thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Một năm "top ten" văn chương

 

Viết bài này, tôi được hai bạn văn ở phố đỏ mách nước vài ý, xin có lời cám ơn.

 

Tiêu chí chọn:

– Sinh hoạt văn chương tiếng Việt, không phân biệt trong hay ngoài nước 1 năm qua, đôi lúc cũng sớm hơn đôi chút; ưu tiên cho các sự kiện, sáng tác gần đây.

– Các sự kiện, sáng tác trực tiếp tác động đến chuyển động văn chương tiếng Việt, về hướng dân chủ và toàn cầu hóa.

– Ngẫu hứng và chủ quan.

 

1. Báo THƠ, phụ san của Báo Văn Nghệ

 

Tờ báo chuyên dành cho thơ, là ước mơ chung của những người yêu thơ trong nước, ít nhất từ một thập kỉ qua. Mơ riết mãi 3 năm sau thiên kỉ thứ ba của Công nguyên, Hội Nhà văn Việt Nam mới chịu biến ước mơ kia thành hiện thực. Trong lúc, cũng bằng tiếng Việt, Tạp chí Thơ đã mở mắt chào đời tại Mỹ 9 năm qua, lớn dậy mạnh mẽ và sắp lão hóa rồi! Chậm còn hơn không. Các nhà thơ thở phào nhẹ nhõm: ít ra Hội cũng sắm được miếng đất dành cho bộ môn nghệ thuật bấy lâu không ít thầy bói văn nghệ rằng nó cận kề ngày tuyệt chủng. Đó là sự kiện nổi bật, dù qua tổng kết sinh nhật đầu tiên, thành quả – hay nói đúng hơn kì vọng mà người yêu thơ trông mong vào nó vẫn chưa nhúc nhích tới đâu.

 

2. Các trang Website văn nghệ:

 

Sự xuất hiện hàng loạt các trang Web. văn nghệ thời gian qua là hiện tượng chưa hề xảy ra trong sinh hoạt văn chương Việt Nam. Chẳng những nó đáp ứng được nhu cầu hưởng thông tin mới, đa chiều của bạn đọc mà còn tác động trực tiếp đến bản thân văn chương. Tienve, eVan, Talawas, Hopluu, Tapchitho, … đã làm thay đổi mang tính quyết định quan điểm về tác phẩm, cách công bố tác phẩm, việc xin phép để công bố tác phẩm,…nói chung. Nó giải quyết được nạn tồn đọng tác phẩm bị cho là có vấn đề và thôi thúc người sáng tác làm việc liên tục.

Không có nó, các bài thơ của Bùi Chát, Lý Đợi, Nguyễn Quốc Chánh, Đinh Linh,…rất ít hi vọng đến với người đọc. Ví trước đây có nó, mấy chục bài thơ của Phan Đan đã không phải mỏi cổ chờ đợi cả 20 năm mới chào đời. Và các vấn đề nóng hổi như Thơ trẻ, sự kiện Hoa thủy tiên,..mới được công khai đưa lên bàn mổ xẻ trước mắt bàn dân thiên hạ, giới văn nghệ tránh bị chụp mũ, trù dập trong bóng tối.

 

3. Sách in dạng photocopy

 

Trong lúc đại đa số kẻ làm thơ ở trong nước dẫu túng bấn tới đâu cũng cố gắng chạy giấy phép để được in tác phẩm (rồi để được cái gì nữa chúng ta hãy tạm cho vào ngoặc), thì một số ít người làm thơ khác hành xử ngược lại: công bố tác phẩm mình dưới dạng photocopy mà không cần xin giấy phép xuất bản của nhà nước. Vài thống kê sơ bộ: Của căn cước ẩn dụ của Nguyễn Quốc Chánh, Đại nguyện của đá của Đoàn Minh Hải, Bầu trời lông gà lông vịt của Trần Tiến Dũng, Nhiệt đới cát của Phạm Mạnh Hiên, Thơ tân hình thức của nhiều tác giả,…Trong đó lời mở của Nguyễn Quốc Chánh trong tập thơ của mình được xem là tuyên ngôn.

