thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
[THƠ CỦA CA/NHẠC SĨ] Tự do của ta | Đã quá muộn | Sự cô đơn của tôi | Có một khu vườn
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
 
GEORGES MOUSTAKI
(1934~)
 
Georges Moustaki tên thật là Yussef Mustacchi, sinh ở Alexandrie, Ai-cập, ngày 3.5.1934, cha mẹ là người Hi-lạp gốc đảo Corfou. Gia đình Moustaki có một nhà sách ở thành phố dân tứ xứ: ở nhà ai nấy quen nói với nhau bằng tiếng Ý; ra đường trẻ con nói tiếng Ả-rập, ở trường, cậu Yussef lại học và nói tiếng Pháp, bởi bố mẹ cậu thích văn hóa Pháp, đã cho cả ba con theo học trường Tây. Rất sớm, Moustaki làm quen và rất thích văn chương và ca nhạc Pháp – và thường hát chơi các ca khúc của Charles Trenet, Tino Rossi, Edith Piaf... trước đàn dương cầm. Năm 1951, với bằng tú tài, Moustaki đến Paris, và ở nhà gia đình một bà chị có một tiệm sách, và kiếm sống bằng cách gõ cửa từng nhà để bán những tập thơ.
 
Có thể nói sự nghiệp ca hát của Georges Moustaki (bấy giờ đã có viết một số ca khúc) khởi đầu từ cuộc gặp gỡ tình cờ với Georges Brassens (1951/1952) ở quán rượu Trois Baudels. Cũng có thể nói tới những gặp gỡ tiếp theo, với các ca sĩ như Henri Salvador (1954), và Edith Piaf (1958) là người về sau có với nhau một mối quan hệ sóng gió nhưng kết thúc phũ phàng. Sau nguyên một năm theo chân Piaf lưu diễn, Moustaki trở về sống khá lặng lẽ, học nhạc và ghita cổ điển, đồng thời sáng tác cho các ca sĩ nổi tiếng như Colette Renard, Yves Montand... Phải đợi đến 1969, sau năm ba đĩa hát không mấy thành công, sau chuyến ngao du sơn thủy (1966) trên đất cội nguồn Hi-lạp, gặp và kết thân với Melina Mercouri, rồi sau đó trở về Paris và viết nhiều ca khúc cho Serge Reggiani (Ma solitude, Ma liberté...) cũng như cho Barbara (trong chuyến lưu diễn Moustaki hát chung với Barbara bài La longue dame brune), rồi sự xuất hiện thành công của ca khúc Le métèque với đĩa hát 33 vòng đoạt Giải Académie Charles-Cros, Moustaki mới thực sự trở thành... ngôi sao.
 
Khoảng năm 1970, từ trời Tây, tiếng hát và hình ảnh chàng thanh niên râu tóc và một đám nhạc sĩ bạn bè tưng bừng trình diễn trên sân khấu Bobino ở Paris đã bắt đầu quen thuộc với một số người Saigon, trong đó có tôi. Moustaki trên chiếc môtô to tướng đi khắp các thành thị và thôn quê nước Pháp rất nhịp nhàng với những lời ca của chàng da màu lãng tử: Saigon sau đó đã cùng với thế giới được nghe Il y avait un jardin, Il est trop tard, Joseph, Le temps de vivre, La mer m’a donné, rồi Déclaration, Portugal, Je suis une guitareLes eaux de mars (những ca khúc mang hơi thở bossa nova của Brasil)... Moustaki viết Les amis de Georges năm 1974, ghi lại kỷ niệm cuộc gặp gỡ đầu tiên với Georges Brassens, cũng là “mối tình đầu” của ông, là một trong những ca khúc được nhiều người yêu mến.
 
