thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Định mệnh đến từ một cơn đau bụng

 

Đây là câu chuyện liên quan đến ông bác họ tôi — một người tính tình nóng nảy và hay chửi bới. Trong những lúc say, ông chửi không chừa một thứ gì, từ những thứ hiện diện quanh ông, đến những kẻ vô phúc đi ngang qua và lọt vào tầm mắt ông, hay những thứ từ hồi tám hoánh nào đó chỉ còn chứa trong óc của ông thôi. Từ một miền ký ức xa xăm, ông lôi tất tần tật chúng ra, đặt trước mặt với đầy đủ hình hài. Từ cái thằng mất dạy nào đó, đến cái con lăng loàn đĩ điếm làng bên,... tất cả bọn họ được ông mô tả một cách chi tiết mà một kẻ lạ lẫm cũng có thể mường tượng ra được ít nhiều. Nhưng dù chửi thế nào, cuối cùng ông đều đúc kết bằng một câu “đ. mẹ số mệnh thôi”.

Ở đời có nhiều thứ để thương và cũng không ít hơn những thứ để ghét nhưng ở ông bác họ tôi, tôi chưa thấy ông thương cái gì bao giờ.

Ông ghét đủ thứ, bạ cái gì ông cũng ghét. Duyên cớ chẳng ai hiểu ra làm sao. Ông đá gốc tre và chửi cái gốc tre khốn nạn, ông đạp ngã cánh cổng và nguyền rủa nó cản bước ông. Ông rượt con chó chạy mất hút, đến nỗi sau này, hễ thấy ông là nó cúp đuôi chạy trốn.

Vào những buổi chiều, trên con đường làng, nếu gặp một người đàn ông nào to cao, bước đi nghiêng ngả, miệng luôn chửi bới... thì đó là bác tôi.

Hình ảnh của bác tôi là thứ ký ức đậm nét nhất mà tôi mang theo khi ly hương.

Mỗi khi có dịp gặp những người đồng hương hay có phút giây nào hoài niệm về quê cũ, hình ảnh của bác tôi lại hiện lên ngay lập tức. Nó lấn át mọi thứ khác, che mờ hầu hết những kỷ niệm đẹp đẽ mà tôi từng có trong thuở ấu thơ.

Nhưng kỳ lạ thay, tôi chưa từng có suy nghĩ xấu về ông. Đã có khoảng thời gian dài tôi cho đó là điều tự nhiên, nó cũng không xấu hơn một người nghiện bẻ ngón tay ngón chưn. Tôi chưa từng thấy một hình ảnh nào khác về ông, chẳng hạn ăn mặc chỉn chu, đi đứng nghiêm túc hơn. Cả những dịp cúng kính tộc họ ông cũng chân thấp chân cao bước vào chánh đường quỳ lạy làm ai cũng hết hồn. Nếu một buổi chiều nào đó không thấy bác tôi xuất hiện với những bước đi xiêu vẹo và miệng chửi bới lung tung thì có lẽ đó là một sự kiện kỳ lạ đối với tôi. Không hiểu sao tôi lại lo sợ điều đó, lo sợ một ngày nào đó ông xuất hiện trước mắt tôi dưới bộ mã của một kẻ nhã nhặn và lịch thiệp. Bởi, đối với ông, đó là cách mà ông tồn tại. Ông đã sống với những “kỹ năng” đó suốt mấy chục năm trời...

Nhưng rồi cái điều kỳ lạ ấy cũng đến, một cách bất ngờ, từ lời kể của một người đồng hương.

“Ông ấy hết say sưa rồi. Bây giờ ổng sống đàng hoàng lắm...”

Kỳ lạ nhỉ — tôi nghĩ thầm. Sao tự dưng ông lại bỏ cái thói quen đã theo ông suốt mấy chục năm trời — một thứ đã xảy ra với ông hằng ngày và gần như đã trở thành “bản chất thứ hai”? Sao ông lại có thể dễ dàng bỏ được như vậy?

Từ lúc ấy, cái hình ảnh say sưa muôn năm cũ của ông đã bị thay thế bởi một loạt câu hỏi chưa được giải đáp.

