thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Phải chăng “chẳng bao lâu nữa lối viết hậu hiện đại sẽ trở nên phổ biến ở Việt Nam”?

 

Trả lời phỏng vấn của báo Thể thao & văn hóa số 2, ra ngày 6 tháng 01 năm 2004, về một số vấn đề của chủ nghĩa hậu hiện đại (post-modernism) trong văn học, ông Hoàng Ngọc-Tuấn – nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình và sáng tác trong các lĩnh vực âm nhạc, sân khấu và văn chương, hiện đang sống tại Australia – đã nói một câu đầy xác tín: “[…], tôi tin chắc rằng chẳng bao lâu nữa lối viết hậu hiện đại sẽ trở nên phổ biến ở Việt Nam”.

Câu nói của ông Hoàng Ngọc-Tuấn (HNT) là một lời tiên đoán về tương lai rất gần của văn học Việt Nam.

Tôi thận trọng lần theo sự lập luận của ông HNT, để “phỏng tin được một vài phần hay không?”(1)

Trả lời câu hỏi: “Theo ông, CNHHĐ [chủ nghĩa hậu hiện đại] tác động đến văn hóa, nghệ thuật như thế nào?”, ông HNT nói:

“Nói như vậy có vẻ không chính xác lắm, vì CNHHĐ không phải là một thứ lý thuyết được đặt ra để điều hướng văn hóa, văn nghệ, mà nó là cảm thức của con người, nẩy sinh trong một giai đoạn nhất định của lịch sử nhân loại, và văn hóa, văn nghệ là những cách biểu hiện của cảm thức ấy”. Những lời này của ông HNT rất sáng tỏ, có sức thuyết phục.

Cảm thức về CNHHĐ là gì? Ông HNT nói: “[…]. Tôi chỉ nói lên vài nét khái quát. Con người hậu hiện đại chấp nhận rằng bản chất của thế giới là hỗn mang. Họ chỉ cố gắng làm chủ và điều chỉnh điều kiện tồn tại của riêng họ trong mối tương quan với những điều kiện tồn tại của những kẻ khác chung quanh họ. Họ nhận thức rằng họ luôn luôn và chỉ tồn tại trong vùng giao thoa của những sự tương phản và những giá trị tương đối. Đối với họ, thế giới không phải là một thứ hiện thực đơn giản và đồng nhất trong nhãn quan của mỗi người. Mỗi người có thể cùng lúc nhìn thấy nhiều thế giới khác nhau, bởi mỗi người có thể bị chi phối cùng lúc bởi nhiều hệ quy chiếu khác nhau. Mỗi hệ quy chiếu “tạo” nên một hiện thực khác nhau về thế giới. Không chỉ thế, mỗi hệ quy chiếu còn “tạo” ra một thứ bản thể khác nhau trong mỗi người. Con người hậu hiện đại không tin rằng trong chính mình chỉ có một bản thể và bản thể ấy là phần tử của một thế giới. Họ thấy rằng “bản thể” và “thế giới” là những thứ hiện thực đa tầng và đa phương. Họ không còn thực sự tin vào một thứ quy luật nào to lớn hơn bao trùm tất cả, mà tin vào những thí nghiệm và ứng dụng ở quy mô nhỏ, đoản kỳ và thiết thực”.

Đoạn văn trên thông báo một cách khái quát về cảm thức (cảm quan) của con người sống trong xã hội hậu hiện đại. Nó giúp độc giả nắm được một số điều về trạng thái tâm lý, tư tưởng, niềm tin của con người và quan hệ giữa người với người trong xã hội ấy.

Cả hai đoạn văn vừa được dẫn hô ứng với nhau rất nhịp nhàng, đáng tin cậy về mặt thông tin.

Đoạn văn của ông HNT “chỉ nói rất sơ lược về một vài điều đáng lưu ý” đối với cách viết của CNHHĐ trong văn học cũng đáng tin cậy về phương diện thông tin.

