thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
U Tình Lục, đứa con đầu lòng của Hồ Biểu Chánh

 

Tháng trước đây tôi được biết nhà văn Nguyễn Văn Sâm sẽ cho in cuốn U Tình Lục của Hồ Biểu Chánh mà ông đặt thêm tên là Kể Chuyện Tình Buồn. Ông đã biên soạn rất kỹ phần chú giải cho cuốn sách, và ông muốn tôi cho ý kiến. Thật ra tôi không biết Hồ Biểu Chánh có làm thơ, có tác phẩm thơ đã ra đời. Tôi chỉ biết Hồ Biểu Chánh là một nhà văn kỳ cựu có biệt tài, bắt đầu viết từ thời phôi thai của tiểu thuyết Việt Nam, tức là vào đầu thế kỷ 20, mô tả đời sống bình dân của miền Nam, rất lôi cuốn, đậm đà tính dân tộc, và bằng một thứ ngôn ngữ đặc thù của “miệt vườn”.

Thế ra Hồ Biểu Chánh (1885-1958) đã khởi đầu sự nghiêp văn chương của mình bằng thơ — U Tình Lục được viết trước cuốn tiểu thuyết văn xuôi đầu tay Ai Làm Được xuất bản năm 1912. Tiếp theo đấy, trong gần nửa thế kỷ, ông cho in thêm một tập thơ, và trên 60 tiểu thuyết.

U Tình Lục có thể được tóm tắt như sau:

Lâm Cúc Hương 12 tuổi, đoan trang, xinh đẹp, con nhà giàu, quen biết khá thân với người láng giềng tên là Lê Tấn Nhơn, 14 tuổi, nhà “đủ ăn”, tính tình nghiêm nghị và ham học. Người chị con dì của Cúc Hương là Xuân Lan cũng đẹp nhưng tài đức không bằng.

Sau ba năm quen biết, tình bạn chuyển qua tình yêu, nhân dịp Tấn Nhơn ghé chơi, Cúc Hương muốn bày tỏ nỗi lòng nhưng ngại nên nhờ Xuân Lan làm trung gian. Nào ngờ Xuân Lan đã có ý chiếm đoạt Tấn Nhơn, nên không tận tình nói giúp. Cũng may sau đó nàng có dịp gặp lại chàng, hai người hiểu nhau, yêu nhau, thề thốt. Rồi chàng phải đi học ở Mỹ Tho. Tại quê nhà, bị ép lấy con ông huyện, nàng sợ mẹ cha không dám nói lời từ chối quyết liệt, thì chàng về thăm, hai người lén gặp nhau, lửa gần rơm, nàng mang thai. Chàng sau đó lại lên đường du học, nàng ở quê bị khốn khổ vì chuyện lỡ dại ấy, bèn nhờ Xuân Lan giúp đỡ. Xuân Lan thừa dịp nói gạt với Tấn Nhơn rằng Cúc Hương đã dan díu với kẻ khác, rồi cô tỏ tình. Tấn Nhơn, vào thời gian ấy vừa học thành tài, không để tâm gì đến Xuân Lan, buồn bực bỏ đi ra Bắc Kỳ làm quan. Chuyện riêng của Cúc Hương sau đó vỡ lở, đến tai ông huyện. Nàng bị huyện đường trừng phạt, cha nổi giận, mẹ phải sắp xếp cho nàng đi trốn. Trên đường đi nàng nhảy sông tự tử, được ông câu cứu vớt đem về nuôi như con. Nàng sinh con trai đặt tên là Tuấn Anh. Ông câu bị bệnh qua đời, nàng mang con về Sài Gòn tìm đường sinh sống. Bị một người đàn ông đã có vợ say mê rồi bị đánh ghen dù nàng không có tình ý gì với người đàn ông ấy vì nàng vẫn không thể nào quên được Tấn Nhơn. Lại phải bồng con đi ẩn tránh.

Về phần Tấn Nhơn, đang làm ông huyện ở Bắc Kỳ, một hôm gặp người quen khuyên chàng nên xin đổi việc về quê để tiện phụng dưỡng cha mẹ già. Chàng đồng ý. Nhớ Cúc Hương, chàng tìm đến nhà nàng, nay hoang tàn vì cha mẹ nàng đã bỏ nhà đi tu, thì bỗng gặp Xuân Lan. Cô cho biết đã lấy chồng nhưng không ra gì nay muốn về với Tấn Nhơn. Tấn Nhơn cự tuyệt. Xuân Lan rất ngượng, lại hối hận về những việc làm cũ bèn tự tử sau khi viết cho Tấn Nhơn lá thư kể lể hết ngọn nguồn. Cuối cùng Tấn Nhơn tái hợp với Cúc Hương và đứa con trai, cùng nhau chung sống một cuộc đời hạnh phúc.