1975. Saigon “giải phóng”. Đĩa hát duy nhất của Moustaki tôi nghe lui nghe tới là cái đĩa 33 tours Georges Moustaki / Le Métèque mượn ở Centre culturel français trên đường Đồn Đất (cùng với một đĩa percussion của Nguyễn Thiện Đạo) và... quên trả. Tôi không biết thời gian này Moustaki đang làm gì. Chỉ biết là ông vẫn đi: Canada, Nhật bản, Mỹ, Đức, Ai-cập, Hi-lạp, Chile, Triều Tiên, Mễ-tây-cơ, các nước châu Phi... – nghĩa là khắp nơi. Đời Moustaki nghe nói từ đấy là cuộc đời của một nghệ sĩ phiêu bạt giang hồ, lấy cảm hứng từ những miền đất khác nhau, kết hợp với sâu thẳm trái tim ông là những ngọn nguồn chảy trong máu huyết, để xây dựng trong ca khúc Pháp của mình một thế giới dung dị, tự nhiên, sống động và truyền cảm. Chỉ biết là sau những thành công với Humblement il est venu, Prélude, Espérance (1975-77), rồi Si je pouvais t’aider, Et pourtant dans le monde (1979) và C’est là (1981), Moustaki bắt đầu bước qua một giai đoạn mới, hợp tác với nhóm nhạc Hà-lan và cho ra đời Moustaki & Flairk (1982), rồi liên tục chuyển hướng, kể cả việc khởi sự học đàn accordéon (từ 1980) để có thể liên tục làm những thay đổi mà ông từng gọi là cách mạng... thường trực. Sau đó nữa, là Ballades en ballade, rồi Méditerranéen, đặc biệt sau lần xuất hiện ở Câu lạc bộ jazz ở Paris (1995), Le Petit Journal Montparnasse, đĩa Tout le reste à dire (1996) là một biến cố đánh dấu con đường ca nhạc và cuộc sống gắn bó của ông bên cạnh bạn bè và quần chúng nghe nhạc của ông, điển hình, có thể nhắc đến chuyến lưu diễn cuối năm 1998 ở Varsovie, Ba Lan, nơi sự chào đón đã đi quá sức tưởng tượng của mọi người.
 
Những năm gần đây ông vẫn tiếp tục đi hát và không ngừng tham dự những liên hoan ca khúc. Riêng đầu năm 2002, 68 tuổi, ông đã tổng kết đoạn đường làm nghệ thuật của mình trong mười CD, gom lại những nỗi vui buồn ca hát trong bốn mươi năm – cũng là bốn mươi năm bầu bạn với những con người đã gặp gỡ, những miền đất đã đi qua. Gardez vos rêves – bài hát đầu đời của ông lại vang lên trong một đĩa hát 2003, cùng với Milord, bài ngày xưa ông viết cho Edith Piaf, kéo ông trở lại với năm ba chuyến lưu diễn nữa, kể từ năm 2004: Pháp, Tây-ban-nha, Bỉ, Thụy-sĩ, Đức, Tunisie, Algérie...
 
Moustaki không chỉ hát và viết ca khúc. Ông thích vẽ, thích đọc sách, thích văn chương, và ngoài hồi ký, ông còn viết truyện, làm thơ. Sách Georges Moustaki đã xuất bản và tái bản nhiều lần: Questions à la chanson (Stock, 1973), Les filles de la mémoire (Calmann-Lévy, 1989 – do Jorge Amado viết bài tựa, đã được dịch ra tiếng Ý, Hi-lạp và Tây-ban-nha), Le fils du brouillard (Fallois, 2000), Petite rue des bouchers (Fallois, 2001), Un chat d’Alexandrie (Fallois, 2002), Sept contes du pays d’en face (Actes Sud, 2006). G. Moustaki là một trong những nhạc sĩ rất sớm có tên trong tủ sách “Chansons D’aujourd’hui” (Georges Moustaki, Barthélémy Cécile, Seghers, 1970) và trong tủ sách “Poésie et Chansons” (Georges Moustaki, Barthélémy Cécile, Seghers, 1971), không kể vô số sách viết về ông, đáng ghi nhận hơn cả là Des paroles qui chantent (Pierre Delanoe, Pirot, 1999), La ballade du Métèque (Louis-Jean Calvet, Fayard, 2005), Chaque instant est toute une vie (Marc Legras, Le Marque Pages, 2005). Tôi thử viết ngắn, nhưng quả đã không làm được: viết về một cuộc đời đầy dẫy như cuộc đời ấy, khó có thể chọn giữ lại chỗ nào, lướt qua chỗ nào. Hơn thế, với cụ Moustaki nay đã quá thất tuần tôi lại không nỡ bỏ xuống một cái chấm...
Hoàng Ngọc Biên
 
 

Tự do của ta

 
Này tự do của ta
Lâu nay ta giữ mi
Như một hạt ngọc hiếm
Này tự do của ta
Chính mi đã giúp ta
buông dây buộc thuyền
Để đi bất cứ nơi đâu
Để đi đến tận cùng
Những đoạn đường vận mệnh
Để trong khi mơ ta hái được
Một đóa hồng trong gió
Trên một ánh trăng soi
 