Trả lời câu hỏi: “Nhìn vào văn chương Việt Nam hiện nay, ông có nhận ra những tín hiệu hậu hiện đại nào không? ”, ông HNT nói:

“Có chứ. Trong vài năm gần đây, tôi thấy có vài nhà văn Việt Nam sử dụng một số kỹ thuật viết hậu hiện đại, chẳng hạn kỹ thuật “nhại văn” (pastiche), lối viết đa tuyến, phi tuyến, hiện thực kỳ ảo, v.v… Tuy nhiên, những truyện ấy chưa thực sự chuyên chở cái cảm quan hậu hiện đại mà tôi đã trình bày khái quát ở trên. Các nhà văn Việt Nam sống ở nước ngoài có cơ hội thuận lợi hơn để tiếp nhận cái cảm quan hậu hiện đại vì họ sống ngay trong xã hội hậu hiện đại. Tuy thế, vẫn còn rất ít trong số họ thực sự có lối viết hậu hiện đại”. Đây là những lời cân nhắc, thận trọng, đúng mực.

Thế nhưng, tiếp theo, rất đột ngột, ông HNT nói: “Dẫu sao, tôi tin chắc rằng chẳng bao lâu nữa lối viết hậu hiện đại sẽ trở nên phổ biến ở Việt Nam”. Ông HNT đã dùng hai chữ dẫu sao để trốn khỏi cái việc phải nêu luận chứng, luận cứ, để ông có thể phán một mệnh đề “xanh rờn” như bạn đọc đã thấy.

Trong bài trả lời phỏng vấn của ông HNT, từ trước hai chữ dẫu sao trở lên, ông thể hiện mình là một nhà nghiên cứu khoa học nghiêm túc; còn câu: “Dẫu sao, tôi tin chắc rằng chẳng bao lâu nữa lối viết hậu hiện đại sẽ trở nên phổ biến ở Việt Nam” khiến tôi chẳng biết sẽ coi ông này là người như thế nào nữa …

Lối viết hậu hiện đại ở đây, theo ông HNT, phải là lối viết “thực sự chuyên chở cảm quan hậu hiện đại”. Cũng theo ông HNT, chủ nghĩa hậu hiện đại “không phải là một thứ lý thuyết được đặt ra để điều hướng văn hóa, văn nghệ, mà nó là cảm thức của con người, nảy sinh trong một giai đoạn nhất định của lịch sử nhân loại, và văn hóa, văn nghệ là những cách biểu hiện [L.C.D. nhấn mạnh] của cảm thức ấy”. Theo mạch lập luận như vậy của ông HNT, thì câu: “Dẫu sao, tôi tin chắc rằng chẳng bao lâu nữa lối viết hậu hiện đại sẽ trở nên phổ biến ở Việt Nam” của ông này hàm ý: chẳng bao lâu nữa xã hội hậu hiện đại sẽ hiện hữu ở Việt Nam; lúc đó con người ở đất nước ấy sẽ có cảm thức hậu hiện đại, “chấp nhận rằng bản chất của thế giới là hỗn mang…”; và đấy là cơ sở xã hội – tâm lý để “lối viết hậu hiện đại sẽ trở nên phổ biến ở Việt Nam”.

Việt Nam sẽ trở thành một nước phát triển, nhưng ở một nước phát triển không nhất thiết xuất hiện một xã hội hậu hiện đại.

Việt Nam sau khi hoàn thành cách mạng dân tộc – dân chủ đã không xây dựng chủ nghĩa tư bản, mà kiến thiết chủ nghĩa xã hội.