Công bố sáng tác theo dạng này được cái lợi là nhà thơ biết rõ địa chỉ đến của tác phẩm, nó được “phát hành” tới đâu, bao nhiêu; chứ không phải bạ đâu tặng đó để bị dzí vào những nơi nó không đáng bị dzí!

 

4. Trào lưu thơ Tân hình thức

 

Đây có lẽ là trào lưu duy nhất được khởi xướng sau Thơ Tự do của Sáng Tạo. Ra đời có giáo chủ hẳn hoi: nhà thơ Khế Iêm; với một đất thánh nghiêm túc: Tapchitho; bộ giáo lý đường hoàng: Tân hình thức, tứ khúc và những tiểu luận khác (Văn Mới xuất bản, USA, 2003) và, không thể nói là không lôi kéo được bao nhiêu là tín đồ nhiệt tình từ các giáo phái thơ khác, từ các vị bô lão, trung niên đến tận nam thanh nữ tú: Nguyễn Đăng Thường, Đỗ Kh, Nguyễn Hoàng Nam, Đoàn Minh Hải, Phan Tấn Hải, Mai Phương, Nguyễn Thị Khánh Minh, Nguyễn Thị Ngọc Lan, Trần Thị Minh Nguyệt, Inrasara, Trần Tiến Dũng, Bùi Chát, Lý Đợi, Khúc Duy,…

Chưa có trào lưu sáng tác nào được hưởng ứng sớm như thế, và dụ dỗ được nhiều nhà thơ vào cuộc rầm rộ như vậy. Còn nó có thọ hay không, tác động dài hạn đến phát triển thi ca tiếng Việt tới đâu thì tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố, cả trong lẫn ngoài văn học. Việt Nam mà!

 

5. Nhóm Mở Miệng

 

Nhóm thơ đầu tiên hạ sinh tại một gác gỗ trong khu ổ chuột thuộc quận Gò Vấp – Sài Gòn, gồm: Lý Đợi, Bùi Chát, Nguyễn Quán, Khúc Duy, đã làm tung bụi mù thơ phía Nam 2 năm qua. Trong đó, Lý Ðợi với Thơ và chúng tôi không làm thơ! (Talawas, 2004) được xem là một tuyên ngôn cho Thơ rác, cố gắng “Mở miệng từ La Hán phòng” (Talawas, 2004) và loay hoay tìm cách làm thế nào cho thứ thơ này được có mặt bình đẳng với các loại thơ khác tại Việt Nam. Và họ phần nào toại nguyện: Nhà xuất bản Giấy vụn được thành lập cấp kì để trình làng kịp thời vài tác phẩm “quan trọng”: Vòng tròn sáu mặt (sáu tác giả), Xáo chộn chong ngày của Bùi Chát… Nhất là bài viết chứa đựng nhiều quan niệm và thông tin lâu nay bị cho là thứ taboo văn nghệ Việt Nam: Tâm tính thơ trẻ Việt Nam những năm đầu thế kỉ XX, được đăng chễm chệ trong báo Thơ của Hội Nhà văn (số 10.2003). Hãy xem Nhóm này còn làm gì nữa, và sẽ góp phần đẩy cỗ xe thơ Việt tới đâu?

Nhà nước chớ lo sợ thơ mà làm gì, cứ tự do cho họ mở miệng!

