thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
MỘT CÁCH NÓI KHÁC CỦA NIỀM KHAO KHÁT [chương XXX]

 

 

ba mươi.

NHỮNG NGƯỜI QUY HOẠCH RỪNG

 

Tôi còn thuật tiếp chuyến đi ấy, có nghĩa là chúa sơn lâm đã không đến ăn thịt tôi với nàng trong đêm hôm ấy. Nỗi sợ hãi của chúng tôi thực sự chấm dứt vào lúc ánh sáng của ngày đã xuất hiện một cách rõ ràng và đầy đủ, và những thứ trong đêm chúng tôi cho là thuộc về cọp không còn nữa. Và khi ráng dõi mắt nhìn về phía trước, chúng tôi chỉ thấy rừng cây tiếp giáp với rừng cây. Nhưng vào cuối ngày hôm ấy, thiếu chút nữa là chúng tôi đã đổ xuống ngay trên con đường rừng ấy. Dừng lại! Cả tôi lẫn nàng đều đang thả hồn vào cõi bình yên của một buổi chiều trong rừng già thì một tên lâm tặc nhảy xổ ra giữa con đường rừng ấy, bắt chúng tôi dừng lại. Nói là lâm tặc là để cho chuyến đi có vẻ bi tráng, hết gặp cọp, lại gặp lâm tặc, chứ thật ra cho đến cuối chuyến đi chúng tôi vẫn chưa thể kết luận anh ta và đồng bọn anh ta có phải là lâm tặc hay không. Chỉ có súng gỗ thôi. Nhưng khi anh ta nhảy xổ ra, chĩa súng vào chúng tôi, bảo giơ tay lên, thì tôi quyết định phải chuẩn bị cho sự chết của mình. Quả tình, khi sự chết đột ngột xuất hiện thì làm cho con người ta cũng đột ngột trở nên dũng cảm. Tôi huých vào nàng, và nói đủ để nàng nghe, rằng để cho tình yêu chúng tôi đi vào cõi vĩnh hằng thì không thể để cho kẻ khác chạm vào chỗ trong trắng và cao cả của tình yêu. Nghĩa là tôi nói vắn tắt đủ để nàng nghe, rằng chết thì chết chứ không thèm giơ tay. Vậy là chưa chết. Cái tay lâm tặc ấy, tay vẫn giữ cây súng ở tư thế chuẩn bị bắn, và bảo chúng tôi đi về phía trước, tức là tiếp tục đi về hướng chúng tôi đang đi. Tôi và nàng đi đằng trước, anh ta lăm lăm tay súng đi đằng sau. Biết anh ta vẫn lăm lăm tay súng, bởi chúng tôi lợi dụng lúc có nhành cây sà trên đầu hay sợi dây vướng dưới chân, thì lập tức vờ ngã xuống, và quay người lại, cốt là để nhìn thử cái con người đang nắm vận mạng của mình. Phải nói là ánh sáng cuối ngày mỗi lúc mỗi giảm đi, rừng cây như cứ ngả dần sang màu u ám nặng nề, thành ra cái khung cảnh trước giờ hành quyết có vẻ ảm đạm, thê lương. Tất nhiên là cả tôi lẫn nàng, trong hoàn cảnh ấy, chẳng dám mở miệng nói lời chi. Xin xỏ ư? Mà chúng tôi có tội tình chi, phải xin xỏ? Và kẻ ấy là ai, có quyền chi đối với chúng tôi, mà chúng tôi phải xin xỏ? Chỉ còn chờ anh ta nói ra một lời chi đó, thì chúng tôi mới biết số phận sống chết của mình. Nhưng không. Hẳn là mẹ đẻ của anh chàng lâm tặc ấy đã có chửa sự im lặng trước khi có chửa anh ta. Quân khát máu! Trong lúc nghĩ ngợi về thái độ lạnh lùng của tên đao phủ đang đi phía sau mình, tôi có buột kêu lên trong suy nghĩ như thế. Hai người cho xem giấy tờ! Lúc tay lâm tặc thứ hai ra cản đường, để xem giấy tờ của chúng tôi, thì trời đã tối hẳn. Rừng đêm như đang làm tăng thêm sự bí ẩn của cuộc đời. Có vẻ là dân thường thôi. Tay lâm tặc thứ nhất nói xong câu ấy thì rời bỏ tư thế của một tên đao phủ. Tức là anh ta đã ném súng xuống vệ đường, và đi vào khu rừng già trước mặt. Những sự kiện ấy có vẻ chẳng ăn nhập gì với nhau, và xảy ra