Nhìn vào lịch sử văn học Việt Nam, bạn đọc thấy trong quá trình lâu dài văn học nước nhà giao lưu với văn học Trung quốc, cha ông ta, trên nền tảng văn hóa dân tộc, đã vay mượn chất liệu, văn thể và văn tự từ văn học nước láng giềng để tạo dựng nền văn học thành văn – một nền văn học “bất tốn Trung quốc” (không nhường Trung quốc), rồi, dựa vào chữ Hán chế tác chữ Nôm ghi âm tiếng mẹ đẻ, và thế là trong nền văn học thành văn Việt Nam nồng nàn chủ nghĩa yêu nước, đầm ấm tình người tồn tại song song và tác động tương hỗ hai dòng văn học – dòng văn học thể hiện bằng chữ Hán, dòng văn học thể hiện bằng chữ Nôm; đến nửa cuối thế kỷ XVIII – nửa đầu thế kỷ XIX dòng văn học thể hiện bằng chữ Nôm giành được vị thế nổi bật trên văn đàn dân tộc với chủ nghĩa nhân ái sâu sắc và với ba thể loại mang đặc sắc Việt – khúc ngâm bằng thể song thất lục bát, tự sự bằng thể lục bát và hát nói. Văn học Việt Nam hiện đại hóa trong những điều kiện khắc nghiệt của chế độ thuộc địa - nửa phong kiến; trong những điều kiện đó các nhà thơ Hàn Mặc tử và Chế Lan Viên đã học hỏi một số yếu tố của thơ siêu thực và thơ lãng mạn của hai thi sĩ này được đẩy tới tận cùng (romantisme jusqu’au about (2)), Bích Khê đã “vay” một số yếu tố của thơ tượng trưng, viết tập thơ Tinh huyết, trong đó có “những câu thơ hay vào bậc nhất trong thơ Việt Nam” (3). Trong văn học đô thị ở miền Nam Việt Nam trước giải phóng, chủ nghĩa hiện sinh (existentialisme) chỉ gây ảnh hưởng trong phạm vi nhỏ hẹp … Như vậy, trong mọi hoàn cảnh lịch sử, văn học Việt Nam biết cách học hỏi những gì hữu ích để tồn tại và phát triển, biết cách đề kháng những gì độc hại trong quá trình giao lưu văn hóa, văn học với nước ngoài .

Trong mấy năm gần đây, Hồ Anh Thái đã viết Người đàn bà trên đảo, Người và xe chạy dưới ánh trăng, Cõi người rung chuông tận thế; Nguyễn Bình Phương cho ra mắt bạn đọc Bả giời, Những đứa trẻ chết già, Vào cõi, Người đi vắng, Trí nhớ suy tàn, Thoạt kỳ thủy. Hai nhà văn này đã sử dụng một số kỹ thuật của lối viết hậu hiện đại, như kỹ thuật “nhại văn” (pastiche) truyền kỳ thời trung đại, lối viết đa tuyến, phi tuyến, hiện thực kỳ ảo, v.v… Nhà thơ Mai Văn Phấn, tác giả tập thơ Vách nước, nói: “[...] Những câu thơ của tôi trước đây đóng đinh người đọc vào hoàn cảnh cụ thể, trói buộc cảm xúc trong thi cảnh đơn độc. Còn không gian thơ bây giờ là sự gợi mở để người đọc cùng tham gia sáng tạo, là cách nhà thơ quyến rũ người đọc vào “trò chơi tự trình bày cách chơi” (Hoàng Ngọc-Tuấn) trong thế giới đa tầng và đa phương. Người đọc không còn cảm giác gặp một bản thể nhất định trong “đại tự sự” (grands récits – J. F. Lyotard) như trước nữa, mà họ có quyền lựa chọn bản thể tốt nhất theo ý họ trong một hoàn cảnh thi ca cụ thể, tự đưa ra lối ứng xử thích hợp nhất trong một “hiện thực thậm phồn”. Một hình thức tồn tại vô biên […] chính là mô hình xã hội được thiết kế theo kiểu thi sĩ, ở đó những khái niệm về công bằng, tự do, bác ái … được quan niệm “cực đoạn” đến mức tuyệt đối”. Mai Văn Phấn đã chịu ảnh hưởng một số kỹ thuật của lối viết hậu hiện đại. Bạn đọc hãy nghe nhà thơ này nói tiếp: “Với tôi, thi ca dù có cách tân đến đâu đi nữa vẫn phải hướng con người tới cái cao đẹp”(4). Có thể coi đây là tâm nguyện của đại bộ phận các nghệ sĩ ngôn từ Việt Nam hiện nay đang tìm tòi, thể nghiệm mọi phương pháp, mọi phong cách sáng tạo nghệ thuật, trong đó có học hỏi yếu tố này hay yếu tố kia (chứ không phải cả hệ thống) của cách viết hậu hiện đại, nhằm “sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ, có tác dụng sâu sắc xây dựng con người” (5).