Này tự do của ta
Trước ý muốn của mi
Lòng ta chịu khuất phục
Này tự do của ta
Ta đã cho mi tất cả
Cả cái áo cuối cùng của ta
Và ta đã đau khổ biết bao
Để có thể thoả mãn
Tất cả những đòi hỏi của mi
Ta đổi cả xứ sở
Ta đã mất cả bạn bè
Để được mi tin cậy
 
Này tự do của ta
Mi biết cách tước mất
Mọi thói quen của ta
Này tự do của ta
Mi là kẻ đã khiến ta yêu
Ngay cả nỗi cô đơn
Mi là kẻ đã khiến ta mỉm cười
Khi ta nhìn thấy hoàn thành
Một cuộc phiêu lưu đẹp đẽ
Mi là kẻ đã che chở cho ta
Khi ta tìm nơi chạy trốn
Để chăm sóc vết thương của mình
 
Này tự do của ta
Thế tuy nhiên ta đã bỏ mi
Một đêm tháng chạp
Ta bỏ đi khỏi
Những con đường hẻo lánh
Nơi ta từng sánh bước bên nhau
Khi chính ta không cảnh giác
Để chân tay trói buộc
Ta đã buông xuôi
Và ta đã phản bội mi
Để có được một nhà tù tình ái
Và cô giữ tù xinh đẹp
 
Và ta đã phản bội mi
Để có được một nhà tù tình ái
Và cô giữ tù xinh đẹp
 
Mời độc giả nghe: Ma liberté
 
 

Đã quá muộn

 
trong khi ta ngủ
trong khi ta mơ
kim đồng hồ vẫn quay
đã quá muộn
tuổi thơ ta đã xa
ta đã ngày mai rồi
thời gian trôi qua trôi qua
không còn lâu lắm nữa đâu
 
trong khi ta yêu em
trong khi ta có em
tình yêu đã đi mất
đã quá muộn
em đẹp biết bao
ta một mình trên giường
thời gian trôi qua trôi qua
không còn lâu lắm nữa đâu
 
trong khi ta ca
tự do yêu quí của ta
những kẻ khác đã buộc nó lại
đã quá muộn
có những người đánh nhau
ta ta không hề biết
thời gian trôi qua trôi qua...
không còn lâu lắm nữa đâu
 
tuy nhiên ta vẫn còn sống
tuy nhiên ta vẫn làm tình
có khi ta còn ca hát
với cây đàn ghi ta
cho đứa bé ta từng là
cho đứa bé ta từng làm
thời gian trôi qua trôi qua...
không còn lâu lắm nữa đâu
 
trong khi ta ca
trong khi ta yêu em
trong khi ta mơ
hãy còn thời gian.
 
Mời độc giả nghe: Il est trop tard
 
 

Sự cô đơn của tôi

 
ngủ với sự cô đơn của mình
thường đến nỗi
tôi đã biến nó thành gần như bạn gái
một thói quen êm ái
nàng không rời tôi một bước
trung thành như một chiếc bóng
nàng theo tôi đó đây
đến tận bốn góc trời
 
không tôi không bao giờ cô đơn
với sự cô đơn của mình
 
khi nàng nằm lún xuống giường tôi
nàng chiếm hết chỗ
và chúng tôi sống những đêm dài
cả hai bên mặt đối mặt
tôi thực tình không biết sẽ đi đến đâu
sự đồng loã này
tôi có nên tập quen mùi
hay cần phải phản kháng
 
không, tôi không bao giờ cô đơn
 
tôi chảy nước mắt bao nhiêu
qua nàng tôi học được bấy nhiêu
nếu thỉnh thoảng tôi bỏ rơi nàng
thì nàng lại chưa khi nào chịu thua
và nếu tôi thích yêu đương
với một cô gái khác
nàng sẽ là người bạn đường sau cùng
cho đến cuối đời tôi
 
không, tôi không bao giờ cô đơn...
 
Mời độc giả nghe: Ma solitude
 
 

Có một khu vườn

 
[Nói]
 
Đây là một bài hát cho những trẻ em
Sinh ra và sống giữa thép
Và nhựa bitum giữa bêtông và nhựa đường
Và có lẽ sẽ không bao giờ biết được
Trái đất chính là một khu vườn
 
Có một khu vườn mà người ta gọi là trái đất
Nó chiếu sáng dưới mặt trời như một trái cấm
Không đây không là thiên đường chẳng là địa ngục
Không có gì là chưa thấy hay chưa nghe nói.
 
