thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Mây (mưa) trong mỗi chúng ta...

 

Khi anh cầu nguyện cho ngôn ngữ, có người sẽ hú hét, có người rên rỉ và có người chịu lặng im. Vì họ biết. Và tuyệt vọng. Ngôn ngữ như muôn vàn giọt mây đang mưa trên mỗi chúng ta, thực hiện lời nguyền. Ba trăm năm có lẻ...

Anh ngước mắt lên, mưa. Mỗi giọt mưa vỡ trên gương mặt anh như mỗi niềm hy vọng ngày xưa đã mất. Anh lúc lắc mái tóc xoăn, những giọt mưa rơi ra, rải rác. Anh biết, mưa, cũng như lời cầu nguyện, đang rơi vào khoảng trống giữa hai chân mình, thấm lạnh. Nhưng nàng không lạnh. Nàng ngồi, bắt chéo hai chân, toả hơi nóng trong không gian đầy mây và mưa. Ở một ngôi làng quê mùa với mấy giọt mưa bâng quơ, và vô nghĩa, làn da óng ánh của nàng không hề cảm thấy một chút xúc động. Không có gì, không có gì cả. Nàng biết, mưa không thể chạm vào nàng.

“Tại sao?” Anh hỏi nàng.

Nàng cười. Hai mắt như ngọn lửa chiếu sáng. Vô cùng. “Thân yêu ạ, ướt không bao giờ là một tính từ phải lựa chọn của chàng. Chàng sẽ không bao giờ chịu mưa ở đây nếu không có nắng, phải không? Cuộc sống của những người khóc như mưa luôn luôn phụ thuộc vào sự thay đổi của nắng. Như mây như mưa đang bay trên cao.”

Mưa lớn thêm. Khi mỗi giọt mưa rơi xuyên qua cơ thể, anh nghe lời nguyện cầu của những người đang buộc anh phải trả lời. Nhưng anh biết mình không thể giúp gì cho họ. Họ nhìn vào anh, buồn thảm. Có người hỏi anh: “Mù à? Không đọc thấy bảng hướng dẫn đàng kia sao?”

Nàng nghiêng đầu sang một bên. “Tại sao không?”

Anh nhìn xuống khoảng trống. Thêm một lần nữa giọt mưa rơi qua sự trống rỗng của bao cao-su, giữa các ngón chân đang chụm lại của nàng. “Họ đã từ chối tôi. Họ không còn chấp nhận tôi là Thi Sĩ. Họ không còn gửi tiền cho tôi khi tôi vỡ nợ.”

Nàng tiến về phía anh. “Chàng đã thực hiện quyết định đó, chứ không phải họ. Đã bao nhiêu lần chàng không chịu cố gắng để thích ứng với nhu cầu của cuộc sống? Đầy những người diễn mà chàng không diễn. Họ thèm khát danh vọng của chính họ chứ không phải chàng. Sao chàng cứ múa may tội nghiệp? Liệu chàng có còn đủ sức, để phục vụ họ? Sao chàng vẫn còn dám ngửa tay?”

“Phục vụ họ? Ta là Thi Sĩ, họ phải phục vụ cho ta!”

Nàng cười: “Chàng cứ thích ra vẻ làm Cái Khác, vô tình chàng làm tiếng khóc và lời thì thầm đĩ thoã trong mỗi giọt mưa cũng bị thay đổi. Chàng làm lời cầu nguyện và bóng tối của họ bị mất đi niềm hy vọng, chàng làm họ trở nên ai oán và cay đắng. Chàng đã làm nước thành lửa cháy. Lửa đã đốt trên lưng họ. Chưa hết một kiếp người, chàng đã rắc tro tàn thảm hại của họ xuống sông. Vì thế chàng luôn luôn cần cứu đói.” Nàng lắc đầu mệt mỏi: “Thời gian của chàng đã hết. Không còn ai cho phép chàng làm Thi Sĩ nữa rồi. Chàng không biết luật chơi. Chàng dám đối xử khốn nạn cả với em.”

“Ai nói với nàng điều đó?”

Nàng dang hai tay, anh thấy cả thế giới đang hát ca trong hai vú nàng như các phòng karaoke sau chầu nhậu. Không phải chỉ mấy trò bóp vú mà cả bãi nôn mửa. Nàng đã đưa ra quyết định của mình. Mọi người cùng với nàng thừa nhận rằng Thi Sĩ mà họ tạo ra không còn phục vụ cho mục đích của họ nữa. Sự nhàm chán đã quá mức. “Trò ăn mày!” Họ hét lên vì không thể chịu nổi. Thi Sĩ phải ra đi.

“Và những gì sẽ xảy ra với họ khi ta ra đi?” Anh kêu lên khốn khổ và tội nghiệp. “Ai sẽ mang những niềm vui và nước mắt hy vọng của họ lên cho Thượng Đế?”

