thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Mùa thu nhiệt đới
 
Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn
 
 
STUART DYBEK
(1942~)
 
Stuart Dybek — nhà thơ, nhà văn — sinh năm 1942 tại Chicago, Illinois. Ông là tác giả của hai tập thơ: Brass Knuckles (1979) và Streets in Their Own Ink (2004); và ba tập truyện: Childhood and Other Neighborhoods (1971), The Coast of Chicago (1990), và I Sailed With Magellan (2003) [đây là một cuốn tiểu thuyết gồm 11 "chương", mỗi "chương" là một truyện ngắn]. Thơ và truyện của ông được đăng trong nhiều tuyển tập và xuất hiện thường xuyên trên các tạp chí văn học như Harper's, The New Yorker, Atlantic Monthly, Poetry, Tin House, Ploughshares, và Triquarterly.
 
Dybek đỗ Thạc sĩ Nghệ Thuật (MFA) tại University of Iowa, và Thạc sĩ Văn Chương (MA in Literature) tại Loyola University Chicago. Ông đã từng giảng dạy tại Western Michigan University và hiện đang giảng dạy tại Northwestern University.
 
Ông đã đoạt nhiều giải thưởng, trong đó có Lannan Prize, PEN/Malamud Award, Whiting Writers' Award, Guggenheim, nhiều lần đoạt giải O. Henry Prize và nhiều tác phẩm được chọn vào The Best American Short StoriesThe Best American Poetry.
 
 

Mùa thu nhiệt đới

 
(gửi David)
 
Chiếc vỏ của một con ve bám vào màn cửa là tất cả những gì còn sót lại từ bài ca chói chang rộn rã đêm qua.
 
Và sáng nay, một con chim gõ kiến, có lẽ đã di cư từ rừng sồi vây quanh chiếc hồ đầy thủy điểu nơi chúng tôi vẫn thường vây bắt cá măng với tiếng đập vồ đùng đục trong sương mù, đánh thức tôi bằng tiếng mổ vào trụ điện thoại như thể đang đánh máy Pho Tiểu Thuyết Hoa Kỳ Vĩ Đại. Tôi không biết nó tìm kiếm điều gì, không phải là những con mối — những trụ điện thoại ở đây đều làm bằng bê tông.
 
Dọc con đường lớn trải xuôi theo hướng gió, đầy ổ gà, băng qua Stumpy Point, những vỏ cua đất bị vứt lăn lóc mốc meo như những chiếc xe hơi phế thải dưới mặt trời. Dù phải chịu nguy hiểm trước lũ chồn đèn, đây là lúc bầy rắn lục quằn quại thoát khỏi những lớp da cũ. Lúc này, dọc theo những đoạn đường vắng người về hướng Michigan, những cây phong hẳn đang trút bỏ những màu sắc nhạt hơn màu đan phượng.
 
Bức thư của bạn, mang con dấu bưu điện ngoại quốc từ quê nhà, đang đợi General Delivery chuyển đến: những tin tức về bạn bè (một cuộc sẩy thai, một cơn kích ngất vì thuốc, một chuyện ly dị) xen lẫn với một lời mô tả về lớp sương giá đầu tiên trên khung kính cửa sổ của xưởng máy bỏ hoang mà bạn đang cư trú, về những chiếc lá sặc sỡ bay lòng vòng trong cái công viên thảm hại gọi là quảng trường Bug House nơi bạn đi săn tình từ những thằng con trai mặc áo da mà bạn vẽ thành những bức chân dung. Cả những mảnh đời và thời tiết thân quen, bạn viết, đều rã rời vỡ vụn.
 
...
 
Ở đây, tôi không biết chắc phải gọi nó là gì; một mùa trôi qua nhưng không có tên gọi. Những cây cà chua héo rũ vào lúc những quán ăn ngưng cung cấp nước. Những bụi cây dại quằn quại vì thằn lằn nhung nhúc. Nó làm điên tiết chú mèo hoang tôi nhặt được. Tôi muốn đặt tên cho chú là Pogo hay Nijinsky — Jinn, gọi tắt là thế. Nhảy cỡn đã biến thành cách bình thường để chú đi từ chỗ này đến chỗ khác.
 
Hôm nay là Thứ Bảy. Tôi đang ngồi dưới một tấm bạt phất phơ, nhấm nháp một cà phê đá tẩm rượu Kahula, nhìn xuống vịnh sóng dập dềnh nơi mới tuần trước đây một chiếc thủy phi cơ chở đầy khách ngoạn cảnh bị lật úp trước khi cất cánh. Những áo phao khoác bên ngoài những chiếc sơ mi du lịch, hành khách bò dọc theo cánh máy bay để chui ra. Chẳng ai bị thương, đúng ra, họ đều cười toe toét. Một cặp — đang hưởng tuần trăng mật, sau đó tôi nghe nói vậy — từ chối lên ghe cấp cứu, để tự thả trôi vào bờ...
 
Ngay cả trong bóng mát, trang giấy này mang một sắc trắng muốt. Tôi đang viết thêm một bức nữa trong mớ thư mà bạn cho rằng tôi không bao giờ hoàn tất để có cớ khỏi phải đi gửi, thế nhưng, Bạn Thân Mến, tôi vẫn quan sát thế giới như thể đang thông báo lại cho bạn, tôi nhìn qua đôi mắt bạn bất cứ khi nào có điều gì lạ lùng hay đẹp đẽ.
 
Có lẽ, dưới những làn da đang thay lông, mùa thu dường như không thể tránh mang vẻ biểu tượng về những cuộc hành trình của bản ngã xuyên qua những bản ngã. Nhưng tôi đã dời đến đây, nơi sự đổi thay được đo bằng từng độ nhỏ; sẽ hết trọn chu kỳ một năm để có thể nói khi nào mùa hè chấm dứt.
 
 
-------------
Dịch từ nguyên tác Anh ngữ “Tropical Autumn”, trong TriQuarterly, Fall 1998 (Issue 103) 13.

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021