quá nhanh, khiến chúng tôi thấy rất rối rắm. Các người đi làm gì trong rừng? Sau khi dùng đèn pin rọi xem giấy tờ của tôi và nàng, tay lâm tặc thứ hai hỏi với giọng ôn tናn. Cây súng vẫn còn nằm dưới đất. Và ở khu rừng già phía trước bỗng rộ lên nhiều tiếng cười nói. Cái khung cảnh có vẻ hoà bình ấy khiến tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện thoát chết. Đi tìm con nước đầu nguồn con sông quê của người mình yêu. Tôi lại nói ra điều mình vẫn nói trong các chuyến đi tìm chân lý. Khi yêu nhau người ta còn dắt nhau lên trời nữa là lên rừng. Nhờ câu nói có vẻ cởi mở của tay lâm tặc mà chúng tôi đã gầy được một cuộc đối thoại vừa cổ điển, vừa hiện đại, vừa giải mã được những bí ẩn của đêm hôm trước, cuộc đối thoại có tính cách dân chủ xảy ra khá lâu giữa chúng tôi và cái thực thể mà trong câu chuyện tôi cứ tạm gọi là đám lâm tặc. Nhưng vì sao lại ngăn cản sự đi lại của chúng tôi là những kẻ lương thiện? Chính là nàng, chứ không phải tôi, đã sơ ý tạo ra gay cấn ngay khi mở đầu cuộc đối thoại. Các vị nói thế tức coi chúng tôi là không lương thiện? Tay lâm tặc dùng đại từ “các vị” để gọi tôi với nàng. Tôi phải lập tức nhảy vào cứu nguy. Chữ lương thiện nói ra đây là có ý bảo chúng tôi vốn là những người làm ăn bình thường, xin quí vị chớ hiểu lầm. Tôi cũng dùng đại từ “quí vị” để gọi bọn họ. Dường lúc bấy giờ thì tất cả bọn họ từ đám rừng già phía trước đã kéo đến chỗ chúng tôi. Từ trong đám người đang tụ tập ấy vụt loé lên thứ ánh sáng chúng tôi đã nhìn thấy trong đêm hôm trước. Và lập tức tôi đã hiểu ra đấy là ánh sáng của một thứ đèn rọi chuyên dùng vào một công việc nào đấy, ánh sáng phát ra đã bị hạn chế đến mức tối đa. Chúng tôi đang tạo ra một thế giới không có tiếng súng. Một tay lâm tặc khá cao to từ trong đồng bọn bước ra, nói, và cúi xuống vệ đường, nhặt cây súng tự nãy giờ vẫn nằm im ở đó. Nàng có vẻ lo lắng áp sát vào tôi, khi tay lâm tặc quay mũi súng về phía chúng tôi. Trong lúc tôi và nàng đang hồi hộp chờ nghe một thế giới không có tiếng súng là thế nào, thì tay lâm tặc ấy đột nhiên chĩa súng lên trời, và bắt đầu nói như diễn thuyết về một nền hoà bình nào đó của nhân loại. Các vị nên hiểu đây là biểu tượng của không chiến tranh (anh ta cũng dùng đại từ “các vị” để gọi tôi và nàng), chúng tôi có súng chẳng phải để bắn giết những người cản trở công việc của chúng tôi, cũng chẳng phải có súng để săn nai săn thỏ làm thức ăn, cũng chẳng phải có súng như kiểu những kẻ cướp có súng, các vị nên hiểu đây chẳng phải là vũ khí theo nghĩa thông thường, chúng tôi gọi là súng là để cho đồng đội chúng tôi biểu dương được tình đồng đội. Mới đầu tôi cứ tưởng đấy là kẻ cầm đầu, là người chỉ huy. Nhưng không phải. Tất cả bọn họ là ngang nhau. Bởi một tên lâm tặc khác bước ra, giật lấy cây súng trên tay của tay đang diễn thuyết, đem trao cho tôi và nàng. Phải nói là chúng tôi phải cố lắm mới không bật cười to khi phát hiện ra đấy là súng gỗ. Quí vị quả là những người đang tạo ra một nền hoà bình theo đúng nghĩa của nó. Tôi nói trong niềm cảm hứng có tính cách giới hạn, tức thứ cảm hứng chỉ đóng khung trong việc bọn họ dùng súng gỗ, thứ cảm hứng chỉ đột phát xảy ra khi nghe họ tuyên bố về một nền hoà bình như thế, và chúng tôi hoàn toàn chưa biết gì về bọn họ. Nhưng trong khi ạo ra một thế giới không có tiếng súng thì vì sao lại ngăn cản việc đi lại của người khác? Nàng đã liều mạng trở lại câu hỏi ban đầu. Nhưng theo cách giải thích của một tay lâm tặc khác thì đấy chẳng phải là ngăn chận. Anh ta bảo cho đến lúc ấy thì chúng tôi vẫn đang trên con đường đi tới, có nghĩa là vẫn tiếp tục đi theo hướng chúng tôi đang đi, chưa ai bắt chúng tôi phải quay lại cả. Cho đến lúc ấy thì chúng tôi biết bọn họ là một tập họp trên núi, một tập họp có tính đồng đội khá cao đang làm việc chi chẳng rõ, chỉ biết là bọn họ đang dùng một thứ đèn rọi mà đêm hôm trước chúng tôi cứ lầm tưởng là ánh mắt cọp. Loài người sẽ biết ơn quí vị, vì cho đến lúc này thì quí vị đã tạo ra được một nền hoà bình cho rừng cây ở trên núi. Tôi khoanh vùng nền hoà bình của bọn họ lại, và nói thế cốt để khai thác bọn họ là ai. Không ngờ câu ấy đã lập tức tạo ra cao trào của cuộc đối thoại. Các vị đã hiểu sai rồi, không phải hoà bình cho rừng cây, mà là cho con người. Một người trong bọn họ nói lớn. Tôi phải nói lời xin lỗi, và xin bọn họ giải thích thêm về nền hoà bình ấy. Coi bộ còn dằng dai lắm, hãy ngồi hết xuống đi. Bọn họ nhao lên. Phải nói bấy giờ tôi có cảm tưởng là mình đang tham dự một đại hội gì đó ở trên rừng, lúc đầu là đại hội về hoà bình cho con người, nhưng về sau thì chẳng phải. Có lẽ tay lâm tặc cao to là người có trình độ nhất trong bọn họ. Trong lúc anh ta nói thì những người khác chỉ xen vào hỏi chúng tôi đã rõ chưa. Một nền hoà bình cho con người không phải chỉ là không có tiếng súng, mà còn làm sao cho con người có cơm ăn áo mặc, ngay tự lúc có tổ chức nhà nước thì người ta đã nói đến những thứ đó, người đứng đầu nhà nước nào cũng nói đến những thứ đó, nhưng suốt mấy trăm nghìn năm lịch sử của loài người thì súng vẫn cứ nổ, và con người thì vẫn cứ thiếu đói. Các vị đã rõ chưa? Có ai đó xen vào hỏi chúng tôi. Và tay lâm tặc cao to, người diễn thuyết của đại hội, bắt đầu chuyển qua khúc gập ghếnh vó ngựa thác đổ đầu non, mà mãi về sau, mỗi lần nhắc lại, chúng tôi cứ thấy rờn rợn niềm sảng khoái man dã. Lũ chúng tôi, người tứ xứ, có xích lại gần nhau là do thiếu đói, hạt cơm lấy từ luống cày thì chưa bao giờ no, phải tự cứu lấy mình, khi những cái bụng đói gặp nhau thì bỗng hiểu ra nghĩa lý cao sâu của câu “ tiền rừng bạc biển”, biển thì chẳng dám, bởi lũ chúng tôi toàn bọn thuồng luồng ở cạn, ngoài chuyện đôi bò miếng ruộng hẩm hiu, lũ chúng tôi đứa thợ cưa, đứa thợ mộc, đứa đốn củi đốt than, cho nên chỉ còn con đường lên rừng, mới đầu thì theo người ta lên rừng đãi vàng, lang thang góc núi đầu khe, lũ chúng tôi gặp nhau lúc đói khát, uống ngụm nước suối, thề sống chết có nhau; mới đầu chỉ là cây rìu cái rựa, chỉ khiêng vác bằng đôi chân đôi vai, nhưng theo đà văn minh nhân loại, lũ chúng tôi đã thay những rìu rựa chân vai bằng máy cưa máy kéo, mới đầu chỉ là những súc gỗ lén xuôi sông suối, nhưng theo đà văn minh nhân loại, chúng tôi đã gặp được các bậc hào kiệt