thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thơ ca – một phong trào mới | Điều không thể | Không đánh giá được
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
 
NANOS VALAORITIS
(1921~)
 
NHỮNG BẢN DỊCH NÀY TẶNG JOHN VÀ PAULA SALTAS –
HAI NGƯỜI BẠN HI-LẠP Ở S.L.C. WEEKLY ĐÃ TÌM THẤY MỘT QUÊ HƯƠNG LÀM CHỖ ĐI VỀ
 
Nanos Valaoritis là một trong những nhà văn lỗi lạc của Hi-lạp ngày nay. Ông sinh năm 1921 ở Lausanne, Thụy-sĩ, bố mẹ đều là người Hi-lạp, và bản thân ông cũng lớn lên ở Hi-lạp. Valaoritis làm thơ từ lúc còn trẻ và chưa đến hai mươi tuổi đã có thơ in trên những tạp chí văn học ở Hi-lạp, bên cạnh những cây đại thụ như Odysseas Elytis, George Seferis... Ông học Văn chương cổ và Luật ở Đại học Athens, Văn chương Anh ở Đại học London, Anh quốc, và từng theo học Ngữ pháp Hi-lạp với Giáo sư Michel Lejeune tại Đại học Sorbonne ở Pháp.
 
Năm 1944, ông trốn ra khỏi nước Hi-lạp bị Đức chiếm đóng, sống ở London, và khởi sự dịch nhiều nhà thơ hiện đại Hi-lạp những năm 30, nhất là những nhà thơ cách tân Hi-lạp, đồng thời cộng tác với tờ Horizon (1946) và hoàn tất nhiều công việc dịch thuật cho nhà xuất bản New Writing (1944-1948). Thời gian ở London, ông gặp gỡ và lui tới với nhiều nhà thơ nhà văn nổi tiếng như T.S. Eliot, W.H. Auden, Dylan Thomas, và Stephen Spender; cho xuất bản tập thơ đầu tiên của mình: E Timoria ton Magnon [Hình phạt của những thầy pháp, 1947] – đáng kể hơn cả là việc đã cùng với Lawrence Durrell và Bernard Spencer biên tập và dịch tác phẩm King of Asine của George Seferis [1948] để giới thiệu với thế giới. Năm 1954 Valaoritis đến Paris, sinh hoạt và giao du mật thiết với các nhà thơ siêu thực quanh André Breton và gặp họa sĩ siêu thực Marie Wilson [sau đó sẽ là vợ ông]. Năm 1960 ông trở về Hi-lạp và từ 1963 đến 1967 là chủ nhiệm/chủ bút tạp chí văn học tiền phong Pali của Hi-lạp. Cuộc đảo chính của phe quân nhân ở nước ông khiến ông một lần nữa phải chọn lựa con đường tự lưu đày: năm 1968, ông qua Mỹ và trong suốt một phần tư thế kỷ [trừ hai năm trở về nghỉ ở Hi-lạp và Pháp] đã giảng dạy văn chương đối chiếu và tác văn tại đại học San Francisco State University. Ở Mỹ cũng như ở Hi-lạp, Valaoritis được biết đến như một nhà văn tiền phong đã có công cổ xuý cho chủ nghĩa siêu thực Pháp trong những hoạt động thơ ca. Năm 1993 ông nghỉ hưu sau khi đã cho xuất bản nhiều tập thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết và nhiều công trình nghiên cứu và dịch thuật giới thiệu văn học Hi-lạp với thế giới cũng như giới thiệu văn học thế giới với người đọc Hi-lạp, và chia thời gian sống giữa ba nơi khác nhau: Hi-lạp, Pháp và California. Ngày nay Valaoritis được coi là một trong những gương mặt sáng chói có tầm ảnh hưởng rất đáng kể và chiếm một chỗ đứng quan trọng vào bậc nhất ở Hi-lạp kể từ Constatantine Cavafy. Ở Hi-lạp, ngoài việc cho ấn hành nhiều tác phẩm đủ loại bằng cả ba thứ tiếng Hi-lạp, Anh và Pháp, ông phụ trách biên tập tạp chí văn học Synteleia, sau này trở thành Nea Synteleia.
 
Năm 2004, nhà thơ Valaoritis được Viện Văn học và Khoa học Athens trao giải thưởng thơ uy tín của Hi-lạp cho toàn bộ tác phẩm, cùng lúc ông được trao Huân chương vàng Danh dự của Tổng thống Hi-lạp cho những cống hiến của ông đối với văn học Hi-lạp. Tác phẩm ông qua những hình thức giễu nhại, mô phỏng, cắt dán, đầy những yếu tố vượt quá siêu thực để đến gần với hậu hiện đại: nhiều nhà nghiên cứu thường nhắc đến phi lý, cơ cấu, hậu cơ cấu, đến dialogism* của Bakhtin[*], đến liên văn bản... để soi rọi thơ văn ông. Sẽ không xa ngày tác phẩm phong phú của Nanos Valaoritis đứng ra làm công việc ngược lại.
 
Tác phẩm Nanos Valaoritis bao gồm nhiều thể loại, được biết đến nhiều hơn cả là những tập thơ My Afterlife Guaranteed (City Lights, 1990), Pan Daimonium (Philos Press, 2005), Mon certificat d’éternité (Digraphe, 1996), Exécuteur d’une pensée verte (L’Harmattan, 1998), Tuyển tập thơ hiện đại Hi-lạp (Talisman, 2003 - biên tập và dịch cùng với Thanassis Maskaleris, Allegro Shartz...), tiểu thuyết The Broken Arms of the Venus de Milo (Agra, Athens, 2002), truyện kể God’s Dog (Kastaniotis, 1998), và tác phẩm quan trọng For a Theory of Writing (Exantas,1990).
 
Những bản dịch Việt ngữ thơ văn Nanos Valaoritis sau đây là để tặng John và Paula Saltas, hai người bạn Hi-lạp ở tòa soạn The Salt Lake City Weekly, những người đã làm tôi yêu mến Hi-lạp hơn với những chồng sách báo mấy năm gần đây không ngừng đến tay tôi từ chỗ quê hương tìm thấy được của mình.
 
---------------
[*] Dialogism là từ được lý thuyết gia người Nga Mikhail Bakhtin đặt ra, để nói đến sự tham dự đua tranh của nhiều tiếng nói trong cùng một văn bản.
 
 
 