Có một khu vườn một ngôi nhà của cây lá
Với một cái giường nệm cao su êm để làm tình
Và một con suối nhỏ cuộn chảy không gợn sóng
Đem tươi mát đến chốn này và theo dòng trôi đi.
 
Có một khu vườn to như cả một thung lũng
Người ta có thể đến đây sinh sống bốn mùa
Trên trái đất nóng bỏng hay trên cỏ băng giá
Và khám phá những loài hoa không có tên gọi.
 
Có một khu vườn mà người ta gọi là trái đất
Nó lớn đủ chỗ cho hàng ngàn trẻ em
Đây xưa là nơi ông cha chúng ta sống
Chính các vị cũng đã lấy lại từ ông bà của mình.
 
Ở đâu cái khu vườn lẽ ra chúng ta có thể sinh ra
Khu vườn lẽ ra chúng ta có thể sống vô tư trần trụi,
Ở đâu cái ngôi nhà cửa nẻo mở toang kia
Ngôi nhà nay ta vẫn tìm mà không còn tìm thấy nữa.
 
Mời độc giả nghe: Il y avait un jardin
 
---------------
Dịch từ nguyên bản tiếng Pháp: Il est trop tard & Ma solitude – trong Georges Moustaki, Le Métèque, Polydor, 1969. Ma liberté & Il y avait un jardin – trong Georges Moustaki, Georges Moustaki, Polydor, 1971.
 
Riêng bài Ma solitude có một bản khác, Georges Moustaki trinh bày theo bốn khổ thơ, mỗi khổ bốn dòng. Xin đọc dưới đây:
 
Ngủ với sự cô đơn của mình thường đến nỗi
Tôi đã biến nó thành gần như bạn gái một thói quen êm ái
Nàng không rời tôi một bước trung thành như một chiếc bóng
Nàng theo tôi đó đây đến tận bốn góc trời
 
Không tôi không bao giờ cô đơn với sự cô đơn của mình
Khi nàng nằm lún xuống giường tôi nàng chiếm hết chỗ
Và chúng tôi sống những đêm dài cả hai bên mặt đối mặt
Tôi thực tình không biết sẽ đi đến đâu sự đồng loã này
 
Tôi có nên tập quen mùi hay cần phải phản kháng
Không tôi không bao giờ cô đơn với sự cô đơn của mình
Tôi chảy nước mắt bao nhiêu qua nàng tôi học được bấy nhiêu
Nếu thỉnh thoảng tôi bỏ rơi nàng thì nàng lại chưa khi nào chịu thua
 
Và nếu tôi thích yêu đương với một cô gái khác
Nàng sẽ là người bạn đường sau cùng cho đến cuối đời tôi
Không tôi không bao giờ cô đơn với sự cô đơn của mình
Không tôi không bao giờ cô đơn với sự cô đơn của mình
 
 
Sách của Georges Moustaki:
 
----------
Để chia sẻ với nhà thơ Hoàng Ngọc Biên sự yêu thích đối với Goerges Moustaki, và để ôn lại những kỷ niệm với các bạn ở Việt Nam ngày xưa, tôi đã lục tìm lại từ những đĩa hát cũ kỹ để trích gửi đến độc giả mấy ca khúc minh hoạ cho những lời thơ trên đây. (Hoàng Ngọc-Tuấn).
 
 
Đã đăng:
Marc Chagall (1887-1985) hoạ sĩ Nga-Pháp, gốc Do-thái, là một trong những nhà mỹ thuật nổi tiếng nhất của thế kỷ 20. Trong các bức hoạ của tôi / Tôi đã cất giấu tình yêu của mình / Tôi ngụ trong đời tôi / Như cây trong rừng // Rừng nghe tôi nói / Rừng thấy khuôn mặt tôi / Vùi giữa ánh trăng / Như một kẻ đã chết cả nghìn năm... [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường]
 
