thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
CHÂN PHƯƠNG - Nhà văn Việt Nam nghĩ về Hội Nhà văn Việt Nam: “Tự sự của lồng chim” và “thực tế của xà lim”

 

Hoàng Ngọc-Tuấn thực hiện

 

Dưới đây là những câu hỏi do Hoàng Ngọc-Tuấn đặt ra để phỏng vấn các nhà văn Việt Nam trong nước và ngoài nước nhân dịp Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII. Những câu hỏi này được gửi đến rất nhiều người, cả những người đang là Hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam lẫn những người ở bên ngoài Hội. Những bài trả lời sẽ được đăng trên talawas và Tiền Vệ.

_________________

 

Hoàng Ngọc-Tuấn: Hôm nay, 04/08/2010, Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII đang diễn ra tại Hà Nội. Cách đây vài ngày, blogger Nguyễn Xuân Diện viết trong bài “Nghẹt thở theo dõi diễn biến Đại hội Nhà văn” như sau: “Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 8 sắp khai mạc. Văn giới sẽ có cuộc tụ họp cực kỳ hoành tráng tại một nơi cũng cực kỳ hoành tráng, đó là Học viện Nguyễn Ái Quốc (Trường Đảng Cao cấp Nguyễn Ái Quốc, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)...”

Anh/chị có cảm tưởng gì về cái sự kiện “hoành tráng” này?

 

Chân Phương: Có thể tập đoàn quyền lực Hà Nội đang bị ám ảnh vì hai bộ phim tuyên truyền cực kỳ hoành tráng là Kiến quốc đại nghiệpKhổng Tử để kỷ niệm 60 năm hiện hữu của Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa ra mắt thế giới trong thời gian gần đây. Dù tài sức không bằng, băng đảng Ba Đình cũng phải bày ra một trò “hoành tráng” theo kiểu local địa phương rất mực… Thế là bên cạnh tuồng hát bội THĂNG LONG NGHÌN NĂM, nhân dân còn được xem miễn phí vở chèo ĐẠI HỘI NHÀ VĂN! Cảm tưởng của tôi thế này: căn cứ trên các sự kiện vừa kể, điều mà tập đoàn Hà Nội đang cần gấp là chẩn bệnh và trị liệu tâm trí.

 

Hoàng Ngọc-Tuấn: Đại hội “hoành tráng” đến thế mà nhà văn Tạ Duy Anh, một hội viên, lại phát biểu trong một cuộc phỏng vấn (đăng trên talawas) có nhan đề “Chưa khi nào nhà văn xứng đáng bị coi thường như hiện nay” rằng: “Khi nghe tin Đại hội tiến hành ở Cung Văn hoá Hữu nghị, tôi nghĩ là mình sẽ tham gia. Nhưng nay chuyển đến địa điểm mới thì có thể nói 90 % là tôi không dự. Kể cả dự hay không dự thì tôi cũng không kỳ vọng bất cứ điều gì ở Đại hội. Dở hơi mà kỳ vọng vào cái thứ hão huyền. Chúng ta cứ hay long trọng hoá cả những trò vốn chỉ sinh ra để mua vui, (cho vài kẻ cầm trò cực kỳ xỏ lá nhưng giấu mặt) nên mới cứ căng thẳng một cách xa xỉ như vậy.”

Anh/chị nghĩ thế nào về lời phát biểu này?

 

Chân Phương: Câu nói của Tạ Duy Anh – và chắc chắn ông không phải là người duy nhất có được ý thức này (chúng ta ai mà không biết bài thơ BÁNH VẼ của Chế Lan Viên!) – cho thấy rằng tập đoàn đảng trị Hà Nội lâu nay đã đánh giá quá thấp giới cầm bút Việt Nam… Trong khi, ngược lại, giới cầm bút Việt Nam chẳng ngu dại gì, dù bắt buộc phải bày những trò mua vui cho bọn cấp trên. Giới văn nghệ Việt Nam ở nước ngoài đừng bao giờ chủ quan rằng ta cao kiến hơn những kẻ trong luồng; biết đâu chừng les derniers des imbéciles chính là chúng ta chứ không phải họ!