Thơ ca – một phong trào mới

 
Đột nhiên một phong trào mới về thơ ra mắt bất ngờ. Phong trào gồm một số nhà thơ, đâu khoảng mười lăm vị, ai nấy xuất hiện trước công chúng áo quần giống hệt nhau và mỗi người ngâm những dòng thơ do người khác viết. Thật ra họ tự gọi mình là những nhà LIÊN VĂN BẢN[1] và họ ngâm liên tục từng đợt, mỗi người một câu, cho đến khi người thứ mười lăm làm xong nhiệm vụ mình. Quả thật họ khẳng định cả nhóm là một chứ không phải nhiều người. Thế nên, tạm thời, họ loại bỏ lối sử dụng tôi, và tự xưng bằng chữ họ. Họ cũng không dùng chữ chúng tôi trọng thể, bởi từ này đã bị các nhà thơ những năm ba mươi lạm dụng, chính là những người từng giả định là họ cũng lên tiếng cho những người khác chứ không phải chỉ cho riêng họ. Sự giả định ấy của họ kia[2] là chuyện ghê tởm đối với họ này[2], bởi vì họ kia chỉ lên tiếng cho chính mình và cho một nhóm những người khác được tuyển chọn, lại cũng là và luôn là họ này. Ấy thế là họ này dựng lên một trào lưu xuyên lục địa tiến thối gì cũng đều cùng một tốc độ từ bờ này qua bờ kia. Từ họ đến họ chỉ là vấn đề tính theo giây đồng hồ. Những mối liên lạc tăng tốc độ như vậy trở thành một tình huống “tiếp xúc” liên tục. Cái bản thân tập thể ấy hình thành do nhóm LIÊN VĂN BẢN về sau được tinh lọc bằng giải phẫu mặt và nâng chiều cao làm cho họ trông giống hệt nhau. Họ cũng tiến hành những cuộc giải phẫu giọng làm sao cho chỉ có cùng một giọng đọc phát ra từ một số những cuống họng có khác nhau là chỉ ở vẻ bên ngoài. Tuy nhiên, đôi khi những tín hiệu bị nhiễm và thế là những tín hiệu phát ra là những tín hiệu sai. Sự cố này kéo theo nhiều trường hợp phải hủy bỏ những lời mời trước đó. Tác phẩm thơ chính yếu bao gồm áo T-shirts và quần, quần áo gì cũng đều màu xám. Trên áo quần có in cái logo của họ, là các chữ I-TEXTS.[3] Có một số người hiểu nhầm các chữ kia có nghĩa là vải dệt,[3] và đến dự buổi đọc thơ, họ chờ đợi sẽ vào một cửa hàng ở đó họ sẽ có thể mua áo quần. Thất vọng ghê gớm, họ rốt cuộc chẳng mua gì các thứ họ nghe đọc. Sau cùng các nhà LIÊN VĂN BẢN quyết định là không nên phân biệt giống trong nhóm họ với nhau thế nên mọi người ai nấy chịu tự biến thành vô tính và cho thiến và cho khâu lại. Bằng cách này họ bảo tồn được sự trong sáng của đẳng cấp mình từ lâu đã phải khốn đốn vì nỗi ám ảnh của tính dị biệt. Tuy nhiên tôi phải công nhận là họ đã có một đổi mới lớn: sự mong muốn, biểu lộ lần đầu tiên trong thế kỷ này, không cần độc đáo. Điều này tự nó đã là một bước tiến khổng lồ trong tinh thần thơ so với các trường phái hay phong cách khác, mà tính độc đáo đã thất bại vì sử dụng quá mức và vì lạm dụng. Thừa hưởng một cách thụ động cái thiếu độc đáo rất khác với việc công bố cái thiếu độc đáo ấy như một đức hạnh. Ở chỗ này, khẩu hiệu lớn lỗi thời của họ, họ trở thành những người không ai vượt xa hơn được. V 𠳡?u nhiều thế hệ họ đã cố gắng viết lại đúng nguyên văn một cách khá tự nhiên và có chủ ý tác phẩm IlliadOdyssey, mà không cần nhìn vào văn bản. Chỉ do kỳ công đó thôi họ sẽ được nhớ mãi, trong buổi tranh tối tranh sáng kéo dài tiếp sau đó của thơ ca. Bởi vì sau đó không bao giờ có ai dám viết một dòng nào khác mà không phải là sao chép từ kỳ công độc đáo kia – nói cách khác, là bản sao tự nhiên y chang từng chữ cuốn Illiad và cuốn Odyssey của họ.
 
 
 