bán buôn có tầm vóc quốc gia, quốc tế, hàng hoá đã có bò vàng bò xanh lên tận chốn non cao mà mang về, luật lệ chuyên chở thì nằm trong những cái túi đầy ኯp ngân lượng luôn đeo trên lưng các bậc đàn anh hào hoa phong các, đứa đốn củi đốt than lầm lũi khi có đồng tiền rủng rỉnh trong túi thì bỗng hoá ra đứa có gương mặt sáng sủa văn minh. Tiếng gầm của cọp… Nàng buột kêu lên. Các vị lại lầm rồi, đấy là tiếng nói của những kẻ đi tìm cơm áo, là tiếng nói chân chính nhất trong những tiếng nói chân chính của con người. Bọn họ đã đứng lên để nói. Dường hết thảy đã nhao lên, nói. Phải nói đấy là giây phút hiểm nguy trong chuyến đi ấy của chúng tôi. Có nghĩa là nếu tôi không kịp thời giải thích thì có thể bọn họ đã thịt tôi với nàng. Thì chẳng phải cứ hiểu một cách thông thường, thì nàng đã gọi bọn họ là cọp hay sao? Hoá ra trong giờ phút thập tử nhất sinh tôi lại trở thành tay tả cảnh tả tình rất giỏi. Nói gọn, là tôi đã tả lại nỗi sợ hãi của chúng tôi trong đêm hôm trước, nỗi sợ hãi chưa từng xảy ra trong cuộc đời tôi và nàng, khi cho rằng ánh đèn rọi là ánh mắt cọp, và tiếng máy cưa là tiếng gầm của cọp. Lẽ ra là bọn họ cười ầm lên. Nhưng không. Dường như có một nỗi xúc động lớn lao nào đó đang xảy ra trong những con người không phải là dễ hiểu ấy. Nhưng dẫu nói cách nào thì các anh cũng đã vi phạm luật lệ nhà nước? Tôi chuyển cách gọi “quí vị” sang “các anh” cho cuộc đối thoại có vẻ thân mật hơn. Vi phạm luật lệ nhà nước ở chỗ nào? Tay lâm tặc cao to hỏi. Tôi bảo chặt cây rừng đầu nguồn là vi phạm luật bảo vệ rừng, chặt cây rừng mà không xin phép, không theo kế hoạch khai thác của nhà nước là vi phạm luật khai thác rừng. Đến lúc ấy bọn họ mới cười ầm lên. Và thay nhau nói. Có nhà nước nào lại cho phép đám khố rách áo ôm lũ chúng tôi đi khai thác rừng? Còn như đốn cây to để cho cây nhỏ có chỗ thở mà lớn là theo đúng luật sống của cây rừng, là bảo vệ rừng. Và thứ gọi là kế hoạch khai thác của nhà nước thì chẳng qua cũng là do một bọn người ăn cơm uống nước như lũ chúng tôi nghĩ ra mà thôi. Dường như sự có mặt của chúng tôi lúc ấy là để cho những con người đang sống với núi cao rừng sâu có dịp trút ra những suy nghĩ vẫn giấu kỹ trong lòng. Còn tôi với nàng, đến lúc ấy, chỉ còn muốn tiếp tục cuộc tìm kiếm của mình, nên chẳng còn muốn tranh luận điều gì nữa. Cuối cùng, tôi chỉ hỏi vui có phải là do trộm gỗ của nhà nước nên phải làm việc vào ban đêm hay không? Mọi thứ trên mặt đất này đều sinh ra từ ánh mặt trời, nên lũ chúng tôi có trộm gỗ là trộm ánh mặt trời. Tay lâm tặc cao to nói. Về sau, nàng cứ nhắc đi nhắc lại với tôi rằng phải ghi lời ấy vào kho tàng kiến thức nhân loại, và bên dưới phải ghi rõ đấy là lời của những kẻ trộm gỗ. Các vị phải quay lại thôi, vì chẳng thể ngang qua khu rừng lũ chúng tôi đang qui hoạch. Cuối cùng thì tay lâm tặc cao to tuyên bố với chúng tôi thế. Mãi về sau, khi nhắc lại chuyến đi ấy, chúng tôi cứ thấy buồn cười. Chẳng phải buồn cười vì đám trộm gỗ lại nhân danh là những người qui hoạch rừng. Mà buồn cười là đi tìm chân lý chi lại sợ đến gần vãi các thứ ra trong quần khi gặp đám trộm gỗ nhà nước.

