thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
[THƠ CỦA CA/NHẠC SĨ] Góc phố
Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường
 
 
CHARLES TRENET
(1913-2001)
 
Góc phố (Coin de rue, 1955) là một ca khúc hiền lành, êm ái, mang đề tài muôn thuở: tuổi thơ, mối tình đầu, quá khứ, tương lai, thời gian đã mất, cái tử trong cái sinh... ai nghe cũng phải nao lòng! Nhạc và lời của Charles Trenet, ca sĩ với chiếc gậy và chiếc "mũ phớt" (feutre) hoặc "mũ cói/mũ chèo thuyền" (canotier), lúc ca hay đảo tròng mắt, nổi tiếng cuối những năm 30 và những thập niên kế tiếp. Một ca sĩ-thi sĩ hay thi sĩ-ca sĩ, đã được giới ái mộ tặng cho cái biệt danh "anh chàng hát như điên" ("Fou Chantant"). Góc phố đã được nhiều danh ca Pháp hát và thu dĩa (Juliette Greco, Yves Montand, Francis Lemarque, Yvette Giraud, Jacques Higelin với version "hậu hiện đại", Patrich Saussois chơi ghi-ta, Marc Perrone, Emile Prud'Homme, Maurice Lagrange và Zinzin chơi phong cầm...). Một ca khúc bất hủ và... bất tuyệt. Cứ hy vọng như thế.
 
Sinh ngày 18.5.1913 tại Narbonne, miền Nam nước Pháp. Charles Trenet sáng tác bài ca đầu tiên năm 17 tuổi. Năm 1936 trong thời gian thi hành quân dịch, ông viết hai ca khúc thành công đầu tiên: Je chante [Tôi hát] và Y'a de la joie [Có vui sướng đấy chứ]. Năm 1938 ông đoạt giải "Grand prix du disque" với ca khúc Boum! Sau Thế Chiến Hai, bài La mer [Biển] (Léo Chauliac viết lời ca, 1945) thành công vượt bực, sẽ được hát và thu âm với bốn ngàn "dị bản" (version) trên toàn cầu qua tiếng ca của các ca sĩ ở những địa phương khác nhau. Rồi nó được jazz-hóa và trở thành Beyond The Sea, do Jack Lawrence viết ca từ tiếng Anh, qua tiếng hát Frank Sinatra, Bing Crosby, và George Benson. Thập kỷ 60, version Bobby Darin bán được10 triệu dĩa. Hiện có sẵn ít nhất hơn hai trăm ca khúc Trenet lời Pháp đang chờ bạn trên mạng.
 
Trenet tâm sự: "Tôi sinh nhạc như cây sinh táo. Chúng cứ từ bên trong mà trào ra." Ông mất ngày 18.2.2001 tại Créteil (Paris). Triết lý của kẻ hát như điên: "Phải giữ lại vài nụ cười để chế giễu những hôm thiếu niềm vui". Vài ca khúc danh tiếng khác: Menilmontant (1938), Que reste-t-il de nos amours (1942), Douce France (1943), L'âme des poètes (1951), Moi j'aime le music-hall (1955), Le jardin extraordinaire (1957)...
 
Bản dịch này đã chuyển câu thơ 8 chân thành 7 âm, vài chỗ có vẻ luộm thuộm, nhưng vì nó vừa là thơ vừa là ca khúc nên phải ráng giữ nhịp điệu được phần nào hay phần ấy. Trong lúc Paris đang trong cơn "khói lửa ngụt trời mê", xin mời quí bạn trở về một thời đại bình an hơn, khi nhạc và thơ còn quyện nhau như bóng với hình!
 
Nguyễn Đăng Thường
 

Góc phố

 
1.
Tôi nhớ mãi một cái góc phố
Hôm nay nó không còn đấy nữa
Tuổi nhỏ tôi nô đùa nơi ấy
Tôi vẫn còn chưa quên điều đó
Chỗ ấy có một cái hàng rào
Một lùm cây để phục kích nhau
Lũ du côn trong khu phố tôi
Kéo tới đó đập đánh nhau chơi
 
Bây giờ có một quán cà phê
Một cái quầy kền mới toanh gây ấn tượng
Một cô bán hoa cho những cặp tình nhân
Và cho cả những cái đám ma
 
2.
Tôi thấy lại góc phố của tôi
Hôm nay nó không còn đấy nữa
Tôi nhớ mãi một buổi chiều buồn
Lúc hy vọng đang lìa trái tim
Tôi đứng đợi và âm thầm khóc
Một cuộc tình của tuổi mười lăm
Một cuộc tình vừa mới biệt tăm
Ngay ở chỗ cái góc phố đó
 
Từ ấy tôi chu du khắp nơi
Thường là tới xứ lạ quê người
Thế giới mới xây dựng đập phá
Chúng mày tạo bao là ảo ảnh
 
3.
Tôi ngỡ thấy lại góc phố kia
Và kìa nó bất ngờ xuất hiện
Tôi thấy lại dãy hàng rào xưa
Lũ bạn bè và những trượt ngã
Bó muguet hai xu mùa xuân
Tuổi mười lăm... và tuổi hai mươi
Thảy những cái nay không còn nữa
Cả cái góc phố của những ngày xưa xa.
 