 

Hoàng Ngọc-Tuấn: Theo một bản tin trên trang web của Hội Nhà Văn Việt Nam , lần này, có 150 nhà văn từ Sài Gòn ra Hà Nội để tham dự Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII. Trước khi họ lên đường, ông Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM đã có cuộc gặp họ vào chiều ngày 22/07/2010.

Theo anh/chị, trong thời buổi kinh tế thị trường theo định hướng XHCN này, tại sao Đảng lại quan tâm đến văn chương như vậy?

 

Chân Phương: Tập đoàn đảng trị ở Việt Nam đang lúng túng về nhiều mặt. Kinh tế tư bản thị trường với cuộc khủng hoảng toàn cầu kéo dài cộng thêm tham vọng bá quyền của Bắc Kinh càng ngày càng đe dọa chủ quyền kinh tế, chủ quyền địa lý, kể cả chủ quyền chính trị – quân sự của Hà Nội. Chính vì vậy mà nhóm mafia này phải bám vào cái phao huyền thoại THĂNG LONG đồng thời mượn lá bài dân tộc chủ nghĩa ĐẬM ĐÀ BẢN SẮC để ngụy tạo cho mình một thứ légitimité historique (tính chính đáng lịch sử) mà họ đã không còn độc quyền kể từ ngày hệ thống cộng sản quốc tế tiêu vong.

Trong cuộc thảo luận bàn tròn trên LitViet trước đây đúng một năm tôi đã có dịp phân tích về lý do tại sao Đảng, đúng ra là Ban Tuyên giáo của Đảng, lại quan tâm đến giới văn nghệ sĩ nhiều như vậy. Tổ chức Đại hội Nhà văn Việt Nam sẽ cho họ cơ hội đánh bóng lại cái chuồng trại văn hoá của chế độ toàn trị made in Viet Nam! Và một lần nữa trang trí hoa lá cho “tự sự của lồng chim” để tiếp tục che đậy “thực tế của xà lim”!

 

Hoàng Ngọc-Tuấn: Năm 2007, trong bài “50 năm Hội Nhà văn Việt Nam: Tài sản lớn của một chặng đường” , nhà thơ Phạm Tiến Duật có kể ra 4 tài sản lớn của Hội Nhà văn Việt Nam, gồm có: 1/ tài sản lớn nhất của Hội Nhà văn Việt Nam là sự đoàn kết trong đội ngũ những người viết văn vì sự nghiệp của Ðảng, của nhân dân; vì sự nghiệp văn học sâu xa và lâu dài của dân tộc; 2/ tài sản thứ hai của Hội Nhà văn Việt Nam là lấy việc tôn vinh học thuật đỉnh cao, tôn vinh cá tính sáng tạo riêng biệt của mỗi tài năng là công việc hàng đầu và quan trọng nhất; 3/ tài sản thứ ba của Hội Nhà văn Việt Nam là tấm lòng của mỗi nhà văn và của Hội đối với người cầm bút trẻ; 4/ tài sản lớn thứ tư của Hội Nhà văn Việt Nam là xây ngôi nhà của mình thành ngôi đền lớn của văn học dân tộc.

Anh/chị nghĩ thế nào về những “tài sản” đó?

 

Chân Phương: Các bạn trả lời phỏng vấn mấy hôm vừa qua đã nói lên nhiều ý nghĩ phê phán vừa dí dỏm vừa chính xác về vấn đề này. Nhắc đến “ngôi đền lớn của văn học dân tộc”, phần tôi xin được thắp nén nhang trước đền để tưởng nhớ các vị như Văn Cao, Nguyễn Tuân, Trần Dần, Hữu Loan, Phùng Quán, Nguyễn Minh Châu, và bao nhiêu anh linh khác từ thời đấu tố và Nhân Văn – Giai Phẩm… cho đến nay đã làm nên cái tài sản có thật của lương tâm và ý thức nghệ sĩ Việt Nam.