 

6. Thơ dịch của Diễm Châu

 

Hàng loạt giọng thơ, khuôn mặt thơ quốc tế với hệ thi pháp khác nhau được Diễm Châu dịch giới thiệu trên Tienve thời gian qua phải được xem là một thách thức quá lớn đối với các nhà thơ Việt đương đại. Các nhà thơ Việt chủ yếu đọc thơ tiếng Việt, hoặc tiếp cận thơ nước ngoài qua bản dịch còn khan hiếm lại thiếu hệ thống; chỉ một số rất ít đọc thẳng ngoại ngữ, nhưng nhìn chung là khó nhọc. Nói thế để biết công lao cực lớn của dịch giả ẩn cư này. Nó mở mắt cho rất nhiều người làm thơ biết mình đang đứng (hay ngồi hoặc nằm) ở đâu để mà gồng mình lên chạy cho kịp thiên hạ, chớ có nằm lì ao nhà mà tự huyễn với vài ba tên tuổi tầm tầm đã cũ mèm không biết xúc đổ vào đâu.

 

7. Sự kiện Hoa thủy tiên

 

Sự kiện Hoa thủy tiên thời gian qua làm rung rinh ít nhất tòa nhà tưởng khá kiên cố của Hội nhà văn Việt Nam. Qua đó, rất nhiều người cầm bút Việt Nam giật mình soi lại mình, soi lại thái độ văn chương lẫn thái độ sống của mình; thấy được cái đớn hèn một cách vô phương cứu chữa của không ít nhà mình hôm nay. Chúng ta thiếu chuyên nghiệp, đã đành: chúng ta bận chiến đấu thống nhất đất nước; chúng ta mới có các tác phẩm “tầm tầm không nhỏ mà cũng không lớn”, không sao: lâu nay chúng ta thường xuyên lo chạy chuyện đói no hằng bữa. Tthế nhưng hôm nay đất nước “đã về một mối”, cuộc sống dân Việt đã tạm no đủ, tại sao quý ngài chả đẻ nổi nửa tác phẩm lớn? Chẳng phải các ngài cứ nhìn thấy bóng quyền lực là run rẩy, quỳ mọp trước đồng tiền, vãi ra quần trước cái mới sao? Dù sao, sau vụ cháy này, thành viên Hội nhà văn bỗng chốc yêu thương đùm bọc nhau hơn, vài mặt chuột lòi ra rõ hơn, tư cách nhà văn mất giá trước cái nhìn của người đọc nhiều hơn. Ngoài ra, chẳng đáng đồng xu nào cả!

 

8. Tác phẩm quan trọng nhất

 

Tôi không nói tác phẩm lớn hoặc hay nhất mà là: quan trọng nhất. Trong tình hình và khí quyển văn học Việt Nam đương đại, nó có mặt “như một thách thức. Với giới nghiên cứu, nó thách thức về khả năng chiếm lĩnh, phân tích và tổng hợp tài liệu. Với giới phê bình, nó thách thức về năng lực cảm thụ, và đặc biệt về đạo đức văn học vốn được thể hiện ở thái độ thẳng thắn và dứt khoát trước mọi cái sáo và cái giả. Với giới sáng tác, những vấn đề thuộc về mĩ học cũng như thi pháp được trình bày kĩ lưỡng trong cuốn sách này là một thách thức cần được vận dụng hay vượt qua để trở thành một tác giả ngang tầm thời đại”. (Nguyễn Hưng Quốc, "Lời giới thiệu"). Đó là tập tiểu luận-nghiên cứu của Hoàng Ngọc-Tuấn: Văn học hiện đại và hậu hiện đại qua thực tiẽn sáng tác và góc nhìn lý thuyết (Văn nghệ, USA, 2002). Tôi không kể bộ sách 2 tập: Văn học hậu hiện đại thế giới, do Nxb Hội Nhà văn in năm 2003, bởi tác phẩm này không có cái nhìn nhất quán xuyên suốt; vả lại trong tập đầu cũng đã trích in 3 bài của Hoàng Ngọc-Tuấn rồi.