 

[còn tiếp]

 

_________
MỘT CÁCH NÓI KHÁC CỦA NIỀM KHAO KHÁT là cuốn tiểu thuyết thứ sáu của Nguyễn Thanh Hiện [1. Những Tháng Năm Nghiệt Ngã - 2. Trở Lại Xương Quơn (NXB Văn Học, Việt Nam, in năm 2007) - 3. Vật Gia Bảo Của Một Dòng Họ - 4. Bên Này Trần Gian - 5. Người Đánh Cắp Sự Thật (NXB Văn Học, Việt Nam, in năm 2008) - 6. Một Cách Nói Khác Của Niềm Khao Khát - 7. Rốt Cuộc Thì Bọn Họ Là Ai?], sách gồm 38 chương, chưa nhà xuất bản nào in.

 

 

Đã đăng:

... Mặt đất này thì rộng lớn, và con sông nào cũng có chỗ bắt đầu của nó, mà các người đi tìm nguồn con sông nào? Ông hỏi. Tôi nói là con sông chảy qua quê nàng. Con sông quê của người mình yêu. Ông quảng diễn thêm câu nói của tôi. Rồi bảo hai chúng tôi có vẻ khăng khít nhau thế còn đi tìm nguồn con sông đó chi nữa. Tôi nói đó là bí mật của tình yêu. Hoá ra không phải chỉ tôi với nàng mới có bí mật của tình yêu. Đêm đó, nơi căn nhà lá ở giữa rừng, người coi rừng đã nói cho chúng tôi biết ông cũng có một bí mật của tình yêu... (...)
 
... Rằng từ khi loài người biết truyền những ý nghĩ cho nhau bằng máy móc thì thần không còn trực tiếp cai quản núi rừng, nhưng không phải là không để mắt đến chuyện con người, rằng trong cuộc chuyển lưu lớn lao của vạn hữu thì không phải hễ là thần thì nhìn thấy được sự thật của mọi sự, rằng ngày xưa, ngay chính bản thân vũ trụ cũng chưa biết mình do đâu mà có, thì lớp cha ông của thần quả đã cho rằng hễ là thần thì biết hết mọi sự, từ đó mới có chuyện toàn trị của các vị thần... (...)
 
... Xin chào bác homo sapiens! Đám đồng bào của ta nơi mặt đất đã bớt lạnh lẽo gọi ta là bác homo sapiens. Là homo sapiens, hay không là homo sapiens, thì có hệ trọng gì đâu. Bởi điều đáng nói là ta đã vượt qua cuộc thử thách lớn nhất trong trời đất, cuộc thử thách diễn ra hằng triệu triệu năm, để được thiên hạ trong trời đất gọi ta là con người... (...)
 
