thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
VÕ PHIẾN (1/9): Dẫn nhập

 

Lời tác giả:

Cuốn Võ Phiến được nhà Văn Nghệ xuất bản tại California năm 1996, dày 218 trang.

Ngoài phần Phụ Lục, cuốn sách gồm các phần chính như sau:

Dẫn nhập
Vài ghi chú về tiểu sử
Chương 1: Một phong cách
Chương 2: Nhà lý luận văn học
Chương 3: Nhà phê bình văn học
Chương 4: Nhà tạp luận
Chương 5: Nhà tuỳ bút
Chương 6: Người viết truyện
Chương 7: Một niềm trăn trở không nguôi

Tái bản trên Tiền Vệ, toàn bộ cuốn sách sẽ được chia làm 9 phần.

 

________________

 

DẪN NHẬP

 

Nếu hiểu nhà văn chuyên nghiệp là người dành toàn bộ thì giờ lao động cho việc viết lách và sống nhờ hẳn vào việc viết lách, tức là người coi việc viết lách như một nghề nghiệp theo cái nghĩa kinh tế học chúng ta thường dùng thì Võ Phiến chưa bao giờ là nhà văn chuyên nghiệp: suốt đời ông là công chức. Ở Việt Nam, ông làm công chức; sang Mỹ, ông cũng lại làm công chức. Viết lách, với ông, chỉ là nghề tay trái, đúng nghĩa tay trái: ông viết trong những ngày lễ, ngày nghỉ, viết giữa hai công việc trong sở, v.v... Vậy mà, nhìn lại số tác phẩm ông đã xuất bản, chúng ta không thể không kinh ngạc: hơn 40 đầu sách. Không phải ít. Chưa nói về chất lượng, chỉ kể số lượng, với hơn 40 đầu sách ấy, Võ Phiến rõ ràng là một trong những nhà văn có năng suất cao ở Việt Nam, không thua gì những người suốt đời sống bằng nghề cầm bút hay gần gũi với nghề cầm bút như dạy học hay quản lý các sinh hoạt văn học nghệ thuật, chẳng hạn.

Một đặc điểm nữa cũng cần chú ý: hơn 40 đầu sách ấy phân bố khá đều trong cuộc đời của Võ Phiến. Nghĩa là không có giai đoạn nào ông hoàn toàn bế tắc. Trong nước, ông viết khá đều. Di tản sang Mỹ, giữa lúc mọi người đang rã rời tuyệt vọng hoặc “qui ẩn” hẳn hoặc chỉ viết cầm chừng, uể oải, ông, một mặt hì hục đi làm kiếm sống, mặt khác vẫn viết, hết Thư gửi bạn (1976) đến Lại thư gửi bạn (1979), hết Ly hương (1977) lại đến Nguyên vẹn (1978). Nếu Thư gửi bạn là tập tuỳ bút đầu tiên thì Nguyên vẹn lại là quyển tiểu thuyết đầu tiên của Việt Nam ở hải ngoại sau cuộc đổi đời 1975. Chưa hết. Từ năm 1990 trở lại đây, thời kỳ rất nhiều người coi là “khủng hoảng” của nền văn học Việt Nam tại hải ngoại với hiện tượng nổi bật là hầu hết những cây bút chủ lực, cả cũ lẫn mới, đều đâm ra mệt mỏi, ngọn lửa nhiệt tình cứ hiu hiu nguội dần, sức sáng tác ngày một thưa thớt, thì Võ Phiến, một trong những nhà văn cao niên nhất, sức khoẻ kém nhất, ngược lại, cứ lặng lẽ viết và in đều đều: năm 1991 hai quyển; năm 1992 hai quyển; năm 1993 ba quyển; năm 1994 nghỉ để năm 1995 in một lần bốn quyển kể cả một quyển vốn là tái bản nhưng có bổ sung bài viết mới: Truyện thật ngắn. Dường như Võ Phiến không hề bị ảnh hưởng bởi những giao động từ xung quanh. Ai cụt hứng: mặc; ai nghĩ là nhà văn mà rời khỏi đất nước tức là chấm dấu chấm hết cho sự nghiệp sáng tạo của mình: mặc; Võ Phiến cứ viết. Ngòi bút ông vẫn miệt mài, vẫn thuỷ chung với trang giấy. Có thể nói, tại Việt Nam, Võ Phiến là một trong vài người hiếm hoi mà sự nghiệp cầm bút kéo dài cả đời. Thường, chỉ có một thời, thời hoa, sau đó là lá, có khi lá cũng héo quắt. Sau 1954, ở cả hai miền Nam và Bắc, hiếm có nhà văn, nhà thơ nào nổi tiếng trước 1945 còn giữ được nhịp độ và chất lượng sáng tác như cũ. Sau 1975, trong nền văn học tại hải ngoại, trừ Mai Thảo quay sang làm thơ và khá thành công trong lãnh vực thơ ca, và trừ Võ Phiến, tất cả những “đại thụ” tại Miền Nam lúc trước đều chỉ còn là vang bóng của một thời. Phần lớn họ tồn tại như những ông/bà thành hoàng trong đình, trong miễu chứ không phải như một nhà văn, nhà thơ đang cầm bút thực sự.