Tôi không nghĩ ông HNT, nhà nghiên cứu cho rằng: Học vấn sâu và rộng về những kiến thức “sẵn có” là điều kiện cần thiết, nhưng chưa đủ để làm người trí thức. Người trí thức phải là kẻ có “khuynh hướng muốn biết” [“inclination to know”, chữ của giáo sư người Mỹ James V. Schall mà ông HNT rất ngưỡng mộ], tức là khuynh hướng muốn nghiên cứu và giải thích những gì chưa từng biết, muốn tiếp tục đào xới những gì tưởng chừng đã kết thúc, muốn liên tục đặt câu hỏi về những gì đã rốt ráo”(6); nhà nghiên cứu văn học, nghệ thuật nắm vững quan điểm của Hegel về mối quan hệ giữa nội dung và hình thức của tác phẩm nghệ thuật: “Nội dung chẳng là gì cả ngoài sự hoán chuyển của hình thức vào nội dung , và hình thức chẳng là gì cả ngoài sự hoán chuyển của nội dung vào hình thức ” (der Inhalt nichts ist als das Umschlagen der Form in Inhalt, und die Form nichts als Umschlagen des Inhalt in Form)(7), lại không biết những điều tôi nhắc đến ở trên. Vì vậy, tôi càng ngạc nhiên trước dự báo chẳng dựa vào chút tiền đề thẩm mỹ – xã hội nào của ông HNT: “Dẫu sao, tôi tin chắc rằng chẳng bao lâu nữa lối viết hậu hiện đại sẽ trở nên phổ biến ở Việt Nam”.