Với nhiều hoàn cảnh éo le, trắc trở, và một kết thúc “có hậu”, đó là câu chuyện tình U Tình Lục với 1790 câu thơ lục bát.

Lục Bát là một thể thơ vốn bắt nguồn từ ca dao, những chữ cuối của các câu 6, 8 và chữ thứ 6 của các câu 8 đều thuộc thanh bằng (trầm bình hoặc phù bình), do đó tạo nên tính cách nhẹ nhàng, êm đềm. Vần rất chặt chẽ, âm điệu bằng trắc cũng phải tương hợp. Ca dao hay và thường không dài. Một xúc động, một cảm nghĩ, một âm vang, một ấn tượng, một chụp bắt bóng dáng của cuộc sống, của tâm cảm đều có thể thể hiện trong ca dao bằng vài câu như:

Còn trời, còn nước, còn non
Còn o bán rượu anh còn say sưa

hoặc số câu dài hơn chút đỉnh:

Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương
Nhớ ai dãi nắng dầm sương
Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao

Dường như tất cả các nhà thơ từ xưa đến nay đều có làm thơ lục bát không nhiều thì ít từ Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến đến Tản Đà, Huy Cận, Vũ Hoàng Chương, và sau này Nguyên Sa, Cung Trầm Tưởng, vân vân. Ngay cả nhà thơ rất hiện đại, chuyên làm thơ xuôi, thơ tự do, Thanh Tâm Tuyền, cũng có thơ lục bát, chẳng hạn bài Thơ Tình Trong Tù rất tình tứ, sâu lắng, trong veo, xanh mướt:

Thơ Tình Trong Tù
Vẫn em của thuở trăng nào
Đêm hôm nở đoá chiêm bao xanh ngần
Vẫn em tình của trăm năm
Đoan trang khoé hạnh thâm trầm dáng thơ
Vẫn em mối kết thiên thu
Vẫn em xoa dịu sầu tư cõi này

Những bài thơ lục bát hay cũng là những bài tương đối ngắn từ bốn câu đến vài ba mươi câu. Tuy nhiên một tác phẩm dài hơi hàng ngàn câu viết bằng thể lục bát sẽ rất khó thành công vì dễ đi đến chỗ đơn điệu, nhàm chán, do những ràng buộc của những thanh bằng, thanh trắc, và vần bằng, trừ phi tác giả của nó là một thiên tài. Nguyễn Du với Truyện Kiều chẳng hạn.

Thế lục bát trong U tình Lục của Hồ Biểu Chánh thì sao? U Tình Lụ c chịu ảnh hưởng của Truyện Kiều một cách sâu đậm. Ngay câu đầu và câu cuối trong U Tình Lục (Xưa nay muôn việc ở đời – Canh khuya giải muộn giúp người đồng văn) khiến ta nghĩ ngay đến câu đầu và câu cuối trong Truyện Kiều (Trăm năm trong cõi người ta – Mua vui cũng được một vài trống canh). Rải rác trong suốt tập thơ, có nhiều câu tương tự như thơ trong Truyện Kiều. Chỉ xin nêu một ít ví dụ sau đây:

“Trải xem truyện tích xưa sau”(câu 5 trong UTL) và “Trải qua một cuộc bể dâu” (câu 3 trong TK).

“Bốn phương lặng lẽ, các nơi thái bình” (câu 20 trong UTL) và“Bốn phương phẳng lặng, hai kinh vững vàng” (câu 10 trong TK).

Rốt lòng có một con trai” (câu 31 trong UTL) và “Một trai con thứ rốt lòng” (câu 13 trong TK).

“Lần lừa ngày gió đêm sao / Quanh hè quyên gọi, đầy rào lựu đơm” (câu 925, 926 trong UTL) và “Dưới trăng quyên đã gọi hè / Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông” (câu 1307, 1308 trong TK).

“Khi sao phong trướng xủ màn / Chừ sao tan tác giữa đàng chơi vơi” (câu 1067, 1068) và “Khi sao phong gấm rủ là / Giờ sao tan tác như hoa giữa đường” (câu 1235, 1236 trong TK).

“Trông vời trời nước minh mông / Gật mình gieo xuống giữa dòng trường giang” (câu 1105, 1106 trong UTL) và “Trông vời con nước mênh mông / Đem mình gieo xuống giữa dòng trường giang” (câu 2635, 2636 trong TK).