 
Nguyên tác:

Coin de rue

 
1.
Je me souviens d'un coin de rue
Aujourd'hui disparu
Mon enfance jouait par là
Je me souviens de cela
Il y avait une palissade
Un taillis d'embuscades
Les voyous de mon quartier
Venaient s'y batailler
 
A présent, il y a un café,
Un comptoir tout neuf qui fait de l'effet
Une fleuriste qui vend ses fleurs aux amants
Et même aux enterrements
 
2.
Je revois mon coin de rue
Aujourd'hui disparu
Je me souviens d'un triste soir
Où le coeur sans espoir
Je pleurais en attendant
Un amour de quinze ans
Un amour qui fut perdu
Juste à ce coin de rue
 
Et depuis j'ai beaucoup voyagé
Trop souvent en pays étrangers
Mondes neufs constructions et démolitions
Vous me donnez des visions
 
3.
Je crois voir mon coin de rue
Et soudain apparus
Je revois ma palissade
Mes copains mes glissades
Mes deux sous de muguet de printemps
Mes quinze ans... mes vingt ans
Tout ce qui fut et qui n'est plus
Tout mon vieux coin de rue.
 
Nhạc và lời: Charles Trenet, 1955.
 
 
Đã đăng:
Mick Micheyl (1922~) là một nghệ sĩ đa diện: hoạ sĩ, nhà trình diễn nhào lộn (acrobat), kịch sĩ, ca khúc tác gia, ca sĩ, và hiện nay bà là một nghệ sĩ điêu khắc trên thép... Một chú lỏi Paris / Là cả một bài thơ / Chưa hề ở xứ nào / Có được y như vậy / Vì chú nhỏ ti ti / Bé con tí tí này / Được mọi người đều si... [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường]
 
Wassily Kandinsky (1866-1944), nhà danh hoạ của thế kỷ 20, không chỉ tập trung vào việc vẽ. Ông nói: "Marc và tôi đã ném chính mình vào hội hoạ, nhưng hội hoạ đơn thuần không làm chúng tôi thoả mãn..." Thế rồi, ông làm thơ... Mặt. / Xa. / Mây. / . . . . / . . . . / Một người đàn ông đứng đó với một cây kiếm dài. Cây kiếm dài và to bản. Rất to bản... | Ôi, hắn đi chậm làm sao. / Giá như ở đó có một người nào bảo hắn: Nhanh hơn, đi nhanh hơn, nhanh hơn, nhanh hơn, nhanh hơn, nhanh hơn... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn]
 
Paul Klee (1879-1940) luôn được thế giới tưởng nhớ như một thiên tài hội họa, nhưng... ông cũng làm thơ. Trong khi đang nhai một con người, / con sói giảng giải / cho bầy chó: // Nói cho tao biết... đâu... thế rồi... là... / nói cho tao biết... đâu? / thế rồi... là thượng đế của lũ con người?... | Tôi đứng trong bộ giáp trụ kín mít / Tôi không có ở đây / Tôi đứng trong những chiều sâu / Tôi đứng đằng xa... / Tôi đứng rất xa... / Tôi toả sáng cùng người thiên cổ... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn]
 
Léo Ferré (1916-1993) là một trong ba chàng "ngự lâm" của ca khúc Pháp, được quần chúng âu yếm gọi là ca sĩ-thi sĩ hay thi sĩ-ca sĩ, cùng với Georges Brassens và Jacques Brel... Đó là những kẻ kỳ cục sống bằng ngòi bút / Mà cũng có khi không sống tuỳ lúc của mùa / Đó là những kẻ kỳ cục xuyên qua sương lạnh / Với những bước chân chim dưới cánh của ca thi... [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường]
 
Jean Hans Arp (1886-1966) là một điêu khắc gia lừng danh thế giới và cũng là một họa sĩ kiêm thi sĩ viết bằng hai thứ tiếng Pháp, Đức... Trước tiên phải để mọc lên những hình dạng, sắc màu, ngôn từ, cung độ và kế đó giải thích. / Trước tiên phải để mọc lên những bắp chân, những chiếc cánh, những bàn tay và kế đó để chúng bay chúng ca hát hình thành biểu hiện... | Thánh đường là một trái tim. / Làm sao tôi nói được / Thánh đường Lộ-trấn / là một trái tim?... [Bản dịch Diễm Châu]
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021