Rồi tôi cũng có dịp về quê và gặp ông để hỏi cho thoả trí tò mò.

 

*

 

Ngồi trước mặt tôi nay là một ông già quắc thước hồng hào. Tôi lấy chai rượu mua từ Sài Gòn về ra mời. Và ông đã làm tôi bất ngờ khi từ chối thẳng thừng:

“Tau bỏ rượu rồi, một giọt cũng không.”

Tôi cười lớn:

“Ối trời, bỏ làm chi bác, thì đừng say sưa quá trớn thôi, đời chán phèo phải có cái gì cho nó vui vui một chút chứ.”

“Mẹ cha mi dám dạy khôn tau à?” Ông nổi giận.

Tôi đành cười ruồi, cất chai rượu vào rồi rót trà mời bác.

Sau vài ly trà và phì phà vài hơi thuốc, tôi đã mạnh dạn khơi chuyện:

“Cái gì đã làm cho bác thay đổi nhanh vậy? Chắc là do số mệnh?”

Ông cười khà khà, mắt lim dim một hồi rồi mới nói:

“Tất cả là do thằng con hương Hoè.”

Tôi trố mắt chẳng hiểu gì cả.

Rồi cũng bằng cách lim dim mắt và khề khà, ông bắt đầu kể cho tôi nghe sự tình.

Vào một đêm tối trời sau hiệp định Giơ-neo...

Một tốp học sinh, trong đó có bác tôi, bị đưa đi lén lút trong đêm. Khi họ băng qua khu rừng dương thì bị lính bảo an nổ súng rượt đuổi. Cả nhóm học sinh đều bị bắt quay về lại, chỉ thiếu thằng con ông hương Hoè.

“Đó mới là cơ sự.” Bác tôi nhấn mạnh. “Lúc đó hắn đau bụng bỏ đi ỉa nên mới thoát.”

Rồi từ ngày đó, thằng con ông hương Hoè biệt tích.

Cho đến sau bảy lăm, hắn trở về và mọi người mới biết hắn là cán bộ tập kết ra bắc. Sau này hắn làm đến chủ tịch huyện, hách dịch ra phết, chẳng coi bác tôi ra gì.

Còn thân phận bác tôi thì khỏi phải nói, tưởng ngon ăn nhưng toàn lên bờ xuống ruộng. Bác tôi học giỏi, đỗ tú tài, vào sĩ quan trừ bị Thủ Đức, ra trường làm phân chi khu trưởng. Suýt chết mấy lần. Sau bảy lăm ở tù hai năm rưỡi...

Đó là tóm lược phần chính cuộc đời của hai con người, hai số phận. Nhưng nếu như phận ai nấy sống thì chẳng nên nỗi gì. Rắc rối lại đến trong một lần đám giỗ, bác tôi uống rượu và chửi thẳng vào mặt thằng con ông hương Hoè:

“Đ. mẹ lý tưởng cái con c..., số mệnh thôi. Nhờ mi đau bụng đi ỉa nên mới có ngày hôm nay. Đ. mẹ cũng may bên mi thắng, đ. mẹ chỉ là số mệnh thôi, đừng có hách dịch với anh em bạn bè như vậy...”

Sau đó bác tôi bị nhốt 3 tháng ở công an huyện về tội phản động. Và sau cái đợt tù đó về, ông phẫn uất và bắt đầu uống rượu triền miên...

“Nhưng sao tự dưng bác lại bỏ được rượu?” Tôi nôn nóng hỏi.

“Thì cũng tại thằng con ông hương Hoè thôi.” Bác cười khà khà đắc ý. “Moá nó, đến lúc nó gần chết tau tới thăm. Nhìn người ngợm xơ xác của nó tau thấy tội nghiệp. Cuối cùng nó cũng cầm tay tau mà nói: ‘Mi nói đúng, tất cả là số mệnh thôi’.”

Bác tôi kể đến đó thì nổi cười lớn. Ông cười say sưa, vang dội và không ngừng...

Bởi vậy, bài học mà tôi rút ra từ câu chuyện trên là đừng bao giờ coi thường những cơn đau bụng bất ngờ.

 

 

---------------
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021