Hình ảnh kiến trúc sư Việt kiều – Nguyễn Chứng Nhân, người với đồ án kiến trúc bệnh viện đa khoa Sao Mai, Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh – đồ án kiến trúc khiến ông này tốt nghiệp kiến trúc loại xuất sắc tại Đại học South Florida, Mỹ, càng làm tôi khó hiểu thêm đối với ông HNT. Vì sao tôi càng khó hiểu thêm đối với ông HNT? Vì hai điều sau đây từ kiến trúc sư Nguyễn Chứng Nhân . Thứ nhất, ý tưởng làm đồ án kiến trúc bệnh viện đa khoa Sao Mai (Sao Mai general hospital) “được gợi hứng từ cây tre, lũy tre Việt Nam”. “Hình ảnh cây tre thanh cao nhưng vững chắc được tôi sử dụng trong bố cục nhằm tạo ra một hướng nhìn vừa mang tính thiên nhiên, vừa nhằm tạo ra một cảm thức vươn lên trong an bình và thánh thiện” – kiến trúc sư này tâm sự với Thụy Vân của báo Thể thao & văn hóa (8). “Tôi muốn tạo cho bệnh nhân một cảm giác không sợ hãi khi họ phải đối mặt với bệnh tật và cái chết. Ở một khía cạnh khác, tôi cũng thật sự mong muốn mang nét văn hóa Việt Nam vào hệ thống kiến trúc Mỹ, như một biểu trưng của sự hòa hợp”. Thứ hai, trả lời câu hỏi: “Những người theo chủ nghĩa hậu hiện đại có ảnh hưởng gì với giới trẻ?”, ông Nguyễn Chứng Nhân nói: “Chủ nghĩa hậu hiện đại vốn quan tâm tới hình thức, cho nên họ chạy theo cái bóng mà không thấy cái chất lượng thật. Họ bận tâm tới việc phải Mỹ hóa như thế nào. Họ chạy theo hình thức đã được định sẵn, như hàng hiệu, chỉ có tính biểu tượng. […] Có thể nói, chủ nghĩa hậu hiện đại đang tàn lụi. Người ta đang tìm đến một khuynh hướng giải phóng tính có sẵn và mang tính nhân bản hơn”. Tôi hiểu: có thể ông Nguyễn Chứng Nhân chỉ nói về số phận của chủ nghĩa hậu hiện đại trong kiến trúc. Tuy nhiên, những lời của kiến trúc sư này gợi ở tôi câu trả lời cho câu hỏi: vì sao “các nhà văn Việt Nam sống ở nước ngoài có cơ hội thuận lợi để tiếp nhận cái cảm quan hậu hiện đại” nhưng “vẫn còn rất ít trong số họ có lối viết hậu hiện đại”, như ông HNT cho biết? Phải chăng CNHHĐ trong văn học cũng đang tàn lụi và phần lớn các nhà văn Việt Nam ở nước ngoài muốn tìm đến một khuynh hướng giải phóng tính có sẵn của CNHHĐ và mang tính nhân bản hơn? Phải chăng khi ông HNT nói về CNHHĐ , ông ấy còn che giấu một vài sự thật quan trọng? Phải chăng trả lời báo Thể thao & văn hóa, ông HNT không muốn thông tin trung thực về CNHHĐ, mà chỉ muốn cổ vũ cho trào lưu văn học này khi ông ấy về quê gốc của mình?

Xin nói thật với ông Hoàng Ngọc-Tuấn: chủ nghĩa hậu hiện đại, với tư cách là một trào lưu văn học, không có tiền đồ ở Việt Nam.

 

Đà Lạt, 01/2004 – 11/ 2004.
L.C.D

 

------------

Chú thích:

(1) Nguyễn Du, Truyện Kiều.

(2) Chế Lan Viên, "Tựa" trong Tuyển tập thơ Hàn Mặc tử, Nxb Văn học, 1987.

(3) Hoài Thanh và Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, Nxb Văn học và Hội Nghiên cứu, giảng dạy văn học thành phố Hồ Chí Minh, 1998, tr. 211.

(4) Thể thao & văn hóa số 11, ngày 6/2/2004, tr.43.

(5) Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr. 60 – 61.

(6) Hoàng Ngọc-Tuấn, "Vài điều cần nói với Phạm Xuân Nguyên", trên www. talawas. org, 11/2/2003.

(7) Hoàng Ngọc-Tuấn, "Vấn đề hình thức và nội dung, cái mới và cái đẹp" (một cuộc đối thoại giả tưởng)", 03/1999 – 08/2001.www.tienve.org

(8) Thể thao & văn hóa số 46, ngày 8/6/2004, tr.40.

 

Tác giả Lê Chí Dũng hiện đang công tác tại khoa Ngữ văn, trường Đại học Đà Lạt, Số 01 Phù Đổng Thiên Vương – Phường 8 – Thành phố Đà Lạt – Tỉnh Lâm Đồng – Việt Nam.
Địa chỉ tác giả: 16 Lý Nam Đế - Phường 8 – Thành phố Đà Lạt – Tỉnh Lâm Đồng – Việt Nam.Điện thoại: 084 063 826391.

 

------------

GHI CHÚ CỦA TOÀ SOẠN:

Mời độc giả đọc bài viết của Hoàng Ngọc-Tuấn, "Chủ nghĩa hậu hiện đại có đáng sợ đến thế không?" (đáp lại bài viết của Lê Chí Dũng)


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021