Vấn đề không phải là viết nhiều, viết đều. Vấn đề còn là ở chỗ: Võ Phiến bao giờ cũng song hành với thời đại. Về phương diện nghệ thuật, không lúc nào người ta coi ông là “mới”, thế nhưng, ngược lại, có điều oái oăm là: không lúc nào người ta thấy ông “cũ” cả. Văn chương Võ Phiến như đứng ngoài thời gian, bất chấp những trào lưu, những thị hiếu thời thượng của xã hội. Rồi cũng lại thú vị nữa hiện tượng: gần 70 tuổi, trong cảnh hưu trí, với Truyện thật ngắn (1991 và 1995) và Viết (1993), Võ Phiến lại là người tiên phong trong việc đặt ra vấn đề tìm tòi một cách viết mới cho... thế kỷ 21.

Hơn nữa, nhìn lại sự nghiệp của Võ Phiến như một tổng thể, chúng ta dễ phát hiện ra một điều: tính chất đa dạng. Lâu nay, nghĩ đến sự đa dạng trong tài năng của những người cầm bút, chúng ta thường chỉ nghĩ đến những người như Nguyễn Đình Thi ở Miền Bắc và Thanh Tâm Tuyền ở Miền Nam, những người vừa làm thơ hay vừa viết truyện hay, viết kịch hay, thỉnh thoảng viết lý luận, viết phê bình: cũng hay nữa. Chúng ta quên mất Võ Phiến: trừ kịch, ông tung hoành ngang dọc trong rất nhiều thể tài khác nhau, và trừ thơ, ở thể tài nào ông cũng đạt được những thành tựu xuất sắc, có khi hơn hẳn hai người vừa được nhắc.

Để nhấn mạnh vào đặc điểm nổi bật ấy của Võ Phiến, để xoá tan cái ngộ nhận phổ biến lâu nay chỉ quen nhìn Võ Phiến như một nhà tiểu thuyết hoặc một nhà tuỳ bút cũng như, quan trọng hơn, để cố gắng phác hoạ diện mạo văn học của Võ Phiến một cách tương đối đầy đủ, ít nhất trên những nét lớn, trong quyển sách này, tôi sẽ giới thiệu Võ Phiến trong nhiều kích thước khác nhau: một nhà lý luận văn học (chương 2), một nhà phê bình văn học (chương 3), một nhà tạp luận (chương 4), một nhà tuỳ bút (chương 5), một người viết truyện (chương 6), và bao trùm lên tất cả là một phong cách văn học độc đáo (chương 1), một niềm trăn trở không nguôi, lúc nào cũng khắc khoải đổi mới để theo kịp thời đại, người phần nào vượt qua những giới hạn của chủ nghĩa hiện đại để đối diện với những yếu tố mới trong thời hậu hiện đại (chương 7).

Chọn giới thiệu Võ Phiến ở những kích thước chính như trên, tôi sẽ bỏ qua hoặc chỉ lướt qua rất nhiều những khía cạnh và những vấn đề thú vị khác. Như vấn đề tiểu sử của Võ Phiến. Trong nhiều năm thư từ liên lạc với Võ Phiến, tôi còn giữ được khá nhiều tài liệu về ông, về dòng họ ông, gia đình ông, về tuổi thơ của ông, về con đường tập tành viết lách của ông, về những điều ông tâm đắc trong cuộc đời cầm bút dằng dặc gần nửa thế kỷ...Những tài liệu ấy, tôi biết là quý giá vô ngần, song do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân liên quan đến phương pháp phê bình, tôi chưa khai thác được bao nhiêu cả. Phần tiểu sử, viết ngắn, đặt dưới cái tựa “Một vài ghi chú...” cũng là vì thế. Hay như vấn đề nông thôn và thành thị, vấn đề đạo đức và thẩm mỹ, vấn đề chính trị và chiến tranh, vấn đề tình yêu và tình dục, vấn đề thể loại văn học (ranh giới giữa truyện dài và truyện ngắn, giữa truyện ngắn và tuỳ bút, giữa tuỳ bút và thơ tản văn, chẳng hạn), vấn đề khẩu ngữ, từ ngữ và cấu trúc câu văn trong tác phẩm của Võ Phiến. Như vấn đề hình thành và phát triển tư tưởng và phong cách của Võ Phiến. Như là quan hệ giữa Võ Phiến và các nhà văn ông chịu nhiều ảnh hưởng: Alphonse Daudet, Marcel Proust, André Gide, André Maurois. Hay quan hệ giữa Võ Phiến và các nhà văn cùng thời với ông tại Miền Nam trước đây hay tại hải ngoại sau này. Rồi còn vai trò của Freud? của Alain? của Lâm Ngữ Đường? của Nhất Linh? của Nguyễn Tuân? của Đào Duy Anh? và bao nhiêu người khác nữa. Rồi từng tác phẩm của Võ Phiến, đặc biệt từng quyển truyện dài của ông cũng cần được phân tích riêng và kỹ hơn. Bao nhiêu là vấn đề. Vấn đề nào cũng đầy hứa hẹn: chúng không những giúp chúng ta hiểu thêm về Võ Phiến và còn hiểu rõ, hiểu sâu hơn về văn học Việt Nam trong tương quan với lịch sử, với thời đại và với văn học thế giới nói chung. Tôi bỗng phát hiện một điều: một nhà văn lớn không những lớn mà còn giàu vô tận; mà không những giàu, họ còn có thể san sẻ sự giàu có của mình cho nhà phê bình: viết về họ thật thích, ngỡ như không bao giờ hết chuyện.

Nhưng dù sao tôi cũng phải biết tự kiềm chế: quyển sách này chỉ nên nhắm đến việc phác thảo diện mạo văn chương của Võ Phiến. Chỉ là phác thảo. Và chỉ phác thảo diện mạo văn chương mà thôi.

Nguyễn Hưng Quốc
Melbourne, Tháng Sáu - Tháng Mười Hai 1995

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021