thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Xem kịch: Đất Nước bị bắt cóc

 

Một con người trong đoàn người, như một con kiến trong bầy kiến, có thể dễ dàng bị bắt cóc hoặc giết hại, đã đành. Đằng này, có một đất nước bị bắt cóc, còn gì hoang đường hơn, còn gì điên rồ hơn? Vậy mà nó đã diễn ra như nó phải diễn ra, ngay trước mắt tôi, ngày hôm qua, trong một vở kịch dài.

Sân khấu trống trơn, đèn từ từ bật sáng, diễn tả một cảnh bình minh ló dạng. Tiếng hát ru dìu dặt, tiếng sáo trúc thanh bình.

Một bà mẹ từ từ bước ra. Nhạc cất lên bài “Mẹ ơi, mẹ ơi” da diết, sởn gai ốc. Tiếng đế vọng ra: “Đây là nhân vật chính của vở diễn đêm nay, nhân vật có tên Đất Nước!” Khán giả bàn tán xì xào. Đất Nước thả gánh nặng trên vai xuống, cởi nón ra quạt, ánh mắt khắc khổ nhìn xa xăm, vạt áo nâu bạc màu đẫm mồ hôi. Dưới hàng ghế khán giả, có tiếng hỉ mũi, sụt sịt khóc...

Có tiếng nức nở: “Ôi, Đất Nước ơi, sao gầy, sao khổ thế!” Giọng thống thiết, có lẽ là của một nhà thơ!

Đúng lúc đó thì ánh sáng chói loà, Đất Nước thả nón, kiễng chân lên nhìn phía xa. Hình ảnh từng đoàn người lao đi như mũi tên trên màn ảnh đàng sau. Có người ngã xuống, lại đứng dậy lao đi tiếp. Đất Nước cười rạng ngời. Tiếng reo hò từ trong cánh gà vang dội: “Đất Nước ơi, chiến thắng rồi!”

Đất Nước ngồi xuống, rút trong túi áo tấm hình ra ngắm, rồi cười, rồi khóc. Nhạc nổi lên dìu dặt. Chắc là Đất Nước nhớ thương những người con sau chiến thắng không về...

Người xem lặng đi. Đất Nước lại quảy gánh lên vai, bước đi chầm chậm. Trước mặt, có lẽ là cánh đồng. Vì thế, Đất Nước cứ đi mãi mà không nghỉ. Khán giả bắt đầu thấy sốt ruột. Không lẽ cứ ngồi dõi mắt xem một nhân vật bước đi chầm chậm, không nói không rằng? Chán lắm!

Bắt đầu có tiếng la ó từ hàng ghế khán giả: “Đi đâu đấy?” “Chậm quá!” “Mỏi chân thì ngồi lại đánh đàn bầu cũng được, sao cứ đi mãi!”

Bởi vậy, những khán giả thiếu kiên nhẫn thường bị các đạo diễn dắt mũi!

Đúng lúc đó thì tiếng nhạc ngừng bặt. Đất Nước dừng bước, đứng im đúng tư thế của một tượng đài. Tiếng sấm nổi lên. Tiếng gì như tiếng hét la, đấm đá. Đất Nước nhìn, ngơ ngác. Đèn mờ dần, mờ dần. Từ hai bên cánh gà, nhiều nhân vật mới xuất hiện: đàn ông, tất cả là bốn người. Khán giả nín thở dõi theo lo lắng. Những người đàn ông kéo ra một chiếc cũi. Khán giả không thể nhìn rõ là cũi sắt hay cũi tre vì đèn màu đổi hướng rọi liên tục. Đất Nước ngồi bệt xuống, ôm lấy đầu. Bốn người đàn ông hùng dũng xốc nách Đất Nước dìu vào cũi. Họ nhẹ nhàng đặt đất nước xuống chiếc ghế nhỏ trong cũi.

Bây giờ thì Đất Nước ngồi đấy, lưng còng xuống, không nói gì. Lúc đèn màu rọi tới, khán giả nhận ra rằng chiếc cũi được trang trí rất đẹp, có gắn những hình trái tim bên ngoài, cả những bông hoa hồng đang nở. Khán giả thiếu nhi thốt lên: “Đẹp quá! Đất Nước đẹp quá!” Khán giả lớn tuổi thì trầm tư hơn, không nói gì. Bốn nhân vật đi vòng quanh chiếc cũi, có lúc tản ra bốn hướng, mắt dõi xa, đưa cánh tay ra phía trước. Hình nền trên phông màn vẫn thay đổi liên tục. Lúc thì cảnh một bãi biển cát trắng dừa xanh sóng vỗ dạt dào, lúc thì là cảnh những cánh đồng phì nhiêu trâu bò thong thả gặm cỏ, lúc lại là cảnh chợ búa đông vui nhộn nhịp. Một chiếc bàn không biết được đặt lúc nào ở góc trái sân khấu. Bốn nhân vật, sau một một lúc đi lại, nhìn, ngó, gật đầu, lắc đầu hoặc cười hoặc khóc, thì cùng ngồi lại quanh chiếc bàn. Họ tranh luận điều gì đó khán giả không nghe rõ, bởi tiếng nhạc du dương trỗi lên...