 

9. Các bài viết giá trị nhất

 

1. Phạm Thị Hoài: "Nhà văn thời Hậu đổi mới" (Talawas, 2004). Vẫn giữ được phong thái tài hoa và sắc sảo như đã từng, trong bài này Phạm Thị Hoài chỉ cho chúng ta thấy: “Hậu đổi mới là thời hoàng kim của tự kiểm duyệt” các nhà văn “tự lập bản đồ các vùng an toàn cho mình…canh gác mình, canh chừng nhau và canh chừng cho nhau”. Đau lắm, mà đáng lắm! Và nhục nữa: “Từ vài năm nay, bộ óc tự do nhất tại Việt Nam không phải là bộ óc nhà văn nào. Mà là tờ An Ninh Thế Giới

2. Nguyễn Hưng Quốc, tôi chưa thấy bài nào của nhà phê bình này dở cả. Lạ! Một nhà phê bình văn học có kiến thức uyên bác là chuyện đương nhiên rồi, lí luận vững với nhận xét sắc bén là điều không phải bàn, viết hay và hấp dẫn thì tốt nhưng cũng chưa đáng nói lắm, điều quan trọng nhất anh làm được là kích thích kẻ sáng tạo, lại là sáng tạo ở phía trước. Một tên tuổi đáng nể! Hai bài đáng giá nhất của nhà này năm qua, theo tôi, là: "Tính đại chúng, kẻ thù của văn học""Con cặc". Tôi ngần ngừ, lẽ nào ôm cả 2 em Vân lẫn em Kiều? Cuối cùng tôi viết 2 tờ giấy bỏ vào thùng phiếu (như đảng Dân chủ với Cộng hòa ở Mỹ ấy) và xóc: oái ăm thay, tôi vớ ngay: Con cặc, thiệt đã!

3. Phan Nhiên Hạo với bài: "Nhà văn thế hệ sau chiến tranh và ông vua cởi truồng" (Talawas, 2004) là một tiểu luận rất chuyên nghiệp. Và cần thiết. Anh đã bắt đúng mạch, bốc đúng thứ thuốc chữa trị căn bệnh của văn chương Việt: “Tình trạng ‘phi chính trị’ trong văn chương hiện nay là một màn kịch khổng lồ mà đa số các ‘nhà văn thế hệ sau chiến tranh’ đang vô tình hay cố ý tham dự, cả trong lẫn ngoài nước”.

Tiếc rằng có vài chi tiết anh đã mâu thuẫn với chính mình ở các bài viết trước đó.

4. Inrasara trong bài phê bình tập thơ Thở: "Nguyễn Hoàng Tranh, thơ như là một giải trừ thói quen" (Tienve, 2004). Bài phê bình của người phê bình nghiệp dư nhưng đã đánh động một vấn đề cốt tủy của văn chương Việt: luôn bị ám bởi chính trị. Thơ Nguyễn Hoàng Tranh vừa gồng gánh đồng thời giải trừ điều ấy. Inrasara bắt được thần hồn tập thơ. Đó là bài viết rất phi-chính-trị, anti-chính trị hoặc đúng hơn: giải-chính-trị (thử ghép từ Tây đùa chơi: de-politique). Phật thuyết phi chính trị tức phi-phi chính trị thị danh phi chính trị! Inrasara còn có bài thơ sáng tác đặc trưng tinh thần này: "Hắn" (eVan, 4.2004). Không ngờ người viết giải-chính-trị hay lại là người thuộc tộc Chăm!

 

10. Các sáng tác hay nhất

 

"Lỗ thủng lịch sử" (Nguyễn Hữu Hồng Minh, Tienve, 2004). Bài thơ gây sốc với người quen đọc văn bản văn chương theo dấu chân voi chính trị, nhưng gây rùng mình cho ai đọc nó trong tinh thần văn hóa. “Đặng Thiều Quang, hãy chết đi Quang!” Câu thơ vang dội vào hố thẳm lịch sử Việt Nam và tâm hồn mọi dân Việt. Nó thức tỉnh chúng ta: hoặc chúng ta hành động ngay bây giờ, hoặc chết!!! Cám ơn bạn thơ trẻ.