... Có cái gì là chẳng ngoi lên từ cõi hỗn mang? Một vùng trời đất âm thầm, từ đấy ngân vang những giai điệu nguyên sơ. Sáng tỏ và u uẩn. Ôm ấp và cô đơn. Mở và khép. Gặp lại và chia xa... Buổi ban đầu ấy là một cuộc lưu luyến kỳ cục giữa ngẫu nhiên và tất yếu. Ai đã ngang qua đất trời lãm thuý?... (...)
 
... Lại hỏi về cây thong dong. Thưa, có bao giờ thấy mặt trời mặt trăng vội vã đâu, nếu là biển, thì sáng tinh mơ, mặt trời trườn đi trên nước, nếu là bầu trời đêm có nhiều mây, thì mặt trăng ẩn hiện ở trong mây, cái cách như thế của mặt trời mặt trăng thì gọi là thong dong... (...)
 
Mùa thu năm ấy chúng tôi ngược về thượng nguồn một nhánh sông của con sông quê nàng. Và bị cầm chân ở ngôi làng ấy. Khoa học hiện đại dù đã phát hiện được bao nhiêu là luật lệ của trời đất, nhưng những con người ở ngôi làng ấy vẫn khăng khăng vị thần làng của mình là thần của tất cả các thần, là tổ thần, không có vị này thì không có người làng và cũng không có cả loài người... (...)
 
Quả tình mùa thu ở đây vàng một nỗi ám ảnh. Ám ảnh bởi một thứ quá khứ đã được tinh kết thành thứ từ vựng tinh tế, kiêu sa, và không phải cứ nghe thấy là hiểu. Ám ảnh bởi một thứ hiện tại được biểu lộ trong một diện mạo có vẻ minh bạch, nhưng không dễ gì cứ trông thấy là hiểu. Đúng là tôi với nàng không dễ gì rời khỏi một nơi chốn như thế... (...)
 
... Một người đàn ông nằm trên mặt đất, chắc là đã chết, trước mặt có con bò rừng đứng trong tư thế kỳ lạ, như đang sắp ngã xuống, ruột gan tràn ra bên ngoài, bên sườn có cắm một ngọn lao. Đó là nội dung một phiên bản tranh hang động thời tiền sử treo ở nhà vị trưởng tế... (...)
 
... Hãy nói cho tôi nghe là ngài căn cứ vào đâu để bảo đó là sự thật? Một văn bản bằng giấy ư? Hay một văn bản bằng đá? Mà chép trên giấy, hay trên đá, thì đều là ngôn ngữ của con người, ai dám bảo với ngài rằng ngôn ngữ ấy thuật lại đúng sự kiện đó, xin ngài hãy nhớ cho, khi ngài tham gia vào việc nói về sự kiện đó thì nó không còn là nó, mà sẽ hiện ra theo cái cách của ngài nói về nó... (...)
 
... Khi kể ra những sự tích đó, người làng muốn nói với chúng tôi, mà họ vẫn đinh ninh là những nhà báo của chính phủ, rằng cái gò hoang là bản gia phả chung của các dòng họ trong làng, rằng những thế kỷ đã trôi qua, các dòng họ đó vẫn giữ gìn bản gia phả đó như giữ gìn dòng máu tộc họ của mình... (...)
 
... Các vị đại diện nhà nước bắt đầu thay nhau nói, rằng cái gò hoang không phải là nghĩa địa, nghĩa địa sao lại không có mồ mả, mà chỉ là nghe kể lại rằng tổ tiên của dân làng đã chôn ở đó, nên việc yên nghỉ đó cũng chỉ là khái niệm, cũng như nói cái gò đó là gia phả chung của các dòng họ thì cũng là khái niệm, nói gọn lại, dẫu cái gò hoang đó không còn thì những khái niệm kia vẫn còn. Nhưng về chỗ này thì đám dân làng không dễ gì mủi lòng để các vị đại diện nhà nước biến mồ mả tổ tiên thành những khái niệm... (...)
 
