thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
z
Phố

 

Ngơ ngẩn. Tối qua về đến Hà Nội, hẹn V. mai sáng anh em đi ăn Phở Thìn Bờ Hồ rồi vào Cà-phê T.N. kế bên mà trò chuyện. Phở xong xuôi, lững thững mấy bước, chợt cùng trố mắt, khựng lại.

- Ô, nó biến lúc nào nhỉ?

- Mới tháng trước vẫn đấy mà...

- Hay mình xuống phố Thể Giao?

- Thôi, qua Thủy Tạ cho gần.

 

*

 

T.N. hẳn là một trong những thương hiệu chiếm lĩnh thị trường nước sớm vào bậc nhất. Lâu lắm rồi hầu như đi tới bất cứ thị trấn bé nhỏ nào từ Nam ra Bắc đều thấy kẻ đâu đó một cái biển T.N. Thực tình không hẳn là thích cái mùi mà uống thứ cà-phê ấy. Vào quán lớn thì có hàng chục mức giá để chọn, đắt nhất là chồn, nhưng lần lượt uống thử, không hiểu sao thấy tất cả đều thoang thoảng một thứ hương gì ngọt như... bánh. Ðã lỡ nghiện cái mùi thơm ngọt đắng của cà-phê rang kiểu Ý vẫn uống ở xa, mỗi lúc nâng cốc T.N. lên mũi, lại như bỡ ngỡ. Sao ông chủ chưa thêm vào “ẩm đơn” cái món espresso cho thương hiệu ta được đa dạng hơn chút nữa nhỉ?

Hay cái ở trong nước uống cà-phê được uống luôn cả trà. Không phải chè Tân Cương hảo hạng, dĩ nhiên, nhưng thường cũng không tệ, mà nhất là, nếu ở Bắc, ngồi nhấp trà rồi ngắm nghía bộ ấm chén Bát Tràng nhiều khi xinh xắn của quán, thấy cũng vui vui.

 

*

 

- Anh em mình bắt đầu uống cà-phê ở đấy dễ đã mười năm...

Mười năm tới tấp, quãng phố quen thay đổi thế này là ít. Cái hiệu ảnh cách mấy căn ngày xưa có hai chị em cùng trông tiệm, cùng dễ nhìn và dễ thương, cô chị có bộ nhớ siêu, gặp khách một lần là lần sau gặp gọi tên vanh vách. Ngày ấy mình với M cứ đi chụp ảnh khắp Hà Nội rồi đem phim về đưa cho cô chị hoặc cô em, rồi trong khi chờ lấy ảnh lại qua ngồi quán cà-phê. Cái con bé tiếp viên mắt lá răm lúng liếng, hễ thanh toán tiền cho đàn ông là thể nào cũng cười tít mắt, có khi gập cả người lại, thảo nào dạo ấy quán nườm nượp khách. Thì “nó” chẳng đã đoán già đoán non mình ở Sài Gòn ra, xong bảo “... bao giờ anh vào, cho em theo mấy”! Ngọt quá, bé ơi.

- Khách đông, sao dẹp nhỉ?

- Chắc giá mặt bằng bờ hồ nó giết. Phở Thìn còn sống được là nhờ chỉ lấp ló trong ngõ.

- Khu phố cổ nói chung ít thay đổi, chứ ra ngoại thành thì hoa mắt, anh ạ.

Ðô thị phát triển tự nhiên bảo tồn kiến trúc cũ, ở đâu cũng thế. Ðang có nhà cửa đầy người ở thế kia thì thay đổi làm sao, chả lẽ cào hết cả đi mà xây lại! Phố cổ không ai lo tồn cổ thì nó cũng không sao thực mới được. Còn ở ngoại ô, ruộng hoá nhà ào ào, mắt hoa là phải.

- Ờ. Quanh đây chỉ cái mặt hàng là có thể “tang thương” thôi...

- Anh bảo sao?

- Không.

Mười năm, rồi mười năm nữa. Các nhà Hà Nội học tương lai ơi, bao giờ “ngẫu lục”[*] ba sáu phố nhớ xem cho kỹ từng cái ruột nhà nhé.

 

 

 

_________________________

[*]Phạm Ðình Hổ và Nguyễn Án có tác phẩm tên Tang thương ngẫu lục, nghĩa là “những ghi chép tình cờ về những thay đổi lớn lao”.

 

-----------------------
 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021