thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Phê bình về sự phê bình nhà phê bình

 

Từ trước đến nay, tôi vẫn thích, nếu không muốn nói là rất thích, những truyện ngắn / tùy bút của Lữ được đăng trên Tiền Vệ. Tuy nhiên, sau khi đọc bài viết “Nhà phê bình: Cần phải khiêm tốn” của Lữ, tôi thấy có vài vấn đề muốn trao đổi với ông cũng như với bạn đọc về một số vấn đề liên quan đến phê bình văn học.

Trước hết, bài viết của Lữ tuy ngắn nhưng lại có khá nhiều mâu thuẫn. Ví dụ ngay cái nhan đề “Nhà phê bình: cần phải khiêm tốn”, chính nó, đã là một sự mâu thuẫn, đã là một sự thiếu khiêm tốn. Dù vậy, tôi sẽ không đào sâu về vấn đề này, vì theo tôi, nhắc nhở nhà phê bình hay nhà-phê-bình-nhà-phê-bình về sự khiêm tốn là một việc làm rất phi văn chương. Chuyện đó, nếu cần, hãy để dành cho các nhà đạo đức học.

Quan trọng hơn là các ý kiến của Lữ về vai trò của nhà phê bình. Theo Lữ:

“Nhà phê bình, là người đọc, mà cũng là người viết. Nhà phê bình viết xuống cái đọc của mình. Cách đọc đó, cũng chính là cách ông viết. Khiêm tốn hơn, ông sẽ không chỉ cho ai cách đọc một tác phẩm văn học. Tự nhiên hơn, ông sẽ nói: ‘Tôi đọc như vậy đó.’ Và điều này có nghĩa là: Tôi sống như vậy đó. Không ai bắt chước ông được. Mỗi người phải tự sống cuộc đời của mình: Đừng bắt chước...”

Nếu đúng theo Lữ nói, chức năng của nhà phê bình (chỉ) là trình bày cho người đọc cách đọc tác phẩm văn học của mình, mà người đọc, cũng theo Lữ, lại không nên, không thể bắt chước cách đọc đó thì chúng ta tự hỏi: Vậy các nhà phê bình tồn tại để làm gì nhỉ? Tại sao chúng ta lại đọc các nhà phê bình?

Lữ lại viết tiếp:

“Người đọc phải dùng sự sống của chính mình mà tiếp cận với một sáng tác phẩm. Mỗi lần đọc, ta khám phá thêm một vài điều mới lạ. Cái mới, cái lạ, cái hay, có mặt ở trong đời sống hàng ngày của bạn. Nó không nằm trong một tác phẩm văn chương. Và ta càng không thể tìm ra nó qua ngòi bút của một nhà phê bình. Nhà phê bình: Cần phải khiêm tốn.”

Cũng giống các nhận định ở trên, nhận định này cũng đầy mâu thuẫn. Nếu như “cái mới, cái lạ, cái hay có mặt ở trong đời sống hàng ngày” và “không nằm trong một tác phẩm văn chương”, thì như vậy, người ta cần gì đến việc đọc để “khám phá thêm một vài điều mới lạ”? Nói cách khác, người ta cần gì đến văn chương nữa?

Ở trên, chúng ta không cần nhà phê bình. Đến đây, chúng ta không cần cả văn chương.

Tuy nhiên, tôi không tin rằng một người viết nhiều, và viết hay như Lữ lại có thể xem văn chương là không cần thiết. Tôi tin rằng, tôi có thể hiểu (nhưng vẫn không đồng tình với) điều Lữ muốn nói đằng sau đoạn văn đầy mâu thuẫn ấy. Sự hiểu, và sự bất đồng quan điểm đó, tôi sẽ trình bày nó bằng cách trở lại một vấn đề tưởng chừng như vô cùng đơn giản: cái taste của người thưởng ngoạn.

Tôi không biết dịch chữ taste như thế nào. Dịch là “thị hiếu” như nhiều người đã làm thì dễ gây hiểu lầm vì chữ “thị hiếu” thường gắn liền với khái niệm thời thượng, ít nhiều có nghĩa xấu. Trong khi chữ taste, cách cảm nhận về cái hay cái đẹp, thì trung tính. Bởi vậy tôi xin dùng chữ taste này.