Lâu lắm, lâu lắm, lâu lắm / Sau khi các thi sĩ khuất bóng / Những bài ca họ còn chạy rong trên đường phố... | Ngôi làng tôi dưới đáy sông / Nhớ lại những giờ khắc rất gần gũi / Khi bắt đầu ngày mới âm thanh vui / của những cái chuông bay bổng... | Biển / Ta thấy đang tung tăng dọc theo những vịnh nước trong / Lấp lánh ánh bạc / Biển / Của những phản ảnh vạn trạng / Dưới làn mưa... [Bản dịch của Hoàng Ngọc Biên & Hoàng Ngọc-Tuấn]
 
Charles Trenet (1913-2001), ca sĩ với chiếc gậy và chiếc "mũ phớt" (feutre) hoặc "mũ cói/mũ chèo thuyền" (canotier), lúc ca hay đảo tròng mắt, nổi tiếng cuối những năm 30 và những thập niên kế tiếp. Một ca sĩ-thi sĩ hay thi sĩ-ca sĩ, đã được giới ái mộ tặng cho cái biệt danh "anh chàng hát như điên" ("Fou Chantant")... Tôi nhớ mãi một cái góc phố / Hôm nay nó không còn đấy nữa / Tuổi nhỏ tôi nô đùa nơi ấy / Tôi vẫn còn chưa quên điều đó / Chỗ ấy có một cái hàng rào / Một lùm cây để phục kích nhau / Lũ du côn trong khu phố tôi / Kéo tới đó đập đánh nhau chơi... [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường]
 
Mick Micheyl (1922~) là một nghệ sĩ đa diện: hoạ sĩ, nhà trình diễn nhào lộn (acrobat), kịch sĩ, ca khúc tác gia, ca sĩ, và hiện nay bà là một nghệ sĩ điêu khắc trên thép... Một chú lỏi Paris / Là cả một bài thơ / Chưa hề ở xứ nào / Có được y như vậy / Vì chú nhỏ ti ti / Bé con tí tí này / Được mọi người đều si... [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường]
 
Wassily Kandinsky (1866-1944), nhà danh hoạ của thế kỷ 20, không chỉ tập trung vào việc vẽ. Ông nói: "Marc và tôi đã ném chính mình vào hội hoạ, nhưng hội hoạ đơn thuần không làm chúng tôi thoả mãn..." Thế rồi, ông làm thơ... Mặt. / Xa. / Mây. / . . . . / . . . . / Một người đàn ông đứng đó với một cây kiếm dài. Cây kiếm dài và to bản. Rất to bản... | Ôi, hắn đi chậm làm sao. / Giá như ở đó có một người nào bảo hắn: Nhanh hơn, đi nhanh hơn, nhanh hơn, nhanh hơn, nhanh hơn, nhanh hơn... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn]
 
Paul Klee (1879-1940) luôn được thế giới tưởng nhớ như một thiên tài hội họa, nhưng... ông cũng làm thơ. Trong khi đang nhai một con người, / con sói giảng giải / cho bầy chó: // Nói cho tao biết... đâu... thế rồi... là... / nói cho tao biết... đâu? / thế rồi... là thượng đế của lũ con người?... | Tôi đứng trong bộ giáp trụ kín mít / Tôi không có ở đây / Tôi đứng trong những chiều sâu / Tôi đứng đằng xa... / Tôi đứng rất xa... / Tôi toả sáng cùng người thiên cổ... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn]
 
Léo Ferré (1916-1993) là một trong ba chàng "ngự lâm" của ca khúc Pháp, được quần chúng âu yếm gọi là ca sĩ-thi sĩ hay thi sĩ-ca sĩ, cùng với Georges Brassens và Jacques Brel... Đó là những kẻ kỳ cục sống bằng ngòi bút / Mà cũng có khi không sống tuỳ lúc của mùa / Đó là những kẻ kỳ cục xuyên qua sương lạnh / Với những bước chân chim dưới cánh của ca thi... [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường]
 
Jean Hans Arp (1886-1966) là một điêu khắc gia lừng danh thế giới và cũng là một họa sĩ kiêm thi sĩ viết bằng hai thứ tiếng Pháp, Đức... Trước tiên phải để mọc lên những hình dạng, sắc màu, ngôn từ, cung độ và kế đó giải thích. / Trước tiên phải để mọc lên những bắp chân, những chiếc cánh, những bàn tay và kế đó để chúng bay chúng ca hát hình thành biểu hiện... | Thánh đường là một trái tim. / Làm sao tôi nói được / Thánh đường Lộ-trấn / là một trái tim?... [Bản dịch Diễm Châu]
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021