 

Hoàng Ngọc-Tuấn: Hội Nhà văn Việt Nam có tham vọng trở thành “ngôi đền lớn của văn học dân tộc.” Nhiệm vụ của Hội là “tập trung tất cả nhà văn Việt Nam nhằm xây dựng một nền văn học tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.” Thế nhưng, gần đây, tôi đọc bài phóng sự “Các nhà văn về nguồn” trên trang web của Hội Nhà văn Việt Nam thì thấy cuộc “về nguồn” ấy, do chính ông Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, dẫn đầu đoàn nhà văn, đi đến xã Kim Bình huyện Chiêm Hoá, để viếng thăm nơi diễn ra Đại hội đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ I. Không lẽ cái “bản sắc dân tộc đậm đà” , cái nguồn của “văn học dân tộc” , nằm ở cái chỗ đó?

Theo anh/chị, ta nên lý giải cái logic này như thế nào?

 

Chân Phương: Đúng ra ông Chủ tịch và đoàn nhà văn Việt Nam phải khăn gói ba lô đến Hồng trường ở Mạc Tư Khoa để làm cuộc hành hương VỀ NGUỒN chân chính! Nhưng vì logic lịch sử đã đổi khác nên các vị đành dắt díu nhau đi đến xã Kim Bình!

 

Hoàng Ngọc-Tuấn: Ngày 29/07/2010 vừa qua, nhà báo Trang Hạ có viết bài “Em không phải là nhà văn” , đăng trên Trangha's Blog. Trong đó, Trang Hạ cho chúng ta thấy nhiều điểm rất thú vị trong nội tình của Hội Nhà Văn Việt Nam hiện nay (đạo văn, mạo danh, bao che, quỵt tiền...) và đặc biệt ngoạn mục là thái độ của ông Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đối với Trung Quốc và... tiền.

Theo anh/chị, những việc thú vị và ngoạn mục như thế diễn ra trong “ngôi đền lớn của văn học dân tộc” đã phản ảnh đúng mức cái “bản sắc dân tộc đậm đà” chưa? Hay là anh/chị còn biết những sự kiện thú vị và ngoạn mục hơn nữa để làm những ví dụ xác đáng hơn nữa?

 

Chân Phương: Sự kiện ngoạn mục và không cần phải bàn luận gì thêm là chính ông Hữu Thỉnh vừa tái đắc cử Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam! Hình như trước đây ông từng được tu nghiệp bên Trung Quốc, và điều này giải thích một phần cho sự thăng tiến công danh và thái độ văn hoá- chính trị của ông ngày nay.

 

Hoàng Ngọc-Tuấn: Nếu có một vị tiên trên trời hiện xuống ban cho anh/chị 3 điều ước về Hội Nhà Văn Việt Nam, thì anh/chị sẽ ước những gì?

 

Chân Phương: 1. Tất cả hội viên ngủ một đêm thức dậy tức khắc thông thạo, ít nhất là một ngoại ngữ quốc tế: Anh, Pháp, Đức, Nhật…; 2. Mọi hội viên đều biết dùng máy vi tính và có thể lướt sóng internet một cách tự do thường xuyên, không bị tường lửa hay tin tặc ngăn chặn; 3. Mọi hội viên đều được phục hồi trí nhớ một trăm phần trăm chống lại căn chứng mất trí tập thể (amnésie collective) để có thể ôn cố tri tân và hiểu rõ những gì đã xảy đến cho lịch sử và dân tộc Việt Nam.

Nếu vị tiên ấy có quyền phép thực hiện ba điều trên, Hội Nhà văn Việt Nam có thể tự giải tán và mỗi nhà nhà văn nhà thơ Việt Nam sẽ trở về với công việc và chức năng đúng nghĩa của người cầm bút: viết ra những dòng chữ chân thực của lương tâm nghệ sĩ và ý thức thời đại.

 

 

---------------

Bài liên hệ:

08.08.2010
phải tệ lắm dân mới cáu tiết / mới la mắng các bác rần rần / chỉ mặt kêu là bọn ăn bám / khi vẫn còn đủ cả tay chân // cầm bút viết theo chỉ thị đảng / làm văn nô tất bị khinh thường / có mấy bác dám đi lề trái / hay sẵn sàng lao động kiếm cơm? // nuôi mỗi năm mấy chục tỷ bạc / vẫn không có tác phẩm ra hồn / áo thụng vái nhau như cơm bữa / nhiều bác còn mang tiếng xảo ngôn... (...)
 