... Ta phải nói thế nào với các người đây? Sự cư trú của con người trên mặt đất này thì có vẻ ngẫu nhiên. Chẳng ai muốn chọn những nơi nghèo nàn như ngôi làng ấy để sống. Mà chuyện ngẫu nhiên như thế xảy ra khắp nơi trên mặt đất này. Và bằng trí tuệ của mình, con người đã vượt qua được biết bao cái ngẫu nhiên để làm nên những cuộc đổi thay có tên là những nền văn minh nhân loại... (...)
 
... Nhưng nàng bảo để có nền văn minh đương đại, các nhà khoa học đã phải cống hiến cho nhân loại cả tinh thần lẫn thể xác của họ. Việc làm cái nhà máy thuỷ điện là thừa hưởng thành quả của văn minh đương đại, nhưng người chỉ huy công việc làm này lại nói về nền văn minh này theo ngôn ngữ của loài chim là điều chẳng thể chấp nhận. Bởi trong mối quan hệ giữa các loài trong hiện tại thì chỉ có loài người nói về loài chim, chứ không thể có chuyện loài chim nói về loài người... (...)
 
... Chúng tôi lại lặng đi trong giây lát. Trí tuệ con người lớn lao biết bao mà cũng nhỏ nhoi biết bao trước vẻ kỳ bí của tự nhiên. Nàng nói. Và khẽ rùng mình. Tôi cũng khẽ rùng mình... (...)
 
... Đây là thời hết thảy các chính phủ trên mặt đất này mở miệng là nói phải làm giàu đất nước, là thời mà sự giàu có được coi như niềm đam mê mới mẻ nhất trong việc trị nước của các vị nguyên thủ của hầu hết các quốc gia hiện đang có mặt trên bản đồ thế giới, là thời mà việc xuất nhập khẩu hàng hoá của một quốc gia được coi như chìa khoá mở cửa vào cõi giàu có, bởi từ cân đường cân thịt cho đến tri thức của con người đều được xem là hàng hoá... (...)
 
... Nàng hỏi có phải anh ta đang nói đến ảo ảnh cuộc đời hay không? Anh ta bảo con người là sinh vật duy nhất biết có ngày mai, trong cái gọi là ngày mai thì có cái chết, biết là chết mà vẫn cố tạo ra bao nhiêu chuyện để hướng tới gọi là tương lai, nếu như cái ảo ảnh ấy không phải là vĩnh hằng, tức chết trước cái chết, thì loài người đã treo cổ chết cả từ lâu... (...)
 
... Em chết mất. Nàng chỉ kịp nói thế. Và bị dòng nước cuốn phăng đi. Dốc hết cả sức lực, tôi lao theo nàng. Bấy giờ thì tôi nhìn thấy quá rõ cái tương lai chẳng mấy tốt đẹp của chúng tôi. Nên đã đi đến quyết định có chết là phải chết cùng nàng. Nhưng rồi tôi cũng chẳng thể thực hiện được cái quyết định đó. Bởi con nước đã đẩy tôi dạt vào bờ. Có nghĩa là không chết. Còn nàng thì chẳng hiểu là con nước cuốn về đâu... (...)
 
... Con người đang hô hoán lên khắp nơi rằng mình đang toàn cầu hoá. Nhưng máu lại đang chảy rất nhiều trong các cuộc chiến nhằm để chia tách một quốc gia cũ ra thành nhiều quốc gia mới. Con người đương tự hào với nhau rằng mình đương củng cố ngôi nhà chung của mình trên mặt đất. Nhưng ta nghe dường như đây là thời mà một tay đại bịp cũng muốn dựng tượng đài riêng cho mình? Dường như đây là thời trăm nhà đua tiếng, kẻ đê hèn cũng có thể nói được lời cao cả?... (...)
 