Thủ pháp lặp lại một từ nào đó để tạo sự chú ý hoặc nhấn mạnh, Hồ Biểu Chánh cũng theo Nguyễn Du:

Khi dưới cội, khi trước hiên / Khi xem hoa nở, khi biên câu đề” (câu 63, 64 trong UTL) và “Khi chén rượu, khi cuộc cờ / Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên” (câu 3223, 3224 trong TK).

Cái bóng lớn của Truyện Kiều trùm lên U Tình Lục. Thế nhưng, Hồ Biểu Chánh đồng thời cũng viết nhiều câu dễ dãi, thô thiển, như câu nói vô tình bật ra từ cửa miệng, hoặc vì ép vần nên chữ dùng thiếu chọn lọc. Một tác phẩm nghệ thuật, nhất là thơ, có những thao tác, những quy luật riêng của nó, cùng những đòi hỏi của thi pháp. Trong một chừng mực nào đấy, phát biểu của André Gide sau đây đáng được lưu ý: “Nghệ thuật luôn luôn là kết quả của sự kiềm chế. Tưởng rằng nghệ thuật càng cao khi càng được tự do thì cũng như cho rằng sợi dây bên dưới con diều giấy đã giữ nó không bay lên được (L’art est toujours le résultat d’une contrainte. Croire qu’il s’é1ève d’autant plus haut qu’il est plus libre, c’est croire que ce qui retient le cerf - volant de monter c’est sa corde). Xin nêu vài ví dụ trong đó Hồ Biểu Chánh sử dụng ngôn ngữ thiếu chuẩn xác, hoặc buông thả, tùy tiện:

Câu 17, 18: “Ức lòng nên mới tè be / Nôm na ít vận, khen chê dầu người (Bực mình nên viết đại mặc ai khen chê).

Câu 94: “Bụng Lan dầu muốn, ăn trời sao qua (Lan muốn nhưng không qua được ý trời).

Câu 109: “Bấy lâu bậu bạn nhau cùng (Bấy lâu là bạn của nhau).

Câu 118:“Canh gà thôi thúc, trời Đông ác lò ”. (Gà đã gáy, mặt trời mới mọc ở phương Đông).

Câu 495: “Nhìn thung thêm tủi với thung ”. (Nhìn cha thêm thẹn).

Câu 491, 92: “Rằng: ‘Trời tệ lắm bấy Trời! / Cái đời má phấn là đời kể chi!

(Người viết bài này tô đậm)

Nhưng không phải là không có những câu hay, chẳng hạn:

Đường mây mặc sức ruổi giong
An lòng kẻ ở, vui lòng người đi.

hoặc :

Lần lừa ngày lụn tháng qua
Sương thay nắng đổi tính đà ba năm.

hoặc:

Trăm năm ví chẳng duyên gì
Thà đừng quen biết từ khi ban đầu.
Để chi đào lý gần nhau
Làm cho gió thảm mưa sầu năm canh.

Điều đó chứng tỏ rằng Hồ Biểu Chánh có thể làm thơ hay nếu ông thận trọng hơn. Cũng xin nói thêm rằng thơ hay không bắt buộc phải “Lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu” như hầu hết những câu thơ trong Truyện Kiều. Chữ nghĩa sang trọng, trang nhã có cái hay của nó, mà lối viết nôm na, bộc trực cũng không phải nhất thiết là dở.

Hai câu dưới đây (câu 215, 216) đơn sơ nhưng sâu sắc:

Thảm thay những kẻ thật tình
Hay nghe nên mắc, hay tin nên lầm.

Lối nói sắc sảo, quá quắt, chua chát, và phũ phàng cũng có dịp xuất hiện như trong các câu 459, 460, 461, 462:

Xin ông chớ khá đặt bày,
Mấy ai kiếm chữ mà vay bao giờ.
Tin quân hay chữ mà nhờ
Ở không, nói phách, ngâm thơ, phá tiền.

(Xin xem những chú thích rất thú vị số 238, 239 của các câu 460, 461. Chú ý chữ “quân” như trong “quân” ăn cướp, “quân” ăn bám, v.v...)

Và nôm na nhưng linh hoạt, mạnh mẽ trong các câu 365, 366:

Dằn lòng, gạt lụy, phân tay
Người vào nẻo trước, kẻ quày đường sau.