Điều không thể

 
Tôi mơ thấy Octavio Paz[4] đang lái xe. Nói chuyện qua lại chúng tôi tình cờ nhắc đến Victor Hugo[4] và nói tới những hình ông có thể vẽ nếu ngày xưa ông thấy được phong cảnh rất ấn tượng của Mễ-tây-cơ... Ông lái xe cho tôi đi về một thành phố – một ngôi làng tên XOTL. Có một chiếc xe hơi đi theo sau chúng tôi... Đấy là người anh em họ của Bruho, ông nói nhỏ, vừa nói vừa nhìn vào kính chiếu hậu. Anh đừng nhìn bây giờ. Khi chúng tôi đến làng XOTL thì Bruho là một ông André Breton[4] rất già và nhăn nheo. Một trăm tuổi – Octavio hãnh diện nói. Làm sao bạn đưa ông ấy đến được đây? tôi hỏi, lấy làm kinh ngạc... Ấy, có gì đâu, Paz rất khiêm tốn nói. Chúng tôi đã làm như vậy với những người khác. Đây là chuyện nhỏ nhất mà ta có thể làm cho bạn bè... Vậy bạn có thể làm như vậy cho tôi? Tôi hỏi... Ấy, nếu bạn chết trước tôi. Tôi sẽ tự tử, nếu cần. Thận trọng đấy, Octavio nói, có thể không làm được đâu. Vậy làm gì mới được? Tôi hỏi. Chết tự nhiên – khi thần thánh bắt bạn đi – chứ không phải do chính bàn tay của bạn. Trong khi ấy André Breton lả dần... Cái gì xảy ra thế? Tôi hỏi, hốt hoảng. Không gì cả. Chỉ là ông ta hết năng lượng... Ông sẽ trở lại ngày mai sau năm giờ – và lúc bấy giờ bạn sẽ có thể hỏi ông về mọi chuyện... Mọi chuyện, tôi bảo – Vâng, Octavio tin tưởng nói. Ông biết mọi chuyện... Trả lời cho mọi điều bí ẩn của vũ trụ và cuộc sống. Hay quá nhỉ, tôi bảo... Chỉ có điều là, ngày mai chúng ta có sẽ còn ở đây hay không? Bạn thấy đấy ngày mai ở chốn này là 100 năm... trước mặt...Tôi thức dậy cảm giác là tôi đã biết... sự thật: Octavio thật ra là Carlos Castañada[4] và ngược lại. Ai là người viết những cuốn sách của ai? – Thế thì sao? một giọng nói cất lên. Tôi nhận ra giọng của Victor Hugo... Cái thân hình to tướng của ông ở ngay bên cạnh tôi đang chào từ biệt tôi. Ông cũng thế, giờ đây ông cũng đi Mễ-tây-cơ... nghỉ hè! Chán đảo Guernsey rồi sao? Tôi ngây thơ hỏi. Ồ, ông nói, ta đã quên cuốn “Chants de Maldoror” và cái thư của tác giả sách ấy. Một ông bá tước de Lautréamont[4] nào đó nằm trên kệ ở phòng bếp. Chắc chắn đây phải là một bút danh, tôi bảo, vậy nên không sao – từ đây đến một trăm năm ta sẽ thấy chúng còn nguyên vẹn và cái thư và cả cuốn sách sẽ đuợc người ta đọc, thưa ngài... Nhưng ông bình an trên đường đến Mễ-tây-cơ, vừa đi vừa nhảy dây qua những con sóng khổng lồ trên Đại tây dương.
 
 
 
Những “nhân vật” được nhắc trong “Điều không thể”: O. Paz - V.Hugo - A . Breton - C. Castanada - Lautréamont
 
 

Không đánh giá được

 
Vấn đề cái chết
là ở chỗ từ góc độ nào bạn nhìn nó –
và như thế cũng chưa phải là tất cả, bởi lẽ
bạn có thể nhìn nó từ góc độ sai
thật ra thì góc độ theo đó
con người đi ra khỏi thế giới này mới là đáng kể.
Nếu bạn đi ra theo góc độ đúng
thì bạn sẽ được giao đàng hoàng – còn nếu bạn
đi ra theo góc độ đã nói ở trên
hãy thận trọng – bạn sẽ bị đánh bật trở lại
vì bạn sẽ va vào bức tường luân hồi.[5]
 
