|
Trông vào Thơ
|
|
Tặng nhà thơ F.
Một Tôi không phải là người làm thơ chuyên nghiệp, hiểu theo nghĩa có thể kiếm tiền được bằng thơ (than ôi, ai kiếm tiền được bằng thơ trong xứ thơ này nhỉ?); hoặc ít ra hiểu theo nghĩa làm thơ đều đặn, nhiều và thường trực. Thi thoảng, những lúc thấy rỗng và không thể viết nhạc, bất chấp mọi nỗ lực duy trì tác phong công nghiệp thói quen sáng tạo hiện đại lương tâm người làm nhạc thế kỷ mới miếng cơm manh áo nuôi vợ nuôi con hay ti tỉ gì gì nữa, tôi mới làm một đôi bài thơ ngắn. Và cảm thấy tự do, nỗi tự do nhẹ như gió len vào tận xương tủy. Bềnh bồng. Chập chùng. Những cảm giác mà tôi chẳng thể tìm thấy khi viết ca khúc. Thế nên, bao giờ đứng trông vào cõi Thơ, tôi cũng thầm ghen tị.
Hai Tôi kịch liệt phản đối quan niệm lời ca trong ca khúc cũng là một dạng thơ. Cái danh thơm mà nhiều tác giả ca khúc được nhận, rằng ông ấy ông nọ viết bài hát đầy chất thơ, với tôi, bao giờ cũng đem lại cảm giác bị lừa mị. Lời ca, dẫu duyên dáng mỹ miều tươi tốt đến mấy, vẫn chỉ là một thành tố bé bỏng của âm nhạc, xét trong mối tương quan ca khúc. Nó bị (hay được) quy định bởi tiết tấu, bởi giai điệu; nó bị (được) nâng đỡ bởi nền hòa thanh; nó bị (được) vang lên, tải đi bằng khả năng truyền dẫn của giọng hát và được tiếp nhận bằng những đôi tai hết sức khác nhau, chưa tính tới những điều kiện nghe, thiết bị nghe, không gian nghe hết sức khác nhau nữa. Không ai đọc lời ca bằng mắt, kể cả những nhà phê bình giỏi nhất. Trong khi đó, Thơ, là một sản phẩm dành riêng cho sự đọc.
Ba Nếu thích, nếu giỏi, nếu tràn đầy thi hứng, bạn có thể làm một bài thơ dài bao nhiêu trang giấy tùy ý. Hiển nhiên chuyện ngắn dài chẳng hề góp thêm chút nào vào phẩm chất một bài thơ; song, cứ nhìn lại mà xem, bạn không thể viết một ca khúc phổ thông mà thời gian trình diễn dài quá năm phút. Những sách vở dạy tác khúc và phối khí nhạc phổ thông đều nhấn mạnh hiệu năng nghe/thưởng thức/suy gẫm cho một bài hát chỉ nên dao động từ hai phút rưỡi đến bốn phút. Vỏn vẹn vài vòng quay của kim giây đồng hồ, bạn sẽ nói/gửi gắm/triết lý/dạy dỗ điều gì bằng một ca khúc???
Bốn Vì bị buộc chặt vào những dây nhợ giai điệu tiết tấu hòa thanh giọng người thiết bị thời gian như đã nói ở trên, lời ca không thể có những thể nghiệm cách tân táo bạo và hiệu quả như Thơ. Những thể nghiệm làm mới lời ca, dẫu được tán dương đến mấy, vẫn chỉ là những động tác chậm, rụt rè, mặc cảm. Quá đà một tí, là sượng miệng ngượng mồm. Phá niêm luật một tí, là ca sĩ cắn lưỡi. Hậu hiện đại một tẹo, là ngơ ngơ ngẩn ngẩn, kẻ hát người nghe hoàn toàn mộng du. Lời ca, cho dù trải qua bao nhiêu tầng cách tân, vẫn cứ phải ngọt, tươi, vần, lô gích. Ai thấu cho nỗi khổ của kẻ làm ca khúc!
Năm (Hay là bài thơ làm vội đặt tên là Lam vì không biết kết bài này bằng cách nào) để một tiếng cười vừa chớm đã chực tàn phai là lỗi em nghìn lần lỗi em không thể chạy tội tên gác cửa tiếng cười đã ngủ quên mơ ly rượu đỏ ối hay bỏ đi tìm thuốc lá nửa khuya xích sắt vang rền không đánh thức được lũ tử tù say như chết vì sống dở chờ đến kỳ hành hình để một cơn mơ vừa hé đã tắt lịm mặt trời lên đỏ ối phương nào là phương đông không biết không nhận ra la bàn bỏ lạc đáy túi bỏ quên bìa rừng là lỗi em người đàn bà cô đơn và tỏ ra vô can mọi sự khóc cười vu vơ điên dại trong trạng thái chưa xác định được của tâm thần bệnh học để một khúc hát vừa lên môi đã rạn nứt đầy gai sắc vết cứa chảy máu đỏ ối vết nào của em vết nào của tôi của những mùa vui đã tràn lên vỡ đê của những cơn buồn lịm người gió bấc của thanh xuân qua của hồi xuân chưa kịp đến là em là ai là phạm nhân nạn nhân chẳng biết chẳng hay em cũng thế mà tôi cũng thế tuyệt vọng chẳng là em chẳng là tôi chẳng là phương nào hay phương nào cũng là phương đông để em cắm đầu chạy trốn ngày hành hình kề gần.
|