Khán giả rì rào bàn tán về chiếc cũi, về nhân vật Đất Nước, về những bộ trang phục đắt tiền mà bốn nhân vật không rõ tên tuổi đang mặc. “Cái cũi ấy, nhìn giống đồ vàng mã đốt dịp tết thế!” “Nhìn kìa những bộ com-lê rất bảnh!” “Ôi, cái bà đóng vai Đất Nước, nãy giờ ngồi nguyên một chỗ, chắc là mỏi lắm nhỉ!” “Không khéo chết rồi cũng nên, nãy giờ không thấy động đậy!”

“Bà nội ơi!” Đứa bé nào đó hét toáng lên, không biết là gọi bà nội thật hay gọi bà cụ đóng vai Đất Nước trên sân khấu.

Quanh chiếc bàn, bốn nhân vật không tên vẫn tranh luận rất hăng, cãi vã quyết liệt. Gã mặc com-lê màu tím than bỗng vung tay thọi vào mặt lão trán hói một quả đấm. Hai gã còn lại ôm lấy, can ngăn. Lạ lùng, sau đó, họ lại tiếp tục bàn cãi như chưa hề có chuyện đấm đá xảy ra.

Đất Nước vẫn ngồi im, rũ rượi...

Vở kịch đang đến hồi gay cấn nhất. Trên sân khấu vừa xuất hiện thêm một gã to béo khác. Gã bước từ trong cánh gà ra, đứng ngay chỗ bàn họp, chỉ tay vào từng người một và nói một tràng gì đó như súng máy. Cả bốn người đàn ông ngoan ngoãn ngồi nghe, ngoan ngoãn vâng dạ, ngoan ngoãn gật đầu. Gã mới đến trừng mắt nhìn vào chiếc cũi. Ồ, hay là lão sẽ thả Đất Nước ra? Đúng rồi, ai lại bắt nhốt một cụ già vào cũi? Lão nhìn Đất Nước chán chê rồi bật cười ha hả, vỗ tay bồm bộp. Bốn nhân vật không tên vẫn ngồi im lặng bên bàn. Những đôi mắt vô cảm, nhìn Đất Nước.

Bên dưới, khán giả bắt đầu hỗn loạn. Tiếng con cái nhà ai réo: “Bà nội ơi!” Nhiều tiếng cằn nhằn, rồi văng tục loạn xạ. “Im cho người ta xem!” “Đồ phá đám!” “Ối, đứa nào vừa bóp vú bà, đồ mất dạy!” Ồ, hình như có ẩu đả. Tiếng đấm nhau huỳnh huỵch, bôm bốp...

Trên sân khấu, Đất Nước vẫn ngồi bất động trong cũi sắt như người sắp chết!

Đến lúc này thì tình trạng hỗn loạn vô chính phủ dưới khán đài trở nên nghiêm trọng. Nghe đâu như có người mất mạng vì bị giẫm đạp. Trẻ con khóc thét. Người già rên rỉ. Thanh niên chửi thề. Trung niên đấm đá nhau. Tiếng chửi thề không ngớt. Bốn nhân vật không tên vẫn ngồi quanh chiếc bàn tranh cãi căng thẳng, thỉnh thoảng lại có người đưa tay ra vả vào miệng đối phương, sau đó lại bàn cãi căng thẳng. Gã to béo mới đến mặt vẫn lạnh băng, cười nửa miệng. Đèn màu chầm chậm, soi rõ những hoa văn trên chiếc cũi. Đất Nước vẫn ngồi, vai thấp xuống, rung rung như đang khóc thầm...

Vở bi hài kịch này chưa thể kết thúc ở đây. Có vẻ như tay đạo diễn tài ba đã đoán trước được tình hình nên y đã khóa cửa nhà hát lại và ung dung đi dạo mát, bỏ lại dàn diễn viên và khán giả ở lại trong tình trạng điên cuồng. Đấm, đá, giẫm, đạp, hãm hiếp, bóp vú, giật dây chuyền… Bên dưới tối om, nhưng đèn màu sân khấu thì vẫn sáng, nhạc vẫn dìu dặt. Có cả tiếng sáo, đàn bầu nữa, thật đấy!

Bà cụ đóng vai Đất Nước chắc là mỏi quá, nằm xuống, dáng điệu co ro như bà già chết rét trên hè phố mùa đông.

Bốn nhât vật không tên vẫn ngồi tranh cãi và tát vào mồm nhau những cái rất kêu. Gã to béo lạ mặt lấp ló sau cánh gà, lâu lâu đưa cây gậy ra doạ dẫm.

Khán giả bây giờ chán xem kịch, quay ra đuổi đánh nhau và xem nhau đánh lộn.

Vui như hội ở quê.

Đất Nước vẫn nằm ngủ, u mê, như thể đã chết rồi!

 

 

-------------

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021