thi thoảng có mấy cuốn được lén lút đưa qua cửa phi trường. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy tờ Văn Học. May thay, một vài năm gần đây nhờ ông Bill Gates mà dân ta được đọc văn chương trên mạng.

Tôi thành thật tin rằng ông Bill Gates đã tạo điều kiện để văn chương Việt Nam có cuộc vận động làm thay đổi toàn diện nền văn học cúng cụ này.

 

Theo ông, văn học Việt Nam trong và ngoài nước có những khác biệt gì đáng kể?

 

NV: Cái khác biệt chính là văn học Việt ngoài nước có tự do thể nghiệm và tự do phát biểu. Nhưng tiếc thay, cũng chẳng mấy người sử dụng được cái tự do ấy. Phần đông, họ cũng không khác những gì họ đã có trước khi ra nước ngoài. Văn học trong nước, chỉ thật sự biến chuyển vài năm gần đây nhờ đường truyền internet. Tôi cảm nhận được một tín hiệu vui khi ý thức làm mới đang thật sự bùng nổ ở những viết trẻ cả trong nước và ngoài nước. Họ thật sự muốn chôn sống nền văn học cũ.

 

Ông có tin là văn học trong và ngoài nước một ngày nào đó sẽ nhập làm một hay không? Điều kiện để dẫn đến sự “thống nhất” ấy là gì?

 

NV: Văn học của người Việt ở bất cứ đâu cũng là văn học Việt. Nó chưa bao giờ bị tách rời và không thể tách rời. Sự tách rời chỉ có ở trong đầu những kẻ làm chính trị. Mà những kẻ làm chính trị thì không thể sống lâu hơn tác phẩm văn học.

 

Trong cuộc “thống nhất” của nền văn học bằng tiếng Việt ấy, đóng góp chính của mỗi bên (trong/ngoài) là gì?

 

NV: Dù có khoảng cách về địa lý, chính trị, nền văn học Việt vẫn có mối tương tác trong ngoài. Và nó đều giống nhau ở chỗ cùng hướng về cội nguồn. Trong thời đại của nền văn minh mạng, khoảng cách địa lý và chính trị ấy đang bị xóa nhòa. Tôi nghĩ không cần phải phân biệt phần vốn của mỗi bên làm gì. Cái mà văn học sử có thể đặt ra sau này có lẽ cũng chỉ ở chỗ thiết yếu nhất, tác phẩm nào đã làm nên các cột mốc phát triển.

 

Với những thi sĩ/văn sĩ hải ngoại, ông muốn cho họ thấy điều gì quí nhất trên trán ông và trong túi ông?

 

NV: Quí nhất ở trên trán tôi có hai chữ TỰ DO. Và trong túi quần tôi là chiếc điện thoại di động, thẻ ATM và cái Passport.

 

(Trần Nhuệ Tâm thực hiện)

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021