Nói đến taste là nói đến cái đẹp. Immanuel Kant (1724-1804) trong The Critique of Judgement phân biệt cái đẹp thành hai loại. Thứ nhất là cái đẹp thuần túy, tự do (pure or free beauty) hoàn toàn dựa vào chính vật thể được quan sát; người ta không cần có một khái niệm nào về ý nghĩa và mục đích của nó để thấy rằng nó đẹp.[1] “Cái mới, cái lạ, cái hay, có mặt ở trong đời sống hàng ngày của bạn” mà Lữ đã nói, tất nhiên không thể gói gọn trong, nhưng cũng không đi quá xa cái đẹp này. Thứ hai là cái đẹp phụ thuộc (dependent or adherent beauty) là cái đẹp được đánh giá dựa trên những khái niệm, những tiêu chuẩn về thẩm mỹ được định hình. Khi cái đẹp phụ thuộc bắt đầu hình thành những khái niệm thì nó không còn nằm trong phạm vi của trí tưởng tượng mà dời sang phạm vi của sự hiểu biết.[2] Cái đẹp trong văn chương, vì bản chất phức tạp của nó, không chỉ và không thể là cái đẹp tự do. Nói “phức tạp” vì văn chương sử dụng ngôn ngữ mà ngôn ngữ lại gắn liền với văn hoá, nghĩa là với cách nhận thức của con người. Cái đẹp phụ thuộc của văn chương cũng không thể là bất biến bởi những quy ước về thẩm mỹ thay đổi liên tục theo từng trào lưu, từng thời kỳ văn học. Sự biến hoá của cái đẹp trong lịch sử làm cho việc cảm nhận cái đẹp trong văn chương trở thành khó khăn và ý niệm về taste trở thành phức tạp.

Edmund Burke (1729-1797) trong A Philosophical Enquiry into the Origin of our Ideas of the Sublime and Beautiful cho rằng taste là sản phẩm của sự kết hợp giữa sự nhạy bén (sensibility), hay trí tưởng tượng (imagination) và óc phán đoán (judgment). Sự khác nhau của taste giữa người này hay người khác không phải ở tính chất mà là ở mức độ. Trong khi sự thiếu hụt của sự nhạy bén hay trí tưởng tượng gây ra sự khiếm khuyết của taste, thì sự non kém của óc phán đoán tạo thành một cái taste tồi.[3] Taste trở nên hoàn thiện hơn khi óc phán đoán được cải thiện, bằng sự mở mang kiến thức và bằng sự tập luyện thường xuyên.[4] Như vậy, taste không phải là cái tự nhiên, cái có sẵn mà phải được học. Mà sự học, có phải luôn luôn bắt đầu từ sự bắt chước? Trong Poetics, Aristotle cho rằng từ thuở ấu thơ con người đã có bản năng bắt chước và sự khác nhau rõ rệt nhất giữa con người và con vật là ở chỗ con người vượt xa con vật ở khả năng đó. Cũng theo Aristotle, bắt chước chính là nền tảng của sự học hỏi.[5] Điều này chúng ta cũng có thể kinh nghiệm dễ dàng ngay từ đời sống của chúng ta. Hồi nhỏ chúng ta học ngôn ngữ như thế nào nếu không phải là từ sự bắt chước liên tục? Cả cái gọi là văn hoá thực chất cũng là những sự bắt chước, từ cách ăn đến cách mặc, cách nói năng, đi đứng, v.v… Trong lãnh vực văn học cũng vậy. Ở Việt Nam ai cũng khen Truyện Kiều nhưng cách cảm nhận của chúng ta về Truyện Kiều đâu phải tự nhiên mà có? Thật ra, tất cả đến với chúng ta từ nền giáo dục mà chúng ta thụ đắc.

Nói về taste, Kant cũng có cái nhìn tương tự, nhưng sâu và có hệ thống hơn Burke. Kant cho rằng trong khi kinh nghiệm về cái đẹp (beauty) là một sự hoà hợp giữa trí tưởng tượng và sự hiểu biết (understanding), thì kinh nghiệm về cái cao cả (sublimity) lại là một sự xung đột (disharmony) giữa trí tưởng tượng và lý lẽ (reason). Thoạt tiên, sự xung đột ấy gây ra một cảm giác khó chịu, nhưng ngay sau đó, khi chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa của sự đầu hàng của trí tưởng tượng đối với lý lẽ thì cảm giác khó chịu đó lập tức biến thành lạc thú. Khi đó, chúng ta hiểu ra với một hạnh phúc to lớn, rằng chúng ta là những tạo vật siêu nhạy (supra-sensible creatures) và có một năng lực bên trong chúng ta lớn lao hơn cả tự nhiên.[6]

Cũng theo Kant, khi cái cao cả quá lớn vượt quá khả năng lĩnh hội, người ta phải nương cậy vào lý luận, tức là nương nhờ vào những ý tưởng mà trực giác của người thưởng ngoạn chưa từng kinh qua.[7] Khi đó, theo tôi, người ta lại cần đến sự giúp đỡ của các nhà phê bình.