Bạn đừng hãi gì cả (để đưa lên rồi lại cất xuống lại đưa lên – tục gọi là hai lên một xuống!). Bạn có vào hay ra văn học sử Việt Nam (nếu bạn thấy khoái vụ này) cũng chính bằng bài này. “Hắn (Wũ tôi) khẳng định điều đó”!

Phan Bá Thọ: "Hemingway & bướm, nguyễn & xe tăng" (Tienve, 2004). Đây là bài thơ hay, cái hay hậu hiện đại: tinh nghịch, ba trợn, lắp ghép bất ngờ, hiện thực và tưởng tượng trộn lẫn tùy tiện đầy khoái hoạt. Bài thơ vui vẻ kiểu mới.

– Tôi cũng mạnh dạn bình bầu bài thơ mang tính toàn cầu của Wũ tôi: "Quà tặng của quỷ sứ" (Tienve, 2004). Thời sự nóng trên thế giới được cập nhật. Thơ cụ thể thường được sử dụng như trò chơi, ở đây tôi làm thiệt. Gởi nó cho Tienve, tôi nhắn các anh phần cuối bài thơ phải được bố trí giống như trái bom khủng bố nổ tan tất cả thứ tiếng yếu ớt kia, các thứ tiếng rơi vãi như đang xúm lại van xin, Khủng bố vẫn cứ ta là ta. Cuối cùng chính nó tan xác để chỉ còn lại dấu chấm đen, rồi khoảng trống. Và, Hư vô sẽ giữ lại tất cả, nói như M. Heideggger.

– Không thể không kể đến Võ Phiến với "Vươn ra ngoài cuộc sống" (Tienve, 2004). Tôi không ngờ ông già lại gân đến thế, trường sức như thế: vừa thâm thúy vừa có duyên, lại hấp dẫn nữa.

– Và cuối cùng: "Ngày 30 tháng Tư của tôi" của Đỗ Kh (Talawas, 2004).

Bài viết cực hay, tôi chỉ nói thế, và muốn bạn đọc tiếp xúc trực tiếp văn bản. Chỉ thấy rằng “chiếc quần lót màu xanh” bay phấp phới trong bầu trời chữ nghĩa hôm nay như là một cánh chim lạ, một biểu trưng giải hoặc có khả năng chuyển giao thế hệ, sẵn sàng mở đường bay mới cho văn chương Việt Nam bay thẳng vào vũ trụ văn chương nhân loại.

 

11. Bạn đọc

 

Nhân tố quan trọng, như nền đất cho mọi nền/dòng văn học. Cả người đọc đọc trong im lặng, đọc và lên tiếng hay đọc rồi (bực quá) cũng hăng hái nhảy lên diễn đàn, như Wũ này vậy.

Như thế là đã đủ số lượng cầu thủ cho một đội bóng. Tôi thử lập đội hình 1 – 4 – 4 –2.

 

 

Thủ môn/Dida

Độc giả

 

Trung vệ 1/Stam                    Trung vệ 2/Nesta

Các trang Web                        Thơ Photocopy

 

Hậu vệ phải/Cafu                                                            Hậu vệ trái/R.Carlos

   Báo THƠ                                                                   Thơ dịch của Diễm Châu

 

Tiền vệ thủ/Vierra

Sự kiện Hoa thủy tiên

 

Tiền vệ phải/Lampard                                                 Tiền vệ trái/Pires

Tác phẩm quan trọng nhất                                        Trào lưu Tân hình thức

 

Tiền vệ kiến thiết/Zidane

Các bài viết giá trị nhất

 

Tiền đạo 1/Nistelrooy                                                    Tiền đạo 2/Henry

        Nhóm Mở miệng                                                    Các sáng tác hay nhất

 

 

Lời kết: mời quý độc giả hãy đọc (nhìn) nó như một bài thơ hậu hiện đại-mới.

 

Núi Xám. 19.05.2004.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021