 
--------------------------------
Chú thích của người dịch:
[1] Nguyên tác tiếng Anh của Nanos Valaoritis: INTERTEXTUALS.
[2] Trong nguyên tác tiếng Anh, they/them [chữ đứng] chỉ các nhà thơ những năm ba mươi, và they/them [chữ nghiêng] chỉ các nhà INTERTEXTUALS. Người dịch xin được phép biến thành họ kia [tức các nhà thơ những năm ba mươi] và họ này [các nhà INTERTEXTUALS] để người đọc dễ phân biệt.
[3] I-TEXTS có nghĩa INTERTEXTS [Inter viết tắt là I]. “Vải dệt” trong nguyên tác là “textiles”.
[4] Octavio Paz [1914-1998]: nhà thơ Mễ tây cơ, Nobel 1990; Victor Hugo [1802-1885]: nhà văn Pháp, một loại “cây đại thụ”; André Breton [1896-1966]: nhà thơ và lý thuyết gia siêu thực Pháp; Carlos Catañada [1925?-1998]: sinh tại Peru, quốc tịch Mỹ, tác giả thần bí của những cuốn sách về những giáo huấn thần bí của Don Matus, được gọi là don Juan; Lautréamont [1846-1870]: nhà văn Pháp sinh ở Uruguay, tên thật là Isidore Lucien Ducasse, tác giả Les Chants de Maldoror và Poésies nổi tiếng, tự đặt tên là Comte de Lautréamont, mất ở tuổi 28, có vẻ như rất ít liên hệ với bạn bè văn thơ, vì những người ông đề tặng trong các tác phẩm của mình đến nay vẫn là những tên... bí ẩn.
[5] Nguyên tác: eternal return. Luân hồi là chữ có nội dung Phật giáo nhưng áp dụng ở đây có lẽ ít “khiên cưỡng” hơn cả để chỉ khái niệm eternal return [cho rằng vũ trụ xưa nay vẫn không ngừng tái hồi] có từ Ai cập cổ và Hi lạp cổ, trải qua một thời ít được nhắc nhở do sự suy tàn của thời cổ đại và sự phổ biến Thiên chúa giáo, cho đến khi Fredrich Nietzsche đem phục hồi. Ý niệm triết học về sự “tái hồi muôn thuở” nơi Arthur Schopenhauer thuần túy thiên về thể xác [không có hiện thân/hóa kiếp, mà là sự trở lại của những sinh vật trong cùng những thân xác] trong đó thời gian không theo đường thẳng mà theo đường... xoay vòng. Trong Ấn độ giáo và Phật giáo, khái niệm “bánh xe cuộc đời”, “bánh xe thời gian” cũng là hình ảnh diễn tả vòng xoay sinh tử bất tận mà ngày nay chúng ta có thể thấy ẩn hiện trong tác phẩm Albert Camus (Le Mythe de Sisyphe), Milan Kundera (L’insoutenable légèreté de l’être) – và [xin phép được dài dòng văn tự] cả trong ca từ bài Sway của The Rolling Stones: “Did you ever wake up to find / A day that broke up your mind / Destroyed your notion of circular time...” (bìa album LP Sticky Fingers có hình chiếc quần jeans có khóa kéo thật sự, sáng kiến / ảnh của Andy Warhol, khoảng 1971-72)
 
 
--------------
“Thơ ca - một phong trào mới” dịch từ nguyên tác tiếng Anh “A New Poetic Movement” của Nanos Valaoritis trong Nanos Valaoritis, My Afterlife Guaranteed & Other Narratives (San Francisco: City Lights Books, 1990). “Không đánh giá được” và “Điều không thể” dịch từ nguyên tác “Unestimable” và “Impossible” của Nanos Valaoritis trong Nanos Valaoritis, Pan Daimonium (Philos Press, 2005) – phần lớn những bài trong tập này từng xuất hiện trước đây trên các tạp chí Beatitude, Exquisite Corpse, Kayak, Milano Poesia Catalogue Poly “để tưởng niệm Bob Kaufman”.
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021