07.08.2010
... Theo tôi hiện nay Đảng không những không coi trọng thị trường, mà còn coi thường cái Chủ Nghĩa Xã Hội. Cái mà Đảng coi trọng và quan tâm nhất là sự sống còn của Đảng. Định hướng XHCN và thị trường là những phương tiện để những phe phái trong Đảng thoả hiệp và tranh giành quyền lợi... (...)
 
... Nếu Hội Nhà văn không thể tự mình thay đổi, cứ mãi già nua , bảo thủ, cũ kỹ, trở thành gánh nặng cho xã hội, trở thành lực cản của các nhà văn, thì nên giải tán nó đi và thành lập các hội khác... (...)
 
... Đại hội có diễn ra và có bầu cho những ai thì cũng chỉ là vậy, không ngoài cái quy luật này: Nhà cầm quyền muốn tìm những nhà cầm chữ biết ngắm trăng theo... nghị quyết... (...)
 
06.08.2010
... Tôi không tin có tiên, lại càng không tin có một vị tiên nào làm một việc “bất nhân” là ban cho ta một ân huệ để cầu ước cho hội ấy “sửa sai”. Bởi lẽ đó, nếu như bị ép quá, mà có một vị tiên được “bố trí” làm việc này, thì tôi chỉ xin một điều duy nhất: nếu hội ấy không được tái “cơ cấu” để biến mất, thì cho tôi không được nghe nói về nó nữa... (...)
 
... Hôm nay tác động của văn chương lên thực trạng xã hội là nhẹ hều, đúng hơn, chẳng là cái cóc khô gì cả. Nhưng văn chương vẫn nhận được một sự quan tâm quá mức cần thiết! Điều này có khi làm các nhà văn ngộ nhận rằng mình còn ngon, còn trọng lượng đáng kể, hay còn là tác nhân quan trọng có thể làm thay đổi xã hội! Bé cái nhầm, cả phía quan tâm và phía được quan tâm!... (...)
 
... Tôi có 3 mong-ước: a) Toàn zân tẩy chay Hội Nhà-văn Việtnam. b) Jải-tán Hội Nhà-văn Việtnam. c) Mỗi hội-viên của Hội Nhà-văn Việtnam fải đọc và học cuốn Văn-chương là jì? của J.-P. Sartre để hiểu sứ-mệnh và trách-nhiệm của nhà-văn trong jai-đoạn tối-tăm ở Việtnam hiện-tại... (...)
 
... Chỉ cần một điều: Cóc cần chơi với “đảng” nữa, e khá hơn chăng? Nếu không thì nên “phẹc mê bu tích”!... (...)
 
05.08.2010
... Hội Nhà văn Việt Nam và báo Văn Nghệ đã thành cái ao làng lâu rồi. Tôi ước: Lấp đi cái ao làng. Cái ao làng phải thật sự bị lấp để thách thức chính những kẻ quen sống trong ao...
 
... Văn học là Đảng, Đảng là văn học. Đảng nói dân cầm bút nghe. Dân cầm bút nghe Đảng nói. Bô bô cái lỗ miệng “xây dựng/xây đắp” thì dễ ợt ai mà chẳng làm được. Nhưng “dựng đắp” thì phải có công cụ (tài năng) và vật liệu (tác phẩm) và thời gian nữa chứ...
 
04.08.2010
... Sự quan tâm của Đảng dành cho văn chương chính là vì chưa bao giờ như hôm nay Đảng mất quyền kiểm soát đối với văn chương, đặc biệt là văn chương ngoài luồng và những thứ chữ nghĩa trên internet... (...)
 
... Lẽ ra phải nói là: Tài sản lớn nhất của Hội Nhà văn Việt Nam là tạo ra một cái nền gọi là văn học “dân tộc” dưới ánh sáng Mác–Lê, “tư tưởng” Hồ Chí Minh và Mao, một nền văn học tuyên truyền cự phách và một công cụ tuyên truyền toàn trị ưu việt. Nói như vậy nghe có vẻ thật thà đôi chút... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021