Nàng bật cười. Gương mặt nàng mở rộng, như âm đạo vẫn mở rộng khi sinh em bé. Các thiên hà trong bầu trời cũng đôi khi mở rộng như vậy, để bốc cháy và tạo ra các lỗ đen. “Sự sai lầm của chàng khi cứ nghĩ mình là Duy Nhất. A, em quên, chàng Trương Duy Nhất vừa phải vào tù, chàng nhớ không? Chàng cứ lo về người nối dõi. Chàng sợ không có thêm một Thi Sĩ nào nữa ư? Một mình em có thể tạo ra một mớ trầu cay, như ba đồng một mớ mơ và bay cao như thi sĩ. Mọi người không thể thiếu một cái gì đó để giả vờ thờ phượng và quyên góp tiền, cùng nhau một trò chơi danh vọng của mấy anh hề về già.” Anh chạm vào nàng. Cánh tay của anh lập tức bị vỡ tan như cốc bia khi vấp té, rơi xuống đất.

“Nàng là ai?” Giọng anh rỗng không và tuyệt vọng.

Ánh mắt nàng bao trùm lên những thứ mà anh yêu thương. Nàng tỉnh queo: “Em là không có gì, thân yêu ạ. Không có gì, không thấy gì, không biết gì cả... Em dạy ở trường đại học. Học viên của em có đứa vừa bị thu bằng. Bạn bè em có đứa phải về hưu non... Mấy cái thơ vỉa hè với thơ chính thống mà loại học hành tới thạc sĩ, tiến sĩ còn không phân biệt được.” Nàng chua chát: “Thảm hại, quá thảm hại. Thật nguy hiểm.”

Thi Sĩ biến mất. Mưa ngừng.

Nàng vẫn quen chờ đợi sự ra đời của thi sĩ như chờ đợi nghị quyết ra đời sau mỗi lần nàng đi họp, như chờ đợi đứa trẻ ra đời sau mỗi chuyến nàng đi hoang. Sự lựa chọn như vậy vẫn được thực hiện thường xuyên trong thế giới này, và nhờ đó mà nàng biết đời nàng đắc đạo. Nàng là chất xúc tác cho sự tồn tại của tất cả các chuyển động tít mù vĩnh cửu, nên nàng mở rộng không ngừng. Giãn nở, giãn nở rất to. Các nghệ sĩ chạy theo nàng để có được sự sáng tạo. Bất tận. Sâu thẳm. Đỏ chói. Mênh mang. Nhân văn. Quốc tế. Nhân loại. Chàng thấy họ sùi bọt mép. Hai mắt long lên. Pháp nói thế này, Mỹ nói thế kia, Liên xô nói thế nọ... Nàng là hình thức của họ, và họ làm tôi tớ bưng bô để nhận được nội dung nàng ban phát. Nàng là niềm tin tất thắng. Nàng là cuộc sống mến yêu. Là ngôi đền được tạo ra trong tâm trí mọi người, nhất là những tay làm thơ mà đỉnh cao là sự chấp thuận của nàng. Không phải nàng đong đưa, mà vì ý chỉ của muôn người được chuyển qua cho nàng, nhiều khi chỉ sau một hay hai đêm trên giường. Nàng thấy hơi ê.

Thỉnh thoảng nàng nói: “Ừ, cái này em thấy được.” Thỉnh thoảng nàng vẫn hỏi: “Bạn ổn chứ?”

Điều răn đe được nàng viết ra mỗi ngày, với số chữ nhiều dần lên, tỷ lệ thuận với những điều nàng nghĩ. “Bọn họ thật rách việc. Sao không ăn rồi ngủ có vui không? Làm gì có trại súc vật.” Việc tạo ra sự tăng trưởng ngôn ngữ, kiểu như các báo cáo về con số GDP hàng năm làm nàng thích. Và sướng. Tê dại. Mê man. Nàng biết, nhận thức cần được gạt sang một bên, hay nếu cần thì tô thêm màu cho sặc sỡ. Đôi khi nàng đùa: “Chàng nhớ không, trí thức là gì, cục gì í nhỉ?” Đôi khi nàng nhắc: “Sự hạn chế của chàng vẫn còn nguyên. Chàng thật đáng thương hại. Chàng không còn là nhà thơ nữa rồi, chỉ còn là một người tình khốn khổ và tội nghiệp.”

Khi một Thi Sĩ mới được nàng sinh ra, anh nhìn vào mắt nàng và nói: “Ta là Một.” Nàng cười, ôi anh chàng Trương Duy Nhất của em...

Nàng hay nhìn anh thương hại. Nàng biết, bây giờ trời thật sự bắt đầu mưa. Muôn vạn giọt nước mắt rơi, như những lời nguyền...

 

 

----------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021