Hoặc như trong ca dao, có biết bao câu nghe quê mùa, mộc mạc nhưng duyên dáng, tình tứ, tha thiết, và mang một sức sống mãnh liệt. Chẳng hạn:

Trên trời có cây hoá kiểng
Dưới biển có cá hoá long
Anh đi Lục Tỉnh giáp vòng
Tới đây trời khiến đem lòng thương em

Thi phẩm U Tình Lục kém xa những tiểu thuyết về sau của Hồ Biểu Chánh mà lý do có lẽ vì tác giả lúc ấy đang còn quá trẻ, thiếu kinh nghiệm, thiếu thận trọng, và nhất là không có năng khiếu về thơ bằng văn xuôi. Và cũng có lẽ vì cái “vòng kim cô” của Truyện Kiều khiến Hồ Biểu Chánh có khi bị lúng túng giữa lối viết nôm na và văn hoa. Nhưng tựu trung U Tình Lục vẫn mang nhiều nét đặc Nam mà sau đó Hồ Biểu Chánh sử dụng rất tài tình trong văn xuôi, để lại ảnh hưởng sâu đậm trên những tác giả hậu bối nổi tiếng như Bình Nguyên Lộc, Lê Xuyên, Sơn Nam. Thi phẩm U tình Lục với 1790 câu thơ chứa đựng một số lượng từ ngữ rất phong phú, rất quý báu của miền Sài Gòn, Nam Kỳ - Lục Tỉnh thời đầu thế kỷ 20, những từ ngữ có khi nay không còn dùng nữa hoặc mang ý nghĩa khác, cùng với lối diễn tả “miệt vườn” đậm đà hiện đã mất mát đi nhiều. Quả vậy nhiều lúc ta tưởng rằng ta hiểu, nhưng sự thật không phải thế. Nếu không có phần chú giải rất công phu, rất rõ ràng, rất duyên dáng của nhà văn Nguyễn Văn Sâm, liệu những thế hệ tương lai, và cả chúng ta bây giờ, có thể tiếp cận và nắm được ý nghĩa của U Tình Lục một cách thấu đáo hay không?

Những điển tích, từ ngữ bắt nguồn từ văn học Trung Hoa chẳng hạn Hằng Nga, phỉ phong, Mạnh thị, Tần Tấn, sông Tương, quì hoát, bỉnh tánh, luy tiết, minh linh, tỵ trần, y cân, nhục nhi, thố hải ba đào, bân bân, v.v... được chú thích đầy đủ đã đành, những tiếng đặc biệt miền Nam như trối người, lòng son nẻ, khôn ngằn, tè be, gạt, chờ cơn, xẩn bẩn, níp, phường gái lanh, gật mình, mang mễnh tình, tròi trọi, nhạo ca, roi bồ, túng tíu, thăn thỉ, chẳng chẳng, v.v... cũng được giảng giải rất kỹ càng và sáng tỏ. Chữ nào khó thì được chú thích hết sức tường tận.

Xin nêu chú thích số 195 về chữ níp trong câu 382 “Vội vàng đội níp đề huề thẳng xông”: Níp hay niếp là cái rương nhỏ dùng để đựng sách vở và quần áo của người học trò xưa. Người ta có thể đội trên đầu hay quảy trên vai mà đi đường xa. Ông HBC nói đội níp, nhiều tác phẩm Nôm thế kỷ 19 về trước nói quảy níp cũng đều là cách di chuyển của học trò nghèo. Thơ xưa có câu: Chí thà níp đội bầu mang. Thà chịu nghèo [đội rương sách, mang bầu nước] mà học hành. Thơ Nôm Lương Đắc Bằng: Một hòm kinh sử, níp kim cương, Ngươi tớ cùng sang một bến giang. Áng hội nhà chay ngươi đủng đỉnh. Lầu hồng gác tía tớ nghênh ngang. (Nho tăng đồng chu: Nho sư cùng sang đò).

Một chú thích khác rất thú vị về tên của Sài Gòn xưa, đó là chú thích số 465 trong câu 1056 “Buồm cao lèo thẳng nhắm miền Ngưu Giang”. Nhắm miền Ngưu Giang: Trực chỉ lên Sài Gòn. Ngưu Giang hay Ngưu Chữ, Ngưu Tân, tức Bến Nghé, tức Sài Gòn. Ông HBC dùng hai lần chữ Ngưu Giang và hai lần chữ Sài Gòn tùy theo hoàn cảnh của câu thơ.

Trên đây chỉ là hai ví dụ trong số 736 chú thích, giảng giải cho tập thơ U Tình Lục.

 

Tóm lại, ra đời từ năm 1910, U Tình Lục khởi đầu cho sự nghiệp văn chương lớn lao của Hồ Biểu Chánh. Tập thơ này có một số hạn chế như được trình bày trên đây, nhưng cũng để lại một kho từ ngữ đặc trưng, và một phong cách đặc Nam. Thêm vào đó, phần chú giải rất công phu của Nguyễn Văn Sâm đã giúp cho U Tình Lục (Kể Chuyện Tình Buồn) trở thành một tài liệu giá trị và hữu ích cho việc nghiên cứu văn học Việt Nam đầu thế kỷ 20.

 

11/2013

 

 

--------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021