Như vậy theo cả Kant lẫn Burke, trong cái taste có vai trò của sự hiểu biết và lý lẽ. Sự hiểu biết ấy được cung cấp và củng cố bởi hệ thống giáo dục từ các cấp, bởi các phương tiện truyền thông đại chúng, và, đặc biệt với nền văn học đương đại, bởi giới phê bình và với mức độ ít hơn, giới điểm sách trên báo chí. Hơn nữa, chính cái gọi là cảm tính ấy cũng không phải là cái gì thuần tuý phi-kiến thức. Chính cảm tính cũng được đào luyện dần dần bằng giáo dục và văn hoá. Chúng là những phản xạ có điều kiện. Nhưng khi chúng là những phản xạ có điều kiện chúng lại tuỳ thuộc vào quá khứ, nghĩa là dễ bị lạc hậu.

Trong những trường hợp này, chúng ta càng cần đến nhà phê bình. Nhà phê bình, không chỉ là những người phát hiện cái đẹp trong các tác phẩm văn chương (như cách nghĩ của rất nhiều người), mà còn là người tiêu chuẩn hoá cái đẹp để người đọc nhờ đó có thể hiểu được, cảm thụ được nó. Những lúc văn học chuyển mình nhanh chóng như hiện nay thì vai trò của nhà phê bình lại càng nổi bật. Một người đọc bình thường, hiểu theo nghĩa không phải là một nhà nghiên cứu hay phê bình văn học, rất khó có thể theo kịp các quan niệm thẩm mỹ được thay đổi liên tục theo những trào lưu văn học ấy. Khi họ không theo kịp, họ sẽ bị bỏ rơi. Họ trở thành những kẻ thiệt thòi vì họ không thưởng thức được những tác phẩm mới với những cái đẹp mới.

Alexander Pope (1688–1744), một trong những nhà thơ, nhà tân cổ điển được xem là lớn nhất của Anh, trong “An Essay on Criticism”, xuất bản vào năm 1711, cho rằng phê bình cũng cần thiết và quan trọng như văn chương; một nhà phê bình tồi thì nguy hiểm cho văn chương hơn cả một nhà thơ tồi.[8]

Ngược lại, xuất phát từ lý thuyết văn học của Aristotle, từ trước đến nay nhiều người tin là một nhà phê bình lớn sẽ gây cảm hứng cho một nền văn học lớn. Nếu không, ít nhất họ cũng gây cảm hứng cho người đọc để họ đến với nền văn học ấy.

Làm được như thế, nhà phê bình đâu cần phải quá khiêm tốn nhỉ?

 

11.09.2009

 

 

_________________________

Chú thích:

[1]Immanuel Kant, The Critique of Judgement, phần I: Critique of Aesthetic Judgement. Nicholas Walker biên tập, James Creed Meredith dịch. Bản điện tử: http://ebooks.adelaide.edu.au/k/kant/immanuel/k16j/complete.html#SS16

[2]Immanuel Kant, sđd.

[3]Edmund Burke, A Philosophical Enquiry into the Origin of our Ideas of the Sublime and Beautiful, Phần Introduction: On Taste. Bản điện tử: http://books.google.com.au/books?id=pNyaM-kO5N8C&source=gbs_navlinks_s

[4]Edmund Burke, sđd.

[5]Aristotle, Poetics, S. H. Butcher dịch. Bản điện tử: http://ebooks.adelaide.edu.au/a/aristotle/poetics/

[6]Immanuel Kant, sđd.

[7]Immanuel Kant, sđd.

[8]Xem Alexander Pope, “Essay on Criticism” in trong Hazard Adams, Critical Theory Since Plato. New York: Harcourt, Brace, Jovanovich, 1971, tr. 274-282.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021