... Thời mà cha ông bọn này chỉ ăn củ mài để sống có phải là thời thần thánh nhập vô các vị vua quan, khiến các vị chỉ lo chuyện bòn rút của dân mà không lo việc cơm áo cho dân? Tôi với nàng đã điên đầu với những câu hỏi như thế. Có vẻ như khi vây hỏi chúng tôi về nỗi bất hạnh, bọn họ đã từ cảnh trí siêu hình tụt xuống cảnh trí trần thế? ... (...)
 
... Vào một ngày có lũ khỉ đùa giỡn trên cây còn lũ chim bồ chao thì làm như núi rừng là của chúng, một người đàn ông và một người đàn bà ngồi ở nơi gộp đá ấy nhìn trời đất đang chìm trong hoang dã. Làng xóm của ta là ở đây. Người đàn ông nói. Người đàn bà lấy một viên sỏi cuội vạch lên gọp đá như viết lên một lời thề... (...)
 
... Trên các dòng sông ta đi lại đã bắt đầu nghe thấy mùi máu. Máu của các cuộc thể nghiệm về các cuộc cãi vã. Lịch sử là biên niên sử về các cuộc thể nghiệm các cuộc cãi vã. Cho đến lúc nước trên các dòng sông pha màu máu, thì ta, kẻ náu mình trên sông nước, chỉ còn biết thở dài. Thì còn biết làm sao khi các cuộc thể nghiệm đã thuộc về cách thức tồn tại của con người... (...)
 
... Các nhà thông thái có vầng trán vừa đủ để tỏ ra mình là thông thái đang rao giảng thứ thuyết lý cao siêu vốn lấy từ kinh điển của thế kỷ trước nhưng đã được sửa sang qua nhiệt tình cháy bỏng của các vị. Nếu không có nó, đám trẻ tuổi các người hỏng bét hết... Cứ sau một hồi giảng thuyết, các vị lại thét vào tai đám cử toạ trẻ tuổi thứ lửa hoả ngục chết người ấy... (...)
 
... Không bắt được con cá vượt thác, mà lại bắt được hai con người vượt thác. Chưa hiểu thác là gì, và vượt thác là sao, nhưng chỉ nghe bắt được hai con người vượt thác, thì chúng tôi đã tính đến con đường chết. Ta lại gặp đám ăn thịt người! Nàng rỉ tai tôi. Không dám thể hiện nỗi sợ hãi của mình, mà cũng chẳng muốn người yêu của mình rơi vào nỗi sợ hãi, tôi gượng cười, rồi rỉ tai nàng, bảo chớ nghĩ quấy. Thuyền đã cập bờ... (...)
 
... Giữa nghiêm túc với hài hước, em thích thứ nào hơn? Chẳng rõ bấy giờ nàng đang nghĩ gì, nhưng rồi cũng trả lời được câu hỏi nảy ra một cách ngẫu hứng từ dòng suy nghĩ hỗn tạp của tôi. Theo nàng, hài hước là nghiêm túc. Và, nghiêm túc là hài hước. Nàng đã nói ra những điều tôi đang nghĩ. Tình yêu chúng tôi bấy giờ coi như đạt tới đỉnh cao. Có nghĩa, chỉ bước thêm một bước nữa là tới chỗ vĩnh hằng... (...)
 
... Nàng bảo mọi thứ trên đời là do con người nghĩ ra, mới đầu nghĩ mặt trời quay quanh trái đất, sau lại nghĩ trái đất quay quanh mặt trời, nghĩ ra rồi, thì đi tìm chứng cứ, tìm có chứng cứ rồi, thì la toáng lên quá khứ là sai lầm, cứ thế, công cuộc chống sai lầm dường như bất tận... (...)
 
Từ những ý nghĩ về khủng long, nàng đã chuyển sang những ý nghĩ về cọp. Tiếng động kiểu ấy nhất định là tiếng chân của chúa sơn lâm. Nàng lại khẳng định. Ta hãy dừng lại để nghe kỹ thử sao? Tôi đề nghị. Và dường như từ một chỗ tăm tối nào đó trong trí nhớ của nàng, những con cọp thời thơ ấu của nàng đã lần lượt hiện ra.... (...)

 

 

----------------

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021