thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Miếu ông Minh

 

Mấy năm trước tôi thường khoác ba lô giang hồ vặt đây đó. Tôi thích về những vùng quê xa và nghèo ở cao nguyên, miền Trung, miền Tây hơn là đến những thắng cảnh du li?ch.

Tôi thường thấy trong những ngôi chợ thôn xã lèo tèo mươi sạp hàng có một chỗ thờ ông Minh như trong tấm ảnh này, tôi thích gọi là “miếu ông Minh” tuy rằng nó không đúng là cái miếu. Nó thường nằm gần văn phòng của ban quản lý chợ. Tấm giấy đính trên tường là bảng nội quy chợ, tấm hình treo phía trên, bên trái, là hình Phật Bà Quan Âm.

 

 

Ở những nơi này, ông Minh không được người dân xem như một vị lãnh tụ của đất nước; họ không thấy ông “vĩ đại” như dòng chữ nhắc nhở dưới cái tượng bằng đất thó sơn phết vụng về, mà họ xem vị trí của ông gần với một ông (thổ) địa, một ông thần tài be bé có thể giúp họ buôn may bán đắt, mang lại chút may mắn trong buổi chợ. Thỉnh thoảng lại có người mang lại nải chuối hay vài củ khoai trên cái đĩa để cúng. Họ thắp nhang khấn vái trước hình Phật Bà Quan Âm, rồi họ mới tới xá ông Minh vài xá vội vội để quay lại sạp hàng hay mẹt rau. Có lẽ họ tin rằng quyền năng của ông sẽ độ cho lòng thành của họ một cách cụ thể: bán được con cá hay mớ rau đắp đổi qua ngày.

Tôi ngờ rằng đa số người dân không biết gì mấy về thân thế của ông Minh, không biết những điều ông đã làm cho đất nước này là gì, và nếu không có ông thì đời họ đã buồn vui ra sao. Có lần tôi hỏi một bà cụ có biết ông ấy là ai không, thì được đáp rằng đó là “ông bác Hồ”. Tôi hỏi thêm: “Ông ấy làm gì mà bà phải thờ cúng?” thì bà cười, nói: “Thấy người ta cúng thì mình cũng cúng.” Tôi hỏi: “Có linh không?” thì bà đáp: “Bữa linh bữa không, nhưng cúng thì cứ cúng, có kiêng có lành.”

Mấy năm sau tôi trở lại. Xã vẫn nghèo, chợ vẫn lầy lội xập xệ, mẹt khoai mớ rau vẫn không khác trước, chỉ có người bán người mua ngày càng già cỗi đi.

Miếu ông Minh vẫn vậy, tù mù u ám, tượng ông phủ bụi và lớp sơn kim nhũ vụng về đã phai tróc theo ngày tháng. Tôi định hỏi: “Ngồi trên kia ngó mãi một cảnh đời ngày càng tàn tạ thì chắc chẳng vui vẻ gì, ông Minh nhỉ?” Rồi tôi chợt nhớ ra, tượng bằng đất thó thì làm sao trả lời!

 

19/05/2016

 

 

———————————-

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021